Kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022)

Hát về những người con trung hiếu

Thứ Năm, 28/07/2022, 16:22

Dân tộc Việt Nam ta có nhiều truyền thống tốt đẹp. Một trong những truyền thống đó là "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây". Đạo lý này đã được biểu hiện rõ trong nền ca khúc cách mạng Việt Nam. Một tỉ lệ bài hát đáng kể đã được dành để nói về những anh hùng liệt sĩ - những người con trung hiếu của Tổ quốc.

Bài hát ra đời sớm và được nhiều người biết đến để ghi công ơn những chiến sĩ đã quên thân mình, hy sinh vì dân vì nước là "Hồn tử sĩ" của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Bằng một giai điêu trầm lắng, tiết tấu chậm rãi, bài hát như một khúc mặc niệm của những người còn sống trước vong linh những người đã ngã xuống: "Đêm khuya âm u, ai khóc than sương mù…". Với tính khái quát cao của lời ca và hình tượng âm nhạc, ca khúc này đã trở thành "bài ca mặc niệm" của mọi người tại các buổi lễ sau khi chào cờ, bằng phần diễn tấu nhạc không lời của dàn quân nhạc.

Mỗi trang vàng của lịch sử Cách mang Việt Nam đều gắn với những người con tiết liệt. Tên tuổi những Lý Tự Trọng, Võ Thị Sáu, Kim Đồng… đã sống mãi trong sự ngưỡng mộ, biết ơn của các thế hệ người Việt Nam. Nhạc sĩ Phong Nhã có bài "Kim Đồng" được nhiều em thiếu nhi và người lớn ưa tích: "Kim đồng quê hương Việt Bắc xa mù, Kim Đồng thay cha rửa mối quốc thù…".

Người Việt Nam biết ơn chị Võ Thị Sáu, người con gái đã đi vào huyền thoại khi mới 16 tuổi, và bài "Biết ơn chị Võ Thị Sáu" của Nguyễn Đức Toàn quả là xứng đáng với tầm vóc lớn lao của sự hy sinh cao cả đó. Bằng một loạt những nốt luyến ở các chùm ba, tác giả tạo ra tiếng khóc nức nở, nghẹn ngào của người còn sống trước cái chết kiêu hùng của người con gái còn rất trẻ quê ở vùng đất đỏ Bà Rịa: "Mùa hoa lêkima nở, ở quê ta miền đất đỏ, thôn xóm vẫn nhắc tên người anh hùng đã chết cho mùa hoa…".

untitled-10.jpg -0
Sự hy sinh anh dũng của những người con ưu tú như Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu (1933-1952), Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi (1940 - 1964)... luôn là nguồn cảm hứng cho các văn nghệ sĩ.

Nếu những Lý Tự Trọng, Võ Thị Sáu không khuất phục trước kẻ thù, sẵn sàng đón nhận cái chết trước mũi súng quân thù để "cho lá cây thêm xanh" (Ca ngợi Lý Tự Trọng), để "mùa hoa lêkima nở, mầm xanh lan tràn xứ sở" (Biết ơn chị Võ Thị Sáu) thì những Bế Văn Đàn, Ngô Mây lại không tiếc thân mình cho một trận đánh thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Bế Văn Đàn đã lấy thân mình làm giá súng để đi vào bài "Bế Văn Đàn sống mãi" của Huy Du. Ngô Mây dũng cảm ôm bom lao vào quân giặc để thành một hình tượng rất đẹp trong "Bài hát Ngô Mây" của Nguyễn Đức Toàn.

Nối tiếp truyền thống những người lớp trước, sau này, những Lê Thị Hồng Gấm, Lê Đình Chinh đã tô đẹp thêm trang sử anh hùng. Về hai người con trung hiếu này, nhiều bài hát hay gây xúc động lòng người đã ra đời: "Những cánh chim Hồng Gấm" (Phạm Tuyên), "Hát về Lê Đình Chinh" (Bảo Chung), "Núi rừng kể mãi về anh" (Nguyễn An)…

Năm 1964, một sự kiện chấn động toàn cầu. Đó là hành động dũng cảm tuyệt vời của người thợ điện trẻ quê ở Quảng Nam có tên Nguyễn Văn Trỗi đã không sợ chết, tìm cách tiêu diệt viên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó là Mắcnamara. Việc không thành, anh bị bắt và bị xử bắn. Những giây phút ở pháp trường trước khi ngã xuống, anh đã khiến tất cả mọi người - kể cả quân thù - phải cảm kích.

Đó là ngày 15/10/1964 - một ngày có thể nói đã làm rung chuyển dư luận nước Mỹ. Ngay sau đó, hàng loạt bài hát xúc động về sự kiện này đã ra đời: "Lời anh vọng mãi ngàn năm" (Vũ Thanh), "Ca ngợi Nguyễn Văn Trỗi" (Hiền An), "Nguyễn Văn Trỗi - anh còn sống mãi" (Nguyễn Đức Toàn)… Cái chết kiêu hùng của người thợ điện thành phố Sài Gòn đã có tác động mạnh mẽ, làm bùng lên ngọn lửa đấu tranh cách mạng vốn đang sục sôi khắp miền Nam trước sự dày xéo của đế quốc Mỹ: "Noi gương anh còn có triệu người. Cả miền Nam đang sôi tim gan, cuồn cuộn dâng lên như phong ba, dìm đầu quân cướp Mỹ xâm lăng…" ("Lời anh vọng mãi ngàn năm" của Vũ Thanh).

Đó là những người con đã ngã xuống, vĩnh viễn yên nghỉ giữa lòng đất quê hương. Tất cả những bài hát nói về họ đều có giai điệu thâm trầm, lắng đọng nhưng không não nề mà luôn vút lên âm hưởng khoẻ khoắn, hào sảng. Dễ hiểu bởi cái chết của họ là sự hy sinh vì nghĩa lớn, vì sự sống còn của Tổ quốc, vì vận mạng của dân tộc. Lý tưởng cao đẹp ấy đã thổi vào những bài hát viết về anh hùng, liệt sĩ một không khí vừa bi tráng, vừa lạc quan.

Lại có vô vàn những người con trở về sau các cuộc chiến đã không còn lành lặn, mà đã gửi lại chiến trường một phần xương thịt. Trở về quê hương, họ đã sống giữa sự ngưỡng mộ, biết ơn của cộng đồng. Và đó chính là nội dung được biểu hiện trong rất nhiều bài hát thành công, được công chúng ưa thích: "Người thầy giáo thương binh", "Anh thương binh về làng" (Nguyễn Đức Toàn), "Vết chân tròn trên cát" (Trần Tiến), "Cỏ non thành cổ" (Tân Huyền)…

Cuộc sống sau chiến tranh của người thầy giáo thương binh trong bài "Vết chân tròn trên cát" thật đẹp, giàu chất lãng mạn và nhân văn. Nhạc sĩ đã khai thác việc dạy hát của thầy giáo cho học trò thay vì nói đến dạy chữ. Điều này đã tạo thuận lợi cho việc biểu hiện đời sống tâm hồn với những tâm tư sâu kín nhất của đối tượng đề cập: "Bài hát có ngọn núi quê anh xa vời, bài hát có đồng lúa mênh mang câu hò. Bài hát có người lính đã hy sinh âm thầm…". Vừa lãng mạn lại vừa hiện thực biết bao khi: "Cho hôm nay những vết chân son vui quanh dấu chân tròn" và "Bài hát có ngọn gió cuốn bay theo dấu chân tròn, để lại một bài ca trên cát trắng bao la". Bài hát của Trần Tiến độc đáo và cảm động rất được anh em thương binh ưa thích.

Với "Cỏ non thành cổ", nhạc sĩ Tân Huyền sâu sắc khác hẳn với phong cách quen thuộc của ông ở nhiều ca khúc khác: đại chúng, đại trà, thường diễn đạt những tình cảm nhẹ nhàng. Thành cổ năm xưa chứng kiến những trận chiến khốc liệt, ngoan cường của quân dân ta. Rất nhiều chiến sĩ đã vĩnh viễn không trở về. Hôm nay - sau bao nhiêu năm - nơi thành cổ hoang tàn xưa đã tràn ngập sự sống mà biểu tượng là những nhành cỏ non "một màu xanh non tơ, cỏ mềm theo gió đung đưa". Tác giả như trầm ngâm đứng lặng để mặc niệm trước hương hồn những người đã khuất. Và ông nhắn nhủ: "Cỏ xanh non tơ xin chớ vô tình với người hy sinh trên mảnh đất quê mình…". Một bài hát ngắn gọn có bố cục chặt chẽ với cảm xúc đủ để tạo nên cung bậc thành tâm, trân trọng. Phảng phất trong bài như có mùi hương khói và như thấp thoáng hình ảnh những lớp người hôm nay ngả mũ cúi đầu, chắp tay khấn vái trước vong linh người đã về thế giới bên kia.

Nguyễn Đình San với 3 ca khúc: "Truông Bồn khúc tưởng niệm", "Hát từ Truông Bồn hôm nay" và "Nàng Tô Thị không con" đã khiến người nghe rơi nước mắt khi nói về những người con gái chưa chồng đã ngã xuống tại Truông Bồn năm xưa và những cô gái thủy chung ở hậu phương mỏi mòn chờ người yêu đã tử trận để mình hóa đá như câu chuyện mang tính truyền thuyết về nàng Vọng Phu trong dân gian.

Dù trực tiếp hay gián tiếp, dù nói về những người đã hy sinh hay còn sống trở về với những khuyết tật trên cơ thể, những bài hát về đề tài đang bàn trong kho tàng ca khúc cách mạng Việt Nam đều có chung âm hưởng bi hùng, lạc quan. Dù các nhạc sĩ tìm đến điệu thứ để tạo nên màu tối sâu lắng hay điệu trưởng để tạo vẻ sáng sủa, hoạt, tươi, tất cả các bài hát viết về anh hùng, liệt sĩ, thương binh đều có ngôn ngữ âm nhạc được xây dựng trên những chất liệu dân tộc mang đậm màu sắc Việt Nam, không thể lẫn với bất cứ dân tộc nào khác. Những bài hát có giai điệu thoát ly điều này hiển nhiên đã không có đời sống ngay từ khi tác giả mới khai sinh. Một điều cũng cần được ghi nhận về ca từ, những bài hát hay nhất đều đạt được sự dung dị. Sự sáo mòn về nội dung lời ca sẽ không thể phù hợp với việc thể hiện chủ đề này.

Hát về những người con trung hiếu của dân tộc sẽ là một mạch nguồn cảm hứng vô tận không bao giờ cạn trong tâm hồn mỗi người dân Việt Nam nói chung, giới nhạc sĩ nói riêng. Bởi ai cũng biết rằng dân tộc ta có được cuộc sống ngày hôm nay là nhờ ở công đức vô cùng lớn lao của những người con trung hiếu đó. Mạch âm nhạc về chủ đề này chắc chắn vẫn sẽ còn tuôn chảy trong sự nghiệp sáng tác của các nhạc sĩ Việt Nam.

Thôn Ca
.
.