Dịch giả Pháp ngữ Nguyễn Hữu Vỹ: Đam mê văn chương không bao giờ là muộn

Thứ Năm, 28/10/2021, 13:22

Nguyễn Hữu Vỹ là một trong số những dịch giả được đào tạo tiếng Pháp thời sau giải phóng. Thời gian qua, anh là người tích cực dấn thân vào mảng dịch văn học, đầy khó khăn, với niềm đam mê và sự kiên trì. Chúng ta cùng trò chuyện với anh về mảng dịch văn học Pháp ngữ, cùng ảnh hưởng của nền văn học này tới văn học Việt Nam, và con đường dịch thuật mà anh đang theo đuổi.

- Anh tham gia giới dịch văn học hơi muộn, lý do tại sao? Và dù biết dịch văn học là mảnh đất khó nhằn, khó làm ra kinh tế mà anh vẫn dấn thân?

+  Thực tình mà nói ban đầu tôi dịch chỉ đơn thuần là phục vụ cho việc giảng dạy chứ không nghĩ đến “làm mầu” hay cao hơn là “kiếm tiền”. Tôi trở thành Hội viên Hội Nhà văn Hải Phòng chuyên ngành dịch đã hơn chục năm rồi. Việc dịch văn học không “dễ xơi”, chả khác nào như kẻ kéo cày trên cánh đồng phu chữ. Dịch được một truyện lọt tai các biên tập viên của đài, báo đâu phải dễ. Nhưng vì đam mê văn chương và cũng muốn thử sức nên tôi cứ “húc” thôi.

- Cá nhân anh thấy dịch văn học có ý nghĩa ra sao cho sự phát triển và giao lưu văn học, văn hóa?

+ Trong thời đại ngày nay, hội nhập văn hóa là một yếu tố tất yếu không thể thiếu vì không một quốc gia nào có thể phát triển khi đứng biệt lập, độc lập với quốc gia khác. Giao lưu văn hóa là mối liên kết giữa các nền văn hóa để hướng tới sự phát triển của văn hóa dân tộc. Văn học là một bộ phận không thể tách rời trong quá trình hội nhập để mở rộng giao lưu văn hóa. Giao lưu văn học hay nói cụ thể hơn là truyền bá các tác phẩm văn học thì công tác dịch thuật đóng vai trò rất quan trọng và không thể thiếu. Những năm gần đây, có một số nhà văn, dịch giả đã đứng ra liên kết với các tổ chức, nhà xuất bản nước ngoài để xuất khẩu văn học Việt ra thế giới. Để việc chuyển ngữ các tác phẩm văn học Việt ra tiếng nước ngoài, và “xuất khẩu” có hiệu quả, thiết nghĩ ngoài nỗ lực của các dịch giả thì nhà nước cũng cần có chính sách vĩ mô đủ lớn như các nước trên thế giới đã làm, ví dụ: tổ chức các hội dịch thuật, có chương trình cụ thể cho các dịch giả có điều kiện tiếp cận với giới dịch giả nước ngoài để trao đổi nghề nghiệp và giao lưu văn hóa, thành lập các quỹ dịch thuật… Có như vậy các tác phẩm văn học Việt mới có cơ hội xuất khẩu.

Dịch giả Pháp ngữ Nguyễn Hữu Vỹ: Đam mê văn chương không bao giờ là muộn -0
Dịch giả Nguyễn Hữu Vỹ.

- Anh có quan tâm đến văn học Pháp đương đại? Nhà văn Pháp nào, tác phẩm văn học Pháp nào mà anh muốn dịch, hoặc đang có kế hoạch tiếp cận bản thảo để dịch?

+ Theo dõi sự hiện diện của dòng văn học của Pháp tại Việt Nam tôi nhất trí với nhận định của tiến sỹ, dịch giả Trần Văn Công là dòng văn học đang được đón nhận tại Việt Nam là dòng văn học không kén độc giả, có nghĩa là có thể đọc rất nhanh, đọc bất kỳ lúc nào và đọc không cần suy nghĩ.

Ví dụ, những tác phẩm của tác giả như Marc Lesvy hay Guillaume Musso vẫn được người Pháp gọi là “roman de gare”, tức là sách để đọc trong khi chờ tàu hay ở trên xe buýt được giới trẻ Việt Nam rất chuộng. Tuy  nhiên, với những người nghiên cứu văn học Pháp, những tác phẩm của những tác giả này thiên về tính giải trí, đọc để biết về một luồng gió mới của văn học đương đại Pháp, còn nếu muốn tìm những giá trị nổi bật về mặt văn học thì đó lại không phải là sự lựa chọn của họ. Với tôi cũng vậy, tôi cũng không nằm ngoài trào lưu ấy. Theo suy nghĩ của tôi, đã theo nghề dịch thì đôi khi mình phải dịch theo yêu cầu của người khác, tỷ dụ như của một nhà xuất bản nào đó đặt hàng chẳng hạn.

Trong năm nay và có thể sang năm tới tôi phải hoàn thành dịch một tác phẩm có tên là “Les déferlantes” tạm dịch “Những người khởi xướng”  có độ dày hơn 500 trang của nhà văn Claudie Gallay. Và tác phẩm “Quand la Chine séveillera… le monde tremblera”, tạm dịch “Nếu Trung Quốc thức dậy… thế giới sẽ nghiêng ngả” của tác giả Alain Peyrefitte, tập 1 và tập 2.

- Tiếng Pháp và các tác phẩm văn học Pháp có ảnh hưởng như thế nào đối với xã hội Việt Nam thời nay, theo ý kiến của anh? Anh có hay chú ý tìm kiếm các hoạt động văn học Pháp tại Việt Nam?

+ Pháp là quốc gia sở hữu nền văn chương rực rỡ bậc nhất nhân loại, cống hiến nhiều tác phẩm kinh điển, đưa ra trào lưu, tư tưởng có sức lan tỏa, ảnh hưởng rộng khắp trên thế giới. Riêng đối với Việt Nam thì sự lan tỏa đó càng đậm nét. Văn học Pháp khi vào Việt Nam đã đem tới những ảnh hưởng của nền văn chương Pháp, đã có nhiều cách tân về hình thức, thay đổi trong phong cách, đề xuất tư tưởng mới. Văn học Pháp vào Việt Nam từ khoảng cuối thế kỷ 19. Theo một số nguồn tài liệu, tác phẩm đầu tiên của Pháp được dịch ra tiếng Việt là “Chuyện Phang-sa” diễn ra quốc ngữ (16 chuyện ngụ ngôn của La Fontaine), xuất bản năm 1844 do Trương Minh Ký dịch. Năm 1885, ông còn dịch “Les aventures de Telemque” với tên Tê - Lê mạc phiêu liêu ký (đăng trên Gia Định báo).

Đến năm 1920 hàng loạt các tác phẩm văn chương lớn của Pháp được giới thiệu tại Việt Nam qua bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh như: “Ba chàng ngự lâm pháo thủ” (A.Dumas), “Những người khốn khổ” (Les misérables, V.Hugo), “Truyện trẻ con” (Les contes, Ch.Perault), “Truyện miếng da lừa” (La peau de chagrin, H. De Balzac)…

Kể từ đó văn học Pháp được dịch và xuất bản nhiều ở Việt Nam, để lại dấu ấn với văn chương nước nhà. Trong giai đoạn này có hai hiện tượng của văn đàn Việt chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn học Pháp:

1. Nhóm Tự lực văn đoàn thành lập, viết văn xuôi lãng mạn, đưa những tư tưởng tiến bộ của chủ nghĩa lãng mạn Pháp vào văn học Việt Nam. Lần đầu tiên, văn chương Việt có ý thức đề cao tự do cá nhân, đưa cái tôi cá nhân chống lại những lễ giáo phong kiến cũ. Đó là những nhà văn tiêu biểu phải kể đến như Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam, Thế Lữ…

2. Thơ ca Pháp cũng có ảnh hưởng đậm nét tới phong trào Thơ Mới 1932-1942. Để chống lại lối thơ cũ với niêm luật sáo mòn, khô cứng, các nhà thơ thời đó chủ trương cách tân thơ. Đọc tác phẩm của Xuân Diệu - một đại diện tiêu biểu của phong trào Thơ Mới có thể tìm thấy những câu thơ dịch sát nghĩa như: “Hơn một loài hoa đã rụng cánh/Plus dune espèce fleurs a quitté  les branches”, cùng với những tứ thơ mượn trong thơ Pháp, tác phẩm của Xuân Diệu còn học hỏi, đổi mới, áp dụng lối dùng từ, đặt câu theo đặc trưng thơ Pháp. Nhà phê bình Hoài Thanh đã viết: “Hàn Mạc Tử và Chế Lan Viên đều chịu ảnh hưởng rất nặng của Baudelaine, thơ ca Pháp hiện đại đã tiếp sức cho phong trào thơ mới nói riêng và ngôn ngữ thơ trong văn học Việt Nam nói chung”. Văn học Pháp thịnh hành tại Việt Nam đầu thế kỷ 20 tới mức hình thành nên một thể loại phóng tác theo tác phẩm văn học Pháp. Hồ Biểu Chánh là tác giả tiêu biểu cho cách làm này, với những tiểu thuyết như: “Chúa tàu kim quy” (Phỏng theo Bá tước Monte-Cristo), “Cay đắng mùi đời” (phỏng theo Không gia đình), “Ngọn gió đùa” (phỏng theo Những người khốn khổ)…

Văn học hiện sinh của Pháp với hai đại diện tiêu biểu là Paul Saurre à Albert Camus để lại dấu ấn trong trong tiểu thuyết Việt Nam. Theo một số nhà nghiên cứu thì văn học hiện sinh Việt Nam manh nha từ nửa đầu thế kỷ 20, lên ngôi ở miền Nam vào những năm 1960 - 1970 và trở lại văn đàn cuối thế kỷ 20, nở rộ những năm đầu thế kỷ 21.

Ngày nay, văn chương Pháp đến với độc giả Việt Nam nhiều, phong phú hơn bao giờ hết. Bên cạnh những tác phẩm kinh điển vẫn tiếp tục được tái bản, là những tác phẩm văn chương đương thời. Các tên tuổi như Patrick Modiano, Milan Kundera… hay những tác giả đoạt giải Goncourt liên tục được giới thiệu ở Việt Nam. Những tác giả như Marc Levy, Guillaume Musso, Thierry Cohen hay Anna Gavalda… chinh phục bạn đọc trẻ Việt Nam bằng nhiều tác phẩm lãng mạn.

Những năm gần đây các hoạt động giao lưu văn hóa Pháp Việt cũng rất phát triển. Tuần lễ văn học Pháp lần đầu tiên được tổ chức năm 2018 tại Việt Nam, địa điểm 24 Tràng Tiền, Hà Nội. Tại đây trưng bày “Bìa một số tác phẩm văn học Pháp được chuyển thể”. Triển lãm trưng bày bìa phiên bản tiếng Việt do Nhã Nam phát hành trong suốt mười năm qua của một số tác phẩm văn học nổi tiếng đã được chuyển thể thành phim như: “Bản giao hưởng Pháp” của Irène Nesmirosky, “Buồn ơi chào mi” của Fran#oise Sagan, “Nét duyên góa phụ” của Alice Ferney, “Mối tình Paris” của David Foenkinos,...

- Tổ chức Hội nhịp cầu Pháp ngữ  Paris “Interface  Francophone” Hội hợp tác giữa Huế  và Paris thường trao đổi các tác phẩm văn học dịch của hai nước. Vừa qua đã xuất bản tập thơ dịch từ tiếng Việt sang tiếng Pháp với tiêu đề “Tình thơ không biên giới”/Poésies sans frontières.

- Hằng ngày, anh tích lũy vốn tiếng Pháp của mình thế nào, nhất là những vốn liếng hữu ích cho việc dịch văn học Pháp? Anh có thể cho biết kế hoạch trong năm 2021 của mình?

+  Những kiến thức mình có được là do quá trình tích lũy bởi việc tự học và dịch tác phẩm mà thành. Nói một cách cụ thể tích lũy như thế nào thì rất khó. Nó không như cái thời ta đi học, mỗi ngày phải đặt ra mục tiêu: thuộc bao nhiêu từ, bao nhiêu đoạn văn, dịch bao nhiêu bài… Từ nay đến cuối năm cũng chỉ còn 2 tháng nữa, tôi vẫn tiếp tục dịch tác phẩm “Les déferlantes”. Và có thể kết hợp với Hội “Interface  Francophone” dịch một tác phẩm thơ từ tiếng Việt sang tiếng Pháp.

- Xin trân trọng cảm ơn anh.

Kiều Mai (Thực hiện)
.
.