Dịch giả Nguyễn Tiến Văn: Càng giàu có sau mỗi lần "khánh kiệt"

Thứ Năm, 08/04/2021, 13:11
Giàu là giàu tri thức, khánh kiệt là khi hàng ngàn cuốn sách trên giá cùng lúc biến mất. Cuối tháng 3, dịch giả Nguyễn Tiến Văn vừa gửi tặng thư viện Huệ Quang hàng ngàn cuốn sách. Đây là số lượng lớn sách ông tích góp trong hơn chục năm kể từ khi ông rời Canada, quay về sống ở Việt Nam. Khi cho đi ông rất vui vẻ, dù phải chia tay với những cuốn sách ông xem như là cuộc sống của mình. Trong hàng chục năm qua, dịch giả Nguyễn Tiến Văn đã hàng chục lần tặng sách cho các thư viện hay các cá nhân, bạn hữu, mỗi lần không dưới 3000 quyển...!


Đọc sách chứ không chơi sách

Bạn bè hay lui tới căn phòng của Nguyễn Tiến Văn ở trong một con hẻm trên đường vào khám Chí Hoà hôm nay sẽ không thể không ngạc nhiên vì sự rộng rãi, thoáng đãng lạ thường của nó. Thi thoảng mới xuất hiện người lạ, một bác thợ đến đóng chỉnh mấy cái giá sách lâu năm để nó chắc hơn, chuẩn bị cho những đợt sách tiếp theo. So với cách đây mươi ngày, mọi thứ thật quá khác. Bạn bè, khách khứa trước đây nếu đến thăm ông thì không thể đi đông, cùng lắm là hai đến ba người, ngồi ngoài hiên, khép nép và ý tứ. Nếu không sách sẽ rơi xuống từ phía nào bất chợt, va trúng người ngay. Ai cũng đùa, sách bác Văn không phải mọc lên mà đang như dòng nước, chảy từ ngách nhà ra tận ngõ.

Mà sách “chảy” thật chứ không phải đùa. Mỗi ngày, ông lên mạng downoad năm đến mười cuốn sách, in ra, tự đóng gáy, dán bìa, đọc, chú thích rồi gác lên kệ. Đó là công việc đều đặn đối với sách mà kể từ khi về lại Việt Nam ông vẫn luôn làm. Trừ khi có việc đột xuất phải ra ngoài hay đi đâu đó vài ngày.

Sách ông mua, tự in ra để đọc thì có đủ loại: sách công cụ từ điển, sách nghiên cứu, các sáng tác văn chương, cho đến những chuyên ngành khác như triết học, lịch sử, địa lí, âm nhạc, nghệ thuật, sinh học… Thấy trong sách có kiến thức gì hay, dẫu đôi chút là ông in ra. Ông bảo: “Vì tôi không có thói quen đọc trên máy tính”. Thật lạ, hơn 80 tuổi nhưng ông không hề mang kính, chỉ quyển nào chữ quá nhỏ thì ông mới dùng đến kính lúp.

Dịch giả Nguyễn Tiến Văn trong thư phòng của mình.

Mỗi ngày thời gian ông dành cho việc đọc còn nhiều hơn thời gian ông dành cho việc dịch sách và viết các bài nghiên cứu. Hỏi ông sao không dồn tâm trí vào việc dịch những bộ sách mà ông tâm huyết, thời gian đâu đợi một ai. Ông chỉ cười: “Đọc bao nhiêu là đủ? Ngừng đọc thì kiến thức đâu để nghiên cứu, để dịch? Đọc cả chục cuốn sách để dịch được đúng, chính xác một từ còn hơn là dịch cả cuốn sách mà cứ thấy lợ ngợ, nghi ngờ chính mình”.

Đọc nhiều, Nguyễn Tiến Văn mê chữ, mê nghĩa chứ không mê chơi sách. Với ông sách là để đọc, đọc được rồi thì chia sẻ lại cho người khác để tri thức được lan toả. Ông không giữ lại làm của riêng cho mình. Ông luôn tâm niệm sách đầy kệ mà không ai đọc, để bụi phủ thì chỉ là cuốn sách chết.

Lần tặng sách này cho thư viện Huệ Quang, người bạn văn nghệ trẻ tuổi của Nguyễn Tiến Văn là nhà báo, nhà nghiên cứu Lý Đợi hài hước gọi là “lần khánh kiệt thứ tư” về sách trong đời ông.

Lần thứ nhất là trước năm 1975. Vì trốn lính, chống chiến tranh, ông bị bắt giam. Hơn 10.000 cuốn sách ông đem tặng cho bạn bè.

Lần thứ hai là khi ông chuẩn bị ra nước ngoài năm 1985, gần 15.000 cuốn sách cũng được ông lần lượt tặng lại bạn bè trong nước.

Lần thứ 3 khi ông từ Canada, quyết định về lại Việt Nam sống vào năm 2006, ông đã tự bỏ tiền túi vận chuyển 15.000 cuốn sách quý hiếm, nặng 7,5 tấn về tặng cho Viện Khoa học xã hội TP. Hồ Chí Minh.

Và lần này, thư phòng của ông chỉ còn lại khoảng ngàn cuốn sách mà ông vẫn cần để tham khảo, tra cứu. 5 nhân công lực lưỡng, am hiểu về sách vở đến phòng ông, làm việc liên tục trong hai ngày để đóng gói và thuê nguyên một chiếc xe tải vận chuyển mới hết ngần ấy cuốn sách đến “nơi ở” mới.

Ông cho biết mình có ý định tặng số sách này hơn 3 năm nay rồi, nhưng ngặt nỗi chưa tìm được thư viện nào đủ chỗ và thật sự cần để tặng. Nay vì nhân duyên được sư thầy Không Hạnh và nhà nghiên cứu Trần Văn Chánh, ông mới kết nối được với thư viện chùa Huệ Quang và cho đi số sách đó.

Hỏi ông, ông tặng số sách đó cho thư viện, ông biết họ sẽ sử dụng như thế nào không, thì ông chỉ thản nhiên mà đáp: “Thấy họ cần có sách mà mình thì cần cho đi thì mình cho, còn việc khi nhận họ làm gì thì đấy là việc của họ, mình không bận tâm”. Như lần gần đây nhất, khi ông tặng số sách khổng lồ cho Viện Khoa học xã hội, họ nhận rồi niêm phong. Có lần ông muốn đến mượn lại một cuốn để tra cứu, họ không cho ông vào, ông vẫn vui vẻ, không lấy gì làm phiền lòng.

Khi cho sách ông không hề mưu cầu hay bắt người nhận đánh đổi gì từ việc ấy. Có lần, khi còn trẻ ông đi chu du miền Tây Nam Bộ và gặp một nhà Nho. Vị ấy mê sách nhưng trong nhà lại thiếu cuốn từ điển Khang Hy. Thời đó, cuốn sách này rất hiếm. Thấy được sự mê thích ấy của nhà Nho này, ông liền đem tặng cuốn từ điển mà ông có. Vị này nhận cuốn sách mà cảm động quá đỗi, liền gọi tất cả các người con gái của ông ra đứng trước mặt chàng trai hào phóng kia, nói ông ưng cô nào sẽ gả không cô đó cho ông cưới làm vợ. Nguyễn Tiến Văn chỉ cười nhận thiện chí của ông và tiếp tục cuộc hành tẩu giang hồ văn nghệ của mình.

Sống bình thường như một… dị nhân

Câu chuyện trên chỉ là một trong số những câu chuyện lạ đời mà bạn bè hay kể cho nhau nghe về một dịch giả đã vươn tầm đến ngưỡng của một học giả uyên thâm, bác học như ông.

Gần ông, sẽ tự thân mỗi người chứng kiến hàng tá chuyện mà nếu gặp ai khác, họ sẽ mãi mãi cho rằng điều ấy không thể nào xảy ra.

Đó là chuyện, khi ông đang ngồi trong khám Chí Hoà, để có việc mà làm, ông bèn lấy một cuốn truyện khó đọc, khó nuốt của Dostoevsky ra dịch cho đỡ chán. Từ đó, một trong năm cuốn tiểu thuyết kinh điển nhất của Đại văn hào Nga, bản tiếng Việt ra đời: “Lũ người quỷ ám”. Cái tên “Lũ người quỷ ám” nếu không phải ông chắc cũng không ai dịch ra nổi. Bằng chứng là kể từ bản dịch ấy của ông đến nay hơn 50 năm, vẫn chưa có bản dịch tiếng Việt thứ hai.

Ông sống tối giản, có thể ăn bánh chưng suốt một tuần rồi sau đó, nhịn đói hơn mười ngày, đi chu du, làm việc, dịch sách, nghiên cứu mà vẫn thấy bình thường. Ông bảo vì công phu, có am hiểu về các phương pháp thiền của nhà Phật. Và ông thực hành một trong các pháp môn ấy. Nhiều người chứng kiến được việc này chỉ đành gọi đây là “quái thiền”.

Sau đợt “khánh kiệt thứ tư”, căn phòng của ông có vẻ “dễ thở” hơn.

Ông ngủ từng chặp và thức liền mấy tiếng đồng hồ. Thời gian ông ngủ không bằng một phần tư thời gian ông thức trong ngày. Không có khách thì ông ngồi với sách vở. Có khách đến thì ông trò chuyện. Ông có thể trò chuyện từ ngày này qua ngày nọ. Có lần, chúng tôi đến tá túc nhà ông 5 ngày. Hầu hết thời gian, là ngồi hầu chuyện ông. Ông nói là chủ yếu, nói từ chủ đề này sang chủ đề nọ, thông kim bác cổ. Nói đến độ chúng tôi nghe hấp dẫn quá, chăm chú đến khi giật mình phát hiện ra đã hơn 3 giờ sáng, xin phép ông đi ngủ. 7 giờ sáng tỉnh dậy, ông đã pha trà đợi sẵn để tiếp tục câu chuyện.

Đi, đọc, viết, và nói say sưa như thế hơn 80 năm trong một đời người đâu phải ai cũng làm được.

Khoảng 3 năm trở lại đây, ông dường như ít ra khỏi căn phòng mà ông đã gắn bó gần 10 năm qua. Hỏi ra mới biết, ngoài việc dịch sách theo đơn đặt hàng của các nhà xuất bản thì ông đang dồn hết thời gian để dịch trọn bộ “Áo nghĩa thư” (Upanisas) – bộ kinh thư quan trong bậc nhất của nền minh triết cổ đại Ấn Độ nói riêng và của cả lịch sử văn minh nhân loại nói chung. Ông bảo, ông cố gắng giữ và cầu cho mình đủ sức khoẻ để hoàn thành bộ sách dịch 108 cuốn Upanisas đồ sộ đó ra tiếng Việt, phục vụ người đọc và nghiên cứu trong nước. Phải mất vài năm nữa việc dịch mới cơ bản hoàn thành.

Cầu cho ông chân cứng đá mềm để hoàn thành được tâm nguyện lớn lao, vì cộng đồng, vì những người yêu kiến thức, yêu chữ nghĩa ấy!

Bảo Bình
.
.