Đại tá, nhạc sĩ Đức Tuyết: Sáng tác về CAND giục giã từ trái tim mình

Thứ Sáu, 25/02/2022, 20:36

Tham gia lực lượng Công an nhân dân (CAND) từ năm 1975, Đại tá, nhạc sĩ Đức Tuyết từng giữ những cương vị, như: Phó Trưởng đoàn nghệ thuật CAND, Trưởng phòng Văn hóa - Thể thao Truyền hình CAND (ANTV)… Hôm nay, ngồi với ông trong quán cà phê trên phố Nguyễn Văn Huyên (Hà Nội), ông bảo, những chức vụ rồi cũng qua đi và điều còn đọng lại là những sáng tác được đóng góp cho Ngành.

Trong cuộc trò chuyện cùng tôi, Đại tá, nhạc sĩ Đức Tuyết đã nhiều lần khẳng định, bản thân là nhạc sĩ trong lực lượng CAND cho nên các sáng tác âm nhạc phải ca ngợi được công việc thầm lặng của đồng đội. Đó chính là trách nhiệm, sứ mệnh, là sự giục giã từ trái tim mình. Quả đúng vậy, nếu điểm qua một số sáng tác của người nhạc sĩ xứ Đoài này thì thấy ông đã khắc họa được lần lượt chân dung của người lính trên các mặt trận, như: An ninh, tình báo, cảnh sát…

Đại tá, nhạc sĩ Đức Tuyết: Sáng tác về CAND giục giã từ trái tim mình -0

“Về với Tây Nguyên” là sáng tác mà ông còn nhiều day dứt. Đó là ca khúc ra đời để hưởng ứng chủ trương đưa cán bộ Công an các tỉnh về Tây Nguyên công tác khi tình hình an ninh trật tự nơi này có những bất ổn. Dịp đó, vào năm 2003, ông theo đoàn văn nghệ sĩ vào biểu diễn tại Tây Nguyên, được tận mắt chứng kiến đồng đội phải xa gia đình vào công tác tại địa bàn còn nhiều bất ổn đã khiến ông suy nghĩ nhiều và muốn viết lên một điều gì đó về đồng đội mình. Ông thấu hiểu, đồng cảm với những khó khăn của đồng đội nhưng ông cũng biết rằng, với người chiến sĩ thì nhiệm vụ mà lãnh đạo giao phó là điều tối thượng. Đức Tuyết đã chắt lọc được những ý tứ đó vào bài hát để mỗi khi giai điệu vang lên mang lại điều gì đó lãng mạn, bay bổng nhưng cũng rất hào hùng, kiêu hãnh.

Nhạc sĩ Đức Tuyết trầm ngâm nhìn ra ngoài đường khi dòng người qua lại trong không khí hồ hởi của một mùa xuân mới đang về, rồi quay sang nói với tôi: “Để có sự thanh bình cho đất nước này, người chiến sĩ CAND đã và đang phải hy sinh rất nhiều, bạn ạ!”. Và một trong những ca khúc của ông đã khắc họa được sự hy sinh ấy là “Nhớ đồng đội”. Bài hát ra đời khi ông nghe tin một chiến sĩ Cảnh sát giao thông tuổi đời còn rất trẻ hy sinh khi đang làm nhiệm vụ trong đêm giao thừa. Ông đã viết ca khúc trong sự nhói đau của con tim….

Nhạc sĩ Đức Tuyết cũng đi sâu vào từng đơn vị trong lực lượng để sáng tác. Có thể kể đến, như: “Hát về người chiến sĩ an ninh” (thơ Phạm Văn Thạch), “Bài ca y tế CAND” (thơ Lê Anh Ngoan), “Học viện Cảnh sát nhân dân vững vàng tiến bước”, “Lính truy nã”, “Ngôi sao mai”; “Hành khúc nữ chiến sĩ Công an” (thơ Phan Gia Liên), “Em là nữ chiến sĩ Công an Cần Thơ” (thơ Phan Gia Liên), “Tự hào thay người tình báo CAND” (thơ Phan Gia Liên), “Bài ca Viện Y học cổ truyền CAND”… Gần đây, ông đã sáng tác và rất tâm đắc với ca khúc “Ta người CAND” khi đã nói đúng, nói trúng khát khao cống hiến của lực lượng CAND cho Đảng, Nhà nước cũng như giữ vững niềm tin của Công an với Tổ quốc thân yêu. Khác với những ca khúc khác, ca khúc này ông không đi sâu vào lực lượng riêng mà nói chung, toát lên tinh thần, khí chất của người chiến sĩ CAND.

Nhạc sĩ Đức Tuyết tự nhận mình là người nghiêm túc bởi ông cho rằng trong ông thấm đẫm phong cách, tinh thần người lính. Là nhạc sĩ trong lực lượng CAND, ông nhận thấy bản thân có nhiều thế mạnh khi sáng tác về Ngành, đó là việc có kiến thức dày dặn, có sự hiểu biểu về lực lượng CAND. Từ đó ông có sự cảm thông, sẻ chia nhiều hơn và tâm hồn, trái tim ông sẽ dễ đồng điệu với cuộc sống, suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của đồng đội. Ông lấy ví dụ, các chiến sĩ tình báo hoạt động bí mật trong lòng địch với rất nhiều nguyên tắc nghiệp vụ tối mật thì các nhạc sĩ bên ngoài khó lòng hiểu và sáng tác để ca ngợi họ được.

Đại tá, nhạc sĩ Đức Tuyết: Sáng tác về CAND giục giã từ trái tim mình -0
Đại tá, nhạc sĩ Đức Tuyết bên cây đàn piano mà ông yêu thích.

Khi được hỏi về quan điểm sáng tác, nhạc sĩ Đức Tuyết cho biết, ông viết về những điều xung quanh mình một cách hết sức bất chợt. Đó có thể là tình cảm đối với gia đình, quê hương; là tình đồng chí, đồng đội; là cảm thức về tình yêu đôi lứa nồng nàn, lãng mạn. Nhưng hơn hết với ông, đã là người chiến sĩ cách mạng thì phải viết ca khúc phục vụ cách mạng. Kiên trì với quan điểm đó, ông đã gặt hái được một số giải thưởng, như Giải C (không có giải A) Giải thưởng tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật xuất sắc về đề tài chiến tranh cách mạng của Bộ Quốc phòng dành cho ca khúc “Dòng sông linh thiêng” (thơ Nguyễn Khánh Toàn); Giải C cho ca khúc “Ba Vì tự hào đi lên” do Huyện ủy, UBND huyện Ba Vì tổ chức; Giải A trong cuộc vận động sáng tác về đề tài Hà Nội nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội cho ca khúc “Hà Nội trong tôi” (thơ Thanh Cao)…

Những ngày qua, khi cả nước “căng mình” trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19, với trách nhiệm của một người nhạc sĩ trong lực lượng CAND, ông đã sáng tác ca khúc “Gặp anh ngày chống dịch”. Ca khúc đã được giới thiệu trong chương trình “Giai điệu bình yên” về chủ đề chống dịch do ANTV sản xuất. “Chúng ta đều biết, khi đại dịch tràn vào nước ta, các thầy thuốc nói chung và các thầy thuốc trong lực lượng Công an nói riêng đã lao động không biết mệt mỏi. Họ đã hy sinh quá lớn trong cuộc chiến giành giật sự sống cho nhân dân. Cảm xúc sáng tác của tôi đến từ đôi mắt của các bác sĩ. Họ đeo khẩu trang khiến các bệnh nhân không biết những “ân nhân” của mình là ai cả. Họ đã chăm sóc, chữa trị bằng tấm lòng y đức cao thượng sáng ngời”, nhạc sĩ Đức Tuyết chia sẻ.

Nhìn vào số lượng các ca khúc về lực lượng CAND, nhạc sĩ Đức Tuyết cho rằng đó là kho tàng quý giá, nhất là trong đó có sự góp mặt của các nhạc sĩ tên tuổi như: Trọng Bằng, Văn Cao, Phạm Tuyên… Đó là tình cảm của các nhạc sĩ dành cho lực lượng Công an. Mỗi nhạc sĩ có cách nhìn riêng, đóng góp riêng để tạo nên bức tranh đẹp về lực lượng. Tình cảm tốt đẹp đó tiếp tục được các nhạc sĩ trẻ thế hệ hôm nay tiếp bước. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định, khối lượng ca khúc viết về Công an không là nhỏ nhưng chưa xứng tầm. Đó vẫn là đề tài còn bỏ ngỏ với các nhạc sĩ.

Nhìn lại chặng đường đã qua, nhạc sĩ Đức Tuyết luôn cảm thấy may mắn khi được theo học âm nhạc bài bản và được là người chiến sĩ phục vụ trong lực lượng CAND. Khi học tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), ông được theo học những người thầy hàng đầu thời bấy giờ. Ở chuyên ngành sáng tác, ông học Giáo sư Phạm Minh Khang, còn chuyên ngành thanh nhạc, ông học Nghệ sĩ Nhân dân Trần Hiếu. Sự uyên bác và cả cái tâm, cái tầm của những người thầy đã “truyền lửa” cho Đức Tuyết trong những năm tháng phục vụ trong lực lượng và cho đến hôm nay, khi đã nghỉ hưu.

Nhạc sĩ Đức Tuyết bảo, ông dự định sẽ ra mắt cuốn sách tập hợp các tác phẩm về CAND lấy nhan đề là “Nhạc sĩ Đức Tuyết – Ta người chiến sĩ CAND”. Với ông, đó sẽ là món quà bày tỏ sự tri ân với Ngành. Ông cũng nhắn nhủ, âm nhạc có một sức mạnh thật lớn lao để kết nối những trái tim đồng điệu, để ta yêu thêm cuộc sống này. Bởi thế mà ông đã gieo ước mơ âm nhạc trong tâm hồn người con trai duy nhất và luôn hy vọng người con sẽ tiếp nối được con đường mà ông đã đi. Thật thú vị là người con trai của ông không theo âm nhạc chuyên nghiệp nhưng cũng đang là một chiến sĩ công tác tại Công an thành phố Hà Nội.

Ngô Khiêm
.
.