Có một người thơ say đắm
Say đắm với thơ, say đắm với tình yêu, tình đời, tình người... Người thơ Lê Hồng Thiện năm nay 81 tuổi nhưng nói như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trong bài viết về tập thơ "Mẹ và em" (Nhà xuất bản Thanh Niên 2023): " Có một cậu bé mang tên Lê Hồng Thiện".
Ông vốn là nhà thơ chuyên làm thơ thiếu nhi, mà qua tập thơ "Mẹ và em" lại viết thơ tình cuồng nhiệt đến như vậy! Thì ra ngoài tuổi 80 chưa phải đã hết yêu! Với nhà thơ Lê Hồng Thiện già lại trẻ, mà trẻ chưa chắc đã viết được những bài thơ tình đắm đuối ấy! Ông tâm sự với tôi rằng, chính vì làm thơ cho thiếu nhi và thơ tình đã là "Liều thuốc trường sinh" cho nhà thơ thọ về tuổi, trẻ về tâm hồn!
Tôi đồ rằng không ít người làm thơ dù tóc đã bạc nhưng tâm hồn vẫn tươi xanh, vẫn hồn nhiên, trong trẻo như nhà thơ Lê Hồng Thiện. Trong những nhà thơ viết cho thiếu nhi nhiều năm qua mà tôi thường đọc, tôi thích nhất bài "Soi gương", bài thơ tôi đã thuộc lòng: "Lần đầu cầm gương/ Bé cười, bạn cười/ Yêu sao yêu thế/ Trong gương có người...".
Hôm hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài, tôi có đến dự và tình cờ gặp ông. Ông tặng tôi mấy tập sách trong đó có tập thơ người lớn "Tóc dài ơi". Và hôm qua tôi nhận được tập thơ mới xuất bản của ông "Mẹ và em". Ngay bài thơ mở đầu tập thơ tôi đã thấy thích: "Thơ và em". "Vịn vai vào cái bơ vơ/ Vịn vai vào những giấc mơ đêm hè/ Đã vào trong cõi u mê/ Đường đi thì có, nẻo về thì không/ Đã đeo mang phải đeo bồng/ Ghé vai mà bế, mà bồng với thơ/ Vì thơ tóc sớm bạc phơ/ Vì em yêu đến bao giờ hết yêu?".
Cái cảm giác thực và mơ, gần mà xa, có mà không, say và tỉnh, thực thực hư hư như ảo mộng lại như cầm nắm được chính là thơ! Gợi và mở trong tâm thức người đọc... Tôi thích thế!
Người ta thường nói "Tình yêu không có tuổi" và nhà thơ cũng "không có tuổi"! Nhà thơ Lê Hồng Thiện là một minh chứng cho điều này: "Nửa đời tôi đã yêu em/ Nửa đời sau vẫn cứ thèm khát yêu/ Tuổi cao yêu được bao nhiêu/ Thì yêu cho đã, xế chiều càng say/ Trời cao, biển rộng, sông đầy/ Càng già gừng lại càng cay với đời/ Xưa yêu một, nay yêu mười/ Thơ hay... là bởi nhiều người - người yêu".
Trong tập thơ "Mẹ và em" nhà thơ Lê Hồng Thiện viết về nhiều đề tài, nhiều vùng đất mà ông đã đến. Ở đâu, cảm thức về tình yêu vẫn là cảm hứng chủ đạo. Về "Ngọt ngào phố Hiến" quê ông: "Nhấp một ly mật ong nhãn/ Mà say nghiêng trời phố Hiến...". "Về miền đất Phú Yên ông viết: "Anh về với đất Phú Yên/ Về ghềnh Đá Đĩa, bên em biển bờ/ ...Cỏ xanh, cát trắng, hoa vàng/ Em và anh cúi ôm choàng búp non...". Với "Mưa phố núi Pleiku": "Anh về phố núi giữa trưa/ Chưa kịp ngắm núi đã mưa rào rào…/ ...Có gì mà cứ nôn nao/ Bóng em, bóng núi, ngã vào thơ anh".
Thật ra, dù viết về đề tài gì, vùng đất nào trên đất nước mình, nhà thơ Lê Hồng Thiện cũng say đắm với tình yêu... Nhưng tôi thích nhất là những bài thơ ông viết về những người thân yêu trong gia đình mình, viết về chính ông. Có lẽ tôi chưa đọc một bài thơ nào mà tác giả nói về mình thẳng thắn đến như vậy như bài thơ "Không đề" của nhà thơ Lê Hồng Thiện: "Rượu không biết uống/ Thuốc lá không biết xài/ Yêu cực kỳ... ghê gớm/ Đếm nhanh cũng mươi người!/ Em cực kỳ ghét anh/ Có những điều không nói/ Giá em mà được trói/ Đánh trăm roi cũng đành".
Yêu hết mình, trung thực hết mình, không giấu giếm, không bày đặt, uốn éo, làm duyên làm dáng... Người thơ Lê Hồng Thiện đắm say với thơ, với đời, với tình yêu con người... Dù còn có những câu thơ chưa chặt chẽ, ý thơ đôi khi còn lỏng... Nhưng là thơ, là cảm thức, là sự chân thực đam mê hết mình... Tôi thích điều này!
Bởi, bây giờ không ít người làm thơ bày đặt, uốn éo, cố làm ra những điều khác thơ, khác với chính bản thân mình... Rồi triết lý vụn vặt, khó hiểu, đảo ngược đảo xuôi, đảo ngang, đảo ngược cố làm khác người để tự cho mình là đổi mới! Thực ra, là nhạt, là sáo khi người làm thơ hầu như không có mặt trong chính những câu thơ của mình làm ra!
Nhà thơ Lê Hồng Thiện không thế, ông luôn có mặt, luôn ẩn hiện trong từng bài thơ, câu thơ của mình. Nói như một nhà thơ Nga: "Anh có thể dối em, thơ anh không thể dối". Tôi thích nhiều câu thơ trong tập "Mẹ và em" của nhà thơ Lê Hồng Thiện vì nó chân thật, gần gũi mà giàu sức cảm, sức mở:
...Lưng còng võng xuống, lưng che bóng mình (Bóng mẹ)
...Chợ quê bán chóng, mua mau
Cái tình, cái nghĩa dài lâu mang về (Chợ quê ngày nay)
...Này đây ấm, chén, bát bình
Khen ai khéo tạo nên hình, nên thơ
Anh về rơi cái ngẩn ngơ...
(Lọ và chum)
...Về làng tôi gặp lại tôi
Níu tà áo mẹ theo đuôi ra chùa...
(Cho tôi về tương lai)
Tôi lại nhớ tới bài thơ "Tóc dài ơi" (cũng là tên tập thơ) mà ông đã tặng tôi. Tôi thấy nhiều câu có duyên, chút duyên quê chân thật, một sự trải lòng như thuở còn ngồi trên ghế nhà trường: "...Tóc dài buông xuống gót chân/ Tôi buông lục bát chưa vần tặng em/ Em cầm ..khe khẽ thầm khen/ Tặng tôi một nụ cười duyên má hồng...".
Ở cái tuổi ngoài tám mươi mà còn viết được những câu thơ như thơ của những sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường, đáng mừng thay. Thật đúng là "Tóc bạc, thơ không bạc" vậy!
Nhà thơ Lê Hồng Thiện đã xuất bản 11 tập thơ in riêng cho thiếu nhi. Ông còn được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam về thơ thiếu nhi. Là một trong những nhà thơ gắn bó với tuổi thơ, với hồn quê trong trẻo suốt mấy chục năm. Có lẽ vì thế mà ở tuổi ông vẫn giữ được sự trẻ trung, yêu đời, yêu người với sự hồn nhiên, chân thật. Tóc ông đã bạc mà tâm hồn vẫn trẻ trung, những câu thơ ông viết vẫn xanh tươi tình đời, tình người, tình quê hương xứ sở ...
Để có được cái hồn nhiên, trong trẻo, say đắm với thơ, tôi thiển nghĩ người thơ Lê Hồng Thiện luôn hướng tới cái đẹp, cái thiện trong cuộc sống hàng ngày. Người thơ say đắm với thơ, thơ sẽ đến... Như là lộc trời, như những câu thơ trong bài "Thơ và tôi" của ông: "Là nơi tôi ký thác/ Bằng chữ và bằng lời/ Cùng âm bằng, âm sắc/ Thi tứ của hồn tôi/ Những câu thơ tâm đắc/ Đấy là lộc của trời/ Mình nhận về một nửa/ Chỉ một nửa mà thôi".
Mong rằng người thơ say đắm tình yêu, tình thơ, tình đời sẽ còn nhiều LỘC TRỜI đến với ông...
Viết tại nhà vườn Sóc Sơn, tháng 1/2024