Nhà thơ Bế Kiến Quốc: Sinh ra bên một dòng sông

Chủ Nhật, 12/11/2023, 12:58

Vào những năm 69-70 của thế kỷ XX, từ phong trào học sinh, sinh viên yêu nước tại các đô thị bị tạm chiếm ở miền Nam Việt Nam, trong số các bài thơ cách mạng được các bạn trẻ chuyền tay nhau đọc có bài thơ "Những dòng sông" của nhà thơ Bế Kiến Quốc với những câu thơ hào sảng: " Sinh ra ở đâu mà ai cũng anh hùng/Tất cả trả lời: sinh bên một dòng sông...".

Nhà thơ Bế Kiến Quốc làm bài thơ này khi anh đang còn là sinh viên khoa Ngữ văn- Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Với bài thơ trên, anh đã đoạt giải nhì cuộc thi thơ năm 1969-1970 của tuần Báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam. Anh sinh ngày 19/5/1949 tại Nam Định, tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Hơn hai chục năm công tác ở Báo Văn nghệ, Bế Kiến Quốc từng là Trưởng ban Thơ, Trưởng ban Thư ký. Năm 2000, anh được bầu làm Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Hà Nội và về làm Tổng biên tập Báo Người Hà Nội, anh qua đời năm 2002 vì bệnh hiểm nghèo. Anh đã in 5 tập thơ, được trao nhiều giải thưởng của Báo Văn nghệ, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.

2.jpg -0
Nhà thơ Bế Kiến Quốc (phải) và tác giả bài viết trong một chuyến đi công tác.

Trao đổi với tôi về Bế Kiến Quốc, nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Tổng biên tập Báo Văn nghệ, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam từng nhận xét: "Bế Kiến Quốc là một nhà thơ đầy lý tưởng và khát vọng, ngọn lửa tinh thần sáng tạo ông mang trong mình từ thuở là sinh viên còn cháy mãi trong cuộc đời làm thơ, làm báo cho đến lúc Quốc qua đời. Khi nhà thơ còn sống, chưa bao giờ tôi thấy ngọn lửa ấy, niềm tin trong sáng ấy suy sụp trong Quốc- một con người trung thực, nhất quán, đòi hỏi rất cao ở mình và bạn bè, đồng nghiệp. Từ những bài thơ đầu tay hồi sinh viên cho tới những sáng tác sau này về thân phận, về những nỗi buồn thấm thía trong đời con người, ở đâu ta cũng thấy một nhân cách thơ Bế Kiến Quốc".

Khi nhắc đến Bế Kiến Quốc người ta thường nói đến người bạn tri âm, tri kỷ nhất của nhà thơ là họa sĩ Thành Chương. Chơi thân thiết và gắn bó với nhau như bóng với hình suốt hơn hai mươi năm làm ở Báo Văn nghệ, tình bạn đặc biệt của họ còn ảnh hưởng tới một số quá trình sáng tạo nghệ thuật của nhau.

Họa sĩ Thành Chương bùi ngùi xúc động: "Có một số người chỉ đánh giá cao thơ Bế Kiến Quốc trên những tập thơ in sau lúc nhà thơ qua đời. Riêng tôi thì tôi đánh giá cao phẩm chất tài năng thơ của Quốc ngay khi ông còn sống. Chính vì thế ở góc độ bạn bè, tôi thường tâm sự với Quốc: ông chỉ nên làm thơ thôi - đừng nên làm lãnh đạo vì cái ông để lại cho đời là thơ ca, đấy mới là sự nghiệp chính của đời ông, cho nên tôi muốn ông chuyên tâm về việc đó".

Trong bài thơ "Thành Chương vẽ", Bế Kiến Quốc đã viết như sau: "Như chùm ớt lửng lơ treo bờ giậu/ Càng đắng cay càng tự chín trong vườn/ Thành Chương vẽ / Vẽ - và đang cất giấu/ Từng mảnh rời tuyệt mỹ của Trần gian/ Như đầm sen tàn cuối chiều nhạt nắng/ Cuống trơ vơ rầu héo tận trong bùn/ Thành Chương vẽ/ Vẽ - và đang bay liệng / Trên cõi màu kỳ ảo của Vô biên/ Như khóm chuối chẳng lá nào lành lặn/ Xác xơ anh đứng gió trước heo may/ Thành Chương vẽ/ Vẽ - và đang cầu nguyện/ Cho phục nguyên Thế giới tả tơi này...".

Họa sĩ Thành Chương còn cho rằng, điều may mắn nhất là ông có được một người bạn thân thiết và tâm giao như Bế Kiến Quốc. "Cho đến nay, nhiều người không hiểu vì sao tôi lại vẽ tự họa nhiều đến thế. Nhưng mọi việc bắt đầu từ một lần Bế Kiến Quốc tặng một bức chân dung gương mặt tôi do chính anh vẽ, với những đường nét giản đơn, rất hay mà lại hiện đại. Tôi thao thức mãi về bức chân dung này và phát hiện ra gương mặt con người có rất nhiều nét biểu cảm đầy tính suy tư của hội họa. Từ đấy, tôi vẽ tự họa rất nhiều bằng các thể loại: sơn dầu, sơn mài, bột mầu… và tạo nên một phong cách tự họa riêng. Thât ra, tự họa là mảnh đất mà mình được phép tự do sáng tạo nhiều nhất, vì không ngại ngần va chạm đến ai cả, vì mình chỉ vẽ chính mình chứ có vẽ gương mặt ai đâu", Thành Chương nhớ lại.

Theo tôi biết, hiếm có nhà thơ nào yêu vợ mình như Bế Kiến Quốc. Trong thời gian có 10 tháng trước khi làm lễ cưới, Bế Kiến Quốc đã viết tặng cho "nàng thơ" Đỗ Bạch Mai tổng cộng 116 bài thơ. Sau khi Bế Kiến Quốc qua đời, 116 bài thơ này đã được in trong tập thơ "Đất hứa" và có lẽ anh đã lập kỷ lục Guinness về thơ tình viết cho người yêu.

Không chỉ có vậy, trong 27 năm chung sống với nhau, Bế Kiến Quốc còn viết tặng vợ nhiều bài thơ nữa mà bài thơ "Nửa đêm gió chuyển" dưới đây tặng Đỗ Bạch Mai năm 1992 được nhà thơ rất tâm đắc: "Nửa đêm gió chuyển mang mang/ Thời gian trở lại, không gian trở về/ Cổ kim xáo trộn bộn bề/ Chợt bên Vệ Nữ - chợt kề Tây Thi/ Mị Nương đến, Chiêu Quân đi/ Khuất sau liễu - Dương Quý Phi ôm đàn/ Kiều sắc sảo, Vân đoan trang/ Võ Tắc Thiên tựa ngai vàng ngẩn ngơ/ Các em - người đẹp ngàn xưa/ Chập chờn ẩn hiện tỏ mờ gần xa/ Na-ta-sa với La-ra/Giô-giê-phin, Ma-ry-lyn và Bác-đô/ Đã qua bao cuộc hẹn hò/ Gặp bao lỡ dở, tình chưa trọn đầy/ Giật mình choàng thức, chạm tay/ Ai? Bờ vai ấm sát ngay bên mình/ Chờ nhau mấy độ hóa sinh/ Là em đã tới cùng anh cõi này".

Tôi còn nhớ, khi đọc cho tôi nghe bài thơ nói trên, Bế Kiến Quốc cười hóm hỉnh sau làn khói thuốc: "Chú thấy anh viết bài thơ lục bát này theo giọng điệu hiện đại, có độc đáo không? Trong giấc mơ, anh tập hợp tất cả các người đẹp nổi tiếng trên thế gian từ xa xưa tới hôm nay, từ Đông bán cầu sang Tây bán cầu về điểm danh chỉ trong một đêm để thưởng ngoạn. Nhưng hóa ra, ngần ấy mỹ nữ "vang bóng một thời" lại hiện thân trong người đẹp là vợ mình ở ngay bên cạnh, thế thì mới biết vợ ta là chúa muôn loài!".

Tôi cũng cười chia vui: "Bác là hoàng-đế-thơ có khác, hơn hẳn các bậc vua chúa ngày xưa. Một đêm, bác gọi tới cả chục mỹ nữ, cung tần xuyên lục địa về hầu thì thế gian này không ai bằng bác. Nhưng từ Tây Thi đến Chiêu Quân rồi Ma-ry-lin... cũng không em nào bằng vợ bác là Bạch Mai "quận chúa" thì bác cũng xứng danh là đệ nhất thiên hạ "thích nịnh vợ" vì thời gian yêu nhau trước khi cưới, có ngày bác làm 6 bài thơ tặng vợ, có tháng làm tới 26 bài thì bác vô địch về khoa tán gái rồi".

Tuy thành công sớm về thơ, nhưng Bế Kiến Quốc vẫn luôn là người khiêm nhường, lặng lẽ. Anh không thích những "tuyên ngôn" ồn ào về thơ ca có tính khoe khoang, phô trương hình thức. Bởi thật ra, kể cả về mặt lý luận, phê bình thơ lẫn sáng tác, trong nhiều năm Bế Kiến Quốc đã có hẳn một cái nền tri thức rất cơ bản, phong phú về nhiều mặt.

Anh tự bạch: "Theo tôi, thơ có giá trị là thơ phải nâng cao tâm hồn con người. Những nhà thơ thành công là những nhà thơ nói được tiếng nói của thời đại, của đất nước, chứ không phải những nhà thơ chỉ có "kỹ thuật cao". Và, điều quan trọng là thơ phải luôn luôn hướng về phần sáng của cuộc đời...". Trong bài "Tự nhủ" Bế Kiến Quốc đã viết thế này: "Bàn chân ơi, ta đưa ngươi đi/ Mọi nẻo đường - dù có khi ngươi vấp/ Có khi dẫm vào gai, và biết đâu, có khi/ Ta phải đi vì ta yêu mục đích/ Trái tim ơi, ta đưa ngươi ra/ Khỏi lồng ngực của ta/ Hiến dâng người trái đất/ Dù có buồn, dù có xót xa/ Dù có lúc nỗi đau ngừng nhịp đập/ Ta phải yêu, vì ta tin hạnh phúc…".

Suốt một đời trằn trọc với công việc thầm lặng của người làm thơ, Bế Kiến Quốc dường như rất ít khi ngủ trước một, hai giờ sáng. Anh thường viết về đêm nhưng lại hút thuốc quá nhiều. Tôi đã từng thấy anh lục ngăn kéo bàn viết mỗi đêm, nếu chỉ còn một bao thuốc là Quốc không yên tâm, phải tìm cách bổ sung ngay cho đủ "cơ số ni-cô-tin" để đối mặt với trang viết qua từng đêm trắng. Anh hút thuốc ngay cả lúc ốm mệt và trong những cơn ho. Khi ấy, Quốc thường bôi đẫm dầu cao Sao Vàng bên ngoài điếu thuốc và tiếp tục hút. Quốc hút thuốc và làm thơ từ thời còn là học sinh cấp III, hút hối hả và viết cần mẫn cho đến cuối đời.

Là người trầm tính và luôn nghiền ngẫm, ở giữa mọi người, Bế Kiến Quốc thường lắng nghe và cần mẫn làm việc nhiều hơn là nói. Chỉ có lúc nào đó ngồi tri kỷ với bạn bè thân thiết, anh mới bộc lộ hết những dự định, hoài bão của mình về văn chương- thời cuộc và đọc thơ. Nhìn Quốc chậm rãi đọc thơ, gương mặt ưu tư có lúc hửng lên, có lúc chập chờn tái lặng sau làn khói thuốc. Trông anh lúc đó giống như một nhà tư tưởng, một tín đồ khổ hạnh của thơ ca hơn là một nghệ sĩ theo cái nghĩa thông thường của nó. Bởi sau nhiều ngày phải thức trắng đêm, anh đã hút biết bao nhiêu thuốc lá và bòn rút từ chính tim phổi của mình những đợt sóng hưng phấn cho sáng tạo để hướng về cái thiện và cái đẹp trên thế gian này.

Nguyễn Việt Chiến
.
.