Bước chuyển mình của văn chương Sri Lanka

Chủ Nhật, 30/06/2024, 10:45

Với chiến thắng mới nhất của cuốn tiểu thuyết “Brotherless Night” (tạm dịch: “Đêm không anh em”) từ tác giả V.V. Ganeshananthan tại giải Women Prize for Fiction 2024, “sự phục hưng” của văn chương đương đại Sri Lanka trên văn đàn thế giới đang được nối dài.

Cất lên những tiếng nói mới

Từ trước đến nay, mỗi khi nhắc đến tiểu thuyết đương đại tiếng Anh ở khu vực Nam Á, thì các nhà văn Ấn Độ, Bangladesh, Afghanistan hay Pakistan luôn luôn có được vị thế đặc biệt. Có thể kể đến những tên tuổi như Arundhati Roy “Chúa trời của những điều vụn vặt”, “Bộ tột cùng hạnh phúc”, Mohsin Hamid “Thoát khỏi phương Tây”, Aravind Adiga “Cọp trắng”, Khaled Hosseini “Người đua diều”, “Ngàn mặt trời rực rỡ”, “Và rồi núi vọng”... Thế nhưng gần đây, các nhà văn Sri Lanka đang có những bước chuyển mình, khi nhiều năm liền đạt những thành tích ấn tượng.

4 tác giả michael ondaatje, anuk arudpragasam, shehan karunatilaka và v.jpg -1
4 tác giả Michael Ondaatje, Anuk Arudpragasam, Shehan Karunatilaka và V.V.Ganeshananthan đã nâng vị thế của văn chương Sri Lanka.

Có thể kể đến thành tích của “The seven moons of Maali Almeida” (Bảy mặt trăng của Maali Almeida) từ nhà văn Shehan Karunatilaka khi chiến thắng giải Booker 2022, hay sự góp mặt của Anuk Arudpragasam ở danh sách đề cử rút gọn cũng tại giải này một năm trước đó với “A passage North” (Chuyến đi lên Bắc). 3 thành tích liền mạch nói trên cho thấy mạch vận động mới, nối liền với nhiều thập niên trước khi Michael Ondaatje tạo được những tiếng vang lớn, mà một trong số đó là tiểu thuyết “Bệnh nhân người Anh” chiến thắng giải Booker 1992, từ đó đã cho ra đời hàng loạt tiểu thuyết, tiểu luận, hồi ký, tập thơ viết về nơi này.

Điểm chung của 3 tác phẩm đều xoay quanh một trong những ký ức đau thương của đất nước mình là cuộc nội chiến. Theo đó, đây là quãng thời gian mà hai nhóm sắc tộc Tamil và Sinhalese có nhiều xung đột diễn ra rải rác từ những năm 1960, 1970 cho đến những năm 1990 như hậu quả để lại từ thời thuộc địa Anh. Những ký ức này vẫn còn quá mới và đã trở thành một trong những dấu ấn khó quên trong sự nghiệp sáng tác của các nhà văn. Bằng nhiều nội dung, hình thức khác nhau, họ đã kể lại câu chuyện của Sri Lanka theo những cách riêng biệt, nhưng đều hướng chung đến một mục đích là phơi bày sự khốc liệt, từ đó cảnh báo nguy cơ xảy ra thêm một lần nữa bạo lực tương tự.

Trong đó “Brotherless Night” mất gần 8 năm để nữ nhà văn V.V. Ganeshananthan hoàn thành. Nó được viết song song với cuốn đầu tiên là “Love Marriage” ra mắt vào năm 2008, và điều trùng hợp là nó cũng được đề cử ở giải Orange - tiền thân của giải Womens Prize for Fiction sau này. Cuốn sách xoay quanh nhân vật Sashi 16 tuổi, mong muốn được học y khoa nhưng ước mơ ấy đã bị cách trở bởi cuộc nội chiến trong một thập niên tiếp theo. Nó đã lấy đi của cô 4 người anh trai, hút lấy bọn họ cùng thế hệ mình vào cỗ máy chiến tranh mà một khi ra đi không thể nào trở lại.

Tương tự với chủ đề này, ở “A passage North”, Arudpragasam cũng dắt ta ngược về dòng thời gian với câu chuyện từ người bà của nhân vật chính trạc tuổi tác giả. Bà có 2 con trai và 1 con gái, trong đó cả hai người con trai đều đã thiệt mạng trong cuộc nội chiến, từ đó bà hóa câm bặt, không có tiếng động nào lọt vào nhà và sống mà như không sống. Trong cao trào của cuốn tiểu thuyết, ta có thể thấy câu nói đau đớn đến mức xé lòng của người bà này, khi bà cho rằng hóa ra bà thật hạnh phúc vì biết các con trai mình giờ đã ngã xuống, thay vì cứ mãi ngóng trông hy vọng hão huyền.

Cũng chung mạch này, “The seven moons of Maali Almeida” lại đi theo hành trình của hồn ma bóng quế từ nhiếp ảnh gia Maali Almeida đã chết, người mà linh hồn vẫn còn vấn vương ở giữa hai cõi. Bằng việc hướng dẫn hai người bạn thân đến nơi cất giữ kho ảnh mà anh đã chụp cho các hãng thông tấn báo chí cũng như các cơ quan nhà nước, cơ quan nhân quyền… trong khoảng thời gian là 7 lần trăng hay 7 ngày đêm, Almeida hy vọng rằng những bức ảnh mình đã thực hiện về cuộc nội chiến sẽ làm rung động đất nước thêm một lần nữa, qua đó lý giải một cách rõ ràng cái chết của anh.

Từ 3 điển hình trên có thể thấy rằng nội chiến là một trong những vấn đề không chỉ được các nhà văn Sri Lanka quan tâm đặc biệt, mà các độc giả trên khắp thế giới cũng ngày càng chú ý hơn trong tình trạng căng thẳng như hiện tại ở dải Gaza hay nhiều nơi khác. Nếu như trước đây “The seven moons of Maali Almeida” từng bị từ chối bởi nhiều nhà xuất bản bởi cho rằng câu chuyện của một đảo quốc ít được biết đến trên bản đồ thế giới không mấy ăn khách, thì bây giờ đây mọi chuyện đã khác. Và chắc hẳn sau những nền móng là các thành công đã được dựng nên này, trong những năm tới, sự phát triển ngày càng lớn mạnh của văn chương đến từ nơi này sẽ còn được chú ý nhiều hơn nữa.

Thành công từ chất lượng văn chương

Nguyên nhân cho sự trở lại của văn chương Sri Lanka có nhiều lý do và cũng riêng biệt. Nếu so với Hàn Quốc hay Ireland là những quốc gia cũng có làn sóng “phục hưng văn chương” trên trường thế giới trong thời gian qua, thì đảo quốc Nam Á này là trường hợp khác hẳn. Chẳng hạn phần lớn thành công của Hàn Quốc hay Ireland đến từ các chính sách phát triển văn hóa như làn sóng Hallyu để xuất khẩu văn hóa mà xứ sở kim chi đã triển khai nhiều thập niên trước, hay những chính sách tài trợ xuất bản, tài trợ dịch thuật cho các tác phẩm đến từ Ireland… Hiện tồn trong nền kinh tế còn nhiều khó khăn, Sri Lanka không có được bệ phóng này, nhưng chính nền tảng văn chương từ cổ chí kim và chịu ảnh hưởng bởi nhiều nền văn hóa đậm nét đã góp phần lớn cho thành công của họ.

3 tác phẩm của các nhà văn sri lanka đã tạo những tiếng vang lớn tại các giải thưởng danh giá gần đây.jpg -0
3 tác phẩm của các nhà văn Sri Lanka đã tạo những tiếng vang lớn tại các giải thưởng danh giá gần đây. The seven moons of Maali Almeida đã được mua bản quyền, sắp ra mắt tại Việt Nam.

Chịu nhiều ảnh hưởng của Phật giáo và văn hóa Ấn Độ, ngay từ rất sớm, Sri Lanka vốn đã quen thuộc với các tác phẩm dân gian mang tính truyền miệng về cuộc đời Đức Phật hoặc các sáng tạo truyện cổ địa phương, để rồi chính những điều này sẽ trở thành bệ phóng rất tốt cho sự vươn ra thế giới bởi yếu tố mới lạ.

Chẳng hạn ở “The seven moons of Maali Almeida”, yếu tố tâm linh mang tính dân gian thể hiện rất rõ qua các chi tiết về cõi âm, nghi thức gọi hồn, dâng lễ… cũng như nhiều hy,ã nộ, ái, ố… của những hồn ma một cõi khác. Chính việc xây dựng một thế giới như “Thần khúc” của Dante trong một cuốn sách đậm tính hiện thực về nội chiến đã giúp Shehan Karunatilaka được so sánh với những nhà văn hiện thực huyền ảo nổi tiếng như Gabriel García Márquez - tác giả của “Trăm năm cô đơn”, “Tình yêu thời thổ tả”... Và nếu không có mạch nguồn dân tộc, hẳn nhiên những yếu tố này không thể xuất hiện, làm nên nét độc đáo riêng đậm tính Đông phương khi khán giả quốc tế ngày càng muốn tìm về những nền văn hóa đặc biệt, sau khoảng thời gian việc “lấy châu Âu làm trung tâm” đã quá quen thuộc đến mức nhàm chán.

Cuộc nội chiến ấy, từ nội hàm nó, cũng tạo ra một thế hệ nhà văn đặc biệt, khi gia đình họ hoặc chạy trốn khỏi Sri Lanka, hoặc hướng con cái mình đến các vùng đất mới. Và ở thế hệ thứ 2, các tác giả này lại lần tìm về sợi dây kết nối với cố hương, để tạo ra nhiều màu sắc cho các tác phẩm. Việc kết hợp góc nhìn hiện đại vào các chất liệu sẵn có đã tổng hòa nên một cảm thức vừa quen vừa lạ, đem độc giả quốc tế đến gần hơn nữa câu chuyện về đất nước này.

Trong khi đó cả Anuk Arudpragasam và V.V.Ganeshananthan lại trải qua quá trình học tập, nghiên cứu lâu dài, dẫn đến những tuyên ngôn nghệ thuật mới mẻ cũng được họ áp dụng vào câu chuyện chung tưởng đã thân quen. Có bằng triết học ở Đại học Columbia (Mỹ), xuyên suốt “A passage North”, Arudpragasam đã viết ra cuốn tiểu thuyết bằng dòng suy tư dài miên man không có khoảng nghỉ, không hề xuống dòng. Ở đó anh đã khám phá những sang chấn hậu chiến, đi từ hiện tại về câu chuyện nặng tính hiện sinh của một cặp đôi trẻ, cho đến về lại quá khứ với các chứng nhân của cuộc nội chiến vẫn đang hiện diện đâu đó vòng quanh. Chính cấu trúc khác biệt và độc đáo này có thể được xem như là lý do tạo nên thành công cho cuốn tiểu thuyết.

Còn với V.V.Ganeshananthan, quá trình viết “Brotherless Night” không được tiến hành chỉ từ hư cấu, mà bà đã làm công việc tìm kiếm, lắng nghe, đi thực địa và sắp xếp chúng theo một cốt truyện tưởng tượng phi thường. Cũng như các nhà văn đoạt giải Nobel Văn chương khác như Herta Müller trong “Nhịp thở chao nghiêng” hay Svetlana Alexievich trong nhiều tác phẩm có tính tài liệu, Ganeshananthan đã tìm tòi, khám phá và tìm ra những khoảng hở lịch sử để từ đó phát triển lên. Chính điều này lý giải cho khoảng thời gian mất đến 8 năm để hoàn thành cuốn sách, bởi việc lặn sâu vào các hồi ký và sách lịch sử để kiểm chứng, cũng như có được lòng tin của những người không hề muốn nhớ đến một lịch sử tàn khốc... là không dễ dàng.

Từ những điều trên có thể thấy rằng văn chương Sri Lanka đang gặp được những yếu tố thuận lợi cả về thiên thời, địa lợi, nhân hòa để “phục hưng” lại di sản văn chương của mình. Chính thế hệ nhà văn không ngừng đổi mới, những câu chuyện kể chưa bao giờ cũ cùng một bối cảnh tương đối khác biệt... đã giúp cho nền văn chương của đảo quốc Nam Á có lợi thế lớn trên trường quốc tế, hứa hẹn thêm nữa thành công tiếp sau và không dừng lại trong tương lai gần.

Đoàn Tuấn Anh
.
.