Văn chương trẻ: Sôi động và tươi mới

Thứ Sáu, 12/04/2024, 10:11

Tác phẩm của những cây bút trẻ liên tục trình làng với nhiều thể loại, nội dung phong phú. Không lặp lại chính mình, trang văn của họ dày dặn, tự tin hơn khi khai phá những chủ đề mới lạ, đầy tính phản tỉnh và giàu chiêm nghiệm về thế giới hỗn độn ta đang sống.

Vừa qua, 5 chàng trai nổi bật của văn đàn trẻ đã có buổi giao lưu, ra mắt “đứa con tinh thần” tại Đường sách TP Hồ Chí Minh. Đó là Yang Phan với truyện dài “Biến thể của cô đơn”, Huỳnh Trọng Khang với “Nơi không có tuyết”, Đinh Khoa với “Dị bản”, Võ Đăng Khoa với “Lạc đà bay” và Phát Dương với “Hai người trong một ngăn tủ”.

Các tác phẩm đánh dấu sự trưởng thành của 5 tác giả trên hành trình văn chương. Những thể loại khó như khoa học viễn tưởng (sci-fi), giả tưởng, kỳ ảo (fantasy)... gắn liền với các đề tài thời sự nhức nhối như trí thông minh nhân tạo, biến đổi khí hậu, sự vô cảm giữa người với người... được các tác giả thỏa sức sáng tạo với hình thức thể hiện lạ lẫm, tươi mới.

Văn chương trẻ: Sôi động và tươi mới -0
Từ trái qua: Huỳnh Trọng Khang, Phát Dương, Yang Phan là những cây bút sung sức của văn đàn trẻ.

Ghi dấu với truyện dài “Vụn ký ức” (Giải Nhì cuộc thi Văn học tuổi 20 lần 7), Yang Phan tiếp tục đi sâu mổ xẻ nội tâm giằng xé và nỗi cô đơn của cõi người trong “Biến thể của cô đơn”. Tác phẩm mở đầu bằng một bản thảo văn chương của loài người còn sót lại sau khi nhân loại bị robot tiêu diệt. Bản thảo tập hợp vô số tự bạch của con người trong ngày tháng cuối cùng của nhân loại. Đó là nỗi khắc khoải tìm kiếm, hay sự vật lộn với nỗi tuyệt vọng như con quái vật đang trỗi dậy bên trong mỗi cá thể...

Tác giả cho biết: "Biến thể của cô đơn" là tác phẩm nói về sự mất kết nối với chính mình. Đây là thời đại chúng ta sống quá nhanh, bị nhiều thứ chi phối, từ đó mất khả năng hiểu về tâm hồn mình. Khi cuộc sống biến động và phải đối mặt với nỗi đau, sinh-lão-bệnh-tử, tổn thương tinh thần, ta trở nên mong manh hơn. Thay vì chấp nhận và đi tiếp, chúng ta tìm đến những thức-ăn-nhanh-tinh-thần nhiều hơn, từ mối quan hệ chóng vánh, công nghệ, đến ảo tưởng công nghệ. "Biến thể của cô đơn" viết về những con người như vậy. Họ đào xới khắp nơi nhằm tìm kiếm thuốc cho tinh thần mà không nhận ra chỉ họ mới là người chữa lành chính mình”.

Cũng chọn thể loại sci-fi và hậu tận thế, Phát Dương làm mới ngòi bút miền Tây chân chất ngày nào với tập truyện ngắn “Hai người trong một ngăn tủ”. Tập truyện kể về một hành tinh nhân tạo trong tương lai, khi mà con người đã “giết chết” trái đất vì sự tham lam, ích kỷ. Những gì Phát Dương viết khiến người đọc phấp phỏng lo sợ bởi tương lai giả lập ấy chẳng hề xa xôi, để rồi họ phải sống tốt hơn, chung tay cứu hành tinh.

Nói về cú chuyển mình ngoạn mục này, anh tâm sự: “Thật ra, tôi luôn thích thế giới của trí tưởng tượng, nơi những sự huyền bí và các tiên đoán về tương lai xuất hiện. Tiếp đó là mong muốn làm khác đi những gì đã làm. Thế là tôi không tự neo mình lại nữa, tôi để mình bay lên. Tôi trò chuyện với những giấc mơ, phi thuyền, quái vật và cả những thành tựu khoa học kỹ thuật. Tôi cũng hòa nhập vào những dòng chảy hiện tại: tâm linh, trí thông minh nhân tạo, những vấn đề hiện sinh...”.

Hành trình chữa lành, tìm về chính mình là trăn trở chung của các tác giả trẻ. Cuốn sách viễn tưởng mang tên “Dị bản” của Đinh Khoa không chỉ khai thác về tình thương, tình yêu mà còn đi tìm lời giải cho câu hỏi mang tính triết học “Tôi là ai?”.

Chọn hai tuyến nhân vật, một bên là trí tuệ nhân tạo (AI), một bên là con người, Đinh Khoa khiến ai cũng phải suy ngẫm về nhân tính: liệu khi máy móc phát triển đến mức như con người, thì thế nào là con người? Theo anh, để tìm lời giải cho câu hỏi rất đơn giản: khi chúng ta là con người, chúng ta có cảm xúc, chúng ta cảm nhận được thế giới xung quanh mình và biết mình đang tồn tại. Máy móc có thông minh đến đâu nhưng ít nhất ở thời điểm hiện tại, chúng không thể có hệ cảm xúc phức tạp như con người.

Văn chương trẻ: Sôi động và tươi mới -1
Bìa tập truyện ngắn "Lạc đà bay" của Võ Đăng Khoa.

Chào làng văn với cuốn sách đầu tay “Lạc đà bay” ở tuổi 22, Võ Đăng Khoa khiến độc giả lẫn giới chuyên môn ngạc nhiên thán phục bởi văn phong đĩnh đạc, già dặn trong khi tuổi đời còn quá trẻ. Cây bút đến từ An Giang mang đến những lát cắt nho nhỏ trong cuộc sống thường nhật ở miền Tây sông nước, tưởng như vụn vặt mà lung linh chuyện đời thương mến. Riêng truyện ngắn chủ đề của cuốn sách mượn bối cảnh miền Tây và những con lạc đà sinh sôi nảy nở ở mức báo động để ngầm nói về thiên nhiên kiệt quệ dưới bàn tay con người. Câu văn của anh nhẹ nhàng, bình thản mà khép lại vẫn ngân vọng những day dứt khôn nguôi...

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư không tiếc lời khen về tập truyện: “Chững chạc, tự tin, tưởng tượng phong phú, tinh tế trong chi tiết, đọc “Lạc đà bay” không có cảm giác đây là tập truyện đầu tay của một tác giả vừa mới bước qua tuổi hai mươi. Bằng thứ văn phong giàu chất thơ, hiện đại, sớm vượt qua khỏi rào vách vùng miền, trắc ẩn mà không ủy mị, phơi bày mà không sa đà kể lể, Khoa tỉnh táo lần giở những buồn vui cuộc đời, nhìn vào thế giới nội tâm của những phận người dẫu bị dập vùi vẫn không thôi lấp lánh”.

Tác giả sinh năm 1994 Huỳnh Trọng Khang cho thấy sức viết bền bỉ và lên tay với văn chương khi liên tục cho ra mắt tác phẩm dài hơi như “Mộ phần tuổi trẻ”, “Những vọng âm nằm ngủ”, “Bể trăng côi”, “Nơi không có tuyết”... Ngoài 5 gương mặt trên, văn đàn dịp này vô cùng sôi động khi các tác giả trẻ liên tục trình làng tác phẩm mới. Phú An có hai tập truyện dài “Cựu tộc” mang đậm màu sắc fantasy, Triều Dương ra mắt tập truyện ngắn “Không gì ngoài cơn mưa”, Sang Nguyễn với tập truyện ngắn “Hoang khởi”...

Một thời, người viết trẻ bị chỉ trích khi chọn thể loại sci-fi, fantasy. Họ cho rằng tác giả trẻ tìm cách trốn tránh, xa rời thực tại bằng cách vẫy vùng ngòi bút trong một thế giới siêu thực. Bây giờ, sci-fi, fantasy không còn là nơi để tác giả trẻ chạy trốn chính mình mà trở thành điểm nhìn mới đa chiều để chất vấn, soi chiếu thực tại đầy bất trắc, tỉnh thức con người giữa vòng vây hỗn độn của cuộc sống. Họ dũng cảm đối diện trước nỗi cô đơn, trước sự lên ngôi của công nghệ, trước sự giận dữ của mẹ thiên nhiên...

Nhà văn trẻ không thờ ơ với thế giới mình đang sống. Họ trăn trở, lo âu. Họ trải lòng và tìm con đường bằng những con chữ. Trách nhiệm công dân, trách nhiệm của một con người trên tinh cầu xanh này được nhà văn trẻ thể hiện đầy đau đáu trong tác phẩm, khơi gợi suy nghĩ của mỗi người trước một thực tế nhiều biến động, đứt gãy kết nối giữa người với người. Dẫu viết về bi kịch và những điều tiêu cực, nhưng văn chương của họ không “đánh gục” người đọc mà mang đậm tính phản tỉnh, dẫn lối để mọi người tìm về thiện căn.

Điều quý báu của người viết trẻ chính là sự nhiệt huyết, dám nghĩ dám làm, không ngại va chạm và thử thách. Công chúng kỳ vọng chính sự dấn thân ấy sẽ giúp cây bút trẻ làm nên tác phẩm để đời trong tương lai. Theo Đinh Khoa, việc duy trì cảm hứng viết lách rất quan trọng với người trẻ, nhất là giữa nhịp sống bận rộn hiện nay. Cảm hứng chỉ đến khi người viết đủ đam mê và yêu thích. Chỉ khi say mê thì người sáng tác mới đủ kiên trì để ngồi vào bàn viết hằng đêm. Cùng tâm niệm, Võ Đăng Khoa cho rằng cứ viết rồi sẽ có tác phẩm. Còn đời sống của tác phẩm ấy như thế nào hãy để cho chính độc giả định đoạt.

Dễ nhận thấy lớp cây bút sung sức hiện nay đều trưởng thành từ các cuộc thi văn chương. Đinh Khoa, Yang Phan, Phát Dương đều có tác phẩm đoạt giải cao ở “Văn học tuổi 20” do Nhà xuất bản Trẻ tổ chức. Võ Đăng Khoa tuy tuổi đời còn trẻ nhưng đã giành không ít giải thưởng lớn nhỏ ở các cuộc thi viết. Tuy “Văn học tuổi 20” tạm ngưng và chưa hẹn ngày tái ngộ nhưng số sân chơi cho người yêu văn chương vẫn khá sôi động với hàng loạt cuộc thi viết mang cấp quốc gia lẫn địa phương, bộ, ngành.

“Người viết trẻ như mình bây giờ lợi thế là có nhiều cuộc thi, hội nhóm văn chương. Ngay trên mạng xã hội mình thấy có rất nhiều hội nhóm dành cho người viết, cả chuyên và không chuyên. Đó là sân chơi rất bổ ích để những ai đang tập tành sáng tác vừa học, vừa chia sẻ tác phẩm. Họ sẽ trưởng thành rất nhanh khi nhận được những lời khuyên bổ ích từ các nhà văn đi trước” - Võ Đăng Khoa nhận định.

Mai Quỳnh Nga
.
.