Bốn mùa hương phố
Mỗi lần qua phố Lãn Ông là tôi lại nhớ tới bài thơ “Mười ba bậc cầu thang” của nhà thơ, liệt sĩ Vũ Đình Văn (1951-1972) ở số nhà 47. Tôi đã thuộc lòng khổ thơ: “Mười ba bậc cầu thang, sang năm/ Mẹ tính đón em về rồi sửa/ Cho gần hơn ca tối em làm/ Tiếng guốc đêm về khuây bóng cửa”. Những bậc cầu thang gỗ ọp ẹp một thời luôn ám ảnh tôi cùng hương thơm của các vị thuốc ngát lên khắp phố.
Qua phố “Khách” hít mùi cam thảo
Ngày xưa có tới ba phố “Khách” gọi tên thay cho cánh người Hoa tới Thăng Long-Kẻ chợ từ thời Lê-Trịnh. Họ chọn nơi bon chen ngay trên bờ sông Tô Lịch. Cánh dân Quảng Đông chọn đất từ cửa sông (Giang Khẩu) rải rác tới đầu phố Hàng Ngang (lập thành đường Hàng Buồm). Còn cánh Phúc Kiến về sau cũng bám tiếp bờ sông, từ đầu Hàng Ngang chạy dài chừng 180 mét tới phố Thuốc Bắc.
Dòng sông Tô ở phía sau chính là những con phố Nguyễn Siêu, Ngõ Gạch, Hàng Cá ngày nay. Riêng phố Hàng Ngang được gọi là phố “Khách” đầu tiên khi những người Minh Hương ăn nhờ ở đậu từ trước mà nên. Họ buôn bán đủ thứ tơ lụa, trầm, vải tấm, trà, thuốc. Còn dân phố Hàng Buồm thì mở cửa hàng ăn uống, vui chơi giải trí, trên bến dưới thuyền náo động cả một vùng.
Đặc biệt phố Phúc Kiến chỉ bán thuốc bắc (lá và cây thuốc từ Trung Quốc gửi sang). Họ thường tới bến cầu Đông (phố Hàng Đường) nhận các thứ lá, rễ cây và các loại rượu ngâm động vật từ những chuyến tàu phía Bắc chuyển xuống. Nhóm dân Phúc Kiến tới hơi muộn hồi đầu nhà Nguyễn. Còn trước đó phố này chỉ bán đồ sắt như cuốc xẻng, dao kéo, dây thép. Khi những cửa hàng thuốc phương bắc tràn về tạo nên tên phố là Phúc Kiến là vì vậy. Nếu tính thời gian Hội quán Phúc Kiến được xây dựng năm 1817 thì cũng đã hơn 200 năm.
Ca dao xưa cũng đã ghi trong bài "Rủ nhau chơi khắp Long thành rằng": “…Phố Mới, Phúc Kiến, Hàng Than/ Hàng Mã, Hàng Mắm, Hàng Ngang, Hàng Đồng…”. Vậy đó chứ không có câu ca dao nào nhắc đến tên phố Lãn Ông. Vì mãi tới năm 1946 mới được đổi tên từ Phúc Kiến sang Lãn Ông. Việc đổi tên này bởi lẽ những nhà thuốc nam của người Việt dọn tới cạnh tranh từ đầu thế kỷ XX. Món thuốc Nam cũng hiệu quả theo nguyên lý “Nam dược trị Nam nhân” của Danh y-Thiền sư Tuệ Tĩnh (1330-1400).
Cả trăm năm trước dòng họ Phó nổi tiếng cùng với những thầy lang khác của nhánh Phúc Kiến làm chủ thị trường thuốc. Giờ đây người Việt cũng đã có những làng nghề làm thuốc Nam lừng danh từ các vùng Đa Ngưu, Ninh Hiệp, Nghĩa Trai, Đồng Tâm… tràn về. Họ mua đất mở cửa hàng, bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc rất đắt hàng. Con phố Lãn Ông ngày đêm dậy hương lá thuốc. Hiện vẫn còn đó những thương hiệu cả thuốc nam lẫn thuốc bắc xen kẽ một thời như: Phó Đức Hạnh, Đức Thái, Toàn Mỹ, Phúc Minh Đường, Cầu Bây, Phúc Thái, Đức Phong, Ích Phong…
Gia đình của thi sĩ Vũ Đình Văn cũng bốn đời làm thuốc từ đất thành Nam. Họ dọn lên phố Lãn Ông làm ăn và phát đạt thương hiệu họ Vũ. Anh cất tiếng khóc chào đời trên phố Lãn Ông (1951). Đang là sinh viên năm thứ 3 khoa văn Đại học Sư phạm, anh xung phong vào bộ đội đúng những năm chiến tranh khốc liệt (1971). Chỉ một năm sau nhà thơ trẻ đã hy sinh trong chiến dịch B52 suốt 12 ngày đêm của giặc Mỹ đành vào Hà Nội (12/1972).
Tuổi thơ anh sống trong hương thơm của cỏ cây hoa lá. Mười ba bậc cầu thang gỗ thân thương ngày nào đã trở thành ký ức theo anh vào cõi vô vi. Nhưng nó luôn hiển hiện qua những câu thơ anh để lại: “Phút giáp trận bao giờ cũng nhớ/ Mười ba bậc cầu thang-em lên/ Những bậc thang xẻ bờ công sự/ Đủ bình yên mỗi ý riêng quen”. Và đâu đó nhịp bước hành quân của người thi sĩ vẫn vang lên trong đêm trăng, khi anh viết: “Nơi ấy ngã ba chiến trường/ Nơi một tấm ván phà mấy trăm vết đạn/ Nơi ngọn hải đăng trong gió gào vẫn sáng/ Nơi mở đường đưa máu chảy về tim” (Đêm hành quân qua phà Long Đại).
Hồn thơ kiêu hùng của người thi sĩ chiến sĩ năm xưa luôn ám ảnh lòng người. Mỗi lần qua phố ngào ngạt hương thơm tôi lại nghe như có mùi khói lửa đang bập bùng đâu đó. Tôi yêu phố bởi những câu thơ Vũ Đình Văn: “Những bậc thang ra đi từ đấy/ Bữa này có dịp ghé về thăm/ Gấp gáp rồi xa-và cứ vậy/ Bao tầng vui tất bật sâu đằm”.
Đời tốc hành một ga xanh sót lại
Rất gần với số nhà 47 của gia đình thi sĩ Vũ Đình Văn là cơ ngơi của nhà văn Trần Chiến ở số 53A Lãn Ông. Tôi làm việc cùng nhà văn nhà báo Trần Chiến chừng 20 năm nên hay tới ngôi nhà bán thuốc nam này. Nhà văn Trần Chiến hiền lành hay mỉm cười và ít nói. Anh là người nối dõi cha mình là nhà văn, danh nhân nổi tiếng Trần Huy Liệu (1901-1969) về con đường báo chí và văn chương. Cửa hàng thuốc gia đình là mái ấm cho cuộc sống một thuở bao cấp khó khăn. Anh nhập ngũ năm 1968 và sau đó trở về học Khoa Văn (Đại học Tổng hợp Hà Nội) rồi ra nghề làm báo (HNM).
Trần Chiến là một nhà báo có phong cách riêng biệt cũng như trường văn trận bút của anh vậy. Anh đã có những tác phẩm văn học ngay từ thời còn đang làm báo. Lần lượt Trần Chiến nổi lên với phong cách văn chương độc đáo qua các tập truyện ngắn như: “Con Bụi”, “Đường đua”, “Hoa nước”; Và các tiểu thuyết: “Đèn vàng”, “49 chưa qua”, “Cậu ấm”. Cùng với đó là những tác phẩm phóng sự, bút ký liên tục xuất hiện. Trần Chiến đã được nhận một số giải thưởng cao của Hà Nội và Trung ương. Hiện vẫn còn đó cửa hàng xinh xắn trên phố Lãn Ông nơi anh luôn trở về với những ký ức của một thời trai trẻ.
Nhưng phải nói Lãn Ông phố đã trở nên thâm sâu hơn biết bao nhiêu khi có sự hiện diện của nhà thơ Lê Đạt (1929-2008) ở nhà số 9. Địa chỉ này từng xuất hiện trong thơ ông vài lần mà tôi luôn cảm nhận được những thi ảnh bâng khuâng một thuở. Nhà thơ viết: “9 gác Lãn Ông/ Lòng xanh xuân chờ/ Gió mùa xổ cửa/ Tìm đèn rong khuya” (Chi chành-"Bóng chữ"- NXB Hội Nhà văn,1994). Ông tự nhận mình là phu chữ và lao tâm khổ tứ trên con đường thi ca. Nhà thơ thường soi tìm bóng chữ với sự say mê vô tận. Học ông rất khó mà chỉ thưởng thức được thơ ông cũng đáng gọi là tri kỷ tri âm.
Lê Đạt viết trong tập "U75 Tự tình" rằng: “Nụ xuân chớp đông/ Hoa xuân chớp hồng/ Chũm cau tứ thì chúm chím/ Ú ớ mơ ngần/ Một giấc chim xuân” (Nụ xuân). Đó là những thi ảnh gợi tình đầy bí ẩn và ám ảnh tâm hồn. Lại có khi nhà thơ làm bạn đọc bất ngờ với tự họa: “Đời tốc hành/ một ga xanh sót lại/ Một góc tuổi mải tầu/ Thơ dại mãi/ Tìm nhà quên mất số lớn khôn” (Kết luận).
Đã chừng non nửa thế kỷ ngôi nhà số 9 Lãn Ông là chốn hội ngộ của tao nhân mặc khách bốn phương. Họ chia sẻ cùng nhà thơ Lê Đạt trong công việc và những nỗi niềm về thân phận cuộc đời. Hàng chục năm sống trong vất vả cô đơn nhưng nhà thơ Lê Đạt luôn tỏ ra lạc quan và đắm đuối cùng con chữ. Ông luôn dành thời gian cho riêng mình với những đường cày trên cánh đồng thi ca. Chữ của ông biến hóa khôn lường tựa như trò chơi ảo thuật vậy.
Gia đình nhà thơ ở đoạn ngắn đầu phố Lãn Ông (phía đông) nhưng các cửa hàng ở đây lại toàn bán khăn tay, khăn mặt và đồ cho trẻ nhỏ, bà bầu. Thậm chí họ còn bán cả giấy vệ sinh mà không hề bán thuốc đông y như dẫy phố chính (phía tây). Nhà thơ Lê Đạt luôn phụ giúp gia đình bán hàng mưu sinh. Ông chỉ nghĩ về con chữ khi ngơi tay hoặc lúc đêm khuya. Trước khi mất một năm nhà thơ Lê Đạt đã được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (2007) cho những tác phẩm “Bóng chữ” (thơ), “Ngỏ lời” (thơ) và “Hèn đại nhân” (truyện ngắn).
Hương mơ
Không hiểu sao có lúc tôi cứ quanh quẩn đi trong sân nhà của Hội quán Phúc Kiến (số 40 Lãn Ông). Không gian dậy mùi thơm cỏ cây. Một cung thanh trầm của tiếng chim gù từ góc vườn ngân nga. Kiến trúc Hội quán cổ mang phong vị gốm khắc nổi Phúc Kiến làm dịu nắng dội qua tán cây. Mái ngói nghiêng nghiêng phố tươi màu cỏ lá phơi trên nong tre. Tôi ngờ rằng khi làm mấy câu thơ đẹp và dậy hương thơm của nhà thơ Lê Đạt đã được nảy mầm bóng chữ từ đây. Phu chữ đã trở nên dịu dàng làm sao: “Anh đến mùa thu nhà em/ Nắng cúc lăm răm vũng nhỏ/ Mà cho đấy rửa lông mày/ Nông nổi heo may từ đó” (Thu nhà em). Có thể nói nhà thơ Lê Đạt là chân dung của con phố bốn mùa đầy hương Lãn Ông.