Một thoáng Đồng Hới

Chủ Nhật, 02/07/2023, 09:21

Được tin tôi mới tới Đồng Hới tức thì “Gã binh nhì”, biệt danh nhà văn Nguyễn Thế Tường với truyện ngắn nổi tiếng “Hồi ức của một binh nhì”, tự đánh ôtô tới tận nhà khách Bộ Công an ở bãi biển Bảo Ninh để đón. “Gã binh nhì” vẫn thế, chu đáo nhiệt tình với bạn bè. Ông nói luôn: “Sáng nay tôi đưa ông đi thăm mấy di tích ở Đồng Hới”.

Qua câu chuyện nhanh trên ôtô “Gã binh nhì” cho hay: “Trước kia muốn sang Bảo Ninh phải đi đò nhưng kể từ khi cầu Nhật Lệ bắc qua sông Nhật Lệ được đưa vào sử dụng thì bến đò ấy chỉ còn trong ký ức”. Thì ra “bến đò trong ký ức” ấy chính là bến đò mà người Đồng Hới vẫn gọi là “bến đò mẹ Suốt”, bởi những năm máy bay Mỹ ném bom có người phụ nữ tên là mẹ Suốt quê xã Bảo Ninh đã dũng cảm chèo đò dưới mưa bom để chuyên chở cán bộ nhân dân qua lại. Mẹ Suốt được phong tặng Danh hiệu Anh hùng LLVT, được nhà thơ Tố Hữu ca ngợi trong bài thơ “Mẹ Suốt” mà tuổi học trò chúng tôi từng học thuộc.

1.jpg -0
Tượng Mẹ Suốt bên sông Nhật Lệ.

Nhà văn Nguyễn Thế Tường cho xe chạy chầm chậm, ông nói tiếp: “Cầu Nhật Lệ thông cũng có nghĩa là bãi biển Bảo Ninh trở thành điểm tắm biển kiêm nghỉ dưỡng. Ở đó có các nơi nghỉ từ bình dân tới cao cấp. Đấy nhà nghỉ dưỡng ông đang ở, đi bộ trăm mét là tới bãi tắm ồn ào sóng vỗ rồi”.

Sau khi qua cầu Nhật Lệ ông nhà văn cho xe chạy dọc con đường song song với sông Nhật Lệ, một đường phố nên thơ và khá thông thoáng. Chỉ tay vào một bức tượng cao được dựng ngay bên bờ sông, ông Tường nói: “Tượng Mẹ Suốt đấy”. Tôi ngoái đầu qua cửa xe, dưới “chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình” bức tượng Mẹ Suốt như thanh vút lên, in hình trên nền trời xanh biếc. Tôi hỏi: “Tác giả của bức tượng này chắc phải là người quê choa?”. Nhà văn Nguyễn Thế Tường nói luôn: “Tham quan một vòng đã. Xong tôi sẽ đưa ông tới cà phê với tác giả”. Tôi nói thêm: “Bảo Ninh còn có một người mà hồi còn thiếu nhi tôi vẫn nghe hát”. Ông Tường không trả lời mà cất tiếng hát: “Em bé Bảo Ninh/ Bên bờ Nhật Lệ/ Dưới trời lửa khói.../ Cởi chiếc áo nhỏ/ Bọc đạn chuyền đi/ Cho chú dân quân/ Bắn nhào phản lực...". Ông thấy đấy, người Bảo Ninh từ trẻ tới già đều anh hùng cả”.

Chiếc Kia màu đỏ đun, bốn ghế ngồi lại bon bon trên phố. Mới đầu ngày mà nắng đã trắng mắt, đã nóng như cát rang. Nhà văn Nguyễn Thế Tường bỗng trở nên hào hứng. Ông vừa điều khiển xe vừa khoát tay chỉ trỏ: “Thành phố Đồng Hới của chúng tôi nằm ở vị trí hẹp nhất của dải đất hình chữ S, do vậy lên rừng (dãy Trường Sơn) hay xuống biển đều thuận tiện”. Thấy tôi tỏ vẻ hơi lạ, ông nhà văn ngất ngư chiếc mũ phớt, lấp lánh đôi mắt sau cặp kính cận dầy cộp, cho biết tiếp: “Trên địa bàn thành phố có sông Nhật Lệ chảy ngang, có đường số 1 chạy qua, có đường sắt Bắc Nam tàu chạy sình sịch, lại có đường Hồ Chí Minh xe đi vun vút. Nói chung là mảnh đất lịch sử này ông có tìm hiểu cả tháng cũng chưa hết”.

Rồi ông cho biết, đã từ rất lâu người dân nơi đây đã biết cách dẫn nước ngọt từ một hồ nước có tên là hồ Bàu Tró ở ngay trong thành phố để sử dụng. Nhà văn Nguyễn Thế Tường bảo: “Chắc là vì vậy nên mảnh đất Đồng Hới đã hình thành một đô thị, một thành lũy khá lâu đời. Chính ở hồ Bàu Tró các nhà khoa học đã khai quật được nhiều di vật, di chỉ đáng giá. Những hiện vật đó đủ cho thấy từ cách đây khoảng 5.000 năm người Việt đã đến định cư ở đây. Xưa kia nơi này là khu tranh chấp giữa người Việt và người Champa. Tuy nhiên, những hiện vật tìm thấy đã có thể gọi là “nền văn hóa Bàu Tró” đấy ông ạ”.

Tôi băn khoăn: “Vậy tên Bàu Tró nghĩa là gì?”. Ông nhà văn hóm hỉnh trả lời: “Trước hết tên gọi là Bàu Tró chứ không như cách phát âm lẫn lộn Tr và Ch của dân Hà Nội các ông nhé. Bàu thì là phương ngữ của người miền Trung, có gốc gác Champa, nó có nghĩa là hồ nước. Còn Tró thì tôi đang tìm hiểu song nó là phát âm có tính cổ ngữ của dân địa phương thôi”.

Được hay thêm rằng hồ Bàu Tró là nơi có nguồn nước ngọt sạch nhất mà người dân nơi đây xưa kia chỉ dùng vào dịp quan trọng như đám tiệc, cúng giỗ. Ông Tường còn cho biết thêm: “Người Đồng Hới bảo: Hồ Bàu Tró là một hồ không có đáy bởi nó chẳng khi nào hết nước ngọt cả. Ở cạnh biển mà có hồ nước ngọt dồi dào như thế này chứng tỏ ông giời biết thương người Quảng Bình chúng tôi ông ạ”.

Xe vẫn chạy đều đều, gió từ hướng biển thổi qua sông Nhật Lệ nên càng thêm mát. Trên sông từng chiếc tàu thuyền đánh cá ngược xuôi xuôi ngược. Ở đỉnh các tàu thuyền những lá cờ đỏ sao vàng bay phần phật như tô điểm cho dòng sông thêm quyến rũ. Tôi quay sang hỏi: “Tên sông có ý nghĩa gì không?”. Nhà văn Nguyễn Thế Tường chau mày vài giây rồi nói: “Nhật có nghĩa là mặt trời. Còn Lệ ở đây không hẳn có nghĩa là nước mắt”. Nói rồi ông nhà văn lại chau mày vài giây rồi ông đọc: "Nhật chi lệ bất vô chi chúc giả. Đây là câu thơ của Hồ Thiên Du, một nhà thơ cổ của Quảng Bình, câu thơ này có nghĩa là "sự rực rỡ của ánh sáng mặt trời thì không nơi nào là nó không chiếu đến được".

3.jpg -1
Trên sông Nhật Lệ (ảnh chụp từ cầu Nhật Lệ).

Quả đúng như vậy. Dưới ánh mặt trời sông Nhật Lệ ánh lên, khoe vẻ đẹp đầy chất thơ trên mảnh đất miền Trung cằn cỗi, nắng khô người. Dòng sông ấy đã gieo vào lòng người dân nơi đây niềm tin yêu tuy nhìn qua thấy có vẻ trầm buồn như chính tên gọi. Cũng bởi lẽ thế mà chữ “lệ” cũng có thể hiểu là nước mắt và cho cảm giác như rằng con sông là đôi mắt ướt lệ của người con gái Đồng Hới dịu dàng, tinh khôi.Ông nhà văn “binh nhì” đã nói thêm với tôi như vậy. Và ông bảo: “Giờ ta tới thăm thành Đồng Hới hỉ?”.

Thành Đồng Hới hiện nay được tỉnh Quảng Bình “quy hoạch lại khá gọn ghẽ” nhưng vẫn giữ được hình dáng cũ. Một khu thành vuông vức với những bức tường gạch xây dầy và cao, thành còn được bao bọc xung quanh bởi những hào nước rộng.

Nhà văn Nguyễn Thế Tường dẫn tôi bước những bước trên cây cầu dẫn vào cổng thành. Ông dừng lại nói bằng giọng thâm trầm: “Lịch sử mảnh đất Đồng Hới có thể tính từ khi Thái úy Lý Thường Kiệt dẫn quân nhà Lý vào đây dẹp loạn Chiêm Thành. Vị Thái úy công dầy như núi đã cho xây dựng nơi đây thành trấn biên cho nước Đại Việt. Nhưng chắc chắn hơn là khi Chúa Nguyễn Hoàng theo lời khuyên “Hoành Sơn nhất đái. Vạn đại dung thân” của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm mà vượt dãy Hoành Sơn tới đây để tránh bị Chúa Trịnh tiêu diệt. Các đời Chúa Nguyễn sau này đã cho xây dựng Thành Đồng Hới để làm trấn biên phía Bắc Đàng Trong chống lại các cuộc tấn công của Chúa Trịnh. Đây chính là Lũy Thầy một thành lũy quân sự nổi tiếng do Danh tướng Đào Duy Từ xây dựng theo lệnh của Chúa Nguyễn Phúc Nguyên năm 1630 và cũng là Thành lũy ở vùng đất xung yếu trên con đường xuyên Việt”.

Nhà văn Nguyễn Thế Tường cho biết: “Trong thời chống Pháp, thành Đồng Hới là nơi tụ nghĩa, tụ quân, là điểm hẹn của những con người dám sống, dám hy sinh vì Tổ quốc. Phần lớn thành Đồng Hới đã bị phá hỏng trong thời kỳ Pháp thuộc. Sang cuộc kháng chiến chống Mỹ, với mục đích san phẳng và huỷ diệt, biến nơi đây trở về thời kỳ đồ đá nhằm ngăn chặn sự chi viện từ hậu phương miền Bắc vào chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ đã trút xuống Đồng Hới hàng vạn tấn bom đạn và phá huỷ một phần thành cổ.

Cũng đã tới trưa, câu chuyện Thành cổ Đồng Hới chắc còn phải nghe thêm, ông nhà văn “Nhà Quảng Bình học” bèn nhắc: “Giờ ta về Trụ sở Hội Văn nghệ tỉnh, ở đường Đoàn Thị Điểm sát ngay bên Thành. Ông Phan Đình Tiến, Chủ tịch Hội đang đợi”. Thì ra ông Tiến đang đợi thật, nhà văn Nguyễn Thế Tường giới thiệu luôn: “Tác giả bức tượng Mẹ Suốt đấy. Hai ông hỏi chuyện nhau nhé”.

Bấy giờ Nhà điêu khắc Phan Đình Tiến mới cho hay: “Tôi sáng tác mẫu tượng Mẹ Suốt khi đang theo học Khoa Điêu khắc ở Trường Đại học Mỹ Thuật Huế. Đấy là bài trả thi của tôi anh ạ. Bài được Hội đồng Nghệ thuật của Trường đánh giá cao và giới thiệu cho tỉnh Quảng Bình. Được tỉnh trao Giải A - giải thưởng Lưu Trọng Lư năm 1995. Năm 2001 thì được chuẩn y xây dựng và năm 2003 tượng được khánh thành. Tôi rất vui vì được đóng góp cho quê hương Quảng Bình của mình. Tác phẩm điêu khắc của tôi về hình tượng mẹ Suốt được đặt bên bờ sông Nhật Lệ, một vị trí đắc địa của thành phố là tôi mãn nguyện lắm rồi”. 

Nguyễn Trọng Văn
.
.