Bến Ngự một cõi đi về
Buổi chiều ấy, tôi như một kẻ mộng du qua cầu Bến Ngự trên sông An Cựu (TP Huế). Tiếng mõ chùa Phổ Quang vẳng lên trong màn sương đang buông xuống. Mái tường cổng phủ của ông Hoàng thi ca Miên Thẩm (con vua Minh Mạng) bên sông ánh lên một màu vàng sẫm cô liêu.
Cánh hoa Tiên ngày nào trong cung phủ chỉ còn là dĩ vãng chập chờn trong khu vườn hoang phế. Cô lái đò trên sông cất lên câu hò buồn mênh mang: “Thiên Mụ, Thánh duyên trăng với sóng/ Bóng rừng, hương nước, có còn ai?” (thơ Miên Thẩm).
Dốc phố bến xưa
Tôi luôn nhớ con đường Phan Bội Châu mỗi khi vượt qua cầu lên đường Nam Giao TP Huế. Ít có đường phố nào lại gợi bao ký ức trong tôi như thế. Bởi có thời tôi chỉ quanh quẩn với con dốc Bến Ngự đổ xuống cầu rồi rẽ vào chợ Bến Ngự ăn cháo gà và uống rượu của cô Chi. Sinh thời nhà thơ Ngô Minh đã làm một bài thơ gồm chín chữ Chi để tặng cho cô chủ xinh đẹp này. Nghe nhà thơ đọc, tôi thuộc ngay bởi giọng điệu thơ hóm hỉnh duyên dáng: “Cô Chi ơi bán rượu Chi/ Rượu Chi Chi uống cũng vì nhau thôi/ Cớ Chi cô tủm tỉm cười…”.
Lại có lần nhà thơ Vĩnh Nguyên dẫn tôi lang thang dọc đường Phan Bội Châu để tìm địa chỉ ngôi nhà tuổi thơ của Trịnh Công Sơn. Chúng tôi hỏi dò mãi mới tìm được ngôi nhà từ đường họ Trịnh (Nam Trịnh Đường) ở số nhà 101/2 Phan Bội Châu. Người coi từ đường cho biết gần trăm năm trước, dòng họ Trịnh đã rời làng Minh Hương (Hương Thủy) lên đây sinh sống. Anh em ông Trịnh Xuân Thanh (thân sinh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) thuộc đời thứ 5.
Năm 1937, vợ chồng ông Thanh lên Đắk Lắk mở cửa hàng may quần áo rất phát đạt. Hai năm sau vợ chồng ông Thanh sinh con trai Trịnh Công Sơn. Nhưng do thời thế rối loạn, năm 1943 ông Thanh lại dắt díu vợ con về Huế. Từ đó tuổi thơ Trịnh Công Sơn gắn liền với con dốc Bến Ngự cùng ngôi trường tiểu học Nam Giao và sau này tiếp tục học Trường trung học Pellerin (cạnh ga Huế).
Nhà thơ Vĩnh Nguyên kể rằng, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lớn lên cùng bao biến cố của cha mình. Đặc biệt là những năm tháng ông Thanh bị giặc Pháp bắt giam vì những hoạt động chống đối trong phong trào yêu nước. Có lần Trịnh Công Sơn được vào nhà lao thăm cha và ở lại với cha. Cuối cùng, cái chết của ông Thanh vì tai nạn xe máy trên đường từ Quảng Trị về Huế (1955) luôn ám ảnh Trịnh Công Sơn mãi về sau. Giai đoạn này, gia đình Trịnh Công Sơn gặp nhiều khó khăn với hoàn cảnh túng bấn của người mẹ với bầy con nhỏ. Họ phải dọn về ở khu tập thể tại 203/19 Nguyễn Trường Tộ trong thời gian khá dài (1960-1979). Đây là di tích “Gác Trịnh” được giữ lại sau bao năm “Ở trọ” trong cuộc đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Người dân Huế ai cũng gắn bó với Bến Ngự một thuở yêu thương. Nhiều thế hệ trăm năm trước đều ăn gạo De, sản phẩm của đất làng An Cựu có con sông đào chảy qua. Đó là một thuở: “Tôm rằn bóc vỏ bỏ đuôi/ Gạo de An Cựu mà nuôi mẹ già”. Sông An Cựu, bắt đầu từ nguồn sông Hương đi qua xã Phú Xuân rồi chạy dọc đất xã An Cựu, kéo dài 34 cây số ra tới phá Hà Trung.
Bến Ngự luôn lưu giữ hình ảnh thiêng liêng trong tiềm thức của mọi người. Ai cũng biết đó là nơi vua ngự thuyền rồng để hành hương về Nam Giao tế lễ đất trời. Cây sung cổ bên sông vẫn còn đó như một dấu tích tìm về bến xưa. Đây cũng là nơi “Ông già Bến Ngự” (Phan Bội Châu) ngồi câu cá trong thời gian bị thực dân Pháp giam lỏng (1925-1940). Hiện con đường mang tên Phan Bội Châu còn lưu giữ di tích lịch sử về cuộc đời của “Ông già Bến Ngự” (số nhà 119). Con dốc phố chạy xuống cầu cũng được dân Huế đặt tên “Dốc Bến Ngự” là vì thế.
Chuyện tình muộn qua “Đêm tàn Bến Ngự”
Sông An Cựu được mở rộng hơn 20 mét và kéo dài trở thành hệ thống thủy lợi ngăn mặn và tưới tiêu cho hàng chục ngàn mẫu ruộng quanh vùng (năm 1814). Từ đó, hai bên bờ sông mọc lên hàng chục phủ và lâu đài của vua chúa nhà Nguyễn. Nhiều gia đình công tôn nương tử dòng dõi vương gia, kể cả vợ con vua đều phải ra ngoài thành sinh sống. Sông An Cựu dần dần trở nên tráng lệ với những ngôi nhà nguy nga cổ kính. Những đoàn thuyền rồng tấp nập trên sông tạo nên quang cảnh xa hoa lộng lẫy. Khi đó, cô gái Ngọc Trâm, cháu nội của Diên Lộc Quận Công đã được sinh ra trên đất làng An Cựu (năm 1921) như thế.
Ngọc Trâm còn là cháu ngoại của công chúa Mỹ Lương (chị gái vua Thành Thái). Ngọc Trâm có giọng hát trong trẻo như tiếng chim họa mi từ nhỏ và tiềm tàng năng khiếu âm nhạc. Lên trung học Ngọc Trâm nổi tiếng trong trường qua những bài hát tiếng Pháp. Tuy nhiên sau khi tốt nghiệp tú tài (1942), Ngọc Trâm sớm lập gia đình theo sự sắp xếp của cha mẹ. Nhưng trớ trêu thay, vài năm sau người chồng bị bệnh hiểm nghèo sớm qua đời bỏ lại vợ và hai con nhỏ. Sau đó Ngọc Trâm đưa hai con vào Sài Gòn tìm vận may sinh sống (1949). Cô trở thành ca sĩ đài phát thanh Pháp Á với nghệ danh Minh Trang (ghép tên hai con). Ngay lập tức Minh Trang nổi tiếng trong làng âm nhạc Việt.
Thật tình cờ trước đó vài năm, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước (1915-1995) cũng vào Huế như một cuộc rong chơi vô định. Đó là những đêm trăng thanh buồn rã rời nơi xứ Huế làm xao xuyến tâm hồn người nhạc sĩ Hà thành. Dương Thiệu Tước mải miết ngày đêm học những làn điệu dân ca Huế do dàn nhạc cung đình biểu diễn. Không ít ngày ông đi tới các làng xã dọc sông Hương, An Cựu và dòng sông Như Ý để sưu tầm những câu hò điệu lý cùng làn điệu Nam Ai, Nam Bình. Hồn cốt âm nhạc Huế đã cuốn hút trái tim ông. Chính vì thế mà bài hát “Đêm tàn Bến Ngự” ra đời nơi bến sông xưa.
Đó là vào năm 1946, trong một đêm trăng, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước gặp gỡ bạn văn nghệ liên hoan để chia tay. Khi mọi người vẫn còn vui vẻ ca hát thì đột nhiên Dương Thiệu Tước ra ngồi đầu mũi thuyền lấy giấy bút ghi lại những giai điệu vang lên trong tâm tưởng. Sương xuống ướt đẫm hai vai nhưng lời ca thống thiết cứ tuôn trào: “Ai về Bến Ngự cho ta nhắn cùng/ Bến xưa non nước Hương Bình/ Những phút tàn canh/ Vương vấn bao tình/ Ai rứt sao đành…”. Một cảm xúc say đắm với nỗi buồn chia xa kinh thành Huế luôn gióng giả tiếng chuông bên ngôi chùa cô quạnh. Phải chăng đó là bản thánh ca về nỗi nhớ bẽ bàng khi phải chia tay một cuộc tình và rời xa Huế. Trong hàng trăm bài viết về Huế, ca khúc “Đêm tàn Bến Ngự” luôn được xếp hàng đầu bảng.
Vào đầu thập niên 50 thế kỷ trước, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước rời Hà Nội vào Sài Gòn hoạt động âm nhạc. Ông đã gặp ca sĩ Minh Trang với tâm trạng cùng chia sẻ nỗi cô đơn nơi đất khách quê người. Ca khúc “Đêm tàn Bến Ngự” kết nối hai người như đã từng hò hẹn từ xa xưa. Giai điệu đẫm chất Huế của bài hát đã làm xúc động tâm hồn ca sĩ Minh Trang. Hai người hạnh phúc bên nhau cũng bởi sự đồng cảm âm nhạc Huế bên bến nước ngày nào.
Một cõi đi về
Mới đây tôi có dịp gặp nhà thơ Lê Huỳnh Lâm, người quản lý “Gác Trịnh” bấy lâu nay. Chúng tôi cùng đi tới chùa Phổ Quang, bên sông An Cựu, nơi có di ảnh của hai cha con nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để thắp hương tưởng nhớ tới ngày nhạc sĩ mất (1/4/2001). Gia đình Trịnh Công Sơn sớm theo Phật, mọi người đều quy y tại chùa Phổ Quang. Đây là ngôi chùa cổ nổi tiếng được xây dựng hơn 400 năm trong khuôn viên rộng lớn gần Bến Ngự. Từ nhỏ Trịnh Công Sơn được cha mẹ đưa tới đây làm lễ cửa phật với pháp danh Nguyên Thọ. Chúng tôi đứng lặng trong tiếng mõ vang lên an nhiên như muốn rũ sạch bụi trần.
Nhà thơ Lê Huỳnh Lâm cho biết, vào những năm tháng đầy biến động, Trịnh Công Sơn thường về bái mộ cha rồi về chùa dâng hương. Tại đây nhạc sĩ đã viết bài ca “Một cõi đi về” với tâm trạng thiền tự trút bỏ mọi phiền muộn ràng buộc trên đường đời. Vậy mà tới nay đã 23 mùa xuân nhạc sĩ thầm lặng trong “Một cõi đi về” của mình. Dòng sông lững lờ trôi cô quạnh dưới cầu Bến Ngự. Một tiếng chuông ngân nga cùng giai điệu thân phận con người thở dài: “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi/ Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt/ Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt/ Rọi suốt trăm năm một cõi đi về” (Trịnh Công Sơn).