Về Cổ Chất với em đi

Thứ Sáu, 25/12/2020, 11:34
Cách thành phố Nam Định chừng 20 cây số, làng Cổ Chất nằm bên con sông Ninh Cơ hiền hòa, thơ mộng. Chốn ấy thuộc xã Phương Định, huyện Trực Ninh.


Buổi trưa giữa Đông ấy, tôi cùng với người bạn làm báo có tên là Kim Thanh về tới trước cổng làng rêu phong, trầm mặc uy nghiêm, bất giác Kim Thanh cất giọng “lẩy Kiều” với một tâm thế rất lãng mạn trữ tình, chen lẫn niềm kiêu hãnh đặc biệt:

“Hỡi cô thắt dải lưng xanh
Có về Nam Định với anh thì về
Nam Định có bến Đò Chè
Có tàu Ngô Khách, có nghề ươm tơ!”

Tơ Cổ Chất có 2 loại chính là vàng và trắng.

Hóa ra cái địa danh “có nghề ươm tơ” nổi tiếng trong câu ca dao rất đỗi thân thương mà tôi từng được bà nội ngân nga ầu ơ bên cánh võng đay mỗi trưa hè hây hẩy những ngọn gió nồm nam mồ côi hiếm hoi để đưa cháu mình vào giấc ngủ thuở ấu thơ đó lại chính là làng Cổ Chất của Kim Thanh.

Mở trang ngọc phả của ngôi làng cổ ấy mới hay, nghề trồng dâu nuôi tằm, kéo tơ và dệt lụa của Cổ Chất được hình thành và phát triển từ triều đại nhà Trần, cách  nay hơn 800 năm. 

Có được cái cơ duyên nằm bên cạnh con sông Ninh Cơ quanh năm lưu thủy hành vân chở nặng phù sa, thành ra, người dân làng Cổ Chất được thừa hưởng một vùng đất bãi phì nhiêu phồn thực mênh mông. Đó chính là cơ hội ưu việt số một để Cổ Chất phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm kéo tơ, dệt lụa truyền thống.

Kể về giá trị của nguồn lợi tự nhiên nói trên, ông Vũ Đức Hoàn, người bác họ của Kim Thanh hào hứng thổ lộ. Nhờ chủ động được nguồn nguyên liệu (lá dâu) dồi dào cho nên, nghề ươm tơ của Cổ Chất nổi tiếng từ đời nảo đời nao cho tới nay, thật ra cũng chẳng ai còn nhớ được nữa. 

Đành rằng, dẫu có lúc nọ lúc kia; vì những biến cố này nọ của lịch sử, song chưa khi nào những lò luộc kén kéo tơ của làng lại nguội lạnh ánh lửa hồng hay vắng những tiếng thoi đưa lách cách rộn ràng, với đủ mọi cung bậc tiết tấu, nhịp điệu. 

Bãi dâu, lứa tằm, sợi tơ, khung dệt… đã gắn bó người dân nơi đây từ đời này sang đời khác, trở thành nét đẹp văn hoá của vùng quê. Gặp lúc say  chuyện, bất chợt ông Hoàn lặng đi một lúc thật lâu để rồi sau đó rưng rưng ánh mắt, tự hào khoe: ở làng Cổ Chất không thiếu gì những gia đình có tới hơn chục thế hệ nối nhau theo nghiệp nuôi tằm kéo tơ rồi. Ông Hoàn kể, thuở “vang bóng một thời” nhất  của nghề tằm tang Cổ Chất lại chính ngày thực dân Pháp chiếm đóng nước ta.

Chuyện thế này, vào đầu thế kỷ XX, giới tư bản Pháp buộc phải “mở hầu bao” rót tiền đầu tư xây dựng một nhà máy ươm tơ ngay tại đầu làng Cổ Chất với mục đích khai thác kỹ năng lao động lành nghề của dân thôn. Đồng thời, khai thác triệt để tiềm năng vùng nguyên liệu dâu tằm dồi dào phân bố dọc bờ sông Ninh Cơ. 

Nhà máy ươm tơ ra đời, thương nhân tứ xứ nô nức tìm về làng Cổ Chất thu sản phẩm. Sau đó khách thương hồ đem tơ lụa của người Cổ Chất bán ở bến Đò Chè, một khu thương cảng sầm uất vào loại bậc nhất của Nam Định thời thuộc Pháp.

Năm 1942, Chính phủ phong kiến Nam triều mở phiên đấu xảo (hội chợ) ở Hà Nội. Địa chỉ của khu đấu xảo chính là Cung Văn hóa Hữu nghị bây giờ, nhằm thu hút tinh hoa làng nghề của mọi vùng - miền về Kinh thành Thăng Long. Bận ấy, ông Phạm Ruân người làng Cổ Chất “đem chuông (tơ) đi đấm nước người” và đoạt được giải cao của Phủ Thủ hiến Bắc Kỳ.

Là một trong những hộ gia đình ươm tơ nhiều nhất làng Cổ Chất, nghệ nhân Nguyễn Thị Yến đặc biệt quan tâm tới khâu phân loại kén tằm để có được sản phẩm tơ đạt chất lượng cao nhất.

Bữa tôi về Cổ Chất đang cữ giữa Đông, trời đổ rét đậm rét hại, nhưng nắng rót vàng mật ong. Không gian khô hanh, rát bỏng khiến làn môi con gái trở nên khô nẻ. Ấn tượng đầu tiên khiến lữ khách phương xa bị mê hoặc đến ngẩn ngơ, hắt lên cái nền trời mùa Đông thông thống một màu xanh ngọc bích cô độc ấy là những mảng vàng rực rỡ khéo léo phối cùng những mảng màu trăng trắng óng ả nuột nà như suối tóc con gái tuổi mười tám đôi mươi.

Những mảng màu vi diệu đó chính là những bó tơ vàng; tơ trắng được vắt lên những cây sào tre phơi khắp làng. Trên cao trời xanh và nắng vàng cùng những cánh chim chèo bẻo chao lượn; dưới đất là sắc vàng, sắc trắng của tơ. 

Và những tiếng reo vui hối hả của nhịp xa quay lách cách cùng khói bếp lan tỏa mơ màng hư thực đầy sắc màu cổ tích từ những lò luộc kén kéo tơ mang theo cái hương vị  tanh tanh ngai ngái rất đặc trưng của những con nhộng bị luộc chín v.v… 

Tất cả những sắc màu; những âm thanh và mùi vị đó tạo nên một bức tranh đa màu, đa âm sắc tuyệt bích giữa một ngôi làng cổ đầy thanh bình khiến người ta nao nao lòng dạ, cứ như thể bị bỏ bùa mê.

Bà Nguyễn Thị Yến, một nghệ nhân ươm tơ “có số có má”  ở Cổ Chất bộc bạch, qua bao phen chìm nổi nhưng nay ở làng vẫn có hàng trăm hộ gia đình giữ nghiệp ông bà ông vải để lại. Thôi thì nhà nào “nghèo nhất” cũng đều duy trì ít nhất từ hai bếp ươm tơ trở lên. Bà Yến rất tự tin khi tâm sự, tơ Cổ Chất được làm thủ công hay bằng máy cũng đều rất đẹp và có chất lượng tốt vào loại… “của hiếm”.

Người Cổ Chất thuần khiết thanh tao thơm thảo, thế nên sợi tơ của họ làm ra luôn thanh mảnh, mềm mại nhưng rất bền và có màu sắc tươi sáng đặc trưng. Thời số hóa, nhưng những người cao tuổi ở Cổ Chất vẫn giữ nếp làm tơ theo phương pháp thủ công, như thói quen tâm linh giữ lấy bí kíp vừa là thể hiện sự kính trọng vô bờ bến với nghiệp tổ. Riêng những người trẻ của Cổ Chất, họ hoàn toàn tự tin mạnh dạn đầu tư máy móc; xây nhà xưởng để nâng cao năng suất lao động

Muốn có được những sợi tơ vàng, tơ trắng đẹp “hết ý”, theo lão nghệ nhân Phạm Văn Hợp, kỹ thuật ươm tơ thủ công truyền thống đòi hỏi sự khéo léo và tính kiên nhẫn. Từ việc lựa chọn và phân loại kén tằm; cho đến việc đảo kén lấy mối tơ, tay thoăn thoắt mắt không rời để kéo tơ đều sợi. 

Phải thế mới tạo nên những nén tơ căng chắc và óng mượt “miễn chê”. Những cuộn tơ sống sau khi phơi khô, được đem đi se sợi. Tơ thành phẩm thường chia làm ba loại. Thứ tơ tốt nhất gọi là sợi mốt. Loại tơ hai: sợi mành. Sau rốt cuối cùng: sợi đũi!

Bà Yến tâm tình, người Cổ Chất ươm cả tơ vàng lẫn tơ trắng, nhưng tùy theo mùa. Vụ ươm tơ đầu tiên bắt đầu từ tháng 2 - 3 đến tháng 9 âm lịch. Đôi khi bà con còn làm thêm vụ tằm ép cuối năm, nếu như có kén. 

Thế nên, vào cữ cuối tháng 4, nếu khách về thăm Cổ Chất sẽ chỉ thấy những bó tơ trắng phơi trên những thanh sào tre cuối chợ, chứ có “đốt đuốc soi giữa ban ngày”, chả thể tìm đâu ra thứ tơ vàng óng quen thuộc vào tiết ấy. 

Bà Yến tỏ ra rất tự hào khi quả quyết rằng, chất lượng tơ Cổ Chất nổi tiếng trứ danh xưa nay cho nên, thương lái tìm về tận làng thu mua. Nhưng tơ Cổ Chất xuất khẩu sang một số nước trong khu vực là chủ yếu. 

Đang trong lúc phấn chấn, bất giác bà Yến trở nên ngậm ngùi khi tâm sự, vì rất nhiều lý do mà những năm gần đây khu vực bãi bồi ven sông Ninh Cơ bị thu hẹp lại. Thêm nữa, một trong những địa chỉ truyền thống chuyên cung cấp kén tằm cho Cổ Chất là thôn Hợp Hòa cùng xã người ta không còn mặn mà với nghề nuôi tằm nai (tằm dệt) nữa mà chuyển hẳn sang “thâm canh” loài tằm ré để lấy nhộng bán.

Nguồn kén bị thiếu hụt, người làng Cổ Chất buộc phải đôn đáo tìm kiếm “đầu vào” ở khắp các vùng miền lân cận cho đến tận vùng nguyên liệu của Gia Lâm - Hà Nội. Kén nhập về, sau khoảng 20 -  25, đủ tuổi trưởng thành, đem luộc lên kéo ra những sợi tơ vàng, tơ trắng

Trong lúc miệt mài làm việc bên lò luộc kén, trong một không gian tranh tối tranh sáng như thế giới huyền thoại, bất giác nhoẻn một cái cười thuần hậu, bà Nguyễn Thị Yến thú nhận, nghề tằm tang này vất vả chết đi được. Nhưng được cái “vui hết sảy”.  

Vui vì nhờ bao đời nay gắn bó với nghiệp nong tằm né kén guồng tơ mà đời sống vật chất - tinh thần của người dân Cổ Chất ngày càng phát triển căn cơ, bền vững. Vui nữa bởi, cảm thấy rất tự hào vì với nghề tằm tơ truyền thống mà người dân Cổ Chất đã góp cho đất nước một “thương hiệu” sản phẩm tơ lụa trứ danh.

Chính những sợi tơ vàng, tơ trắng “của nhà làm ra” mà qua biết bao kiếp tằm, kiếp người, bà con Cổ Chất đã  góp phần tạo nên nét duyên riêng đặc biệt cho những thế hệ người con gái Việt Nam qua những tà áo dài đầy chất thi ca và âm nhạc trữ tình, lãng mạn. Đấy là điều mà nghệ nhân Yến cắt nghĩa với khách về cái gọi “vui hết sảy” của mình và bà con làng nghề Cổ Chất, ấy vậy!.

Lê Công Hội
.
.