Người đàn bà và những giấc mơ thần diệu với tơ

Thứ Năm, 17/12/2020, 17:01
Nghệ nhân Phan Thị Thuận thủ thỉ: "Giờ sản phẩm tơ sen của tôi đã có mặt trên thị trường trong nước và thế giới rồi. Vậy nhưng trong tôi vẫn canh cánh nỗi niềm: ngoài những chiếc khăn quàng cổ, nhất định mình phải có được những chiếc áo dài truyền thống bằng tơ sen. Chỉ khi nào làm được được điều đó may ra tôi mới có thể ăn ngon ngủ kỹ được!".


"Một nong tằm bằng năm nong kén
Một nong kén bằng chín nén tơ"

(Ca dao)

Rời khỏi bàn thờ gia tiên nghi ngút khói hương trầm bảng lảng, u linh trong trạng thái xúc động đặc biệt, Nghệ nhân Ưu tú - doanh nhân Phan Thị Thuận mở lời bằng cái giọng nghẹn ngào: "Tôi may mắn được sinh ra trong gia đình có truyền thống canh cửi. Ngày mới 6 tuổi đầu, tôi đã được phụ giúp cha mẹ hái dâu, chăn nuôi tằm và học cách kéo kén. Cứ vậy, tôi "ăn đời ở kiếp" với con tằm, nong kén tự ngày đó đến nay!".

Bà Thuận nao nao nhớ về thập niên 60 của thế kỷ trước. Dạo đó, thôn Hạ chốn tổ của Thuận xã và huyện Mỹ Đức (Hà Tây cũ) nói chung được xem như "vương quốc" của ngành tơ lụa miền Bắc. Thuở đó, mảnh đất nằm bên con sông Đáy thơ mộng, trữ tình này, trên cao là bầu trời màu ngọc bích; dưới đất bạt ngàn những cánh đồng dâu xanh mở rộng tới đường chân trời.

Nghệ nhân Ưu tú Phan Thị Thuận huấn luyện tằm tự dệt mền bông.

Nhấp ngụm trà nóng, giọng bà Thuận trở nên nghẹn đắng: "Đang lúc "ăn nên làm ra" nhờ nong tằm nén tơ, đùng một cái, năm 1984 tự nhiên người ta quay lưng lại với nghề tổ khi Nhà máy ươm tơ Mỹ Đức đơn phương cắt hợp đồng thu mua kén. Vậy là bà con các hợp tác xã đành ngậm ngùi nuốt nước mắt vào trong, vung dao chặt bỏ hàng nghìn ha dâu để lấy đất cấy lúa!".

Nhớ lại bi kịch ấy, bà Thuận tâm tình, là thế hệ thứ ba trong gia đình cha truyền con nối trồng dâu dệt lụa cho nên, khi thấy con tằm bỗng dưng bị người ta "hắt hủi", người nghệ nhân đứt từng khúc ruột. Qua biết bao đêm trắng, vào sáng nọ, bà Thuận dâng nén tâm nhang mà hứa với tiên tổ trong nước mắt: bằng mọi giá sẽ gây dựng lại cơ nghiệp, mặc cho ai bạc bẽo với con tằm, nong kén! 

Chưa quên những ngày tháng cơ cực chẳng bút mực nào tả hết mà người vợ tào khang trải qua, ông Lê Đăng Hạ, chồng bà Thuận bùi ngùi: "Một mình bà ấy lặng lẽ âm thầm dựng lại từng nong tằm cả đấy. Để có cái cho tằm ăn, thân gái dặm trường, ngày ngày vợ tôi bỏ ăn, quên ngủ lóc cóc đạp xe "trên từng cây số" ngửa tay xin; cay đắng mót nhặt từng chiếc lá dâu còn may mắn sót lại nơi bờ bụi của thiên hạ để duy trì nghiệp tổ!".

Cuối cùng, trời đất và tổ nghiệp đã không nỡ phụ những nỗ lực phi thường của người phụ nữ thuần hậu. Sau biết bao cay đắng, nhọc nhằn, đổ mồ hôi và thậm chí là cả máu, một ngày nọ bà Thuận chính thức phục dựng lại nghề canh cửi cho gia đình. Và, không phải ai khác, bà Thuận là người tiếp năng lượng để việc chăn tằm, dệt lụa ở xã Phùng Xá và cả huyện Mỹ Đức hồi sinh trở lại.

"Nghề đã hồi sinh, dù vậy tôi vẫn cứ hoang mang, bấn loạn". Ngừng lời giây lát, bà Thuận nhỏ nhẹ giải thích: "Đầu ra" cho sản phẩm của con tằm vẫn cứ phải phụ thuộc vào thiên hạ. Điều đó khiến cho tương lai của con tằm rất bấp bênh, mịt mờ. Thêm nữa, quá trình trồng dâu nuôi tằm kéo kén của mình phải qua quá nhiều công đoạn phức tạp. Cái đó ảnh hưởng rất lớn tới giá trị lợi nhuận cuối cùng có được từ con tằm.

Đang ở cuối đường hầm, bất ngờ, vào cái đêm tối trời ấy, trong lúc chong đèn thao thức trước nong tằm đang ăn rỗi, bất giác một ý nghĩ vụt lóe sáng trong đầu người phụ nữ chân quê: Tại sao không để chính những con tằm tự dệt nên lụa theo "kịch bản" của mình?! Đem ý tưởng táo bạo ấy trao đổi với chồng con, bà Thuận gặp phải sự phản đối kịch liệt. Bởi lẽ, từ thời thượng cổ, chưa từng ai có thể huấn luyện cho loài tằm, thứ côn trùng tự nhả tơ dệt nên lụa theo ý muốn của con người được!

Hướng cái nhìn chan chứa yêu thương vào chồng, bà Thuận hóm hỉnh: "Phần vì sợ vợ quá lao tâm tổn trí vào con tằm mà sinh bệnh, phần vì không muốn "bà xã" trở thành câu chuyện đàm tiếu giễu nhại của thiên hạ mà ông xã tôi đây đã kiếm cớ "gây sự" với vợ đủ kiểu đấy!". "Tôi "diễn" đủ trò cương - nhu, nhưng nào bà ấy có biết sợ đâu cơ chứ!" - ông Hạ nhớ lại chuyện cũ - "Không nhận được sự đồng lòng của chồng con, bà ấy một mình một bóng âm thầm "chiến đấu" với những con tằm!".

Thế rồi, qua bao ngày quên ăn. Sau cả chuỗi dài những "đêm trắng" triền miên cô độc trước những nong tằm, một lúc nọ, bà Thuận giật mình thảng thốt bàng hoàng nhận ra điều diệu kỳ: bởi không có chỗ bấu víu để làm tổ nên tằm không thể tạo thành kén theo truyền thống. Nhưng vì tới lúc "vượt cạn", dù không muốn, chúng buộc phải nhả tơ theo quy luật tự nhiên.

Mọi căng thẳng lo âu dồn nén mấy tháng trời trước đó vụt tan biến tức thì. Trong giây khắc thần thánh linh thiêng đầy phồn thực ấy, bà Thuận hồi hộp run run bàn tay gầy guộc nhặt những con tằm đặt chúng nằm sát lại với nhau trên một mặt phẳng cố định. Rồi giây phút thần tiên cũng tới: tơ của hàng loạt những con tằm vô tình quấn lại, đan thành một tấm thảm bông.

"Hôm ấy không riêng bà xã mà cả nhà tôi đều khóc trước thành công không thể mỹ mãn hơn của vợ mình!" - ông Hạ rơm rớm lệ. "Để có được sản phẩm đầu tiên do tằm tự dệt, tôi đã qua đúng một năm trời mất ăn mất ngủ cũng như phải "hy sinh" gần mười lứa tằm thử nghiệm!" - bà Thuận nghẹn giọng - "Hôm đó, sau khi cho chồng con ngắm tấm chăn do tằm tự dệt, để chắc ăn, tôi cho vào nồi luộc. Thật bất ngờ, tấm chăn ấy bung nở, bóng mịn chưa từng thấy và ấm áp kỳ lạ. Tôi ôm chặt nó vào lòng mặc cho nước mắt rơi!".

Qua bao cơ cực, cuối cùng bà Thuận cũng thực hiện được "giấc mơ cổ tích" của mình với việc huấn luyện tằm thành những tay thợ dệt siêu tài hoa. Từ cái mốc 2012 đó tới nay, sản phẩm chăn bông; khăn quàng cổ;  vải lụa tơ tằm… của  nghệ nhân Phan Thị Thuận lần lượt có mặt tại các thị trường khó tính: Nhật, Thái, Đức, Bỉ, Trung Quốc, Ả Rập Xê Út... với khoản  lợi nhuận không hề nhỏ sau thuế hằng năm.

Bà Thuận tâm sự, từ thời "cổ tích", huyện Mỹ Đức quê mình không chỉ là "chốn tổ" của lá dâu, con tằm mà còn là "đất" của sen, diện tích vô cùng lớn. Nhưng thường thì, mùa thu hoạch, người ta lấy phần hoa còn thân sen coi như đồ bỏ đi, không chỉ lãng phí mà còn gây ô nghiễm môi trường nghiêm trọng.

Trăn trở, day dứt về điều đó, đột nhiên bữa ấy, bà Thuận tình cờ phát hiện ra những sợi tơ mỏng manh như hư như thực từ những thân sen. Điều đó đã khiến cho bà Thuận ấp ủ khát vọng về một loại tơ tinh khiết của thế giới thực vật được khai thác từ sen. 

"Vốn dĩ tơ sen rất mong manh. Kiên nhẫn, nhọc công vô cùng may ra mới có thể se chúng thành sợi! - Bà Thuận chia sẻ - Ấy thế nhưng, khi đưa chúng vào khung dệt lại bị đứt liên tục. Vì lẽ tơ thực vật không có độ dai - dẻo như tơ tằm. Vậy nên, tấm lụa đầu tiên mà tôi dệt bằng tơ sen không thể đáp ứng được sự mong chờ của gia đình!".

Tơ sen.

Sau sáu tháng trời ròng rã nhọc công kiên nhẫn với 1001 những thất bại liên miên, cuối cùng một bộ khung dệt chuyên dành cho tơ sen ra đời, do chính bà Thuận sáng tạo nên. 

"Không ngờ bộ khung dệt cải tiến ấy đã giúp vợ tôi biến giấc mơ tơ sen thành hiện thực sau hơn nửa năm trời gầy rộc người đi vì mất ăn mất ngủ! - ông Hạ rưng nước mắt - Đó là vào tháng 7-2017, một ngày không thể quên với gia đình khi vợ tôi hoàn thiện chiếc khăn quàng cổ đầu tiên bằng chất liệu tơ sen. Không những đẹp "hết ý" bởi sự mịn màng, mềm mại mà chiếc khăn còn mang một hương vị cực kỳ đặc trưng của sen!".

Giới thiệu với khách tấm khăn quàng cổ bằng tơ sen còn ấm hơi tình nghĩa của người dệt, ông Hạ bộc bạch: "Để dệt được chiếc khăn dài 1,7 mét, rộng 0,25 mét thế này, vợ tôi phải cần tới 8.800 cuống sen. Nhưng một người thợ chỉn chu, chăm chỉ cũng chỉ có thể làm được 200 - 250 cuống sen/ ngày công thôi. Bởi thế, muốn có được một tấm khăn quàng, người thợ phải mất chẵn một tháng chứ chả ít đâu".

Trước khi kết thúc câu chuyện lãng mạn và hiện thực của mình với tằm và sen, doanh nhân Phan Thị Thuận thủ thỉ dốc lời gan ruột: "Giờ sản phẩm tơ sen của tôi đã có mặt trên thị trường trong nước và thế giới rồi. Ước mơ ngày nào nay đã thành sự thật. Vậy nhưng trong tôi vẫn canh cánh nỗi niềm: ngoài những chiếc khăn quàng cổ, nhất định mình phải có được những chiếc áo dài truyền thống bằng tơ sen. Chỉ khi nào làm được được điều đó may ra tôi mới có thể ăn ngon ngủ kỹ được!".

Nói đoạn, bà Thuận thong thả buông cặp kính lão để chậm rãi hướng đôi mắt nhân hậu về một nơi rất xa với ánh nhìn đau đáu, trăn trở.

Lê Công Hội
.
.