Phan Thị Thanh Nhàn và nửa thế kỷ “Hương Thầm”
- Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn vẫn đang còn yêu ở tuổi U70?
- Bề ngoài cười nụ, bên trong khóc thầm…
- Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn: An vui giữa biển đời
- Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn: “Nghề viết chả ăn thua gì đâu”
Người giúp việc gia đình tôi mới học hết lớp 7, một người dân quê ít tiếp xúc với văn chương, ấy vậy mà khi nghe tin tác giả HƯƠNG THẦM đến chơi, tỏ ra vui lắm. Có lẽ, người làm thơ còn hạnh phúc nào hơn khi những câu thơ của mình viết ra được nhiều người dân bình thường đọc và thuộc lòng, như bài thơ HƯƠNG THẦM của thi sỹ Phan Thị Thanh Nhàn.
Bài thơ HƯƠNG THẦM ra đời đã 50 năm, một nửa thế kỷ, ấy vậy mà giờ đọc lại tôi vẫn thấy thích: “...Giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay/ Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm/ Bên ấy có người ngày mai ra trận/ Họ ngồi im không biết nói năng chi/ Mắt chợt tìm nhau rồi lại quay đi/ Nào ai đã một lần dám nói?/ Hoa bưởi thơm cho lòng bối rối/ Anh không dám xin, cô gái chẳng dám trao/ Chỉ mùi hương đầm ấm thanh tao/ Không giấu được cứ bay dịu nhẹ/ Cô gái như chùm hoa lặng lẽ/ Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu/ (Anh vô tình anh chẳng biết điều/ Tôi đã đến với anh rồi đấy)...".
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn vừa tặng tôi tập “Tác phẩm văn học được giải thưởng nhà nước” của chị. Tác phẩm gồm ba phần: Hương Thầm; Chân dung người chiến thắng và Nghiêng về anh.
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn. |
Đọc cả ba phần trong tập thơ, tôi thấy nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn luôn trung thành với lối viết truyền thống, chân quê, mộc mạc, dễ đọc, dễ nhớ, dễ thuộc, dễ đi vào lòng người. Tôi cho rằng thơ dễ đọc, dễ thuộc chưa phải là thơ hay, nhưng thơ hay trước hết phải dễ đọc, dễ thuộc, dễ nhớ, dễ đi vào lòng người.
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn sinh ra và lớn lên ở Từ Liêm, quận Tây Hồ, Hà Nội, gắn bó với quê hương, làng xóm thân thương, không những trong cuộc đời mà cả trong rất nhiều bài thơ xúc động lòng người. Tôi thường ngâm ngợi mấy câu thơ sau đây của Phan Thị Thanh Nhàn mà không biết từ bài thơ nào, tập thơ nào, nay mới biết trong bài thơ “Đám cưới ngày mùa”:
...Các cụ ông say thuốc
Các cụ bà say trầu
Còn con trai, con gái
Chỉ nhìn mà say nhau...
Đề tài quen thuộc và cũng là phần thành công nhất của Phan Thị Thanh Nhàn theo tôi chính là cái tình dân dã, thôn quê, cái nét thân thương gần gũi, sự kín đáo, dịu dàng của những người mẹ, người chị, người em:
...Mắt lá răm tự ngày xưa
Lúng la, lúng liếng bây giờ chào em ...
...Có gì thương quá chị ơi
Bạc mầu chân ruộng, quả đồi cằn khô
Em về quê chị trung du
Càng thương ai suốt tuổi thơ nhọc nhằn...
Tôi trích những câu thơ này trong bài thơ “Tháng ba Hà Bắc” mà tác giả ghi là kính tặng chị Anh Thơ. Nữ sỹ Anh Thơ chính là thi sỹ của đồng quê, nơi “Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa” đã đi vào “Thi nhân Việt Nam” (Hoài Thanh - Hoài Chân).
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn có những bài thơ quen thuộc với bạn đọc như “Hương Thầm”; “Xóm đê”; “Đám cưới ngày mùa”; “Con đường”... Những bài thơ một thời được ngâm, đọc trên đài. Sau này, nhất là thời gian gần đây, chị viết thường nghiêng về suy tư, ngẫm ngợi, chiêm nghiệm nhiều hơn:
Bài thơ tôi viết ngày xưa
Tình sao chân thật, ngây thơ ngọt ngào
Bây giờ tóc bạc, tuổi cao
Thơ mình mình đọc câu nào cũng thương ...
...Nay còn ai được như xưa
Còn ai xứng với bài thơ tôi cầm
Mà sao lòng vẫn rưng rưng
Đọc câu thơ cũ, âm thầm lệ rơi
Người yêu ngày ấy đâu rồi
Chỉ câu thơ sống cùng tôi tuổi già
(Những bài thơ cũ)
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn hơn tuổi tôi, nhưng gặp chị, tôi thấy chị vẫn trẻ trung, hồn nhiên, dí dỏm, hài hước, dù đọc những câu thơ trên của chị, tôi cứ muốn trào nước mắt. Trước sau tôi vẫn cho rằng, nhà thơ phải sống hết mình, yêu hết mình, chân thật hết mình... mới viết ra được những câu thơ xúc động lòng người:
Mẹ ơi con nhớ mẹ
Trong những lúc thế này
Con thiếu một giọng nói
Con thiếu một bàn tay
Con một mình một bóng
Một khoảng trời mưa bay... (Mẹ)
Phải yêu thương đến tận cùng, khắc khoải đến tận cùng mới viết được những câu thơ như thế. Tình yêu không bao giờ cũ, những câu thơ như thế thời nào cũng mới mẻ, tôi thiển nghĩ vậy.
Mấy chục năm Phan Thị Thanh Nhàn làm báo, rồi về Hội Văn nghệ Hà Nội, chị là một nhà báo từng lăn lộn trong cuộc sống hàng ngày, vào những thời điểm gian lao của đất nước, người thơ CÔNG DÂN Phan Thị Thanh Nhàn đã có nhiều bài thơ CÔNG DÂN được bạn đọc biết đến và yêu thích.
Nhiều người, cũng như tôi, thích bài thơ “Yêu đời” của chị với lối viết chân thành, đầy ám ảnh và cũng rất đời, rất thơ:
Có đôi lúc buồn
Tôi định tự tử
Sống làm chi khi bạn bè bon chen
Cơ quan quanh năm đấu đá
Sống làm chi khi người yêu thành người xa lạ
Ngày như đêm một mình
Sống làm chi lương ba cọc, ba đồng
Viết báo, làm thơ kiếm từng xu vẫn loay hoay không đủ
Sống làm chi khi mọi thần tượng đều sụp đổ
Người ta yêu tin lại hóa tầm thường
Vậy mà tôi vẫn sống nhơn nhơn
Vẫn cười nói họp hành trưng diện
Vẫn hy vọng kiếm được một ông chồng đáng mến
(một người đã thông minh lại giàu)
Và tôi hiểu ra trong thăm thẳm niềm đau
Tôi vẫn còn yêu đời quá!
Thiển nghĩ, nhân tình thế thái là đây, tình yêu, nỗi niềm, khát vọng cũng là đây. Và đây cũng là thơ, rất thơ. Đổi mới, cách tân cũng nên là như vậy chăng?!
Nhà vườn Sóc Sơn, 9-2018