Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn vẫn đang còn yêu ở tuổi U70?

Thứ Sáu, 21/07/2017, 08:17
Tôi cũng không còn nhớ mình trở nên thân thiết với nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn tự khi nào nữa. Gọi là quý mến nhau nhưng chị em cũng ít có dịp chuyện trò, bởi tôi quanh năm ngày tháng ngập mình trong công việc báo chí, thơ văn, còn bà chị từ khi nghỉ hưu cũng lắm mối văn chương hẹn hò nơi “chân mây cuối bể”.


Nhiều lần đi sáng tác thực tế với chị, tôi mới thấy cái duyên trong bài thơ “Hương thầm” của chị hơn bốn mươi năm qua vẫn còn “ngào ngạt” lắm. Xuống địa phương nào, cơ quan nào, đơn vị nào cũng thấy mọi người yêu cầu chị đọc bài thơ tình nói trên và “Hương thầm” đã trở thành thương hiệu đi qua năm tháng của nhà thơ nữ tính đầy tinh tế này.

Nhớ lần đi cùng chị trong đoàn công tác Hội Nhà văn xuống vùng than Quảng Ninh, anh em thợ mỏ yêu quý chị “ra mặt”, bắt bà chị đọc thơ tình suốt mấy bữa ăn. Hôm ngồi xe goòng theo thợ lò xuống mỏ than Khe Chàm sâu nhất Quảng Ninh, thấy bà chị mặc quần áo thợ mỏ trông duyên dáng, eo ót trẻ ra đến cả chục tuổi, nhìn đằng sau đố ai biết bà già đã đi qua hơn bảy chục “mùa khoai sọ”. Anh em phong chị là “hoa hậu Khe Chàm” ở độ sâu  400m âm, nơi mặt người - mặt than đen láy như nhau.

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn năm nay đã 74 tuổi nhưng trông chị vẫn còn trẻ trung lắm. Chị là người Hà Nội chính gốc, quê ở phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội. Thi thoảng, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn lại “ơi ới” hẹn mấy đàn em văn chương như tôi cùng Trần Chiến, Đỗ Thị Tấc và một số người khác tới nhà chị ăn cơm, để thưởng thức món canh măng đặc sản đúng hương vị Hà Nội do chị nấu.

Một bà chị tinh tế, tốt bụng và luôn quan tâm đến các bạn văn quanh mình. Chị là người phụ nữ đằm thắm, dễ gần và thích chăm sóc các đàn em văn chương. Mấy lần tới chơi nhà chị, tôi để ý thấy chị treo khá nhiều tranh của cố nhà thơ - họa sĩ Chu Hoạch. Những bức tranh tĩnh vật sơn dầu đẹp lạ thường, rất có hồn và đẫm chất thơ. Tôi thầm hỏi mà không dám chắc chắn: “Chắc ông nhà thơ tài hoa này mê vẻ đẹp hương thầm của bà chị cách đây mấy chục năm nên mới vẽ tặng nhiều tranh đẹp đến thế?”.

Thấy tôi ngẫm ngợi khi xem tranh, thật tình cờ, chị Nhàn chia sẻ: “Mấy hôm nhà thơ Chu Hoạch lâm bệnh nặng, con trai anh ấy tới tìm và bảo mình phải xuống ngay, coi mình cứ như người rất thân trong gia đình, mình thấy ái ngại quá…”. Giờ nhà thơ Chu Hoạch đã không còn trên dương thế, chỉ còn lại tranh của anh và bí mật về mối tình thi ca - hội họa với nữ sĩ “Hương thầm”.

Nhưng tôi lại nghĩ, phải chăng bởi nữ tính đặc biệt nơi nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn là luôn muốn quan tâm, săn sóc những bạn văn quanh mình nên chị đã tạo được sự tin cậy trong không gian ấm cúng, gần gũi của bạn hữu văn chương như trong một gia đình vậy! Nên sự chia sẻ, cảm thông ấy cũng giống như một tình yêu khá đặc biệt của một nữ nhà thơ thích chăm sóc bạn văn?

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn.

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn gắn bó máu thịt với thành phố này từ tuổi thơ vất vả đến những năm chiến tranh phá hoại đầy gian nan. Sau khi tốt nghiệp Khoa Báo chí Trường Tuyên giáo Trung ương, Phan Thị Thanh Nhàn về làm phóng viên thời sự của Báo Hà Nội Mới trong nhiều năm, rồi về làm Phó Tổng biên tập Báo Người Hà Nội, rồi Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà văn Hà Nội trước khi nghỉ hưu. Bài thơ “Hương thầm” của chị đoạt giải nhì cuộc thi thơ của Báo Văn nghệ năm 1969, là một cái mốc đáng ghi nhớ trên con đường thi ca của chị. Sau này, chị còn được trao một số giải thưởng khác về thơ và truyện. Năm 2007, chị được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.

Cùng thế hệ với hai nhà thơ nữ nổi tiếng những năm 70 và 80 của thế kỷ trước là Xuân Quỳnh và Ý Nhi, mỗi lần đàm đạo về thi ca, Phan Thị Thanh Nhàn thường khiêm tốn nói với bạn bè “Thơ của Nhàn cũ lắm rồi thì phải…” và cười. Một nụ cười luôn nhẹ nhàng, ý nhị trên gương mặt tươi tắn của chị. Dường như trong mối quan hệ văn chương và công việc làm báo, nữ nhà thơ này không làm ai giận dỗi chị lâu được. Tính tình cởi mở, dễ chịu và tinh tế kiểu người Hà Nội gốc khiến chị được nhiều người yêu mến. Và phải chăng vì thế, tôi trộm nghĩ: “Tình thơ của chị mới dạt dào ít khi thấy vơi cạn”.

Trong hành trình thơ hơn bốn chục năm qua, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn đã để lại dấu ấn gương mặt thơ mình trong không ít bài thơ tới hôm nay đọc lại còn xúc động. Sau khi người chồng thân yêu qua đời, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn sống một mình nuôi con gái lớn khôn và dành thời gian cho công việc làm thơ, viết truyện. Đến nay chị đã in 8 tập thơ và 6 tập truyện ngắn với nhiều giải thưởng văn chương. Theo tôi, thơ chị cũng đằm thắm, thành thật như cuộc đời chị vậy:

Chỉ khi buồn khổ yếu mềm
Nâng em dậy có lòng tin một người
Anh là thực đấy anh ơi
Trong em sáng một mặt trời thân yêu
Ta như hai đứa trẻ nghèo
Quả ngon chỉ dám nâng niu ngắm nhìn
Đừng bao giờ nhé, chín thêm
Sợ tan mất giấc mơ em một thời

Bài thơ “Hương thầm” của chị cách đây hơn bốn chục năm được phổ nhạc, hát đến giờ vẫn chưa chịu cũ: “Khung cửa sổ hai nhà cuối phố/ Không hiểu vì sao không khép bao giờ /Đôi bạn ngày xưa học chung một lớp/ Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa/ Giấu một chùm hoa sau chiếc khăn tay/ Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm/ Bên ấy có người ngày mai ra trận/ Họ ngồi im không biết nói năng chi/ Mắt chợt tìm nhau rồi lại quay đi/ Nào ai đã một lần dám nói/ Hoa bưởi thơm cho lòng bối rối/ Anh không dám xin/ Cô gái chẳng dám trao/ Chỉ mùi hương đầm ấm thanh tao/ Không giấu được cứ bay dịu nhẹ/ Cô gái như chùm hoa lặng lẽ/ Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu/Anh vô tình anh chẳng biết điều/ Tôi đã đến với anh rồi đấy/ Rồi theo từng hơi thở của anh/ Hương thơm ấy thấm sâu vào lồng ngực/ Anh lên đường/ Hương sẽ theo đi khắp/ Họ chia tay/ Vẫn chẳng nói điều gì/ Mà hương thầm thơm mãi bước người đi”.

Có lẽ cái mạch trữ tình thầm lặng từ bài thơ đầu tay đến nay vẫn là cung bậc cảm xúc nhất quán trong thơ chị. Và bây giờ, nếu thơ của chị có gì khác trước đôi chút thì đấy chính là sự buồn lắng, khơi gợi hơn vào cái bề sâu của nỗi ám ảnh luôn giày vò bởi cô đơn và khát khao:

Nếu anh đi với người yêu
Chỉ xin anh nhớ một điều nhỏ thôi
Con đường ta đã dạo chơi
Xin đừng đi với một người khác em

Có lẽ phải “yêu lắm lắm” như chị mới “ghen ghen thế” với cả hàng cây và con đường thoáng gợi lại một kỷ niệm êm đềm trong vòng tay người tình xưa: “Một người mang đi hết/ Bao nhiêu là thông minh/ Chẳng còn ai hóm hỉnh/ Ai cũng đều nhạt tênh/ Tấm ván nằm chông chênh/ Sao rơi như nước mắt”.

Bẵng đi một thời gian không gặp nhau, lần này ngồi với bà “Hương thầm”, các đàn em “thơ thẩn” lại thóc mách chuyện yêu đương của bà chị, để nghe nhà thơ hồn nhiên nói về những mối tình lãng mạn ở tuổi U70. Từ hồi về hưu, bà chị dành nhiều thời gian cho bơi lội và đi vũ trường. Hình như chị trẻ hẳn lại với những mối tình “thoảng qua như gió sớm”.

Hôm ấy, chị Nhàn dí dỏm cười khoe: “Dạo này lại xuất hiện một anh cứ “nghiến răng” thích mình, thế thì có nên để cho anh ấy mê mệt không nhỉ?”. Lũ chúng tôi cười ngất, bảo bà chị: “Thì chị cứ cho ông ấy biết thế nào là cái “hương thầm” đang còn dạt dào chị ạ!”.

Một dạo, anh em ở Hội Nhà văn Hà Nội kháo nhau “Bà Nhàn đang có một “fan” hâm mộ trẻ hơn  nhiều tuổi, chắc hẳn đấy là cái duyên “hương thầm” của bà chị!”. Khi tôi mạo muội hỏi điều này, chị cười rất hồn nhiên, đáp lại: “Thế chỉ có nhà thơ trẻ các chú mới biết yêu đương nhăng nhít thôi à! Chị yêu là yêu ra trò đấy nhá!”.

Có lẽ ta không nên đòi hỏi quá nhiều ở một nhà thơ mà cái chất trữ tình đầy nữ tính đã bện chặt, lắng sâu qua tháng năm như Phan Thị Thanh Nhàn. Thơ của chị có cái duyên thầm của một loài hương mà khi chạm vào, ta bỗng thấy trái tim mình đập có nhịp da diết hơn. Nói cách khác, thơ chị dễ làm ta xúc động và chị tư duy thơ bằng trái tim hơn là bằng mạch suy ngẫm triết luận. Bởi có lẽ, ngay từ những câu thơ chị viết cách đây hơn ba chục năm trong bài “Đám cưới ngày mùa” vẫn còn lay động mãi một thi vị trữ tình tài hoa nơi thơ chị: “Các cụ ông say thuốc/ Các cụ bà say trầu/ Còn con trai con gái/ Chỉ nhìn mà say nhau”.

Tình yêu muôn đời hẳn vẫn thế. Xin cảm ơn những khúc tình ca nho nhỏ chị hát bằng thơ, bằng nỗi xúc động trải nghiệm qua cô đơn rét mướt của chính mình:

Chiều chia tay ta tránh chỗ đông người
Hai đứa dạo theo bờ đê thân thuộc
Trời vừa mưa vạt cỏ mềm đẫm nước
Đất mịn màng tinh nghịch: vết chân đôi
Lặng im thôi anh nhé lặng im thôi
Sông đang hát theo rất nhiều cung bậc

Vâng! Quả có thế, giữa rất nhiều cung bậc xiết chảy của các dòng thơ hôm nay đang đập vào những bờ đá mỏi mòn của thi điệu xưa. Tôi vẫn nghe cất lên những thanh âm dìu dịu say đắm, buồn lắng nơi thơ chị như để được thư giãn, để được thanh thản hơn với nỗi buồn trong sáng muốn được sẻ chia nơi cứu rỗi: “Bàn tay em để trần/ Ngón đan vào năm tháng/ Bàn tay như ánh mắt/ Nói chiều sâu tâm tư/ Chỉ mỗi lần đặt nhẹ/ Lên vầng trán của anh/ Bàn tay em yên nghỉ/ Sau bao nhiêu nhọc nhằn”.

Tôi bất giác hiểu rằng những ngón tay giác quan phấp phỏng lo âu của thơ chị cứ lặng lẽ tìm về miền hạnh phúc phải chăng chỉ còn nơi chính những câu thơ như một sự giải thoát bình đẳng giữa những con người.

Nguyễn Việt Chiến
.
.