Nhạc sĩ Lâm Trọng Tường: Gửi vào kỷ niệm

Thứ Bảy, 17/03/2018, 08:03
Mê đắm bolero, họa sĩ Lâm Trọng Tường (ngụ thị trấn Di Linh, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng), hội viên chuyên ngành Mỹ thuật - Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng đã giới thiệu mình với dòng nhạc dễ nghe, dễ hát, dễ làm mủi lòng này theo một đường hướng riêng: Gửi vào kỷ niệm...


Trong đời sống biểu diễn, bolero luôn rơi vào trạng thái lưỡng cực, hoặc là cực hữu, hoặc là cực tả. Người yêu dòng nhạc này thì tán tụng hết lời. Kẻ tẩy chay bolero thì ra sức hắt hủi. Mà chuyện yêu hay ghét trong âm nhạc chẳng có gì lạ. Bởi bolero sinh ra là để được người đời nhắc tới và thật may khi nó chưa bao giờ mất đi vị thế của mình trong đời sống tinh thần người Việt. Chừng nào còn có những nỗi buồn đau, những điều mất mát, những vụn vỡ trong tình yêu lẫn trong đời sống, chừng đó bolero còn tồn tại.

Giai điệu đượm màu tự sự, man mác buồn cộng thêm ca từ mộc mạc như lời thủ thỉ tâm tình, là lý do khiến nhiều người tìm đến với bolero. Mê đắm bolero, họa sĩ Lâm Trọng Tường (ngụ thị trấn Di Linh, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng), hội viên chuyên ngành Mỹ thuật - Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng đã giới thiệu mình với dòng nhạc dễ nghe, dễ hát, dễ làm mủi lòng này theo một đường hướng riêng: Gửi vào kỷ niệm.

Tất nhiên, anh giới thiệu bản thân với bolero không phải bằng con đường ca hát, lại càng không phải theo kiểu thưởng thức thuần túy, mà đến để làm dày thêm dòng nhạc ấy bằng những ca khúc mới. Tự nhận là người viết nhạc không chuyên, kiểu tài tử, nghĩa là ngoài đam mê sáng tác nhạc bolero, Lâm Trọng Tường còn vẽ tranh, viết kịch bản sân khấu, viết văn và làm thơ.

Thêm nữa, anh trước kia vẫn cho rằng, bolero nặng về tình yêu lãng mạn. Bản thân Lâm Trọng Tường lại không mặn mà với những câu chuyện tình lâm ly cho lắm. Thành thử anh nghĩ bản thân không viết được bolero.

Mọi chuyện bắt đầu thay đổi từ khi Lâm Trọng Tường quen biết một nhạc sĩ đàn anh chuyên viết nhạc bolero. Trong một lần trò chuyện, người nhạc sĩ này bảo: Người viết bolero phải là một người thật sự lãng mạn, nhất là chịu đựng không ít thiệt thòi trong tình yêu, thế thì khi viết bolero mới sâu sắc. Ngoài ra, sầu bi, trách than cũng là những yếu tố không thể không có, vì nó mặc định làm nên thương hiệu độc quyền của dòng nhạc bolero.

“Sao kỳ vậy? Có nhất thiết phải là bi lụy, sầu não, trách cứ nhau thì mới thành ra bolero? Tại sao ta không gửi tất cả vào kỷ niệm cho cuộc sống nó nhẹ nhàng? Mắc mớ gì cứ đổ qua, đổ lại, đổ thừa nhau cho mệt” - Họa sĩ Lâm Trọng Tường thốt lên như vậy trước câu nói của người nhạc sĩ đàn anh. 

Từ quan niệm “gửi tất cả vào kỷ niệm cho cuộc sống nó nhẹ nhàng”, thay vì than trời, trách người như những gì bolero quen làm, Lâm Trọng Tường có cách nghĩ và cách nhìn khác: Mọi sự là do duyên phận. Một khi duyên phận trong tình yêu không còn thì chia tay. Chia tay nhau và giữ lại những kỷ niệm đẹp.

Thế là ca khúc “Gửi vào kỷ niệm” được Lâm Trọng Tường viết nên thật đẹp: “Gửi vào kỷ niệm chuyện một tình yêu khi ai đã sang ngang/ Bao lời nói yêu bao nhiêu ước mộng thôi chôn vào dĩ vãng/ Đừng trách chi nhau đừng xót xa đau duyên đầu lỡ nhịp cầu bao dấu yêu ngày đầu thôi mình giữ đẹp cho nhau”. “Sáng tác xong, tôi đưa thử lên facebook. Ai ngờ mọi người khen hay. Một số ca sĩ thấy bài hát cũng xin phép hát. Sau này, mỗi lần ra album, các ca sĩ nhắn tin nhờ viết giùm. Thế là tự nhiên tôi trở thành người viết nhạc bolero từ lúc nào chẳng hay” - Họa sĩ Lâm Trọng Tường chia sẻ.

Chính vì quan niệm “giữ kỷ niệm đẹp cho nhau”, nên những ca khúc bolero do Lâm Trọng Tường sáng tác đã nhận được nhiều sự đồng cảm từ phía người nghe, được nhiều ca sĩ nổi tiếng sử dụng trong các MV ca nhạc của mình.

Theo Lâm Trọng Tường, bolero chính xác là một giai điệu, như tango, như rumba, như slow rock... Do đó, nếu nói bolero là nhạc sến, là nhạc bình dân thì chưa hẳn đã đúng. Song vì mức độ phổ biến của những ca khúc bolero khai thác chuyên sâu những câu chuyện tình chất chứa nỗi sầu khổ, ủy mị quá rộng, nên người nghe bolero đã hình thành nên một cảm thức thẩm mỹ chung: Cứ có giai điệu đều đều, buồn man mác, ca từ dung dị, mùi mẫn mang nhiều chất tự sự... lập tức được xếp vào dòng nhạc bolero, cho dù ca khúc đó không hề sử dụng điệu bolero.

 Vả lại, sến hay sang còn phụ thuộc vào trình nghệ thuật của nhạc sĩ. Nếu bên cạnh giai điệu dễ hiểu, dễ cảm thuần chất bolero, người nhạc sĩ chịu khó tìm tòi, khoác cho ca từ chiếc áo trau chuốt hơn, giàu chất thơ hơn, triết lý sâu xa hơn, thì nó vẫn đường đường chính chính ngang hàng với những giai điệu khác.

Tuy vậy, Lâm Trọng Tường cũng thừa nhận, sở dĩ bolero có sức sống bền bỉ, xuyên thấu thời gian là vì giai điệu và ca từ gần gũi. Chất trữ tình bình dân trở thành mẫu số chung giữa người hát và người nghe, để rồi khi dòng nhạc này rung lên, họ ít nhiều đều soi thấy hình ảnh mình trong đó. Thứ nữa, với người Việt, bolero không đơn thuần là một điệu nhạc, nó trở thành một cảm thức thẩm mỹ đặc trưng.

Đặc trưng thẩm mỹ đó cũng hiện rõ trong ca khúc “Mãi mãi một tình yêu” của anh, từ giai điệu cho đến ca từ: “Mãi mãi một tình yêu lời ai thề hứa hôm nào vẫn mộng hoài trong ta dù tình xưa nay đã chia xa/ Chiều chợt buồn lang thang về qua phố xưa kỷ niệm lệ nhạt nhòa mi cay nghe tim mình sao như nhói đau/ Mãi mãi một tình yêu còn trong mộng ước duyên đầu phố nhỏ mình bên nhau tình đậm sâu âu yếm cho nhau/ Lạnh chiều buồn đông xưa bờ môi ấm trao kỷ niệm hẹn hò chờ xuân sang đôi tim tình nên ước mơ duyên”, rồi thì: “Bao yêu thương ngày xưa nay đã tan như bọt bèo ai tham sang phụ ai chia lìa mình lạc mất nhau/ Dẫu biết tình đời còn nhiều bể dâu dẫu biết tình đầu là tình khổ đau mà người đành phụ nhau lệ ai không khóc sầu/ Đã hết rồi mộng mơ tình xưa giờ đã xa mờ phố kỷ niệm nên thơ còn mình ta lê bước bơ vơ/ Tình đầu đã phôi phai buồn đau giấu trong kỷ niệm để còn đẹp trong nhau như ban đầu mãi mãi một tình yêu”.

Cùng một motif “gửi vào kỷ niệm”, Lâm Trọng Tường còn có “Xa rồi ngày xưa” đặc chất bolero:“Ta xa nhau rồi lệ buồn hoen mi thêm đắng sầu vướng bận người đi/ Cõi yêu thương từ đây thôi khép lại trang tình/ Buồn đau chôn giấu cho riêng mình khi trái tim chung tình vỡ tan rồi mộng ước lung linh/ Đêm trăng hôm nào hẹn thề mai sau duyên chúng mình mãi là của nhau/ Nỡ quên sao lời thề xưa câu biển cạn non mòn?/ Người quên cho dấu yêu không còn cho nhớ thương không tròn để trăng buồn khóc lời nỉ non”. Chất điệu ấy vẫn được anh giữ lại, rồi phủ bàng bạc ở hầu hết trong các ca khúc do mình sáng tác, có thể kể đến: “Đành phụ tình nhau”, “Đừng nói yêu mãi mãi”... 

Trò chuyện với Lâm Trọng Tường, anh nhiều lần nhắc đến vấn đề “cảm xúc”. Theo Lâm Trọng Tường, cứ có cảm xúc là viết: “Tôi là người viết nhạc không chuyên. Thế nên, viết được cái gì thì cố gắng viết. Mọi chuyện sau đó tới đâu thì nó tới. Bởi tôi viết nhạc là vì niềm yêu thích, vì cảm xúc chứ tuyệt đối không cầu lợi cũng chẳng cầu danh”.

Cái cảm xúc mà Lâm Trọng Tường nói đến khá là đặc biệt. Theo lời anh kể, có thể sáng sớm lướt web đọc báo, hoặc mở facebook, tình cờ Lâm Trọng Tường bắt gặp một câu chuyện về ai đó bị người yêu ruồng bỏ đang buồn chán, hay bắt gặp một dòng trạng thái đầy tâm trạng của ai đó trên facebook, tự nhiên có cảm xúc và bắt đầu viết.

Cảm xúc là từ một ai đó bất kỳ, nhưng anh viết để cho tất cả mọi người chứ không phải cho riêng một ai. Một điều nữa là câu chuyện tình yêu trong ca khúc chắc chắn không phải câu chuyện tình của Lâm Trọng Tường.

Bolero từ một giai điệu trở thành dòng cảm thức thẩm mỹ đặc trưng mang tính cách Việt. Nguyên do không nằm ở dòng nhạc này có quá nhiều đột phá, đơn giản vì nó vẫn sản sinh ra những nghệ sĩ như Lâm Trọng Tường, vẫn sáng tác những ca khúc có tiết điệu đều đều phục vụ nhu cầu thưởng thức của đông đảo dân Việt.
Trịnh Chu
.
.