Nhạc sĩ Trần Long Ẩn với "Tình đất đỏ miền Đông"

Thứ Năm, 01/03/2018, 09:14
Cuộc đời của Trần Long Ẩn là những tháng ngày say mê cái đẹp trong âm nhạc bên cạnh những bươn chải cuộc sống những ngày đất nước còn nhiều khó khăn. Tôi còn nhớ, khi tôi đang sống ở châu Âu, một người bạn đã mang cho một bản thu âm bài "Đi qua vùng cỏ non" của ông. Bài hát khiến tôi nhớ nhà ghê gớm. Nhớ cuộc sống vất vả nhưng vẫn giàu hy vọng..


Trước kia, mỗi lần vào TP Hồ Chí Minh, tôi hay la cà ở Quán Văn nghệ Trần Quốc Thảo, nơi có cà phê ngon và gặp gỡ, trò chuyện với một số văn nghệ sĩ "hàng khủng", đồng thời thuận cho việc làm báo. Nhưng thích nhất được hóng các chuyện từ nhóm nhạc sĩ "Những Người Bạn", gồm 7 nhạc sĩ, ông nào cũng nổi tiếng: Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Từ Huy, Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Văn Hiên, Thanh Tùng… 

Các nhạc sĩ ấy chơi thân với nhau từ những năm 80 của thế kỷ trước và hầu hết trưởng thành từ phong trào văn nghệ thời chiến tranh. Dường như họ là những người đi đầu trong phong trào nhạc trẻ từ sau ngày giải phóng. Trừ Trịnh Công Sơn, người đã có một số tác phẩm được viết theo một cách rất riêng với giọng la thứ, còn lại, tác phẩm của nhóm "Những Người Bạn" thường được viết theo thể loại pop, rock... hướng về tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương.

Kể từ ngày lập nhóm (8-3-1991),7 người đã mang đến cho khán giả món ăn tinh thần mới, trong đó có thể kể đến như: "Hai mươi mùa nắng lạ", "Sóng về đâu"... (Trịnh Công Sơn), "Mưa rơi", "Tình yêu mãi mãi"... (Tôn Thất Lập), "Xin làm người hát rong", "Mừng tuổi mẹ"... (Trần Long Ẩn), "Hát với chú ve con", "Giọt nắng bên thềm"... (Thanh Tùng), "Ngày em đến", "Quê hương tuổi thơ tôi"... (Từ Huy), "Ngọn lửa trái tim", "Thôi em hãy về"... (Nguyễn Ngọc Thiện), "Một thời để nhớ", "Ngày xưa còn bé"... (Nguyễn Văn Hiên)… Họ lên kế hoạch để khích lệ nhau trong sáng tác, gặp gỡ thường xuyên, ít nhất một tháng một lần ở nhà của một trong 7 người, nhưng nhiều nhất là ở 47 Phạm Ngọc Thạch, nhà riêng của Trịnh Công Sơn để cùng đàm đạo về âm nhạc, về chương trình biểu diễn trên sân khấu, hoặc để nói về ca khúc đã viết trong tháng… Bên cạnh những album riêng của từng người, họ cũng đã có được 5 album chung của nhóm.

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn.

Ngày đó, cả nhóm còn trẻ lắm, mỗi ông đẹp trai, hấp dẫn mỗi kiểu. Trịnh Công Sơn gầy nhất và nhiều tuổi nhất (sinh năm 1939) nhưng sức quyến rũ chẳng ông nào kém ông nào, đủ thấy âm nhạc là một tài sản, một khả năng đủ sức lay động chiếm lĩnh lòng người. 

Nói không ngoa, chứ con gái đẹp Sài Gòn hồi đó, nếu các ông thích ai, sẽ được người đó. Chẳng cứ cánh nhà báo nữ săn đón các ông (để phỏng vấn) các ca sĩ trẻ cũng tìm đến (để xin bài hát mới). Trần Long Ẩn tuổi Giáp Thân, kém Trịnh Công Sơn 5 tuổi, tóc lại hơi quăn, nói chuyện rất duyên, nhất là khi ông hài hước, mọi người cười bò, nên có nhiều phụ nữ thầm yêu trộm nhớ… nhưng, ông đặc biệt thủy chung với vợ mình… 

Cứ mỗi lần gặp gỡ nhau trong giới văn nghệ, hay với người hâm mộ, vui mấy thì vui nhưng chỉ cần một cuộc điện thoại của vợ là ông nghiêm cẩn lại ngay…  Ông cũng là một người con có hiếu, mẹ ông tên là Xuân, nên nhiều bài hát của ông có hình ảnh mùa xuân "Mỗi mùa xuân sang ngày tôi xa mẹ càng gần... và ngày tôi xa mẹ mãi mãi cũng đã đến"…

Ít ai nghĩ Trần Long Ẩn đã từng học trường dòng La San (Công giáo) ở Quy Nhơn, Bình Định. Trường giảng dạy bằng tiếng Pháp, nổi tiếng với các giáo sư Pháp và những bài giảng về triết học, thần học cũng như các bản Thánh ca (cho đến bây giờ Trần Long Ẩn vẫn là người trong số không nhiều nhạc sĩ sử dụng tốt ngoại ngữ, nói giỏi tiếng Pháp, biết tiếng Anh và có vốn kiến thức về Triết học phương Tây, phương Đông, Triết học cổ đại. 

Ông đọc rất nhiều sách, có thể dẫn từ sách Tuân Tử tới lịch sử triều đại Nam Tống về cái đẹp trong Âm nhạc). Có lẽ có năng khiếu âm nhạc, lại được các linh mục trong trường dạy ký âm và sáng tác bước đầu nên Trần Long Ẩn sớm bộc lộ xu hướng văn học nghệ thuật, chứ không theo con đường nghiên cứu- triết gia. 

Trong những năm đầu 70, đời sống tại các đô thị miền Nam bị ảnh hưởng vì chiến tranh, nhiều phong trào ca nhạc của sinh viên học sinh Sài Gòn đã phát khởi như "Phong trào Du ca Việt Nam", phong trào "Hát cho đồng bào tôi nghe", như một cách  lên tiếng nói của thanh niên lúc đó, khao khát tìm về nguồn cội và ước mơ hòa bình. 

Trần Long Ẩn nổi lên như là một nhạc sĩ của phong trào "Hát cho đồng bào tôi nghe" với bài "Người mẹ Bàn cờ" (thơ Nguyễn Kim Ngân) và một số ca khúc khác: "Người cha bến tàu", "Đi về mới có hoa lục bình", "Chim gọi đàn chim tung cánh trắng"... đã được các nữ sinh viên Đại học Văn khoa Sài Gòn hát rất hay. Sau khi tốt nghiệp Đại học Văn khoa Sài Gòn, nhạc sĩ từ trường về nhà ở Bình Định thăm quê nhưng để giữ bí mật, ông không cho ai biết ý định ra vùng giải phóng của mình. Sau đó mẹ ông đã tốn nhiều công sức, thời gian, tiền bạc đi tìm con trai, nhưng chẳng thấy. Vào tháng 4- 1972, Trần Long Ẩn vào chiến khu, cho đến sau ngày giải phóng, hai mẹ con mới gặp lại nhau.

Sau hai năm, đầu tháng 4-1974, Trần Long Ẩn tập kết ra Bắc. Theo đúng nguyện vọng, ông được vào Trường Âm nhạc Việt Nam. Thầy hướng dẫn là các nhạc sĩ Chu Minh, Ca Lê Thuần, Nguyễn Thị Nhung, Đinh Quang Hợp, Tào Hữu Huệ…

Với các ca khúc: "Trên quê hương Nguyễn Huệ" (Bình Định) và "Hát về thành phố biển" (Quy Nhơn) hay "Đưa em về Thanh An" (Bình Dương) những nơi có nhiều kỷ niệm đẹp với ông nhưng sự thành công của các ca khúc đó không ở mức phổ cập trong công chúng bằng: "Trên mảnh đất tình người", "Đi qua vùng cỏ non", "Một đời người, một rừng cây", "Đàn sáo Hậu Giang", "Đêm thành phố đầy sao", "Xin làm người hát rong", "Tiếng hát từ ánh lửa mặt trời"...

Song "Tình đất đỏ miền Đông" thì khác hẳn. Ngay lập tức, sau khi ca khúc viết xong, đã đoạt giải nhất cuộc vận động sáng tác ca khúc về đề tài thống nhất đất nước do Hội Văn nghệ Giải phóng tổ chức năm 1976.  Ông cho biết, với bài hát đó, không chỉ vì kỷ niệm với vùng đất anh dũng, gian lao là còn hàm chứa một kỷ niệm: vợ sinh con trai đầu lòng, nhạc sĩ muốn nhắn nhủ con, sau này trên đường đời phải biết vượt qua gian lao. Phần hai ca khúc này, có tựa là "Tiếng vọng từ quá khứ" cũng rất nổi tiếng. Hầu hết ca khúc của Trần Long Ẩn đều giàu tính triết lý trong những giai điệu có âm hưởng dân ca, mượt mà trữ tình.

*

Cuộc đời của Trần Long Ẩn là những tháng ngày say mê cái đẹp trong âm nhạc bên cạnh những bươn chải cuộc sống những ngày đất nước còn nhiều khó khăn. Tôi còn nhớ, khi tôi đang sống ở châu Âu, một người bạn đã mang cho một bản thu âm bài "Đi qua vùng cỏ non" của ông. Bài hát khiến tôi nhớ nhà ghê gớm. Nhớ cuộc sống vất vả nhưng vẫn giàu hy vọng: "… Đi qua vườn trẻ chơi ngỡ bầy chim đang hót/Ta nghe đời vui hơn những nghĩ suy một mình/ Đi thăm người mới quen một lần chưa nói hết/ Chuyện dài của quê hương hiểu nhiều càng yêu hơn/ Như người đứng gác đêm thầm lặng mà đẹp lắm đất nước ơi... Những người dân nước tôi mang con tim thời đại đẹp nhất/ Cuộc sống vì mọi người vì đàn em thơ ấy/ Những bông hoa của hôm nay/ Những bông hoa của mai sau.". Bây giờ, nghe bài hát này vẫn khiến tôi xúc động dạt dào, không khác gì khi nghe "Tình đất đỏ miền Đông", do chính ông hát. Ông hát rất hay, cái hay mà kể cả những giọng ca gạo cội cũng khó có được.

Ca sĩ Tuấn Ngọc và MC Quỳnh Hương tặng hoa chúc mừng nhạc sĩ Trần Long Ẩn trong buổi lễ ra mắt CD âm nhạc của ông.

Cuộc sống của Trần Long Ẩn bây giờ đã khác xưa, ổn định và sung túc hơn nhưng ông vẫn miệt mài với sáng tạo, vẫn sống cuộc sống của người nghệ sĩ giàu tình người, sang trọng trong sự giản dị, nhiệt tình trong sự điềm tĩnh từng trải. Dù đã hết tuổi lao động nhưng được tín nhiệm cao nên ông vẫn còn đảm đương trách nhiệm Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa IX này, Chủ tịch Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh. Những sáng tác mới như bản thơ giao hưởng (poème symphonique), thời lượng hơn 13 phút, có tên gọi "Mặt trời và ánh lửa" (trong đó có trích các ca khúc: "Hát cho dân tôi nghe" (Tôn Thất Lập), "Dậy mà đi" (Nguyễn Xuân Tân), "Tự nguyện" (Trương Quốc Khánh), "Người mẹ Bàn Cờ" và "Tình đất đỏ miền Đông") là một đóng góp đáng ghi nhận của âm nhạc nước nhà.

Ông từng nhận giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1994, nhận giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007, Huân chương Lao động hạng Nhì và đã xuất bản một số tập ca khúc "Vẫn hát ru em", "Một đời người, một rừng cây", "Bông cúc trắng", "Vẫn hát ru em", "Bước xuống đời"…

Trần Thị Trường
.
.