Nhà viết kịch, nhà báo Xuân Trình: Vững tin “Thời tiết ngày mai”

Thứ Hai, 30/04/2018, 08:38
Nhà văn, nhà viết kịch, nhà báo Xuân Trình (1936-1991); Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2001; nguyên Phó Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Sân khấu... là một trong những nhà viết kịch hàng đầu của sân khấu hiện đại Việt Nam; với nhiều vở diễn nổi tiếng, gây nhiều tranh luận về nội dung, tư tưởng, nghệ thuật từ giữa những năm 60 - 90 của thế kỷ trước...


Xuân Trình (tên thật là Nguyễn Xuân Trình, quê thôn Lỗ Xá, xã Yên Hưng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định). Anh nổi tiếng với những vở kịch gây nhiều tranh cãi như: “Chuyện những người du kích”; “Quê hương Việt Nam”; “Lập xuân”; “Hận thù từ đâu tới”; “Bạch đàn liễu”; “Ngôi nhà trong thành phố”; “Xóm vắng”; “Cố nhân”; “Thời tiết ngày mai”; “Đợi đến mùa xuân”; “Chuyện tình trong rừng cấm”; “Mùa hè ở biển”; “Nửa ngày về chiều”… Thậm chí, có vở phải duyệt đi duyệt lại mãi mà vẫn không được ra mắt công chúng...

Giữa những năm bảy mươi của thế kỷ trước, tôi gặp anh khi anh đang công tác ở Báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam. Nhưng phải đến năm 1976, khi Xuân Trình về Hội Nghệ sĩ Sân khấu, rồi làm Tổng Biên tập Tạp chí Sân khấu vừa được thành lập, tôi mới trở nên thân thiết với anh. Là họa sĩ của Nhà hát Tuồng Việt Nam, tôi được Xuân Trình “rủ rê” cộng tác, để lúc thì trình bày, lúc thì minh họa, lúc lại viết bài cho Tạp chí - cùng họa sĩ Bùi Xuân Phái.

Nhớ lại mùa xuân 1979, khi quân Trung Quốc mở cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc xâm lược Việt Nam; Tổng Biên tập Tạp chí Sân khấu Xuân Trình cùng các phóng viên của Tạp chí đã kịp thời có mặt. Và sau một thời gian ngắn, anh đã viết xong vở kịch “Cố nhân”, về đề tài nóng hổi là chiến tranh biên giới. Gặp nhau ở Tạp chí, Xuân Trình đọc cho tôi nghe và bàn kế hoạch xuống dàn dựng cho Đoàn Kịch tỉnh Hà Nam Ninh (nay là Nhà hát Kịch Nam Định).

Thời gian gấp, muốn vở ra mắt càng nhanh càng có tính thời sự, Xuân Trình đề nghị tôi vẽ ma - két trang trí, trang phục thật nhanh để thực hiện may sắm. Còn việc dàn dựng, để cho kịp thời gian, Xuân Trình cùng cộng tác với đạo diễn, Đoàn trưởng Hoàng Khuông tiến hành luôn. Chỉ sau khoảng chưa đầy một tháng, “Cố nhân” đã được công diễn, được công chúng nồng nhiệt đón nhận vì tính thời sự nóng bỏng.

Đây cũng là lần đầu tiên trong đời, tác giả Xuân Trình làm đạo diễn cho chính vở kịch của mình và anh đã thành công. Sau “Cố nhân”, tôi còn làm trang trí sân khấu cho một số vở nữa của Xuân Trình, nhưng phải nói rằng, một trong những tác phẩm đã gây nên tiếng vang lớn về đề tài nông nghiệp - với cách đặt vấn đề táo bạo, mới mẻ của tác giả - đã làm xôn xao dư luận không chỉ tỉnh Hà Nam Ninh, mà còn nhiều vùng quê khác nữa, trong bối cảnh cần phải có một cách nhìn mới về nông dân, nông nghiệp, nông thôn. Đó là “Thời tiết ngày mai”- một vở kịch có số phận thật đặc biệt và cũng thật nghiệt ngã - được Đoàn Kịch Hà Nam Ninh dàn dựng vào đầu năm 1980 (sau “Cố nhân” tròn một năm)…                  

Nhớ lại thời bao cấp khốn khổ đó, muốn đi xe khách ở Bến Kim Liên, Hà Nội để xuống Nam Định (cũng như đi các tỉnh, thành phố khác), quả là một cực hình với người dân - xếp hàng từ đêm đến sáng mà vẫn không mua nổi chiếc vé…

Vì thế, phải vất vả cậy nhờ mấy tay anh chị phe vé ở ngay bến; tác giả Xuân Trình, đạo diễn Đoàn Anh Thắng và tôi mới có một chỗ đứng chen chúc đến khổ sở trên cái ô tô khách cũ kỹ chật cứng người và hàng hóa, nhất là vào mấy ngày sau Tết Âm lịch. Để chuẩn bị cho Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc (tháng 5-1980 ở Hải Phòng), Đoàn Kịch Hà Nam Ninh dựng vở “Thời tiết ngày mai” của Xuân Trình, đạo diễn Đoàn Anh Thắng và tôi là họa sĩ thiết kế mỹ thuật.

Chiều tối, khi xuống đến nơi, do chờ chúng tôi không được nên Đoàn Kịch vừa lên đường đi biểu diễn xa. Chẳng lẽ ngủ lại Nam Định, vừa mất hết “không khí” khởi công vở, vừa vô tích sự chẳng có việc gì làm, tác giả Xuân Trình quyết định đi nhờ xe khách, xe tải (và cả đi bộ) sang Ninh Bình, vào nhà bà con của anh, rồi nghỉ hay tiếp tục đi tìm địa điểm biểu diễn của đoàn sẽ tính sau.

Đến thị xã Ninh Bình đã 8 giờ tối, trời đêm mù mịt, gió se se lạnh và mưa phùn đầu xuân lất phất bay, ăn cơm tối xong, ba chúng tôi lại tiếp tục đi tìm địa điểm biểu diễn của đoàn. Ngày đó, anh Xuân Trình ngoài bốn mươi, tôi ngoài “băm”, và Đoàn Anh Thắng tròn hai mươi chín (vừa tốt nghiệp đạo diễn sân khấu ở Liên Xô về nước năm 1977, vào loại đạo diễn trẻ nhất nước), sức lực đều đang hăng hái tràn trề, và lòng yêu sân khấu thì rừng rực cháy...

Cứ thế, ba anh em chúng tôi lúc đi nhờ xe tải, lúc thì đi nhờ được ôtô com - măng - ca bộ đội, và chủ yếu là cuốc bộ, suốt đêm ấy, vừa mò mẫm, vừa hỏi thăm đến nơi đoàn vừa diễn đêm trước, lại hỏi tiếp hướng đi, lần mò mãi, đến hơn 7h sáng hôm sau thì đến đúng điểm diễn.

Anh em diễn viên vừa thức dậy, đang rửa mặt. Mọi người hò reo và thán  phục khi biết lộ trình trên 40 cây số của chúng tôi. 10 giờ sáng hôm sau, Đoàn làm lễ khởi công dàn dựng vở “Thời tiết ngày mai” để đi hội diễn. Không khí đang Tết Âm lịch nên càng vui và đầm ấm. Nhưng rồi, vở diễn này của nhà văn Xuân Trình không gặp may. Tỉnh duyệt đi, duyệt lại mãi mà nội dung vẫn cứ vướng, theo quan niệm của một vị lãnh đạo tỉnh, phụ trách Văn - Xã (Văn hóa - Xã hội mà ta hay nói tắt, viết tắt).

Lần cuối cùng, tỉnh quyết định phải mời lãnh đạo các Ban, Bộ của Trung ương về tổng duyệt, và tất cả đều khẳng định những mặt thành công của vở “Thời tiết ngày mai”, đồng thời, lãnh đạo tỉnh đã quyết định cho Đoàn kịch được đi hội diễn. Tất cả các nghệ sĩ và ê-kíp chúng tôi đều sung sướng và chờ mong ngày lên đường...

 Nhưng rồi, tất cả đều mừng hụt. Đúng buổi sáng Đoàn kịch Hà Nam Ninh đang chuẩn bị đi Hải Phòng (cả mổ lợn liên hoan nữa), thì bất ngờ có lệnh của vị lãnh đạo tỉnh phụ trách Văn - Xã đã không chấp nhận vở trước đây: Vở “Thời tiết ngày mai” không được tham dự Hội diễn. Còn lý do, mãi sau này chúng tôi mới được biết là cá nhân ông lãnh đạo này không đồng ý, vì cho rằng có những “lệch lạc về nội dung tư tưởng” trong vấn đề nông nghiệp, nông thôn (lại đúng như câu nói “Phép vua, thua lệ làng”)!??

Ngay sau đó, Ban Tổ chức Hội diễn của Bộ Văn hóa và Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tại Hải Phòng đã nhận được điện báo của Đoàn Kịch Hà Nam Ninh là không tham dự hội diễn, pa - nô, băng - rôn quảng cáo của Đoàn Kịch bỏ xuống… Cả giới sân khấu nghe tin, ngạc nhiên  chẳng rõ lý do gì cả, vì không có văn bản chính thức…   

Sau sự việc trên, Xuân Trình vẫn không chút nản lòng. Về Hà Nội, từ thai nghén ban đầu, anh đã chuyển vở kịch thành tiểu thuyết “Thời tiết  ngày mai” do Nhà xuất bản Phụ Nữ ấn hành. Sau này, khi xuống làm việc với Đoàn Kịch một vở diễn khác, chúng tôi nghe tin vị lãnh đạo cấm diễn “Thời tiết ngày mai” đã nghỉ hưu ngay vài tháng sau đó... Còn  vở "Thời tiết ngày mai” sau khi ra mắt công chúng Nam Định, Hà Nội và nhiều địa phương khác trong cả nước, đã được khán giả nồng nhiệt đón nhận!

Hôm nay, khi viết lại những kỷ niệm này, đúng vào dịp tròn 82 năm ngày sinh nhà văn, nhà viết kịch Xuân Trình; cũng tròn hai mươi lăm năm đạo diễn, NSƯT Đoàn Anh Thắng tài hoa qua đời (1951-1993). Và “Thời tiết ngày mai” cũng tròn ba mươi tám năm từ ngày ra mắt công chúng! Bóng người đã khuất đâu đó trên cõi vĩnh hằng, nhưng tác phẩm của những nghệ sĩ ấy vẫn còn đây, để lại những bài học của đúng - sai; phải - trái; đen - trắng; vàng - thau, tội ác - lòng nhân từ, đổi mới và bảo thủ… cũng như những thói quen cậy quyền, cậy thế, đè nén, kiêu ngạo vì dốt nát… nhưng lại cứ ngỡ “như ta đây” làm chuẩn mực dạy dỗ cho đời.

Còn với riêng tôi, đó là một kỷ niệm đẹp của một thời trai trẻ mãi mãi không bao giờ quên. Bởi, trong công cuộc đổi mới suốt 40 năm qua, chắc chắn thời tiết đã ấm dần hơn lên, có phải không anh Xuân Trình yêu mến? 
Lê Huy Quang
.
.