Nhà báo Hà Hồng: “Người kể chuyện bên hồ Gươm”

Thứ Ba, 12/12/2017, 08:30
Nhà báo Hà Hồng (Trưởng ban Khoa giáo, Báo Nhân dân) vừa vui mừng đón nhận "đứa con tinh thần đầu lòng" sau nhiều năm ấp ủ, đó là cuốn sách khổ 15 x 15cm xinh xắn, độ dày lên tới 400 trang mang tên "Chuyện kể bên Hồ Gươm".


Với gần 200 câu chuyện và vài trăm bức ảnh về cuộc sống, con người, thiên nhiên quanh Hồ Gươm được "nén" lại trong cuốn sách nhỏ được chọn lựa từ 1.200 câu chuyện mà nhà báo Hà Hồng đã viết từ đầu những năm 2.000 đến nay, đủ thấy sự gắn bó thiêng liêng và một tình yêu sâu đậm đến... khó hiểu của anh đối với Hồ Gươm. Nhân sự kiện này, phóng viên Chuyên đề Văn nghệ Công an đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Hà Hồng.

- Thưa nhà báo Hà Hồng, xin anh cho độc giả báo biết, đâu là lý do thực sự để anh cho ra đời cuốn sách "Chuyện kể bên Hồ Gươm" sau 17 năm gắn bó với Hồ Gươm?

+ Vào năm 2.000, công việc của tôi lúc đó rất căng thẳng, tôi thấy mình stress nặng và được biết một trong những cách giảm stress hiệu quả nhất, đó là đi bộ. Và tôi chọn cách hàng ngày đi bộ từ nhà lên Hồ Gươm và đi quanh hồ trước khi bắt đầu một ngày làm việc.

Điều đặc biệt tôi cảm nhận được, đó là đi bộ, ngoài sự sảng khoái, người ta có rất nhiều suy nghĩ, ý tưởng được bật ra. Thế là từ năm 2.000 đến năm 2006, trong khi đi bộ, gặp chuyện gì hay là tôi viết lại theo kiểu tản văn của Nguyễn Công Hoan vào tờ A4 rồi cất đi. Nhưng cuốn sách này, tôi chỉ tập hợp những câu chuyện từ năm 2006 đến ngày 10-10-2010, đúng thời khắc Hà Nội kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đó là những bài viết được chọn trong tổng số 1.200 câu chuyện tôi đã viết và khoảng 50.000 bức ảnh đã chụp về cuộc sống, con người, thiên nhiên quanh Hồ Gươm.

Sở dĩ tôi làm việc này là bởi, tôi mong rằng sau này, có thể là 100 năm sau, thế hệ con cháu chúng ta khi xem lại những hình ảnh về Hồ Gươm trong cuốn sách của tôi hôm nay sẽ có những nỗi niềm rưng rưng xúc động giống như tôi bây giờ, khi tìm thấy, phát hiện ra những bức ảnh chụp cảnh Hồ Gươm vào thời khắc 100 năm trước vậy. Chính vì thế, trong "Chuyện kể bên Hồ Gươm" tôi đã cố gắng xây dựng nó giống như những thước phim tài liệu, trong đó có cả văn học, lịch sử nhưng chủ yếu là "cái nhìn phản ánh" của báo chí.

Nhà báo Hà Hồng.

- Có thể nói, tình cảm, tình yêu đối với Hồ Gươm thì nhiều người có, trong đó có cả những người chưa một lần đến với Hồ Gươm, chỉ có điều người ít người nhiều mà thôi. Anh có thể cắt nghĩa vì sao anh lại có tình cảm đặc biệt, sự gắn bó sâu nặng đối với Hồ Gươm?

+ Tôi sinh ra ở Hà Nội, bố mẹ tôi lại làm việc ở Báo Nhân dân ngay bên hồ nên từ nhỏ đã thường xuyên đến đây chơi, nhất là mỗi dịp hè. Sau đó, năm 1983 tôi về Báo Nhân dân công tác đến nay thấm thoát đã bước sang năm thứ 35. Vì thế, theo thời gian, tình cảm của tôi dành cho Hồ Gươm nó cứ "đầy" dần lên.

Năm 2006, tôi lập ra trang web: www.hohoankiem.org và đến nay tôi đã đăng trên trang web này hơn 1.000 tin bài và hàng ngàn bức ảnh. Tôi rất mừng vì tình cảm của tôi dành cho Hồ Gươm được cộng hưởng bởi đông đảo độc giả. Đến nay, số lượt truy nhập vào trang web này đã đạt 4 triệu lượt người truy cập, cũng là điều khiến tôi rất tự hào.

- Trong lời giới thiệu cuốn sách, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã viết rằng: "Những tin, bài Hà Hồng viết về Hồ Gươm tựa như nhật ký như ghi chép hằng ngày, anh "thuật nhi bất tác" (thuật lại một cách trung thực, mà không sáng tác)". Nhãn quan của một người làm báo lâu năm đã ảnh hưởng như thế nào tới sự ra đời của cuốn sách này?

+ Tôi quan niệm rằng, sau mỗi cú bấm máy, bức ảnh đó, sự kiện diễn ra ngày hôm trước đó đã trở thành quá khứ. Tuy không phải là nhà sử học nhưng tôi "viết sử" bên hồ bằng chính các tác phẩm báo chí của mình. Cho đến hôm nay, nhiều người là nhân vật trong các bài viết của tôi đã ra người thiên cổ, vì thế cuốn sách này đã lưu giữ hình ảnh và câu chuyện về họ như: Nhà văn Băng Sơn - người từng kể cho tôi chuyện về cây cầu Thê Húc bị sập năm 1952, bác Thúy - chủ hiệu ảnh nổi tiếng trên phố Hàng Khay người đã ghi lại những khoảnh khắc, lịch sử quý giá khi bộ đội ta tiến vào tiếp quản Thủ đô ngày 10-10-1954 hay chị Bích con gái ông chủ quán cà phê Giảng với những ký ức đặc biệt về cà phê thời bao cấp...

 Với 1,7 cây số chiều dài quanh hồ, nếu ta đi ào ào lướt qua nó thì thấy rất bình thường, nhưng chầm chậm lại, sẽ thấy bao nhiêu số phận, bao nhiêu cuộc đời chứa trong đó cả một phần lịch sử của dân tộc. Với tôi, lịch sử của một dân tộc sẽ vô cùng đáng yêu nếu ta nghiên cứu nó qua văn hóa.

- Đọc "Chuyện kể bên Hồ Gươm" thấy những nhân vật, những câu chuyện trong cuốn sách này của anh đều rất đỗi gần gũi, đời thường. Anh muốn gửi gắm điều gì qua những câu chuyện, những hình tượng bình dị này?

+ Những con người của đời thường ấy chính là nhân dân. Mà nhân dân chính là những người làm nên lịch sử của mọi thời đại. Tôi muốn là "Người kể chuyện bên Hồ Gươm" qua những con người bình dị ấy. Họ có thể là người bán rong là thương binh nhờ việc bán hàng kiếm sống mà tìm được đồng đội từng vào sinh ra tử với mình; một cụ ông râu tóc bạc phơ, cứ cuối năm đến cây lộc vừng 9 gốc và Tháp Bút thổi tiêu bài "Chiến sĩ vô danh" và "Hồn tử sĩ" để tri ân những đồng đội đã nằm lại bên Bờ Hồ xưa kia là chiến hào đánh Pháp; là một cụ ông ngồi trên ghế đá đọc sách mà rơm rớm nước mắt, hỏi ra mới biết cụ đang đọc cuốn Nhật ký của Liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm; rồi khách du lịch hay những ông đồ... Tôi mong muốn biến những con người "vô danh" ấy thành những người "có danh" qua những trang sách của mình.

- Anh có cho đăng tải các tác phẩm báo chí này của mình trên các báo, tạp chí trước khi in thành sách không?

+ Hoàn toàn không. Thậm chí tôi còn "điên" đến độ, có người bạn bảo tôi là cộng tác, thậm chí là mở hẳn một chuyên mục về Hồ Gươm, sau đó tổng hợp thành sách mà tôi vẫn kiên quyết không. Tôi cứ thấy "thương" người đọc, không muốn họ phải ăn món "cơm rang" mà phải được thưởng thức "cơm chín tới".

Tôi muốn dành tình cảm trân trọng nhất, có tính chất "lần đầu" dành cho người đọc. Không ai bắt tôi phải làm như vậy cả, nhưng tôi vẫn thích như thế. Tôi muốn làm cho mai sau, gửi lại đời sau những nét văn hóa và cả một phần lịch sử qua những con người bình dị nhất - đó chính là nhân dân.

Có thể, 100 năm nữa, các bạn trẻ sẽ vô cùng ngạc nhiên, thích thú khi được ngắm nhìn và đọc những mẩu chuyện của tôi về Hồ Gươm. Tuy nhiên, tôi có thể tự tin mà nói rằng, những trang sách này sẽ giống như "vàng" vậy, đem chôn xuống đất nó sẽ "lên tuổi".

- Nghe nói, cuốn sách này anh may mắn nhận được tài trợ từ một Mạnh Thường Quân, anh có thể chia sẻ về chuyện này không, thưa anh?

+ Nhà tài trợ, Mạnh Thường Quân của tôi không ai khác chính là anh Công Chiến, nhà ở số 2 phố Lê Thái Tổ - là một người rất mực yêu Hà Nội, yêu Hồ Gươm, yêu văn chương và thích được làm những việc thiện lương. Anh cũng chính là một nhân vật trong các câu chuyện của tôi, là người hiến chuông và trồng một cây bồ đề cho Đền Ngọc Sơn. Chúng tôi quen nhau cũng tình cờ và thật vui mừng khi tôi ngỏ lời thì anh ý đã đồng ý tài trợ ngay khi biết tâm nguyện của tôi.

Sau khi sách ra mắt, anh Công Chiến cảm thấy rất hài lòng vì đồng tiền của mình đã cho ra đời được một sản phẩm văn hóa có tính chất như một "món quà tinh thần" đối với nhưng người yêu Hà Nội, yêu Hồ Gươm như anh ấy. Anh Công Chiến cũng nói muốn tài trợ cho cuốn sách thứ 2 của tôi viết riêng về rùa Hồ Gươm.

- Có phải vì là sách được tài trợ nên anh không quan trọng chuyện sách có bán được hay không? Một cuốn sách đầu tay được làm kì khu, có thể coi như một cuốn "Sổ tay về Hồ Gươm" nhưng cũng không thấy anh tổ chức ra mắt hay có hoạt động quảng bá, giới thiệu để "Chuyện kể bên Hồ Gươm" tới được với nhiều người hơn?

+ Do được tài trợ rồi nên đúng là tôi cũng không phải lo "thu hồi vốn" nữa hay đặt thành vấn đề phải bán được bao nhiêu nữa. Tuy vậy, tôi vẫn có bày bán tại một địa chỉ duy nhất ở ngay Tổng Công ty Phát hành sách Việt Nam, số 44 Tràng Tiền. Nếu các bạn có dịp ghé qua, có thể thấy nó được bày bán một cách khá trang trọng ở đó!

- Xin cảm ơn nhà báo Hà Hồng!

Nguyệt Hà
.
.