Nhà văn Vũ Minh Nguyệt: Trăng bay khuất nẻo chân trời

Thứ Sáu, 23/10/2020, 15:46
Người nào văn ấy, văn là người, có lẽ nhận định này thật đúng với trường hợp của Vũ Minh Nguyệt. Trong giao đãi với đời, với người, Vũ Minh Nguyệt luôn ươm nở trong tim những người chị từng quen thân niềm mến thương, trân quý bởi sự ấm áp, nhiệt tình.


Nhà văn Vũ Minh Nguyệt là bạn văn đầu tiên ở khu vực Hà Nội tôi gặp ngoài đời. Dạo đó là tháng Bảy năm 2008, sau một tuần đau buồn lo đám tang cho người cha quá cố, tôi lên Bệnh viện Quân y 103 làm nốt thủ tục cuối cùng cho cha. Lúc ngang qua quầy báo trong khuôn viên Bệnh viện, tôi thấy tờ Tạp chí Văn nghệ Quân đội có đăng truyện ngắn đầu tay của mình “Hoa pằng nảng rơi rơi” được bày bán. Tôi dừng lại, mua mấy cuốn dành tặng bạn bè. 

Người quản lý quầy báo tươi cười hỏi: “Em mua làm gì nhiều thế?”. Nhìn gương mặt xinh đẹp và vẻ thân thiện của chị, lòng tôi như hao vơi đi nỗi buồn, tôi bảo: “Em có truyện in trong Tạp chí này”. Chị lại cười, hỏi: “Em - là - thằng - Nguyễn - Phú - phải - không?”. 

Rồi chị giới thiệu là Vũ Minh Nguyệt, cộng tác viên thân thiết của Văn nghệ Quân đội. Chị đã đọc truyện ngắn của tôi và chị thích. Sáng ấy, tôi nói chuyện với Vũ Minh Nguyệt như chúng tôi quen biết từ lâu. Chị tìm tặng tôi cuốn sách, có lẽ là tập truyện đầu tay của chị, nhưng không còn. Chị hẹn sẽ tặng sách cho tôi và không quên dặn khi nào qua khu vực Bệnh viện thì ghé vào chỗ chị.

Nhà văn Vũ Minh Nguyệt.

Từ ấy, mỗi lần có việc đến Bệnh viện 103 là tôi ghé vào thăm Vũ Minh Nguyệt. Lần nào không gặp được chị, thấy một cảm giác bâng khuâng thật khó tả. Gặp chị là lại chuyện văn chương, về những tác phẩm mới hay những tác giả nào đó mà tôi và chị quen biết. Có khi, chị nói say sưa với niềm yêu chứa chan ngời lên gương mặt của người đàn bà đẹp về người chồng văn chương tài hoa và hai cậu con trai điển trai, giỏi giang. Tôi thầm ngưỡng mộ chị, cũng như nhiều bạn bè văn chương ngưỡng mộ gia đình chị.

Năm 2013, một lần ghé qua, tôi được Vũ Minh Nguyệt tặng tập truyện “Những người đàn bà ở bến sông”, tập truyện gồm 11 truyện ngắn. Thực ra, trước khi gặp Vũ Minh Nguyệt, tôi đã đọc những sáng tác của chị in rải rác đâu đó. Cảm nhận của tôi về văn chương Vũ Minh Nguyệt từ truyện ngắn đầu tiên đến truyện ngắn cuối cùng là thiên tính nữ tinh tế, thương nhớ đằm sâu, yêu thương tận cùng và tình người, tình đời mênh mang. 

Rời quê từ thời thanh nữ, mấy chục năm gắn bó với phố phường nhưng tâm hồn văn chương của chị đẫm đụa tình quê, cảnh quê, người quê. Đấy là bến sông quê, dòng Hoàng Long trở đi trở lại trong hầu hết các truyện ngắn, tiêu biểu như: “Cha, mẹ và con”, “Làng Phú Tang”, “Người làng Bãi Trữ”, “Những người đàn bà ở bến sông”, “Sau mưa”...vv. 

Đấy là đồng đất, núi non vùng cố đô trữ tình và hoài nhớ, với những Bãi Giữa, Bãi Trữ, núi Trường Yên, Mã Yên, đầm Liễu, đầm Kim, đầm Sen, cánh đồng Diều Sa... Đấy là những con người sinh ra bên dòng sông quê, họ sống - chết, yêu thương - oán hận, hạnh phúc - khổ đau, ly hương - trở về... Đấy là nết ăn, nết ở của người quê gắn với những phong tục, lề luật, cả những thói tật đều hiển lộ sinh động, tươi ròng... Nhưng bao trùm lên tất thảy các trạng huống ấy là tình người ắp đầy, tình yêu quê hương thẳm sâu khôn cùng trên những trang văn của Vũ Minh Nguyệt.

Tiếng nói “nữ quyền” trong văn của Vũ Minh Nguyệt là sự tự ý thức, niềm kiêu hãnh của người nữ về phẩm hạnh cao khiết và thiên chức của mình trong tình yêu, trong gia đình và giữa cộng đồng. Dù ở hoàn cảnh nào họ cũng luôn khát khao được san sẻ, chở che và yêu thương.

Linh (Bầu trời ngoài ô cửa - Giải Ba cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội) dù tàn tật và phải làm bạn với bốn bức tường nhưng luôn khát khao về một khung trời hoa mộng, tự do. Và rồi chỉ một chút rung cảm về tình yêu đôi lứa dù mơ hồ, chợt lóe nhưng quá đỗi thanh ngần cũng đủ để Linh có thể bước ra ngoài ô cửa và thăng hoa trong nghệ thuật. 

Những người đàn - bà -  chinh - phụ có chồng hi sinh trong cuộc chiến, họ đã từng hết lòng với người ra đi, trong cô độc, đau thương những khát khao âm thầm vẫn trỗi thúc họ bước qua lưỡi dao dư luận để yêu và được yêu, được dâng hiến và làm mẹ (chị Duyên trong “Cha, mẹ và con”, người mẹ trong “Sau mưa”...vv).

Tác phẩm của cố nhà văn Vũ Minh Nguyệt.

Người nào văn ấy, văn là người, có lẽ nhận định này thật đúng với trường hợp của Vũ Minh Nguyệt. Trong giao đãi với đời, với người, Vũ Minh Nguyệt luôn ươm nở trong tim những người chị từng quen thân niềm mến thương, trân quý bởi sự ấm áp, nhiệt tình. Gặp bạn bè và người thân của họ vào viện, nơi chị công tác, có điều kiện là Vũ Minh Nguyệt đôn đáo, tận tâm giúp đỡ. Bạn bè văn chương sinh nở tại Viện 103, chị xăng xái chăm lo như người chị cả, như người mẹ. Nghỉ hưu, có thời gian là chị cùng bạn bè đến với vùng khó khăn để chia sẻ với những cảnh đời thiếu may mắn. 

Những phẩm chất cao quý ấy của người văn đã thấm vào từng con chữ, từng nhân vật nữ mà chị chăm chút. Và lòng nhân hậu, bao dung của những người nữ ấy thực như một ngọn gió mát, dòng suối tươi lành xua tan mọi vênh lệch, oán hờn, khổ đau, để chỉ còn lại tình người ngân vọng mãi nơi trái tim bạn đọc.

Tôi đã thực sự xúc động vì sự hy sinh, mầm nhân, cây đức mà bà Tằm vun trồng cho dòng họ nhà chồng “Những người đàn bà ở bến sông”. Thiên lương của họ là tinh hoa, phẩm tính mẫu từ ngàn đời của những người đàn bà Việt. Hay “Cha, mẹ và con” là truyện ngắn cho tôi nhiều dư ba. Tôi thích cái không khí man mác, sầu thương của truyện. 

Một tác phẩm nữa của Vũ Minh Nguyệt tôi hay nhớ đến mỗi độ tháng Tư về, đó là tản văn “Có một mùa hoa sắp đi qua” in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Tản văn nhỏ nhưng dung chứa những xúc cảm tinh tế, đắm đuối của người đàn bà đẹp với loài hoa mong manh, tinh khiết, kiêu sa - hoa loa kèn - thiên sứ của tháng Tư tươi nồng. Quý lòng yêu hoa của Vũ Minh Nguyệt, đã nhiều lúc tôi dự định sẽ tặng chị một bó loa kèn vào dịp tháng Tư, nhưng rồi cho đến bây giờ tôi đã không làm được điều ấy.

Khoảng hai mươi năm sáng tác (tính từ truyện ngắn đầu tay “Những người đàn bà ở bến sông” - 1999), gia tài văn chương của Vũ Minh Nguyệt gồm 5 tập truyện ngắn: “Hoàng hôn của cha” (2007), “Truyện ngắn Sương Nguyệt Minh và Vũ Minh Nguyệt” (2007), “Truyện ngắn Vũ Minh Nguyệt” (2010), “Những người đàn bà ở bến sông” (2010), “Mưa rơi ở thành phố lạ” (2016) và tiểu thuyết “Khi cuộc chiến đi qua” (2017)... Không quá nhiều, nhưng cũng không phải là ít với một đời văn. 

Điều quan trọng là văn chương Vũ Minh Nguyệt đã rõ hình, nét sắc và ngan ngát tỏa hương. Đọc văn chị dù có vênh vao, mâu thuẫn, xung đột nhưng hầu như không có sự giảo quyệt, độc địa; mất mát, buồn thương mà vẫn thấy ấm áp, nhân hậu và chứa chan hi vọng. Nó đúng như con người chị mà nhà văn Phạm Phong Lan đã nói với tôi trong ngày chúng tôi tiễn biệt chị về lại đồng đất quê cha: “Ở chị Nguyệt tỏa ra một thứ năng lượng đầy yêu thương, nhân hậu!”.

Tôi vẫn luôn tin rằng Vũ Minh Nguyệt có thể đã có một sự nghiệp đồ sộ hơn nếu chị không là người đàn bà lui về phía sau để chồng mình luôn tiến về phía trước(*). Chị gác lại nhiều năm tháng văn chương để vun vén vuông tròn cho chồng, cho con. 

Vũ Minh Nguyệt là người đàn bà yêu chồng đến mê đắm. Ngôi đền tình yêu mà chị bước vào để yêu và được yêu từ thời thanh nữ cho đến hơi thở cuối cùng lúc nào cũng ngân rung. Trước khi lâm trọng bệnh Vũ Minh Nguyệt viết đều, in đều. Có khi truyện của tôi và chị cùng đi một số báo/tạp chí văn chương. Đọc văn chị, tôi mừng cho một giai đoạn bung trổ của chị. “Kiếp hoa”, in tuần báo Văn nghệ có lẽ là truyện ngắn cuối cùng của Vũ Minh Nguyệt? Dường như cái tên truyện đã ám vận vào cuộc đời hồng nhan của chị!

Nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng, người thầy thân thiết của Vũ Minh Nguyệt từng có một phát hiện thật hay về văn chương của cô học trò cưng: “Không biết có phải vì cái tên cha sinh mẹ đẻ đặt cho mà Vũ Minh Nguyệt nhìn đâu cũng thấy trăng”, “truyện ngắn Vũ Minh Nguyệt, có thể nói, tràn đầy và thấm đẫm ánh trăng”. Người văn đã ra đi, nhưng những trang văn bát ngát trăng đêm của chị sẽ còn làm dịu mát tâm hồn bạn đọc khi họ đến với văn chương Vũ Minh Nguyệt. Ánh trăng thiên lương từ tâm hồn chị còn mãi tỏa rạng trong lòng người thân và cả những người chị từng gặp gỡ, mến thương.

Cho đến lúc này, tôi và nhiều bạn văn yêu quý Vũ Minh Nguyệt vẫn chưa tin chị đã đi qua cõi hồng trần. Có phải là sự thật không chị, trăng bay khuất nẻo chân trời?

(*) Ý trong lời điếu tại đám tang nhà văn Vũ Minh Nguyệt.

Nguyễn Phú
.
.