Nhà văn Hồ Phương: “Viết bao nhiêu cũng chưa đủ trả nợ cuộc đời”
- Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương: Đừng bắt bẻ tôi!
- Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương: Anh vẫn như ngày nào
- Thiếu tướng - nhà văn Hồ Phương: Văn chương mãi những cánh đồng cỏ non
Thiếu tướng nhà văn lừng danh Hồ Phương nhìn tôi cười cười, giọng rất nhẹ: "Có phải em là người mới được Văn nghệ quân đội lấy về không?". "Dạ, đúng ạ, em là Nguyễn Hữu Quý được điều động từ Binh đoàn Trường Sơn về", tôi trả lời ông.
Từ bấy đến giờ, tôi vẫn không thay đổi cách xưng hô kiểu gần chùa gọi Bụt bằng anh đó và tác giả của "Cỏ non", một tác phẩm nổi tiếng tôi từng đọc, từng học ở phổ thông vui vẻ chấp nhận. Thực ra, trong góc nhìn của tôi với một thời gian khá dài thì nhà văn Hồ Phương chưa già, kể cả diện mạo sắc thái và năng lực sáng tạo văn chương.
Có vẻ như lúc nào ông cũng phơi phới sống, phơi phới viết trên dòng thời gian đã được mặc định thênh thênh, bất chấp những dữ dội của bão giông thời cuộc, những gập ghềnh eo thắt của thế thái nhân tình để gặt hái được không ít hoa trái trong sáng tạo chữ nghĩa.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà nhà văn Nguyên Hồng đã nói về ông thế này: "Hồ Phương là một người lớn lên từ lò lửa chiến tranh và lửa yêu nước". Còn tướng Vương Thừa Vũ khi đọc xong truyện ngắn "Thư nhà" của Hồ Phương đã cho liên lạc gọi cây bút tuổi 19 này lên để biểu dương khen ngợi.
Có thể nói rất vắn tắt về cuộc đời của Hồ Phương là: chiến đấu và viết văn. Tham gia đánh giặc cứu nước từ tháng Chạp năm 1946, trong khung cảnh Hà Nội lửa cháy ngút trời. Mười sáu tuổi, vâng, mười sáu tuổi, Hồ Phương đã đứng trong hàng ngũ những người tự vệ có mặt trên các chiến lũy ở Thủ đô để đánh giặc Pháp xâm lược.
Chàng trai trắng trẻo sinh ra ở thôn Mậu Lương, xã Kiến Hưng, thị xã Hà Đông, lúc ấy còn mang tên Nguyễn Thế Xương này đã gia nhập quân đội cách mạng rất sớm. Hồ Phương đi qua hết chín năm kháng chiến thánh thần, đã làm nhiều việc trong quân đội như chiến sĩ, phóng viên, cán bộ phụ trách báo của Sư đoàn 308 và chính trị viên ở một đại đội chiến đấu.
Ông đã có mặt trong nhiều chiến dịch lịch sử quan trọng thời đánh Pháp trong đó không thể không kể tới chiến dịch Biên giới (1950) lúc 20 tuổi và chiến dịch Điện Biên Phủ (1953-1954) khi tuổi 23. Hồ Phương tận mắt thấy "con nhím quân sự khổng lồ", một cách ví von về căn cứ Điện Biên Phủ của giặc Pháp lúc ấy và trong ký ức của mình mãi mãi không phai nhòa hình ảnh đồng đội trong "Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn..." (thơ Tố Hữu). Từ chất liệu hiện thực ở Điện Biên Phủ mà Hồ Phương đã viết nên được các tác phẩm "Vài mẩu chuyện về Điện Biên Phủ" (truyện, 1956) và "Lá cờ chuẩn đỏ thắm" (truyện, 1957) sau này.
Có thể khẳng định, hiện thực chiến tranh bi tráng với rất nhiều máu và mồ hôi của chiến sĩ, nhân dân đổ xuống, với lòng dũng cảm xả thân vì Tổ quốc của những Vệ quốc quân vốn là người nông dân mang áo lính đã thôi thúc Hồ Phương cầm bút. Không khí kháng chiến cộng hưởng vào tài hoa của người viết trẻ đã cho ra đời một truyện ngắn đầy chất đời sống và giàu tính nhân văn là "Thư nhà". Truyện ngắn này là một hiện tượng của thời chống Pháp, cùng với những "Một lần trở lại Thủ đô" của Trần Đăng, "Đôi mắt" của Nam Cao, tiểu thuyết "Xung kích" của Nguyễn Đình Thi... đã khắc họa hình ảnh người chiến sĩ cách mạng và hậu phương của họ.
Hồ Phương đã chính thức đóng góp cho dòng văn học kháng chiến chống Pháp bằng truyện ngắn "Thư nhà" khi ông mới xấp xỉ 19 tuổi (1948). Sau này, danh sách tác phẩm của ông cứ dài ra theo năm tháng nhưng nói đến nhà văn Hồ Phương, người ta không thể không nhắc đến "Thư nhà" và "Cỏ non".
Kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc bằng trận thắng lịch sử lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu Điện Biên Phủ. Năm 1954, nhà văn trẻ Hồ Phương được điều về Tổng cục Chính trị với nhiệm vụ được giao là viết văn và làm Tạp chí Văn nghệ Quân đội.
Chính nơi này, tài văn của Hồ Phương được ngày càng phát triển, nảy nở. Đồng hành với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sự nghiệp kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc, nhà văn Hồ Phương đã cho ra đời nhiều tác phẩm nóng hổi hơi thở hiện thực và đầy đặn chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Có vẻ như cuộc sống hào hùng của dân tộc trong thời đoạn lịch sử vô cùng dữ dội ấy đã tự nhiên bước vào, ùa vào các trang viết của Hồ Phương với tiểu thuyết "Những tiếng súng đầu tiên" (1955); "Cỏ non" (truyện ngắn 1960); "Xóm mới" (tập truyện ngắn, 1963); "Chúng tôi ở Cồn Cỏ" (ký sự dài, 1966); "Kan Lịch" (tiểu thuyết, 1967); "Khi có một mặt trời" (truyện ký, 1972); "Những tầm cao" (tiểu thuyết 2 tập, 1975)...
Thời đánh Mỹ, ở tuyến lửa Quảng Bình ít khi vắng tiếng bom rơi đạn nổ, chúng tôi, những đứa học trò cấp 2, cấp 3 đã đọc và thực sự thích thú "Cỏ non" và "Chúng tôi ở Cồn Cỏ" của Hồ Phương. "Cỏ non" có những trang miêu tả về cảnh thảo nguyên và đàn bò thật tuyệt diệu và dư vị êm đềm ngọt ngào đầy thương mến của nó vẫn còn đọng lại trong tôi. Nhân vật Nhẫn (người chăn bò) đã từng thao thức trong tôi. Chúng tôi cũng yêu lắm những người lính ở Cồn Cỏ. Chất anh hùng từ những nhân vật trong truyện ký thấm dần vào tâm hồn trong sáng của chúng tôi, thời ấy.
Sức viết của nhà văn Hồ Phương thật đáng nể. Năng lượng sáng tạo cứ ăm ắp trong ông, khi đang còn tại ngũ hay về hưu rồi vẫn thế. Sau chiến tranh chống Mỹ và nối dài tới hôm nay, khi nhà văn đã ở vào bậc lão thành trong làng viết, nhiều tác phẩm của ông cứ lần lượt ra đời. Như gừng càng già càng cay, chất sống, chất văn trong các tác phẩm của Hồ Phương càng đậm đặc.
Gắn với cái tên Hồ Phương là các tiểu thuyết "Biển gọi"(1980); "Bình minh" (1981); "Mặt trời ấm sáng" (1985); "Cánh đồng phía Tây" (1994); "Yêu tinh" (2001); "Ngàn dâu" (2002); "Những cánh rừng lá đỏ" (2005); và đặc biệt tiểu thuyết viết về thời trai trẻ của Bác Hồ mang tên "Cha và con" được dư luận đánh giá cao.
Ta không lấy làm lạ khi rất nhiều sáng tác của Hồ Phương chủ yếu viết về cái anh hùng, cái tốt đẹp, cái tỏa sáng của bộ đội và nhân dân. Những anh hùng có thật trong đời như Kan Lịch, Lê Mã Lương, chiến sĩ Cồn Cỏ, lãnh tụ Hồ Chí Minh... đã trở thành nhân vật văn học trong tác phẩm của Hồ Phương. Ông chủ tâm phát hiện và đưa những con người tốt đẹp vào tác phẩm của mình. Từ những người vĩ đại như Hồ Chí Minh, đến những người lính can trường như Lê Mã Lương... và một cựu binh đánh Pháp nay đi chăn bò cho nông trường đều tỏa sáng lấp lánh trong những trang văn của Hồ Phương. Nhiều người khi đọc "Cỏ non" cứ nhầm tưởng Anh hùng Hồ Giáo là nguyên mẫu của nhân vật Nhẫn.
Thực ra, hoàn toàn không phải thế, nguyên mẫu của nhân vật Nhẫn là một người lính đã phục viên mà nhà văn tình cờ gặp ở Hòa Bình. Mến yêu, cảm phục một con người bình thường, hết chiến tranh, buông súng về chăn bò cho nông trường, không công thần đòi hỏi gì hết, Hồ Phương đã viết nên một truyện ngắn hay như ta biết.
Nhà văn Hồ Phương tâm sự: "Khuynh hướng bao trùm các sáng tác của tôi là luôn luôn hướng về cái thiện và cái đẹp trong cuộc đời và những con người chân chính". Một sự lựa chọn đáng trân trọng bởi chỉ có cái thiện, cái đẹp mới cứu rỗi được thế giới như có người từng nói.
Và, cuộc sống đã đền đáp xứng đáng cho những cố gắng, nỗ lực của nhà văn Hồ Phương. Ông là một trong những vị tướng - nhà văn hiếm hoi ở nước ta. Thiếu tướng - nhà văn Hồ Phương đã được trao các giải thưởng văn học của: Báo Văn nghệ (năm 1958 - truyện ngắn "Cỏ non"); Bộ Quốc phòng (năm 1994 - tiểu thuyết "Cánh đồng phía Tây"); Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Công an (năm 2001-tiểu thuyết "Yêu tinh"); Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNTVN (năm 2003 - tiểu thuyết "Ngàn dâu"). Ông cũng đã được trao Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
Nhà văn chiến sĩ Hồ Phương đã ở bậc thượng thọ, gia tài văn học có thể xếp vào loại đồ sộ hoàng tráng. Ông có nhiều đóng góp cho nền văn học cách mạng và là một tên tuổi quen thuộc đối với nhiều thế hệ bạn viết, bạn đọc. Thế nhưng, Thiếu tướng nhà văn Hồ Phương vẫn băn khoăn tâm sự: "Viết bao nhiêu cũng chưa đủ trả nợ cuộc đời". Cuộc đời người lính, cuộc đời nhà văn, cuộc đời thường dân với muôn vàn ân nghĩa không dễ gì nói hết. Cái đẹp, cái thiện của cuộc sống đã để lại trong văn Hồ Phương những khoảng sáng đẹp đẽ, ấm áp.