Thiếu tướng - nhà văn Hồ Phương: Văn chương mãi những cánh đồng cỏ non

Thứ Ba, 23/01/2007, 15:00

Từ cái mốc bước qua tuổi “thất thập cổ lai hy”, vị tướng nhà văn Hồ Phương vẫn không ngừng lao động sáng tạo. Tính trung bình năm nào nhà văn cũng cho ra mắt độc giả một cuốn tiểu thuyết. Mà toàn là tiểu thuyết dày dặn và có tiếng vang.

Có một sự trùng hợp khá thú vị: 4 nhà văn quân đội: Nguyễn Khải, Hồ Phương, Xuân Thiều và Nguyễn Minh Châu, một thời cùng gánh vác công việc văn chương ở ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế, cùng rất nổi tiếng bởi hàng ngàn trang viết, cùng có những tác phẩm được chọn vào sách giáo khoa cho các thế hệ học sinh học tập, lại cùng sinh năm con ngựa (Canh Ngọ, 1930).

Vì thế, nhà văn Dương Duy Ngữ đã từng dùng hình ảnh 4 ông là 4 tuấn mã trong cỗ xe tứ mã kéo cỗ xe văn chương danh tiếng của Quân đội Nhân dân Việt Nam: Trong cỗ xe tứ mã ấy, đến nay đã vắng bóng nhà văn Nguyễn Minh Châu. Ba nhà văn còn lại cũng đã bước qua tuổi 76 rồi!

Tháng 12, tháng có ngày khai sinh Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng, chúng tôi đã đến thăm Thiếu tướng Hồ Phương - một trong số những nhà văn khả kính ấy. Nhà văn cùng gia đình đang sinh sống tại khu tập thể phố lính Nam Đồng.

Vẫn nụ cười chúm chím đôn hậu, vẫn phong thái cởi mở và chân tình và vui hơn hết là nhà văn vẫn rất khỏe. Khỏe về sức vóc, khỏe cả sức viết. Trò chuyện hồi lâu mới biết cuối thu vừa rồi, Hồ Phương đã hoàn thành bản thảo cuốn tiểu thuyết nhan đề “Cha và con”. Một nhà xuất bản đã thẩm định và cho ông biết sẽ ấn hành ngay đầu năm 2007.

Vậy là từ cái mốc bước qua tuổi “thất thập cổ lai hy”, vị tướng nhà văn này vẫn không ngừng lao động sáng tạo. Tính trung bình năm nào nhà văn cũng cho ra mắt độc giả một cuốn tiểu thuyết. Mà toàn là tiểu thuyết dày dặn và có tiếng vang. Năm 2001 ông có tiểu thuyết “Yêu tinh”, in ở NXB CAND và tác phẩm đã hai lần được trao giải thưởng. Năm 2002 ông có tiểu thuyết “Ngàn dâu” và cũng được Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam trao giải. Lần lượt mấy năm sau, tiểu thuyết “Những cánh rừng lá đỏ”, “Hà thành không thất thủ” những đứa con tinh thần vạm vỡ của ông đã xuất hiện trên thị trường sách...

Nhưng nói đến nhà văn Hồ Phương trước hết các thế hệ yêu văn chương nhớ ngay đến những tác phẩm “đóng đinh” vào dòng văn học cách mạng: thời chống Pháp là “Thư nhà”, trong xây dựng chủ nghĩa xã hội là “Cỏ non”, và thời kháng chiến chống Mỹ là “Kan Lịch”, là “Chúng tôi ở Cồn Cỏ”. Theo cách nhận xét của nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại thì cuộc đời ông là sự kết hợp trọn vẹn và đẹp đẽ giữa cầm bút và cầm súng, lãng mạn và cách mạng.

Tâm sự về con đường đến văn chương, nhà văn Hồ Phương thường bắt đầu bằng câu chuyện về người anh trai, một chiến sĩ an ninh thời kháng chiến chống Pháp gian khổ. Hình ảnh về người anh trai Nguyễn Văn Côn đẹp trai, học giỏi, thường bình thơ Thế Lữ, Xuân Diệu, thường đọc “Những người khốn khổ”, “Không gia đình”, “Truyện cổ Grim” bằng tiếng Pháp rồi dịch cho các em nghe đã khiến cậu bé Nguyễn Thế Xương (tên khai sinh của nhà văn Hồ Phương) mê mẩn.

Mùa đông năm 1946, khi anh Nguyễn Văn Côn gia nhập Công an xung phong thì chàng trai 17 tuổi Nguyễn Thế Xương cũng trở thành anh “vệ túm” (cách gọi thân mật của anh em Vệ Quốc quân). Mấy năm sau khi đang đánh giặc ngoài mặt trận, Nguyễn Thế Xương nhận tin anh Côn anh dũng hy sinh trong lòng địch.

Từ ấy những áng thơ, những trang văn mà anh Côn đã đọc đã dẫn giải cho các em nghe như khởi nguồn cảm xúc văn chương cho người chiến sĩ trẻ Nguyễn Thế Xương. Và truyện ngắn “Thư nhà” với bút danh Hồ Phương đã ra đời từ năm tháng không thể nào quên ấy.

Tiễn bạn văn ra tiền tuyến (1968).

Về tác phẩm “Thư nhà” theo ký ức của những người làm văn nghệ thời kháng chiến chống Pháp được nhà văn Bùi Việt Thắng ghi lại như sau: “Khi nhà văn Nguyên Hồng lúc đó là biên tập của báo Văn nghệ nhận được bản thảo truyện ngắn “Thư  nhà” đã cầm nó chạy khắp cơ quan reo lên vui mừng vì bắt gặp một tác phẩm mới tâm đắc!”.

Cũng theo Bùi Việt Thắng thì “Thư nhà” của Hồ Phương là một “mũi tên” bắn ra trúng nhiều đích: Người ta đã nhìn thấy duyên văn trong sáng tác của anh lính trẻ mới 19 tuổi đầy tự tin và mê đắm văn chương. Ngay từ sáng tác đầu tay, rất tự nhiên, Hồ Phương đã hướng tới sự khám phá và tái hiện tầm cao của con người, đặc biệt trong hoàn cảnh chiến tranh.

Một xuất phát điểm như thế nên sáng tác của Hồ Phương sau này nghiêng về viết các anh hùng trong đời sống. Đó là “Cỏ non” (1960), “Trên biển lớn” (1964), “Chúng tôi ở Cồn Cỏ” (1966), “Kan Lịch” (1971), “Biển gọi” (1980), “Những tầm cao” (1973 và 1977), “Mặt trời ấm sáng (1985), “Những tiếng súng đầu tiên” (1987)...

Đã có nhiều bài báo viết về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương. Nhưng trong cuộc gặp gỡ với ông vào một ngày đông ấm áp này, được ngắm ông ngồi bên chiếc máy tính, bàn tay gõ nhẹ trên bàn phím, tôi bỗng nảy ra sự liên tưởng: Nhà văn vẫn đang miệt mài gieo từng con chữ trên cánh đồng văn chương mênh mông. Và cánh đồng văn chương của ông mãi mãi mướt xanh như cỏ non, như tâm hồn của ông vậy

Nguyễn Xuân Hải
.
.