Nhà thơ Trịnh Công Lộc: Tác phẩm tâm huyết vẫn đang ở phía trước
- Con gái Nhà thơ Quang Dũng: Sao bố lại làm bài thơ như viết cho con vậy ?
- Nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch: "Thơ đẹp như một nỗi buồn"
- Nhà thơ Đỗ Trung Lai và “Tổng tập thơ chữ Hán Nguyễn Du”
Gần đây, tập thơ lấy nhan đề bài thơ nổi tiếng này đã đưa ông đến ngôi vị cao nhất (đồng giải Nhất) tại Giải thưởng văn học về biên giới, hải đảo của Hội Nhà văn Việt Nam.
1. Lần nào gặp nhà thơ Trịnh Công Lộc, tôi cũng thấy ông chậm rãi, giản dị và đầy tâm huyết khi nói về văn học. Có lẽ nhờ thời gian dài từng dạy Ngữ văn cấp 3 cũng như tham gia công tác Tuyên giáo nên trong cách trò chuyện của ông luôn thật lôi cuốn, hấp dẫn người đối diện.
Và lần này cũng vậy, ông hẹn tôi đến cơ quan ở phố Lý Nam Đế (Hà Nội) để chia sẻ nỗi niềm sau khi nhận Giải thưởng văn học về biên giới, hải đảo của Hội Nhà văn Việt Nam. Vẫn câu nói đùa quen thuộc: “Cơ quan ở tít bên trong, còn bác ở đây vừa làm chuyên môn, vừa làm... bảo vệ”, ông đã dẫn dắt tôi vào thế giới của văn học như thường lệ.
Nhà thơ Trịnh Công Lộc. |
Đã không ít lần ông khẳng định, biên cương, hải đảo là vấn đề lớn gắn với vận mệnh của dân tộc mà người cầm bút phải dấn thân để thể hiện trách nhiệm công dân lớn lao của mình. Chủ đề ấy bao giờ cũng truyền cảm, nóng bỏng và hấp dẫn người cầm bút.
Ông đã kiên trì theo đuổi chủ đề này suốt nhiều năm và với việc là một trong 4 tác giả nhận giải Nhất - Giải thưởng văn học về biên giới, hải đảo lần này là một sự ghi nhận, động viên hết sức kịp thời và có ý nghĩa thiết thực.
Theo ông giải thưởng này là một tư tưởng mà có được tư tưởng ấy bình tĩnh nghĩ lại phải cám ơn nhà thơ Hữu Thỉnh. Chính Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khóa IX đã đề xướng giải thưởng này để khuyến khích các văn nghệ sĩ sáng tác về chủ đề mang tính chiến lược, lâu dài của dân tộc. Nếu các cây bút vươn tới đạt được yêu cầu của ý tưởng đó, ông tin rằng văn học nước nhà sẽ có những tác phẩm xứng tầm.
Nhìn vào đội ngũ những cây bút trẻ nhận Giải thưởng văn học về biên cương, hải đảo lần này ông lạc quan cho biết: Có những người trẻ viết về biên cương, hải đảo cũng có nhiều dấu ấn tích cực tuy nhiên số lượng còn ít, chất lượng còn ở mức độ nhưng là đáng mừng. Có lẽ đó sẽ tiền đề trong chặng đường sáng tác của họ sau này và kéo theo đó là thu hút những người tâm huyết với lĩnh vực này vào cuộc.
Ông tâm sự: “Tôi nghĩ bộ phận trong giới cầm bút trẻ có xu hướng rất lành mạnh. Đọc tác phẩm của họ có nhiều bài rất vững và tôi tin với sự hấp dẫn, lôi cuốn này thời gian sau sẽ có tác phẩm xuất sắc về biên cương, hải đảo cũng như những vấn đề khác của đất nước”.
2.Mặc dù khẳng định nhà thơ không thể mãi đi theo lối mòn mà phải không ngừng tìm tòi, đổi mới, sáng tạo để tìm cho mình con đường đi riêng nhưng ông cũng lưu ý, đổi mới nhưng không thoát được hồn cốt của dân tộc, phải xuất phát từ dân tộc. Chỉ có đổi mới trên nền văn hóa, văn học dân tộc thì mới vững vàng. Hay nói một cách khác viết cho người Việt thì người Việt phải cảm nhận được đầu tiên trước khi nghĩ đến việc quảng bá ra bên ngoài.
Cũng theo ông hiện nay có một đặc tính mới của văn học là có những vấn đề của toàn cầu nhưng được viết ra dưới góc nhìn của người Việt, đòi hỏi người cầm bút phải xuất phát từ cảm nghĩ, tư duy, mẫn cảm, truyền thống của người Việt, thì tác phẩm mới đọng lại trong lòng độc giả.
“Trong lịch sử văn học nước nhà có những người đứng đầu Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam có uy tín rất lớn, như nhà thơ Huy Cận, nhà văn Nguyễn Đình Thi, họa sĩ Giáng Hương hay nhạc sĩ Trần Hoàn. Họ làm việc trọn đời không phải chứng tỏ riêng vấn đề tuổi tác mà còn là uy tín lớn để tập hợp và hướng đội ngũ hội viên đến những vấn đề trọng đại của đất nước, đặc biệt họ giữ được nền văn học cách mạng của dân tộc trước sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Nếu không có những người tâm huyết kể trên thì sẵn sàng có những kẻ rình rập, phủ nhận lịch sử cũng như thành tựu của nền văn học của dân tộc mà cha ông ta đã dày công vun đắp, giữ gìn, tiếp nối. Chính các bác ấy làm việc trọn đời, đã giữ cho nền văn học cách mạng nước nhà. Đấy là tầm quan trọng bậc nhất mà tôi nghĩ những người có trách nhiệm sẽ thấy rất rõ, từ đó mới nhìn nhận về mặt tổ chức, hoạt động của đội ngũ văn học nghệ thuật”, nhà thơ Trịnh Công Lộc nhấn mạnh.
Nhà thơ Trịnh Công Lộc (thứ ba từ phải sang) nhận Giải thưởng văn học về biên giới, hải đảo của Hội Nhà văn Việt Nam. |
3. Nhà thơ Trịnh Công Lộc luôn quan niệm, thơ có phép nhiệm màu. Khi còn là sinh viên Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội những năm 70 của thế kỷ trước, phép màu ấy đã gần như nhuốm hết tâm trí ông và có lẽ chỉ còn một phần rất nhỏ cho những công việc khác.
Ông cũng thừa nhận mình may mắn khi có thêm văn bằng đại học chuyên ngành nghiên cứu Chủ nghĩa xã hội khoa học. Chính công việc khẩn thiết phải chủ trì, chủ biên, xuất bản sách về lịch sử, văn học thì thơ lại là nguồn cảm hứng lay động, rung rinh từng trang viết.
Với ông, thơ thật khó cắt nghĩa. Đường đời dài lâu nhưng thơ còn rất ngắn. Những bài thơ đầu tiên được in báo, bạn bè cho là ấn tượng nhưng với ông đều đã là kỷ niệm. Phía trước đang chờ đợi và thách thức. Sáng tạo không ngừng và cuộc sống cũng không ngừng vận động. Chả là khi biết ông có số lượng thơ viết nhiều, đăng báo cũng không ít nhưng chưa in thành tập nào, nhiều bạn bè, đồng nghiệp có hỏi thì nhận được câu trả lời của ông: “Thơ là cái cớ để chia sẻ với bạn bè, thơ cũng là mối duyên tơ”.
Ngày ngày ông bám đuổi lấy thơ vì thơ mà cũng lắm liêu xiêu, xô đẩy đành phải đi về phía cuối cùng như những câu thơ trong bài “Đâu đây”: “Có thể là tôi, người về phía cuối cùng/ Kết cục là không như bao người khác/ Không danh giá cũng không tiền bạc/ Thả vô tư bay xuống đậu vai người”. Và trong nhiều cuộc vui, ông đã có lần tự đọc: “Vẫn biết mình nho nhỏ/ Cứ thế này chầm chậm về sau (trích “Nho nhỏ thôi”).
Thơ của Trịnh Công Lộc trần trụi, giản dị như bức tranh của đời sống đang hiện ra trước mắt, và cũng như cuộc sống đời thường của ông, nhưng đã nói được những điều lớn lao của dân tộc mà như nhà thơ Hữu Thỉnh nhận xét: “Thơ Trịnh Công Lộc đã vượt qua được những giới hạn của ý thức hệ đến tầm khái quát sức mạnh đại đoàn kết dân tộc để bảo vệ chủ quyền. Đấy là một phát hiện sáng tạo và cũng là dũng cảm”.
Sau sự thành công của “Mộ gió”, “Từ biển mà đi”, “Vành tang núi”… không làm ông hài lòng, tự mãn, ông tiết lộ mình đang “thai nghén” một trường ca về biên cương, hải đảo.
Theo ông thì tác phẩm ưng ý và tâm huyết nhất vẫn ở phía trước, thử thách, chông gai đang còn hiển hiện trong tương lai. “Cái đã qua rồi đến một lúc nào đó sẽ trở thành kỷ niệm, chúng ta không “ăn mày quá khứ” mãi được. Tất cả chúng ta chỉ mang lòng quyết tâm là luôn giữ lấy cảm hứng, nhiệt tình, tâm huyết để tự đi bằng chính đôi chân của mình.
Có người nói bây giờ viết khó thế, nhưng thực tế khó là do tài năng của người cầm bút. Bởi hiện thực ngồn ngộn với bao vấn đề đặt ra trước mắt, vấn đề là tài năng của anh có kham nổi, bao hàm, nhào nặn, nhuần nhuyễn được cái đó hay không mà thôi”, ông trầm ngâm cho biết. Tôi tin và chờ đợi ơ những bước đường sáng tạo phía trước của ông.