Nhà thơ Nguyễn Hoa: Những câu thơ chưng cất

Thứ Hai, 22/07/2019, 09:01
Nhà thơ Nguyễn Hoa tiếp tôi tại tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam, số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hà Nội. Gặp ông, hẳn ai nấy đều thiện cảm. Ông chỉn chu, nghiêm túc, nhẹ nhàng.


Thi thoảng tôi lên gặp ông. Bởi ông là tri kỷ của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Giữa năm 2018, bất ngờ Nguyễn Hoa ngã bệnh, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo lúc ấy dù đã biết mình mang trọng bệnh vẫn là người đầu tiên vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô thăm nhà thơ Nguyễn Hoa. Ngược lại, Nguyễn Hoa dù nằm viện vẫn luôn lo lắng, xa xót khi biết bệnh tình của Nguyễn Trọng Tạo.

Nếu như Nguyễn Trọng Tạo phong trần bao nhiêu thì ngược lại Nguyễn Hoa lại “chính ủy” bấy nhiêu. Vậy mà trở thành tri kỷ từ cái đận cùng học Viết văn Nguyễn Du, thời xa lắc, hơn 40 năm. Có lẽ, họ phát hiện ra tài năng của nhau, sau là trọng cái tình ở giữa cuộc đời này.

Ngoài đời, nhà thơ Nguyễn Hoa vừa ôn tồn vừa kiệm lời. Trong thơ, Nguyễn Hoa vừa kiệm chữ vừa riết róng. Nguyễn Trọng Tạo từng nhận xét: “Nguyễn Hoa rất chú ý về tứ thơ, vì anh biết thơ không có tứ như người không có xương sống” và “Trong những trường hợp thành công, chữ của Nguyễn Hoa như những tín hiệu, lại như bấm huyệt, khiến người đọc ngạc nhiên đến sững sờ”.

Nhà thơ Nguyễn Hoa.

Thử đọc vài bài thơ ngắn, siêu ngắn của Nguyễn Hoa:

Em là muối
ướp nỗi đau
tươi mãi.

(Muối)

Bài này không thể ngắn hơn, hoặc:

Ngoài cửa sổ phòng tôi bông hồng nở
Tôi muốn hái tặng em nhưng không nỡ
Làm trống đi một chấm đỏ của trời xanh

(Bông hồng)

Nói về thơ ngắn của Nguyễn Hoa, trong “Lửa mắt” – NXB Hội Nhà năm 2009, đặc biệt có “Của đất” vỏn vẹn 16 từ, “Lửa mắt” 27 từ, “Mặt đất ươm cây” 37 từ... Có những bài thơ chỉ có 8 từ, đó là “Tuổi cốm xanh” hay:

Em- giọt nước cuối
Làm tràn
Cốc yêu

(Giọt nước)

Ngắn mà rõ ràng, thơ đo bằng đơn vị từ chứ không phải câu. Giải thích về thi pháp Nguyễn Hoa, nhà thơ Trần Quang Quý – giải thích: “Ông lấy sự kiệm lời, dồn nén câu như một sự tuyệt giao diễn giải, tạo ra hiệu quả biểu cảm, có sức nặng”.

Tôi đã đọc tập “Đường chữ” của cố nhà thơ Lê Đạt (NXB Hội Nhà văn, 2009) suốt từ trang 222 đến trang 293, tức là hơn 70 trang chỉ gồm những bài thơ 2 câu. Thơ ngắn của Nguyễn Hoa cũng vậy, riết róng, dẫu giữa hai ông tu từ khác nhau.

Phải nói, đó là những bài thơ dồn nén cảm xúc và trí tuệ lên con chữ, tứ thơ như rượu mạnh. Nhà thơ Nguyễn Hoa quan niệm về thơ: “Thơ cần chân thật, tứ phải mới, có khi làm giật mình tưởng đã cũ. Thơ có ngôn ngữ thuần khiết Việt, hồn Việt, chữ Việt tràn đầy tính nhân văn để đi tới tận cùng của dân tộc, để có thể ra được với nhân loại”.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, lúc còn sống kể: “Thời thanh niên, nhà thơ Nguyễn Hoa đọc nhiều về triết học và thơ nước ngoài. Ông thích cả Marx lẫn Hegel và Einstein; vừa thích Garcia Lorca lẫn Nguyễn Trãi”. Phải chăng vì thế thơ Nguyễn Hoa vừa có tính triết lý vừa thấm đẫm hồn Việt. Hồn Việt được thăng hoa, chuyển tải trên phông thời đại?

Nguyễn Hoa không biết thuốc lá, bia và rượu nhưng thơ ông lại là “ngấm” như rượu. Trong tập “Thắp xanh niềm tôi”, người đọc thấy một Nguyễn Hoa cứ đau đáu khôn nguôi những nỗi niềm cuộc sống. Tất nhiên, nhà thơ Nguyễn Hoa không thiếu những bài thơ dài, có bài hàng trăm câu, có chương, đoạn. Dẫu ngắn hay dài thì vẫn là một Nguyễn Hoa trong thơ đầy ắp thân phận người, thân phận lính, thân phận dân tộc.

Nhà thơ Nguyễn Hoa sinh ngày 12-2-1947. Quê xã Nhật Tân, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Nguyễn Hoa tham gia quân đội từ 1966 đến 1989, rời quân ngũ với quân hàm đại uý. Ông là kỹ thuật viên ngành Quân giới, phóng viên, biên tập viên Chương trình phát thanh Quân đội, biên kịch Xưởng phim Quân đội nhân dân. Có nghĩa trước khi trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (năm 1990), Nguyễn Hoa là nhà báo. Nhà thơ Nguyễn Hoa công tác tại Hội Nhà văn Việt Nam, từng giữ trách nhiệm Trưởng ban Tổ chức - hội viên. Có lẽ ông giữ cương vị này lâu nhất, từ năm 1989, chẵn 20 năm, gần như là “công tác hội viên” chọn ông. Một lần ông nói với tôi “Đúng là công tác Hội nên chọn một ông có sức khỏe. Hội viên công tác khắp cả nước, già yếu đi sao nổi”.

Một tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Hoa.

Về tên của nhà thơ cũng bất ngờ. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, người có hơn 40 năm tri kỷ của ông kể: “Tên thật của anh là Nguyễn Hoa Kỳ, được Báo Nhân Dân đổi tên thành Nguyễn Hoa khi in thơ anh, đến nỗi anh đọc thơ mình cứ ngỡ có Nguyễn Hoa nào đó “đạo thơ”. Rồi khi kết nạp Đảng, chi bộ đổi tên anh thành Nguyễn Hồng Kỳ. Có lẽ thời đó đánh nhau với Hoa Kỳ nên người ta giữ ý tứ thế”. Nhắc đến chuyện này, nhà thơ Nguyễn Hoa cười ý nhị.

Ông đã in 16 tác phẩm thơ, xưa nhất là “Dưới mặt trời” (thơ, 1988), gần đây nhất là “Thành phố tôi đang sống” (thơ, 2017). Ông đã giành được nhiều giải thưởng của các bộ, ngành và Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.

“Tôi vào loại viết khoẻ, in khoẻ”, ông tâm sự. Tuy nhiên ông tự tin, số lượng không nhấn chìm chất lượng: “Bây giờ có sàng lọc, tôi biết chắc có những bài sẽ tồn tại lâu, thậm chí mình có thể tự hào ngầm”. Ông nói rằng, mình thuỷ chung với thơ ca, nếu không chung thuỷ, tận tâm, hết mình với thơ thì khó có thành công. Mối tình với nàng thơ yêu thương, sóng gió dập dìu khiến ông không có thời gian để mắt tới văn xuôi

Một câu nói rất cũ ai cũng biết, văn là người. Với Nguyễn Hoa, ông quan niệm “thơ như là số phận” (Cùng Êxênin), dẫu ngoài 70 vẫn lao động sáng tạo cùng con chữ “Hoa trong vườn ngủ hết/ còn thức hoa bóng đèn/ sương gió lùa điệp điệp/ vẫn đốt lòng mình lên” (Hoa bóng đèn), “Chim sơn ca vẫn hót/ Cho cả số phận mình” (Chim sơn ca)... Thậm chí trong tập thơ mới nhất cho đến thời điểm này là “Thành phố tôi đang sống” – NXB Hội Nhà văn 2017, ông xác quyết với chính mình: “...Phải đập vỡ mình ra/ Sáng lòe/ Ngọn lửa”. Dẫu ông biết “có thể tôi hát bài ca chưa mới/ Nhưng tôi hát bài ca của chính mình” (Bài hát của mình).

Nhà thơ Nguyễn Hoa là người cẩn trọng như trên đã nói. Ông sống có trách nhiệm với người, với đời, với thơ với tất cả sự tinh tế. Ông bình dị như cỏ, mãi xanh như cỏ.

Cỏ bền như tình yêu
Khâu mãi vào năm tháng

(Cỏ xanh)

Nhớ bạn mình, sau khi nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo mất, tháng 4/2019 nhà thơ Nguyễn Hoa đã in “Thơ ngắn Nguyễn Hoa” - quyển Hai, vẫn lấy lại bìa sách mà trước đây nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã thiết kế. Ông cho rằng đó là bìa sách đẹp nhất của ông. “Bây giờ viết dài ai đọc”, vừa nắn nót viết đề tặng tôi tác phẩm mới, nhà thơ Nguyễn Hoa vừa cười. Ông nhớ nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, tưởng như quanh mình cô lại, trĩu nặng.

Chiêm nghiệm lại tình bạn giữa ông với Nguyễn Trọng Tạo và một số bạn thân khác trong giới văn thơ, Nguyễn Hoa cho rằng sở dĩ họ chơi với nhau khăng khít, mặc cho những khác biệt như nước với lửa trong tính cách là do họ nhìn ra tài năng trong nhau, trân trọng nâng niu tài năng của nhau. Còn tất cả những điều khác như quan hệ, tước vị, tiền bạc, đàn bà, xe cộ, nhà đất... đều không thể ảnh hưởng tới mối thâm tình của họ.

Trong bài thơ “Gửi Tạo”, ông viết:

Tôi chỉ còn lòng chân thành không biết sợ
để gặp bạn bè để viết những câu thơ
bằng đôi mắt mở to
và lần nữa tôi lại biết đi bằng chân mình qua số phận...

(Ngôi sao số phận tôi, NXB Thanh niên, 1991).

Nguyễn Hoa là thế. Trong đời sống ông kiệm lời. Trong đời thơ ông kiệm chữ, bằng cách riêng đưa đến cho người đọc nhiều cảm xúc. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo còn kể cho tôi nghe câu chuyện về Nguyễn Hoa: “Có lần tôi hỏi Nguyễn Hoa: Có cần làm lại thơ mình không? Anh trả lời tôi bằng câu thơ của Becton Brech: Nếu phải đi trở lại/ Tôi lại đi đường này”.

7.2019

Ngô Đức Hành
.
.