Nhà thơ Nguyễn Công Trứ - “Ngông” hành đạo và “ngông” hành lạc!

Thứ Ba, 18/12/2018, 08:03
Mỗi tác gia văn chương lớn đều là một nhà mỹ học. Với Nguyễn Công Trứ, trong bài "Yêu hoa" gián tiếp phát biểu một quan niệm mỹ học rất riêng: “Ngồi thừ gẫm trăm hoa ai nhuốm/ Một hoa là riêng một sắc hương”.

Có thể hiểu tác phẩm nghệ thuật như “trăm hoa ai nhuốm” kia nên phải “riêng một sắc hương”. Cuối bài, nhà thơ còn nói rõ hơn: “Hoa với khách như đã có hẹn/ Ưa màu nào màu ấy là xinh”. Sinh sau cũng chết sau nhà triết học Kant (1724-1804) nổi tiếng của triết học cổ điển Đức với quan niệm mỹ học cái đẹp mang tính cá biệt chủ quan vì là kết quả thưởng thức của từng cá nhân (cái đẹp không ở màu áo cô thiếu nữ mà ở con mắt kẻ si tình).

Chắc chắn không hề ảnh hưởng Kant nhưng quan niệm giống nhau, qua đó cho thấy tính hiện đại của nhà thơ “ngông” xứ Việt ta. Nét đặc sắc của Nguyễn Công Trứ là quan niệm mỹ học này thống nhất với cuộc đời và trước tác: “Ưa màu nào màu ấy là xinh”, rất bản thể, cá tính, bản lĩnh, chỉ tin vào mình, đi theo mình trên suốt con đường hành đạo và hành lạc.

Một trang nam tử thông minh/ Phải là khác thường trong thiên hạ” (Chí nam nhi). Hai câu này khái quát con người cá tính Công Trứ, như một tuyên ngôn mỹ học thật sự hiện đại, điều mà hôm nay thế giới vẫn nói “mỹ học của cái khác”. Một tuyên ngôn đậm cá tính hay tiếng cười khẳng định cái tôi khác thường, độc đáo.

Khẳng định mình trước hết bằng cách hằn cái nhân xưng của mình vào tác phẩm, tất cả có 41 lượt ông dùng đại từ ngôi thứ nhất chỉ cá nhân mình với: ngô, ngã, mình, tao, ta, ông… có lần nói thẳng “ông Hy Văn”, có khi lại dùng đại từ chỉ định “đây”: “Rằng đây há phải khách tầm thường” (Tự thuật), khi lại dùng đại từ phiếm chỉ “ai”, “ai” đây cũng là mình: “Trong trần ai ai kém ai đâu” (Đường công danh)… Cách gọi này có lẽ ông nhận sự truyền lại từ Hồ Xuân Hương rồi lại trao cho Tú Xương, để rồi như ta thấy đại từ nhân xưng tràn ngập trong trước tác của nhà thơ đất Vị Xuyên thể hiện một cái tôi độc đáo.

Nhà thơ Nguyễn Công Trứ (1778–1858).

Hai chữ “cá tính” đúng nghĩa nhất với Công Trứ, cả ngoài đời, cả trong trước tác. Ông là con người của nhiều giai thoại cũng vì thế. Là người có ý chí, hoài bão lớn lao, thể hiện cả trong hành đạo và hành lạc. Nhưng phải là chí kinh bang tế thế, chí tung hoành ngang dọc: “Chí làm trai Nam Bắc Đông Tây/ Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể” (Chí khí anh hùng).

Ông quan niệm làm trai phải có công danh: “Không công danh thà nát với cỏ cây”. Khát vọng công danh và trả nợ công danh cứ trở đi trở lại trong thơ: “Phải có danh gì với núi sông” (Đi thi tự vịnh), chứng tỏ công danh với ông thật lớn, vừa là mục tiêu, vừa là động lực để hành đạo, hành đạo thành công thì hành lạc, thậm chí có lúc song hành.

Ông hay nói tới “tang bồng hồ thỉ”, “kinh luân”, “vũ trụ”: “Chí tang bồng hồ thỉ dạ nào khuây/ Phải hăm hở ra tài kinh tế” (Gánh trung hiếu); “Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc/ Nợ tang bồng vay trả trả vay/ Chí làm trai nam bắc đông tây/ Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể” (Chí khí anh hùng); “Cách trị nước đã định sẵn trong lòng/ Việc giáp binh đã sắp sẵn trong bụng/ Việc trời đất là phận sự của ta/ Làm trai thế mới là hào hùng” (Luận kẻ sĩ).

Ông là người hiếm hoi khi có sự thống nhất giữa lời nói và việc làm, bởi trên thực tế ông là người xuất chúng, từng lập nên một sự nghiệp lẫy lừng về nhiều mặt. Nguyễn Công Trứ là người có nhiều tài: tài kinh bang tế thế, tài trị nước, tài cầm quân và cả tài lẻ cầm, kì, thi, họa...

Cái tài nào cũng để lại dấu ấn, và hầu như cái tài nào cũng là thiên bẩm, tự nhiên vậy. Ông là người rất có ý thức về cái tài, khẳng định cái tài, luôn khoe tài với giọng điệu đầy kiêu hãnh: “Trời đất cho ta một cái tài/ Giắt lưng dành để tháng ngày chơi” (Cầm kì thi tửu); “Vũ trụ nội mạc phi phận sự/ Ông Hy Văn tài bộ đã vào lồng” (Bài ca ngất ngưởng)…

Ông “thị tài”, cậy tài và phô tài cũng rất “ngông”, coi ta có tài là do trời đất sinh ra vậy: “Trời che ta, đất chở ta/ Vốn trời đất sinh ta là có ý” (Trần ai ai dễ biết). Không ngẫu nhiên ông hay nói tới hai chữ “vũ trụ”, “trời đất”: “Vũ trụ giai ngô phận sự” (Nợ tang bồng); “Vũ trụ chức phận nội/ Đấng trượng phu một túi kinh luân” (Gánh trung hiếu)…

Công Trứ tài năng và còn rất tài hoa, tài cầm, kì, thi, tửu: “Cầm kì thi tửu với giang sơn/ Dễ mấy kẻ xuất trần xuất thế” (Chữ nhàn). Tài hoa này luôn gắn liền với những chuyến ngao du: “Đàn một cung, cờ một cuộc, thơ một túi, rượu một bầu/ Khi đắc chí, ngao du, ờ cũng phải” (Thích chí ngao du).

Đặc biệt là đi cùng với thú “yến yến hường hường” (đào nương, ca kỹ): “Thú tiêu sầu rượu rót thơ đề/ Có yến yến hường hường mới thú” (Tài tình)… Thơ, lịch sử và giai thoại còn khẳng định ông rất mực đào hoa, lúc nào cũng có bóng hồng đi theo, hơn bảy mươi còn cưới thiếp. Suốt cuộc đời vừa hành đạo vừa hành lạc, sống tận hiến, hết mình, ông coi chữ “Nhàn” cũng là việc hành lạc. Đấy cũng là triết lý sống độc đáo, không giống ai.

Với ông “Nhàn” là những thú vui hành lạc để hưởng thụ, từ thú vui thanh cao ngao du sơn thủy, cầm kì thi tửu... đến trần tục bài bạc, rượu chè, ca nhi: “Đời người mà không ăn chơi/ Sống ngàn năm cũng như chết yểu” (Đánh thức người đời); Công Trứ nâng hành lạc lên thành một triết lí sống, một chuẩn mực giá trị.

Thế nên có “nợ nam nhi”, “nợ trần hoàn”, “nợ tang bồng”, “nợ công danh”, “nợ cầm thư”, “nợ phong lưu”, thì phải có “chí công danh”, “chí tang bồng”, “chí nam nhi”, “chí trượng phu” và “chí hành lạc”… Nợ thì phải trả, chí phải thực hiện. Có khi chí hành lạc đi cùng với chí công danh nhưng thường là sau khi thỏa chí kinh luân: “Năm ba chú tiểu đồng lếch thếch/ Tiêu dao nơi cùng cốc thâm sơn/ Nào thơ, nào rượu, nào địch, nào đờn…” (Luận kẻ sĩ).

Hành lạc với ông không chỉ là một cái thú, cao hơn là một nghề, nghề chơi, mà “nghề chơi cũng lắm công phu”, phải có “tài nghệ”. Do vậy ăn chơi cũng là cái nợ, “nợ phong lưu”: “Cõi trần thế nhân sinh là khách cả/ Nợ phong lưu kẻ giả người vay” (Nợ phong lưu).

Quan niệm cuộc đời này chỉ là sự chơi, trò chơi, con người phải làm chủ cuộc chơi, ý thơ ở câu “Cuộc hành lạc vẫy vùng cho thỏa chí” vang lên rất nhiều lần, như giục giã bản thân và mời gọi mọi người hưởng thụ. Vì: “Cuộc hành lạc được bao nhiêu là lãi đấy/ Nếu không chơi thiệt ấy ai bù” (Chơi xuân kẻo hết xuân đi).

Ông quyết tâm thực hiện chí “tang bồng hồ thỉ” thế nào thì cũng hăng say, nhiệt thành với chí hành lạc như vậy: “Chơi thì chơi chẳng chơi thì chớ/ Đã chơi cho lệch đất nghiêng trời” (Cầm kì thi tửu). Những thứ chơi của ông không khác người, khác chăng là mục đích chơi, cách chơi, lối chơi, tuổi chơi. Đó là thú tiêu dao, phong vân tuyết nguyệt: “Gió trăng chứa một thuyền đầy/ Của kho vô tận biết ngày nào vơi” (Vịnh tiền Xích Bích).

Đó là cầm kì thi tửu: “Đàn năm cung réo rắt tính tình đây/ Cờ đôi nước rập rình xe ngựa đó/ Thơ một túi phẩm đề câu nguyệt lộ” (Cầm kì thi tửu III); là say sưa với thú bài bạc, tổ tôm: “Cuộc ăn chơi gì hơn thú tổ tôm/ Túi kinh luân xoay dọc xoay ngang” (Thú tổ tôm). Nhưng thật khác người là cùng với những “ngón” chơi kia là thêm một nghệ thuật ca trù (hát nói) mà ông là một trong những “ông tổ”: “Cuộc tỉnh say bầu rượu chén trà/ Cơn đắc ý thùng thùng ba tiếng trống/ Nay tiếng đàn tính tỉnh tình tang/ Thú vui ném ngang vành tráng sĩ” (Cầm kì thi tửu).

“Ngón” chơi này, thú chơi này tất yếu nảy ra một thú khác, thú ả đào “hường hường yến yến”: “Trót đa mang khúc hát cung đàn/ Nên dan díu mối tình chưa dứt”… Ông coi “tình lụy” là chuyện tất yếu, phải có, cũng là một thú ăn chơi. Là nhà Nho tài tử, lại ưa hành động và tự do như vậy nên quan niệm “Nhàn” của ông không giống với bất kỳ ai.

Con người Công Trứ nhất quán “hành đạo” với “hành lạc”, tất yếu ưa tự do, không ưa khuôn khổ, thích cuộc sống “Nhân sinh thích chí” thỏa ý thích cá nhân, vượt ra ngoài những trói buộc khắt khe để “ngông nghênh”, “ngất ngưởng”, như trêu ghẹo, thách thức cuộc đời.

Như một lẽ tự nhiên, con người ấy sẽ bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu thế gian để đi theo tiếng gọi cá nhân bên trong: “Tiếng thị phi gác để ngoài tai” (Cầm kì thi tửu); “Khen chê thôi cũng gác ngoài tai” (Phận anh nghèo); “Mặc ai hỏi, mặc ai không hỏi” (Luận kẻ sĩ); “Khen chê phơi phới ngọn đông phong” (Bài ca ngất ngưởng)… Ông ngạo nghễ khẳng định cá nhân mình: “Người có biết ta chăng thì chớ, chẳng biết ta, ta vẫn là ta”…

Tiếng cười Công Trứ là sự kết tinh chất trí tuệ bác học cá nhân và cái hóm hỉnh khỏe mạnh, láu lỉnh sắc sảo và có cả cái thông tục suồng sã của văn hóa dân gian. Xin kết lại bằng một giai thoại: Đang là Thượng thư Tổng đốc Công Trứ bị giáng xuống làm chức Lang trung trong dinh Tuần phủ An Giang. Có người hỏi chức “Lang trung” là thế nào?

Ông giải thích: “Lang” có nghĩa là chồng. Một ông chồng có ba vợ chẳng may chết sớm. Bà vợ đầu ôm đầu chồng mà khóc: “Ô hô! Lang thủ” (Ôi! Cái đầu chồng tôi!). Bà hai ôm chân mà khóc: “Ai tai! Lang túc” (Ôi! Cái chân chồng tôi!). Bà ba chẳng có chỗ bấu víu đành ôm “khoản giữa”: “Y hi! Lang trung” (Ôi! Cái “giữa” chồng tôi!). Và kết lại: “Lang trung” là như vậy!… Thì ra dưới cái nhìn của ông, chức vụ cũng chỉ như là cái “khoản giữa” ấy mà thôi! Một quan niệm nghiêm túc mà lại diễn tả dễ hiểu bằng một câu chuyện cười vui vẻ, thì hẳn đó phải là một tài năng trào phúng!

Nguyễn Thanh Tú
.
.