Thi sĩ Nguyễn Công Trứ từng đóng giả thầy tu

Thứ Tư, 06/01/2010, 11:00
Cách đây chưa lâu, tôi vào Ninh Bình chơi với anh Lã Đăng Bật, một thầy giáo dạy văn cao niên, từng viết nhiều bài sưu tầm nghiên cứu có giá trị về cố đô Hoa Lư.

Khi câu chuyện đụng đến một nhân vật tuy không phải quê Ninh Bình nhưng lại có ảnh hưởng rất lớn đến lịch sử - văn hóa đất này, đó là Doanh điền sứ - thi sĩ Nguyễn Công Trứ, thì anh Lã Đăng Bật mở tủ lấy ra một bài báo có tên là " Thầy tu Nguyễn Công Trứ" in trong tạp chí Văn học và tuổi trẻ, số 7 (61), tháng 7 năm 2001, tặng tôi.

Anh Bật coi những điều anh viết trong bài báo này là một phát hiện của riêng anh, và đương nhiên đây là lần đầu nó được công bố.

Trong bài, anh Lã Đăng Bật kể rằng, một lần đến thăm ngôi chùa Đồng Đắc, thuộc xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, anh đã tìm đọc được trong bài văn bia có đoạn:

"Kim sơn hữu huyện thủy ư Minh Mệnh thập niên, Kỷ Sửu; thành ư Doanh điền sứ Nguyễn công. Ngã tổ sư Lê hậu, nguyên trụ trì Phúc Nhạc tự, Nguyễn tướng công tăng giả quán chi".

Nghĩa là: "Huyện Kim sơn có từ thời Minh Mệnh thứ 10, năm Kỷ Sửu, do Nguyễn Công Trứ lập thành. Vị tổ sư của chùa ta họ Lê, nguyên trụ trì ở chùa Phúc Nhạc, Nguyễn tướng công (Nguyễn Công Trứ) giả làm thầy tu ở đó".

Anh Lã Đăng Bật còn viết:

"Đó là văn bia. Còn trong bài ca dài trên 200 câu làm theo thể lục bát "Kim Sơn sự tích Doanh điền ca" dân gian truyền miệng có nói:

Tháng chín Đinh Hợi đã tàn
Chẳng ngờ dư đảng tan đàn lẩn quanh
Ra đi Người (Nguyễn Công Trứ) mới giả hình
Làm thầy tu đến một mình dò la.

Như thế Nguyễn Công Trứ đã làm thầy tu từ tháng 9 năm 1827".

Để luận giải thêm cho phát hiện này, anh Lã Đăng Bật viết: “Cuộc đánh dẹp cuộc khởi nghĩa của Phan Bá Vành mà Nguyễn Công Trứ là một trong những chủ tướng tuy thắng lợi hoàn toàn, nhưng đám tàn quân thì vẫn còn nhiều. Khi Nguyễn Công Trứ  sang Kim Sơn hạ trại, chiêu tập dân chúng khai hoang lập ra huyện Kim Sơn, thì người gặp khá nhiều tàn quân của Phan Bá Vành phiêu tán sống lẩn lút trong những vùng sú vẹt hoang sơ ven biển. Lo ngại đàm tàn quân này báo thù, đã có thời đoạn Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ phải lui về chùa Phúc Nhạc đóng giả thầy tu để tìm cách tóm bắt những tên tàn quân nói trên và tiếp tục chỉ huy công cuộc khẩn hoang...”.

Cầm bài báo anh Lã Đăng Bật tặng, gợi tôi nhớ đến một bài báo khác của bác Lê Xuân Quang, người cũng chuyên viết sưu tầm nghiên cứu như Lã Đăng Bật, nhưng sống và viết ở Nam Giang, Nam Trực, Nam Định. Vào cuối năm 2006, bác Lê Xuân Quang có đưa cho tôi một bài báo còn đang ở dạng bản thảo viết tay có tiêu đề: "Bài thầy tu Nguyễn Công Trứ - chuyện không nói là có".

Toàn bộ nội dung bài viết là những phân tích, lập luận phản bác lại bài "Thầy tu Nguyễn Công Trứ" của anh Lã Đăng Bật. Bác Lê Xuân Quang khẳng định bài của anh Lã Đăng Bật là hoàn toàn bịa đặt. Bác Quang viết:

"...Quan Doanh điền sứ đứng đầu chỉ đạo khẩn hoang, phải có lỵ sở, có bộ máy hành chính giúp việc, có dinh thự để ở, khi đi xem xét tình hình lên quy hoạch phải có thuộc hạ đi theo ghi chép, vẽ bản đồ, có quân lính bảo vệ. Nguyễn Công Trứ nào phải bí mật cải trang làm "thầy tu" và ở luôn chùa Phúc Nhạc để đi xem xét ruộng đất!".

Sau khi phân tích thêm, gần cuối bài, bác Lê Xuân Quang viết:

"...Làm sư tất nhiên phải cạo trọc đầu, một viên quan đại thần được nhà vua phong chức Doanh điền sứ sao lại dám tự mình cắt tóc cải trang làm sư và những ngày cải trang làm sư lại ở luôn trong chùa Phúc Nhạc, thì người nào thay Doanh điền sứ ngày ngày ra công đường chỉ đạo công việc khẩn hoang?

Thật là một việc không thể có!"

Lúc viết bài báo này, bác Lê Xuân Quang đã cao tuổi lại đang ốm nên bác có ý nhờ tôi chuyển bài viết đến một tòa báo nào đó giúp bác. Lê Xuân Quang không hề biết tôi cũng có quan hệ với anh Lã Đăng Bật, và cũng thân thiết như với bác, thành ra xét về lý, tôi hoàn toàn có thể làm theo ý bác, nhưng xét về tình, tôi bị đặt vào một trạng huống rất khó xử.

Tôi cứ chần chừ mãi chưa biết nên làm thế nào thì bác Lê Xuân Quang đã về nơi chín suối. Vì thân thiết với cả hai mà tôi muốn trộm vong linh bác Quang, lờ chuyện này đi. Song le, thỉnh thoảng nhớ đến bác, tôi lại có cảm giác không yên ổn, cảm thấy rất thiếu trách nhiệm với người đã mất.

Vậy là vào những ngày giá rét của mùa đông năm 2009 này, nhân một chuyến từ Hà Nội về quê, tôi đã tranh thủ ghé sang Kim Sơn. Vì thời gian hạn hẹp, tôi không thể tìm đến ngôi chùa Đồng Đắc, nơi mà như anh Lã Đăng Bật viết là có bài văn bia nói về việc Nguyễn Công Trứ từng giả làm thầy tu chùa Phúc Nhạc.

Tôi chỉ đến ngôi đền thờ cụ Nguyễn Công Trứ ở xã Quang Thiện. Tới đây, tôi rất ngỡ ngàng vì  vật đã đổi thay. Trên khu đất này, vào năm 1852, khi Nguyễn Công Trứ mới về hưu được bốn năm, thì nhân dân Kim Sơn đã thể hiện lòng biết ơn cụ bằng việc xây một ngôi sinh từ thờ sống cụ. Khi cụ mất thì năm 1858, ngôi sinh từ được phá đi, xây thế vào đó một ngôi đền thờ.

Ngôi đền tồn tại gần 150 năm. Năm 2004, Bộ Văn hóa - Thông tin đã đầu tư gần hai chục tỉ đồng để xây mới hoàn toàn, khang trang hơn. Ngôi đền nằm trong quần thể du lịch cùng với nhà thờ đá Phát Diệm. Văn bia, hoành phi, câu đối chữ nho chỉ còn giữ lại nội dung, còn vật liệu để trạm khắc chữ đều là gỗ mới, đá mới.

Người được giao chân thủ hương bây giờ là anh Trần Quốc Việt, hậu duệ đời thứ sáu của cụ Trần Quý công Húy viễn, một trong những nhân sĩ đã trực tiếp tham gia khẩn hoang dưới quyền chỉ huy của cụ Nguyễn Công Trứ. Anh Việt cho biết, khi xây ngôi đền thờ mới, người ta chỉ dùng một số văn bia cũ, còn làm thêm một số văn bia mới cho hợp với thời đại.

Tôi hỏi có văn bia nào mang nội dung cụ Nguyễn Công Trứ từng giả làm thầy tu ở chùa Phúc Nhạc không? Anh Việt bảo không rõ những văn bia đã vỡ nát lẫn với đám gạch vữa vụn có cái nội dung ấy không, còn trong những văn bia được trạm khắc mới thì không có.

Anh Việt mang ra tặng tôi cuốn diễn ca của nhân dân Kim Sơn chép tay gồm 232 câu, nhưng tôi đọc không thấy bốn câu nói về việc cụ Nguyễn Công Trứ giả làm thầy tu như anh Lã Đăng Bật viết. Vì là diễn ca chép tay lưu truyền trong nhân dân nên rất có thể có những dị bản chăng?

Vậy là tôi vẫn chưa có cơ sở để góp một tiếng nói minh định giữa hai bài viết của hai người đồng nghiệp vong niên. Tôi chỉ muốn nói một ý về mặt thời gian:

Theo sách sử, thì năm 1827, vua Minh Mạng mới sai Tham hiệp Nguyễn Công Trứ ra Bắc cùng Thống tướng Phạm Văn Lý đánh dẹp quân khởi nghĩa nông dân Phan Bá Vành. Từ tháng 3 năm Mậu Tý (1828), Nguyễn Công Trứ bắt đầu khai khẩn đất hoang ở vùng Tiền Hải, Thái Bình và vùng Nam Trân, Nam Định.

Từ tháng 3 năm Kỷ Sửu (1829), Nguyễn Công Trứ  tiến hành chỉ huy khẩn hoang ở Kim Sơn, Ninh Bình. Tại đây cụ Nguyễn còn chiêu tập những tàn quân của Phan Bá Vành và giúp họ trở thành những người lao động tích cực cho cụ. Thế nhưng trong bài "Thầy tu Nguyễn Công Trứ", anh Lã Đăng Bật lại viết: " Như thế Nguyễn Công Trứ đã làm thầy tu từ tháng 9 năm 1827".

Có lẽ anh Lã Đăng Bật cần phải xem lại vì sao lại có sự phi lý về mốc thời gian như thế này? Bởi từ mốc thời gian, nó sẽ nói lên sự xác tín hay không về mặt tài liệu.

Chuyện Nguyễn Công Trứ có đóng giả thầy tu hay không, rồi đây các nhà sử học sẽ xác minh, nếu họ thấy cần quan tâm. Riêng với tôi, dù sự thể thế nào, Nguyễn Công Trứ vẫn mãi mãi là một nhân vật kỳ thú...

Lê Hoài Nam
.
.