Nhà thơ Lê Huy Mậu: Dắt tháng 10 về quê

Chủ Nhật, 04/08/2019, 08:37
Nhà thơ Lê Huy Mậu là người hiền lành, ít nói. Trong một bài thơ chân dung tặng anh, tôi viết: "Nhà thơ này không ồn ào giữa chốn đông người/ Ông thường chọn cho mình góc khuất/ Và hỏi han như lão nông chân chất? Thơ chú mày in có bán được không?".


Là một nhà thơ nhưng diện mạo Lê Huy Mậu không khác gì người nông dân xứ Nghệ. Người nông dân ấy từ thị trấn Dùng, huyện Thanh Chương bước vào thi đàn còn vương vấn đâu đây mùi thơ của nhút Mít, đặc sản quê anh.

Nói chuyện với nhà thơ nông dân Lê Huy Mậu, mới biết anh yêu văn chương từ khi còn là một anh lính trẻ, trên mặt trận Tây Nguyên. Nhưng rồi yêu chỉ để trong lòng, chỉ bầu bạn với sách vở, chứ không nghĩ mình sẽ viết như thế nào.

Khi xuất ngũ trở về thi đại học năm 1975, lại bị phân vào Khoa Triết học, vì là đảng viên, chứ không phải Khoa Văn như ước nguyện. Nhưng tình yêu văn chương vẫn không hề lay chuyển, thế là Lê Huy Mậu "đàn đúm" với cánh thơ Bùi Việt Phong, Lương Minh Cừ, Nguyễn Hòa Bình… để sáng tác.

Cả nhóm đều có thơ in trên Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, tưởng vậy mọi chuyện sẽ thông đồng bén giọt văn chương, ai dè khi tốt nghiệp, Lê Huy Mậu bị "ưu ái" đưa về làm việc ở Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu. Thế là cái "ba-ri-e" hải quan chắn ngang mọi hoài bão của anh suốt 10 năm.

Lê Huy Mậu đứng trước hai lựa chọn, một là trở nên giàu có nếu không vượt qua mọi sự cám dỗ, hoặc là một kẻ lạc lõng, xa lạ với bầu trời thi ca.

Trong thời gian này, Lê Huy Mậu có dịp gặp gỡ các bạn viết, các nhà văn nổi tiếng như Nguyễn Quang Thân, Dạ Ngân, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Nhật Ánh… trong lòng anh càng khao khát ước mong được viết, được đi và được say mê với con chữ, áng thơ. Nhưng rồi cuối cùng không là cái gì cả. Giàu có cũng không, mà sáng tác cũng dở dang, Lê Huy Mậu quyết định dứt áo ra đi khỏi cái nơi, nhiều kẻ ao ước mà không được. Khi đó ai cũng nói Lê Huy Mậu "hâm".

Biết sao được, khi chuyển sang Ban Tuyên giáo của Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu, năm 1984, anh chỉ có mỗi nguyện vọng có điều kiện tiếp xúc với giới văn nghệ sĩ nhiều hơn. Trong thời gian này, anh còn giúp địa phương chuẩn bị đề cương thành lập Hội Văn nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu.

Chính anh là người đã bỏ công đi nhiều nơi tìm người có tài đức, xứng đáng để giới thiệu và đề xuất với Tỉnh đưa vào vị trí Chủ tịch Hội. Nhà văn Chu Lai, rồi đến nhà thơ Vũ Quần Phương được mời, rồi cuối cùng nhà văn Xuân Sách nhận lời. Đến năm 1987, Hội Văn nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu được thành lập, với sự đóng góp công sức không nhỏ của Lê Huy Mậu.

Nhưng rồi anh vẫn ở lại Ban Tuyên giáo tỉnh cho đến hai mươi năm sau, với bao lận đận, với cuộc mưu sinh và nhất là lại bị tai nạn mấy lần, tưởng như kiệt sức với thơ ca. Đặc biệt trong thời gian này, anh kể mình không còn sự say mê với thơ ca nhiều như trước nữa. Ngại ngần, hay lười, hoặc không tự tin? Mọi chuyện cứ trôi đi theo thời gian, cho dù anh còn tham gia làm Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ đến mấy khóa liền, nhưng chỉ là "chân chắp".

Hơn nữa, với vai trò một chuyên viên ở Ban Tuyên giáo, hay Trưởng phòng Văn hóa văn nghệ, Lê Huy Mậu có lần tự phán về mình một cách hóm hỉnh như sau: Tay nghề viết diễn văn, điếu văn, báo cáo, lời chào mừng thuộc vào loại chuyên gia, thượng thặng. Chưa hết, không ít lần anh còn tự nhận mình là một "tên tồ" bẩm sinh. Nói thế nghĩa là hết hy vọng trên con đường văn chương.

Vậy đó! Nhưng thật không ngờ, trong lần bị chấn thương sọ não lần thứ hai, khi nằm điều trị tại bệnh viện thì cơn cớ khao khát sáng tác trỗi dậy. Những điều mới lạ lóe sáng trong những cơn đau, và ước mơ của một thời trai trẻ như con thuyền căng buồm ra khơi…

Lê Huy Mậu là người của đồng đất Thanh Chương (Nghệ An). Anh luôn bị ám ảnh nỗi nhớ quê hương sâu thẳm, nhớ cha mẹ, cánh đồng, lũy tre… Tất nhiên, Lê Huy Mậu vẫn chưa có gì đặc biệt, cho đến một ngày bài thơ dài "Khúc hát sông quê" - một chương trong trường ca "Thời gian khắc khoải" sau này của anh, được nhà thơ nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo trích phổ nhạc, vào năm 2002.

Nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo kể rằng, cuối tháng 8 năm 2002 Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức trại sáng tác hợp xướng ở Vũng Tàu, anh tham gia trại và dồn thời gian viết hợp xướng "Hạt bụi". Đang vật lộn với "hạt bụi" thì ông bạn thơ Lê Huy Mậu (quê xứ Nghệ sống ở Vũng Tàu) đến rủ đi nhậu. Lê Huy Mậu đã kéo anh ra khỏi dòng mạch cảm xúc đang dồn nén, khá căng thẳng. Thế là đi. Nhậu tưng bừng. Nhậu mút mùa. Nhậu khuya lắm mới về. Trước khi ra về, Lê Huy Mậu đưa anh mấy bài thơ nhờ xem và nhờ đưa in báo Văn Nghệ cho anh. Chả là lúc đó Lê Huy Mậu đang viết đơn xin vào Hội Nhà Văn Việt Nam. 

Nhậu xong cũng đã khuya, Lê Huy Mậu chở anh về phòng rồi chia tay, vì cũng đã say nhừ. Sáng dậy chạy ra biển tắm cho "giã rượu". Tắm nửa giờ mà khi lên bờ vẫn còn chếnh choáng. Về phòng, anh thấy trên bàn những bài thơ của Lê Huy Mậu. Chợt nhớ là phải đọc xem sao. Anh ngồi vào bàn đọc, và khi đọc đến bài thơ dài "Khúc hát sông quê" thì lặng người xúc động. Đây không phải là một bài thơ độc lập, mà là một chương trong trường ca chưa in của Lê Huy Mậu. Rất lạ là chương trường ca này làm anh cảm động, nó làm anh thấy có một điều gì đó thật xa xăm, sâu thẳm, cuốn hút.

Thì ra quê Lê Huy Mậu cũng giống quê anh. Cũng con sông đôi bờ phù sa. Cũng những kiếp người lam lũ. Cũng lòng yêu thương và nhân hậu. Nhưng Lê Huy Mậu đã bắt được cái hồn quê nguyên thủy trong con người quê. Mộc mạc, chân tình, nhưng độc đáo và day dứt đến không ngờ: "quê hương ta nghèo lắm/ ta rửa rau bến sông cho con cá cùng ăn/ ta mổ lợn/ con quạ khoang cũng ngồi chờ chia thịt/ cá dưới sông cũng có tết như người".

"Những câu thơ khiến tôi ứa nước mắt" - nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo nhớ lại.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo kể rằng, vừa phổ nhạc cho bài thơ xong, anh nhắn nhà thơ Lê Huy Mậu tới nghe. Ban đầu Lê Huy Mậu tỏ ra thản nhiên lắng nghe, nhưng sau mỗi câu nhạc, gương mặt nhà thơ càng đần ra như một sự ngỡ ngàng. Đến câu kết thì Lê Huy Mậu lặng đi một lúc rồi ngã vật xuống giường, giang hai tay ra, nằm bất động. Bất thình lình, anh đập mạnh hai tay xuống giường, và kêu lên mấy câu với Nguyễn Trọng Tạo, đại để rằng, mình sắp nổi tiếng đến nơi rồi, vì bài hát sẽ được nhiều nghệ sĩ biểu diễn. Ca khúc này sẽ sống mãi với thời gian.

Lê Huy Mậu nổi danh nhờ "Khúc hát sông quê", một chương trong Trường ca "Thời gian khắc khoải" của anh, và cũng phải nhờ đến sự đồng điệu âm nhạc của Nguyễn Trọng Tạo thì "sông quê" của Lê Huy Mậu mới thực sự trở thành "khúc hát". Ca khúc "Khúc hát sông quê" của đồng tác giả Nguyễn Trọng Tạo - Lê Huy Mậu ra đời như thế.

Cho đến nay, nhà thơ Lê Huy Mậu đã xuất bản 10 tập thơ, cụ thể: "Đêm trăng non", năm 1990, "Thiếu nữ và mùa đông", năm 1997, "Những bước chân", năm 1999, "Cám ơn mưa phùn", năm 2001, "Cỏ thiêng", năm 2005, "Bốn giọt nước", năm 2011, "Mời em cạn nửa chén tình", năm 2013, "Từ muôn đến một" năm 2014, "Viết trên tường nhà mình" - thơ văn xuôi, năm 2017, "Dắt tháng mười về quê", năm 2017. Ngoài thơ, anh còn có trường ca "Thời gian khắc khoải", năm 2011, "Giá người" - tập truyện ngắn, năm 2002, "Nhặt bóng thời gian" - tập ký chân dung, năm 2017.

 Một "thương hiệu thơ" Lê Huy Mậu hình thành nhờ những cố gắng không mệt mỏi của anh với tư cách một tín đồ của "tôn giáo thơ".

Nhà thơ Lê Huy Mậu kể, anh có thói quen ít tranh luận hay cãi vã với ai, cho dù có ấm ức hay bực dọc. Cái chất đồ Nghệ nín nhịn mãi không chịu được thì về nhà đóng cửa tự xả một mình, hay cùng lắm là cãi nhau trong cơn mơ, cho hả giận. Thế rồi, hôm sau gặp đối tác mà mình đã nổi nóng, mắng một trận trong cơn mơ ấy, lại hể hả cười, làm như không hề có chuyện gì xảy ra. Chính vì thế, anh không hề giận ai bao giờ, bởi anh luôn luôn: "Khép cửa một mình hun hút gió/ Một mình riêng một cõi xôn xao".

Ngót nửa thế kỷ xa quê, quê hương trong Lê Huy Mậu "qua quýt khóc, qua quýt bú/ qua quýt ăn, qua quýt học hành/ cô bạn gái thiếu ăn mười tám chưa dậy thì..." luôn ám ảnh. Với anh "Dù đi tới chân trời góc bể/ Vẫn còn nghe ộp phía sau lưng" (Quê ơi). "Thì em cứ mang theo áo len Đà Lạt/ anh dắt em về thăm quê/ mùa heo may mật trèo lên ngọn mía" (Dắt tháng mười về quê). Nhà thơ Lê Huy Mậu luôn vậy, tôi cứ luôn hình dung ra anh "nông dân" Lê Huy Mậu vừa đổ ải trên "cánh đồng thơ".

Ngô Đức Hành
.
.