Nhà thơ Hữu Việt: Lấy sự tinh tế làm mới đơn vị chữ

Thứ Bảy, 30/12/2017, 08:03
Hữu Việt (tên khai sinh Trần Hữu Việt, sinh năm 1963, quê Nam Định), hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, hiện là Trưởng Ban Văn hóa Văn nghệ Báo Nhân Dân. Đến nay, Hữu Việt đã cho ra mắt bạn đọc 3 tập thơ: “Phố lạc tiên” (1994), “Đếm mùa” (1998), “Thơ bốn người” (in chung, 2000) và một tập thơ dịch “Khúc hát trái tim” (thơ dịch 2006) từng đoạt Giải thưởng văn học dịch của Hội Nhà văn Việt Nam. 


Đọc thơ Hữu Việt, tôi cứ liên tưởng đến một thứ mưa mỏng manh như sương khói thường xuất hiện vào tiết mưa xuân tháng giêng ở vùng đồng bằng trung du Bắc Bộ. Sau làn mưa xuân mỏng manh như khói sương ấy, cảnh vật bỗng trở nên huyền ảo hơn, tưởng như gần đấy mà lại thoắt xa xôi, tuởng như đã chạm vào được mà lại tan đi không thấy gì.

Thứ thơ ấy - thứ mưa ấy cứ bảng lảng bên trời như đang mộng du cùng người thơ xuôi về những nẻo đường ký ức với bao nhiêu hoài niệm của một thủa yêu thương. Cái mới của nhà thơ trẻ này là nằm ở sự đổi mới cấu trúc của câu - chữ trong mỗi bài thơ mà bài “Thu Cửa Bắc” là một ví dụ:

Những cánh trắng rủ nhau rời phố
Mới chớm yêu gọi cửa
Mái xanh đã ngả thu rồi
Ta có lỗi chi mà lá rụng
Môi đợi lạc môi ngõ rộng
Em bỏ hôm nay cho đến bao giờ?
Giật mình vọng bước xưa…
Vết đại bác bạc đầu
Người đâu?
Gió ù
Ngâu Cửa Bắc
Phố thay chiều hoa vẫn ngược lối hương…

Trong không ít bài thơ thành công của mình, nhà thơ Hữu Việt không chỉ nghiêng về phía chú trọng làm mới đơn-vị-chữ mà anh còn coi trọng làm mới đơn-vị-bài để từ đó nắm bắt thi liệu và xây cất nên những tứ thơ khác lạ và khá độc đáo, mang lại những đột biến về mặt ý tưởng. Ví như, trong một bức - tranh - thơ, anh không chỉ dừng ở mức độ chấm phá, phát hiện các câu chữ mới mà còn cố gắng khắc họa chiều sâu của những hình tượng thơ và làm nên một diện mạo mới, một bố cục mới cho ngôn ngữ thơ mà bài thơ “Đò sông La” dưới đây là một dẫn liệu:

Lần đầu về Đức Thọ
Nằm dọc đò sông La
Cô gái đếm bom ngày đó
Tóc gội xanh bến nào

Mười tám má em dậy đỏ
Dưới trời bom tọa độ

Có phải em vẫn hò
Những chuyến đò đưa đầy cát
Trăng sáng bến Tam Soa gió hát
Sông thở
sóng mềm
đập mát bờ đêm
Trên cả hận thù
Trên cả lãng quên

Bài thơ đưa chúng ta về với ký ức của một thuở chiến tranh đã mờ xa trong ca khúc nổi tiếng thời kháng chiến chống Mỹ “Người con gái sông La” của nhạc sĩ Doãn Nho. Và trong bài thơ này, Hữu Việt chỉ cần tinh tế khơi gợi lại kỷ niệm xưa bằng một hình ảnh giản dị, lắng sâu và xúc động: “Cô gái đếm bom ngày đó/ Tóc gội xanh bến nào/ Mười tám má em dậy đỏ/ Dưới trời bom tọa độ” là trong tâm tưởng người đọc lại như đang ngân nga giai điệu thiết tha, trữ tình đầy lãng mạn của bài hát ngợi ca người con gái sông La ngày ấy đã vượt lên bom rơi, đạn nổ trên trận tuyến đánh thù trong ca khúc của Doãn Nho: “…Trời mô xanh bằng trời Can Lộc/ Nước mô xanh bằng dòng nước sông La/ Ai về Hà Tĩnh mà... quê ta/ Nhớ chăng đôi mắt người con gái sông La kiên cường/ Người con gái quê ta/ Đôi mắt trong tựa ngọc/ Đôi giọt nước sông La/ Thương như trời quê ta/ Em dõi theo từng ngày/ Đếm từng loạt bom rơi/ Cho bom nổ bên tai/ Em vẫn đứng giữa trời…”.

Sự đồng cảm của nhà thơ với nhạc sĩ trong bài thơ “Đò sông La” nằm chính ở thủ pháp đánh thức, khơi gợi tinh tế của ngôn ngữ thi ca chứ không cần tới sự trình diễn ồn ào náo nhiệt về cuộc chiến đã đi qua. Hình ảnh dũng cảm, tuyệt đẹp của người con gái sông La ngày xưa với “đôi mắt trong tựa ngọc” giờ đã hóa thân vào hình ảnh duyên dáng, đầy nữ tính của người thiếu nữ sông La hôm nay trong câu thơ thấm đẫm mỹ cảm: “Có phải em vẫn hò/ Những chuyến đò đưa đầy cát/ Trăng sáng bến Tam Soa gió hát/ Sông thở/ sóng mềm/ đập mát bờ đêm”.

Hữu Việt với cảm xúc trữ tình đầy tinh tế và khát khao tụng ca cái đẹp đã vẽ nên bức tranh thơ về người con gái sông La hôm nay. Và điều đặc biệt, vẻ đẹp thi vị ấy đã vượt lên: “Trên cả hận thù/ Trên cả lãng quên” trong câu kết đã đưa bài thơ bay lên trong một thi điệu nhân văn mới.

Ở một bình diện khác, Hữu Việt là một người thơ luôn coi trọng vẻ đẹp tinh tế, tươi mới của ngôn ngữ thơ và anh tỏ ra khá dày công khi chăm sóc từng câu chữ như trong bài thơ “Nếu em ngoái đầu nhìn lại” dưới đây:

Có hoa sữa rồi em ạ
Gió về trong ngõ ngủ ngoan
Nếu em ngoái đầu nhìn lại
Tóc bay nghiêng má trăng tròn

Trả nghĩa vầng trăng, mắc nợ cánh buồm
ướt một chiều chim én
Thôi đừng nhìn kiêu hãnh
Mùa thu cũng sắp qua rồi

Nếu em ngoái đầu nhìn lại
Đầm tàn còn một bông sen
Thức hương cho mùa lá hết

Vẫn còn một mảnh hồn anh
Khẽ run đầu cành gió rét

Bình thơ và đòi hỏi như vậy có quá chăng với Hữu Việt? Bởi mỗi người thơ tài năng đều có một tạng thơ riêng, một giọng điệu riêng, một miền đất riêng. Hữu Việt không quen nói những điều to tát, lớn lao, thơ anh cứ lẳng lặng kiên nhẫn làm mới từng con chữ. Thơ anh, ở một số bài, tuy giọng thơ còn cũ nhưng điệu thơ đã mới, đã cho thấy một hướng tìm tòi đáng ghi nhận:

Sơ tán tôi chưa đầy tuổi
Quen ngủ ngày và hay khóc đêm
Hình như tôi khai sinh: khát sữa
Dấu áo bà nhay cho đỡ nhớ
Ru đu chiều võng thu:
“Con ở với bà bà không có vú. Con ở với bố bố là đàn ông”
Mỗi lần về thăm
Mẹ thưòng lén lau nước mắt
Tôi nhập bầy trẻ làng
Học chăn trâu thả diều cắt cỏ
Trận mạc trẻ làng bên tranh mót lúa
Không ai nghĩ tôi quê… thành phố
Mộ bà mười năm xanh cỏ
Lòng còn thu võng đưa
Tôi về nơi sơ tán cũ
Kỷ niệm ùa chơi ngõ nhỏ
Ú tim một thủa lên mười.

Bài thơ giản dị trên lặng lẽ thấm vào ta một niềm tâm sự gần gũi đến trong lành mà xúc động - có lẽ thơ chỉ cần thế. Và có thể, ta cũng không nên đòi hỏi anh phải nghiền ngẫm, suy tư nhiều hơn thế.

Đọc không ít bài thơ của Hữu Việt, ta thấy phần “Cảm” nặng hơn phần “Nghĩ”, phần “Gợi” nhiều hơn phần “Nói” và phải chăng đấy cũng là một thủ pháp nghệ thuật làm nên giọng điệu thơ anh. Trong bài thơ “Một ngày và một người” dưới đây, cái phần “Cảm” và phần “Gợi” ấy lại chính là trục - diễn - ngôn “không lời” đi suốt 4 khổ thơ để ghi dấu một tâm trạng, để nắm bắt một khoảnh khắc đời người đã vụt trôi trong ký ức thời gian:

Một ngày buồn đông
Một chiều buồn trong
Mong một người không
Cách một xanh trời

Sao gặp lại người
Vào lúc ngả buồn
Chọn lúc yếu lòng
Tim ôm gió lộng

Ngày mai sẽ về
Sánh vai phố rộng
Đôi gò nắng ấm
Mắt rậm môi mềm

Còn lại ngày buồn
Gió không đủ lạnh
Lòng lành mưa tạnh
Đường dài như không ...

Nhiều năm, Hữu Việt coi nhà thơ Lê Đạt như một người thầy trong thi ca của mình và thơ anh ở không ít bài, có những nét chấm phá theo phong cách của nhà “Phu chữ” này với ý tưởng lấy sự tinh tế trong ngôn ngữ thơ để làm mới các đơn - vị - chữ. Sau khi nhà thơ Lê Đạt qua đời, trong bài thơ viết về người thầy từng được coi  là “Nhà phu chữ”, hình như Hữu Việt đã dựng được chân dung người thầy đầy kiến văn uyên bác của mình bằng đôi nét khắc họa khá giản dị, đời thường mà lại không kém phần đặc biệt:

Ông bảo người làm thơ
Phải có gan cãi nhau với cả nước
Nhưng tôi chưa thấy ông đôi co bao giờ
“Anh em văn nghệ,
Đoàn kết vẫn hơn là đánh lẫn nhau”
Và cười.

Ông bảo người ta có quyền được sai
Bằng quyền được đúng
Trong thơ, tất cả đều bình đẳng
“Tôi thích đối thoại hơn là đối thụi”
Lại cười.

Trời hành bệnh mất ngủ
Ông bảo có lần đã toan tự tử
Nhưng chữ còn nặng nợ - đành thôi
“Người ta có thể chết nhưng không thể thua”
Lần này ông không cười.

Ông bảo mình chịu thiệt nhiều thú vui
Để dành thời gian khuân vác chữ
Tôi biết ông có lúc… mải chơi
Cà phê Hàng Buồm tiếp khách cả ngày

Hôm nay đứng đầu phố Mã Mây
Nhớ ly cà phê đen đắng
Hình dung ông đang ngồi giữa miền mây trắng
Kể chuyện trần gian cho những bạn bè hoạn nạn của ông.

Ông rộng rãi, khoan dung, lịch sự
Chỉ nghiêm khắc những khi làm chữ
Và khi đọc thơ
Vì ông là: Lê Đạt.

(Nhà thơ)

Ở bài thơ trên, Hữu Việt dường như không còn phải nghiêng về phía tầng thi cảm lấy “Sự tinh tế làm mới đơn-vị-chữ trong thơ” nữa mà anh dùng thủ pháp tự sự, và khơi gợi chiều sâu liên tưởng bằng những suy ngẫm nhân sinh, đúc rút ra từ những câu nói như châm ngôn của cố nhà thơ Lê Đạt - ông như một nhà hiền triết trong cõi thơ và cõi đời nhiều thăng trầm, bụi bặm này. Theo tôi, đây là một trong những bài thơ hay của Hữu Việt trong quá trình tìm tòi, làm mới thơ của anh.
Nguyễn Việt Chiến
.
.