Nhà thơ Hữu Việt: Người có nhiều thứ để “chơi”

Thứ Bảy, 25/06/2016, 08:00
Những câu thơ ngỡ như tản mạn mà lại rất tập trung, đã được Hữu Việt rút tỉa và xâu chuỗi lại, gây được ấn tượng mạnh trước cả trăm con người của Đoàn công tác số 8 trong chuyến ra khơi hiếm hoi ấy. Và nói theo cách nói của nữ sĩ W. Szymborska – người đoạt Giải Nobel văn học 1996, đối với mọi người nói chung và Hữu Việt nói riêng, thì qua chuyến đi này, quả là “không có gì hai lần” thật!


1. Cách nay 2 năm, trong bút ký “Nơi Tổ quốc đến tận cùng”, tôi đã viết: “Có một sự ngẫu nhiên đã xảy ra. Vào dịp 30 tháng 4 và mùng 7 tháng 5 năm nay, tôi nhập vào lòng biển cả và đi Trường Sa. Cũng vào những ngày này (năm 1975), sau khi miền Nam (phần đất liền) hoàn toàn giải phóng không lâu, bất ngờ đơn vị tôi (D2012 thuộc E1 Quân khu 9) nhận được lệnh “báo động chiến đấu”. Chúng tôi đã cấp tốc lên máy bay vận tải C130 bay từ sân bay Trà Nóc (Cần Thơ) ra Phú Quốc, rồi từ Phú Quốc ra đảo chiến đấu, giải phóng nốt phần lãnh hải còn lại của Tổ quốc.

Lần đầu tiên, tôi biết cảm giác thế nào là “bay” và cũng lần đầu tiên, tôi biết cảm giác thế nào là “say sóng”. Chỉ có khác, ngày ấy tôi là lính chiến, còn bây giờ là người đi thăm biển đảo. Chỉ có khác, ngày ấy tôi là người lính, còn bây giờ là nhà văn, nhà báo. Chỉ có khác, ngày ấy tôi mới U20, còn bây giờ đã U60.

Ngày chúng tôi lên đảo Cô Lin thì tận mắt nhìn thấy tàu chiến của Trung Quốc từ phía Gạc Ma (đảo bị Trung Quốc xâm chiếm của ta từ năm 1988). Đã có 64 chiến sĩ công binh của ta, trong tay không có vũ khí, bị Trung Quốc dùng súng lớn sát hại. Trước khi hy sinh oanh liệt, những người lính đã giữ khí phách bằng cách quấn lá cờ Tổ quốc quanh mình. Những lá cờ Tổ quốc thêm một lần nữa thấm máu của những người giữ đảo, giữ biển.

Nỗi căm giận của chúng tôi bất chợt trào dâng khi hai tàu chiến của Trung Quốc bất ngờ đổi hướng, chĩa súng vào đảo Cô Lin. Rồi tự sâu thẳm, tự thân tôi thốt lên: “Những Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn/ Những Đá Nam, Đá Thị, Bàn Than, Cô Lin và cả Gạc Ma/ Sáu mươi tư người lính ngã xuống/ Hai sáu năm rồi không nhắm mắt/ Hai sáu năm rồi/ Máu chảy giữa lòng ta…”.

Ngang qua Gạc Ma, Đoàn công tác số 8 đã làm lễ tưởng niệm những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì biển đảo. Chúng tôi đã làm lễ dâng hương, bái vọng và thả những bông hoa cúc xuống biển. Đã có nhiều người không cầm được nước mắt.

Ngày chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình ngang qua Vũng Tàu thì hay tin: Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 nằm sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đi cùng với giàn khoan này là những tàu vũ trang, tàu quân sự, máy bay... Đó là một hành động mang tính chất gây hấn và xâm lược. Vậy là tinh thần quyết gìn giữ biển đảo quê hương nói riêng và tinh thần yêu nước của người Việt Nam lại thêm một lần thử thách!”.

Đó cũng là lần tôi có dịp được sát cánh cùng một nhóm nhà văn, nhà thơ kiêm nhà báo, trong đó có thi sĩ Hữu Việt. Chúng tôi đã thực sự “ăn sóng gió”, “ngủ sóng gió”, “thở sóng gió”, “tác nghiệp sóng gió”  và chỉ không “ăn sóng nói gió” mà thôi.

Nhà thơ Hữu Việt trên đảo Trường Sa.

Tôi đã chứng kiến một Hữu Việt năng nổ, xông xáo, cập nhật và luôn ưa khám phá, phát hiện những cái mới, cái lạ từ Trường Sa. Những ngày ấy, hầu như lúc nào Hữu Việt cũng tay máy, tay bút, tay bàn phím vào cuộc. Hữu Việt là người “nổ” phát súng pháo hiệu sáng tác đầu tiên với cả đoàn bằng bài thơ “Thư Song Tử Tây” thật tinh tế, lãng mạn và kịp thời. Sau khi Hữu Việt “tiền hô”, lập tức nhạc sĩ Vũ Thiết “hậu ủng” ngay. “Thư Song Tử Tây” được phổ nhạc thành ca khúc mang một cái tên “mở rộng” hơn, “khái quát” hơn: “Thư Trường Sa”.

Rồi ca sĩ Đặng Hiếu – người của Đoàn Ca múa Hải Đăng – một thành viên như chúng tôi, đã hát phục vụ các chiến sĩ Trường Sa ngay trong những ngày nóng bỏng ấy. Cũng nhờ khả năng ứng biến và khả năng tương tác, kết nối mà trong cơn ngẫu hứng, Hữu Việt đã nghĩ ngay đến một kịch thơ ngắn hướng về Trường Sa với lời dẫn của nhà văn Võ Thị Xuân Hà và trình diễn ngay trên con tàu HQ 996.

Những câu thơ ngỡ như tản mạn mà lại rất tập trung, đã được Hữu Việt rút tỉa và xâu chuỗi lại, gây được ấn tượng mạnh trước cả trăm con người của Đoàn công tác số 8 trong chuyến ra khơi hiếm hoi ấy. Và nói theo cách nói của nữ sĩ W. Szymborska – người đoạt Giải Nobel văn học 1996, đối với mọi người nói chung và Hữu Việt nói riêng, thì qua chuyến đi này, quả là “không có gì hai lần” thật!

2.  Hữu Việt nhắc đến một kỷ niệm: “Cho đến những năm 1982 - 1983, khi đã 20 tuổi, tôi vẫn chưa nghĩ đến sau này mình sẽ gắn bó với văn chương. Hồi ấy, tôi thi vào Đại học Ngoại thương và nghĩ rất đơn giản: Nên biết ngoại thương, ngoại ngữ để dễ dàng cho sự mưu sinh sau này. Sau đó, vì thi đủ điểm nên tôi trở thành sinh viên du học ở Trường đại học Giao thông Khác-cốp (Ucraina – Liên Xô cũ).

Nhiều năm, sinh viên ta ở Trường Đại học Giao thông Khác-cốp không ra nổi một tờ bích báo như ở nhiều trường đại học khác. Thế là vào một dịp 26 – 3, vì lòng tự trọng và “máu” thi đua trỗi dậy, tôi góp vài bài thơ và đứng ra trong vai trò “chủ bút” một tờ báo tường. Rồi không ngờ tờ báo tường của trường chúng tôi đoạt giải nhất thành phố  trong cộng đồng sinh viên Việt Nam năm ấy, thế mới vui!”

Con đường đến với thi ca của Hữu Việt có vẻ rất bài bản và kỹ lưỡng. Hữu Việt nhớ lại: “Ban đầu, qua cha tôi (nhà văn Hữu Mai), tôi được gặp nhà thơ Khương Hữu Dụng và may mắn được ông coi như con cháu trong nhà. Lúc này, ông đang có ý định dịch lại tác phẩm “Khúc ca về cuộc hành binh của Igor” từ tiếng Nga cổ ra tiếng Việt. Bởi thế mà ông mới nhờ tôi giúp dịch thô trường ca này.

Và tôi đã làm theo ý ông. Đọc xong, ông bảo: “Có nhiều đoạn tuy cháu dịch thô nhưng đã là thơ rồi đấy”. Từ đó ông bắt đầu truyền cho tôi những kiến thức cơ bản về nghề thơ. Một thời gian sau, ông nửa đùa nửa thật bảo tôi: “Giờ bác đã cạn vốn rồi, cũng chẳng còn gì mà truyền thêm cho cháu nữa. Để bác sẽ giới thiệu cho cháu… cái ông này. Nếu ông này nhận lời, thì cháu cứ yên tâm mà đi tiếp”.

Sau đó, tôi mới biết “cái ông này” mà nhà thơ Khương Hữu Dụng nhắc đến chính là nhà thơ Lê Đạt. Phải trải qua thử thách dăm lần kiểu xem xét tư cách và năng khiếu của học trò, thầy Lê Đạt mới “truyền nghề” tiếp cho tôi. Tôi vẫn nhớ lần đầu nhà thơ Khương Hữu Dụng dắt tôi đến gặp nhà thơ Lê Đạt là vào dịp Tết năm Canh Ngọ (1990).

Khi chia tay ông bảo: “Thỉnh thoảng nhớ ghé chơi” và tặng tôi một tập thơ in chung với Dương Tường nhưng mang một cái tên cũng rất Lê Đạt: “Ba mươi sáu bài tình” kèm lời đề tặng rất khác lạ hồi ấy: “Của Hữu Việt. Năm Con Ngựa”. Ông không viết năm Canh Ngọ theo cách thông thường. Lê Đạt bao giờ cũng vậy, ông ít khi dùng chữ có sẵn, mà chữ của ông là chữ “tạo sinh” đôi khi cực đoan theo cách nói của nhà nghiên cứu văn học nào đó”.

Nhưng có lẽ Hữu Việt nhớ nhất là bài thơ “Bóng chữ” trong tập thơ cùng tên của Lê Đạt. Bài thơ cho thấy khả năng “điều chữ khiển nghĩa” đến mức kỳ khu, tuy tinh tế, linh hoạt, biến hóa khôn lường của hình thức mà vẫn nặng một chữ tình của một tài thơ:

Chia xa rồi anh mới thấy em
Như một thời thơ thiếu nhỏ
Em về trắng cong đầy khung nhớ
Mưa mấy mùa
mây mấy độ thu
Vườn thức một mùa hương đi vắng
Em vẫn đây mà em ở đâu 

Chiều Âu Lâu
bóng chữ động chân cầu.

Đấy là chuyện sau này. Còn trước đó, chính sự tác động, ảnh hưởng trực tiếp từ người cha, quá trình tiếp xúc với nhiều nhà văn, nhà thơ và quá trình tích lũy, nghiền ngẫm sách văn học mà Hữu Việt đã được truyền cảm hứng để đến và tạo ra một xuất phát thi ca. Hữu Việt trầm ngâm: “Nhờ “thêm vào” cái tâm trạng xa nhà, nhớ nhung đất nước, “thêm vào” sự trân trọng với cái chất nhân văn của nhiều nhà văn, nhà thơ lớp trước, rồi tất cả như hòa quyện vào nhau, mà cảm hứng đến với thi ca của tôi trở nên mạnh mẽ và tự nhiên, tự thân hơn từ lúc nào không biết”.

3.  Hữu Việt là người làm nhiều nghề: Giáo viên dạy tiếng Nga, cán bộ Công ty Xuất nhập khẩu công nghệ mới thuộc Viện Công nghệ Quốc gia, rồi phóng viên, biên tập viên, cán bộ quản lý của các báo: Tiền Phong, Vietnamnet, Phụ nữ Thủ đô, Nhân Dân.

Anh bảo: “Tôi vốn không phải là người ưa thay đổi. Mỗi khi thay đổi với tôi là để thử sức mình trong một lĩnh vực mới hoặc tìm lại  động lực mới cho công việc. Lúc nào, tôi cũng đinh ninh lời dạy của cha tôi: “Ở đời, làm cái gì cũng nên tới nơi tới chốn, còn cứ dở dở dang dang thì không ổn đâu”.

Sinh thời, ông là người luôn tôn trọng sự lựa chọn của các con. Khi thấy tôi vừa làm kinh tế, vừa tấp tểnh vào nghiệp viết lách, ông bảo: “Viết văn là một nghề vất vả. Nếu định trở thành nhà văn, thì phấn đấu để trở thành người viết giỏi, chứ nếu chỉ là người viết trung bình thôi thì buồn lắm”. Lời dạy này của ông tôi luôn ghi nhớ để tự răn mình”.

Ngoài làm báo, viết văn, làm thơ, chụp ảnh… Hữu Việt còn tham gia nhiều hoạt động xã hội khác. Anh là một MC rất hoạt. Đã có thời gian dài công tác ở Báo Tiền Phong nên anh thường được mời tham gia Ban giám khảo của cuộc thi “Hoa hậu Việt Nam” do Báo Tiền Phong tổ chức. Trong cuộc sống nói chung, anh là người dễ gần, dễ mến, có chính kiến và phục thiện.

Riêng trong địa hạt văn chương, Hữu Việt có nhiều thứ để “chơi”. Anh vừa là nhà thơ, lại vừa là một dịch giả. Đến nay, anh cho xuất bản hai tập thơ mang hai cái tên rất khác người: “Phố Lạc Tiên” và “Đếm mùa”. Anh bảo: “Thơ tôi viết rất đều nhưng đăng, in rất ít. Cần phải có sự biên tập rất kỹ, kiểm soát rất kỹ từ ngay bản thân người viết trước khi xuất hiện trước độc giả.”

Cách nay gần một chục năm, Hữu Việt là người chuyển ngữ thành công tập thơ “Khúc hát trái tim” của thần đồng thơ Mỹ J. T. Stepanek từ tiếng Anh sang tiếng Việt và gây ra hiệu ứng tức thì. Tập thơ dịch này đã được Hội Nhà văn trao giải thưởng thường niên vào năm 2007 cùng với tiểu thuyết “Và khi tro bụi” của nữ nhà văn Đoàn Kim Phượng.

Đặng Huy Giang
.
.