Nguyễn Lương Sáng: Họa sĩ làm đẹp ký ức

Thứ Bảy, 16/11/2019, 08:11
Họa sĩ trẻ Nguyễn Lương Sáng là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, phân hội trưởng phân hội Mỹ thuật Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Bình, giảng viên Mỹ thuật của Trường đại học Quảng Bình. Anh được mệnh danh là người tô vẽ, làm đẹp kí ức bằng ngôn ngữ hội họa.


Kí ức là của riêng anh, phản ánh cuộc sống đời tư của anh, nhưng khi đi vào tranh, sự cộng hưởng nhiều khuynh hướng và trường phái nghệ thuật cũng như tính nhạy cảm của đời sống đã hoàn toàn biến đổi cái cấu trúc hình thể, thiết tạo một không gian nghệ thuật độc đáo và biệt lạ.

Nương theo cảm xúc mà anh gửi gắm trong tranh, người xem sẽ thấy một Nguyễn Lương Sáng với trường liên tưởng phong phú, tư duy lý luận chắc chắn, sắc bén và một sức sáng tạo mãnh liệt, giàu năng lượng.

Nguyễn Lương Sáng đã tham gia nhiều triển lãm nhóm và cá nhân. Anh gặt hái được nhiều giải thưởng như: Giải Tác giả trẻ - Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2011; Giải C Giải thưởng Lưu Trọng Lư năm 2011; Giải B triển lãm Mỹ thuật khu vực Bắc miền Trung năm 2013; Giải C triển lãm Mỹ thuật khu vực Bắc miền Trung năm 2015; Giải B Giải thưởng Lưu Trọng Lư năm 2016; Giải KK triển lãm Mỹ thuật khu vực Bắc miền Trung năm 2016; Giải B triển lãm Mỹ thuật khu vực Bắc miền Trung năm 2017; Giải khuyến khích triển lãm Mỹ thuật khu vực Bắc miền Trung năm 2019; Giải khuyến khích triển lãm Di sản văn hóa - Quảng Nam năm 2019,...

Họa sĩ trẻ Nguyễn Lương Sáng.

Không thể dựa vào tiêu chí "giống như thật" khi xem tranh của Nguyễn Lương Sáng, bởi ý tưởng, cảm xúc của anh đều được mã hoá, trừu tượng hóa qua đường nét, khối hình, màu sắc, kết cấu,… Màu sắc không còn là màu sắc sao chép từ hiện thực nữa, mà đã biến màu. Đường nét, hình khối, bố cục,... phối hợp với các biến màu làm nên "hương vị của màu sắc", "âm thanh của màu sắc", gây xúc cảm mạnh mẽ đối với người xem, chứ không cần anh tỏ lộ tâm tư hay một bản thiết kế tròn trịa về con người, cỏ cây, đồ vật...

Có thể thấy các hình khối chồng lên nhau, đa sắc đa màu trong "Xa khơi" tạo dựng cuộc sống nhộn nhịp, sinh sôi nảy nở, bội thu. "Đường chiều" (sơn dầu), "Vườn trưa" (sơn dầu), "Sang thu" (sơn dầu), "Đồng hoa" (sơn dầu),... là những bức tranh được anh đơn giản hóa thực tại, pha trộn màu theo ý nghĩa tượng trưng của từng mùa, mang đến không gian yên bình, thư thái.

Tranh của Nguyễn Lương Sáng thuộc trường phái biểu hiện. Vẻ đẹp hài hòa giữa con người và thiên nhiên, màu sắc và đường nét,... xuất phát từ nội tâm, tiếng nói riêng của anh. Với hình thức "tự thể hiện", từng màu sắc, nét cọ đưa đẩy đều chứa đựng giá trị biểu cảm. Vì chúng đều được khúc xạ qua lăng kính thầm kín của nỗi lòng nên màu sắc, đường nét đã bị biến màu, biến hình, cường điệu, khác với thực tế.

Màu sắc trong tranh anh có tính biểu hiện mạnh mẽ, tạo ấn tượng thị giác cao. Nhìn tổng thể, gam màu nóng (đỏ, nâu, vàng) vẫn giữ vị trí chủ đạo. Đó là màu đỏ của đôi mắt, gương mặt, bàn tay, vật dụng, trang phục, bầu trời và biển cả. Ngoài sự lôi cuốn, gây chú ý thị giác của người tiếp nhận, gam màu nóng như biểu thị trái tim nhiệt huyết, nóng hổi, quyết tâm của anh trước cuộc sống; biểu tượng cho những thương đau, mất mát; hướng về sự hằng cửu; tình yêu và lòng thủy chung,...

Tư duy siêu thực đã thể hiện rõ ở triển lãm "Một mình" (2015) và càng phong phú hơn trong những sáng tác gần đây. Khó tìm ra ranh giới giữa lý tính và cảm tính, thực và mộng, đúng và sai,… Bởi lẽ, hiện thực mà Nguyễn Lương Sáng phản ánh không chịu bất kì sự áp đặt, trói buộc nào. Những bức tranh của anh như "Giọt biển" (sơn dầu), "Vỡ" (sơn dầu), "Buông" (sơn dầu), "Áp lực" (sơn dầu), "Mầm" (sơn dầu),... đều hết sức khác biệt, ám ảnh. Chúng là kết quả của những phức hợp bí ẩn trong thẳm sâu trái tim anh.

Cái thế giới mà anh tạo ra có sự giao thoa giữa trừu tượng và hiện thực, nhưng anh lại đẩy điểm giao thoa ấy vào vô thức, đẩy tính trừu tượng đến tận cùng của sự hoang tưởng. Do đó, nếu dùng lí trí để lý giải những dạng tranh thế này quả là một sự thất thế.

Ba yếu tố tượng trưng, biểu hiện và siêu thực thường tham dự trong một bức tranh và thậm chí còn giao thoa với các bức tranh khác. Người xem tranh cần tiếp cận theo hướng liên không thời gian mới giải mã được các tầng nghĩa mà hoạ sĩ cất giấu bên trong.

Ba cuộc triển lãm cá nhân của anh cũng có sự khúc xạ và tính "lại giống" giữa các phương pháp sáng tác. Nếu cuộc trưng bày cá nhân với chủ đề "Một mình" (Quảng Bình) là "mỹ học của cái Khác" thì  "Duyên" (1/2018, tại Đồng Hới, Quảng Bình) thiên về tạo hình "mỹ học của cái đẹp". Và năm nay, cuộc triển lãm cá nhân với chủ đề "Biển đời" (tại New Space Arts Foundation, Thôn Lại Thế, Phú Thượng, Phú Vang, TP. Huế) lại trở về "mỹ học của cái Khác". 

Những bức tranh trong chủ đề "Duyên" đẹp, gợi cảm, tinh tế, giàu nữ tính. "Duyên" khi đi qua lăng kính nội tâm của anh, rồi thoát thai qua những sắc màu, "Duyên" đã "biến hình", vừa tương tác với anh vừa phá vỡ nội cảm của chính anh, vừa tương tác với người xem vừa kích thích, tái tạo nguồn mỹ cảm khác. Hình ảnh người con gái khỏa thân quyến rũ, hoang dã trong "Giao mùa" (sơn dầu), "Nét xuân" (sơn dầu),... hướng tới sự hòa nhập rất đỗi tự nhiên, nguyên sơ giữa con người và thiên nhiên.

"Duyên" chính là không gian biểu thị vẻ đẹp thánh thiện, tinh khôi, trinh nguyên. "Duyên" hướng đến triết lý cân bằng môi sinh, vạn vật tương thông. Xét về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, chủ nghĩa nữ quyền sinh thái cho rằng, phụ nữ là người có thiên tính chở che, chăm sóc, nuôi dưỡng nên họ luôn ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn giá trị "xanh". Như vậy, "Duyên" đã chứa đựng trong nó triết lý về sinh thái, là một trong những vấn đề đang nổi cộm hiện nay.

Hiệu quả thị giác ở "Một mình", "Biển đời" có khả năng tác động mạnh, tạo sự lôi cuốn, liên tưởng hơn việc tạo khoái cảm thẩm mỹ. Những bức tranh như "Giao cảm", "Ám ảnh", "Điểm tựa", "Thoát", "Người trong cuộc", "Đâu là bến đỗ",... trong "Một mình" và "Dùng dằng" (Tổng hợp - 2019), "Nỗi nhớ cằn cỗi" (Sơn dầu - 2018), "Giữ đường chân trời" (Sơn dầu - 2017), "Về phía biển" (Sơn dầu - 2019), "Nghe biển kể" (Sơn mài trên vải bố - 2019),... trong "Biển đời" biểu thị theo lối "bất khả biểu thị", phá vỡ những quy tắc, lề lối quen thuộc của thực tại, tạo ra những thực tại khác, sinh động và ám ảnh hơn. 

Muốn cảm nhận tính đa thực tại mà Nguyễn Lương Sáng đưa vào tác phẩm trong hai series này, người xem phải biết huy động cái ẩn phía sau thị giác. Hay nói cách khác, xem tranh của anh, nếu không tìm ra sợi dây thăng bằng giữa trật tự và hỗn độn, giữa ý thức và vô thức, thì khó mà cảm được cái thế giới mà anh đã vẽ ra.

Bản thân Nguyễn Lương Sáng từng trải qua những ngày tháng sóng gió, đổ vỡ, hẳn nhiên, anh là người hiểu rõ "giá trị của sự đau khổ". Trong tận cùng cô đơn, lẻ loi, anh tự vấn mình, suy ngẫm về cuộc sống, tình yêu và thân phận. Anh biến những nỗi đau buồn của anh thành nguồn cảm hứng sáng tạo.

Bức tranh “Níu” của họa sỹ Nguyễn Lương Sáng.

Series "Một mình" tượng trưng hình ảnh người đàn ông trong trạng thái bơ vơ, cô độc, hụt hẫng, luôn trong tư thế giằng co, bám víu. Thể hiện chiều sâu của nỗi cô đơn chính là cách Nguyễn Lương Sáng khẳng định nhân vị cũng như biểu thị quá trình nghiệm sinh của anh trước nhiễu nhương cuộc thế. Nỗi cô đơn trong "Một mình" vì thế có giá trị kích khởi, thể hiện tư duy, cá tính sáng tạo riêng của anh.

Từ "Duyên" đến "Biển đời", cái nhìn nghệ thuật của Nguyễn Lương Sáng đã thay đổi. Cái giằng xé riêng tư trong "Biển đời" được lồng ghép với cái giằng xé trước hiện thực đời sống. Là "Một mình" nhưng là "Một mình" khác. Là "Duyên" nhưng "Duyên" khác. Con đường sáng tạo của anh không giẫm lại vết chân mà anh từng đi qua.

Nếu "Một mình" là dạng thức của nỗi lo âu, đơn độc ngút ngàn, nghiêng về bản thể cá nhân thì "Biển đời" nới rộng hơn, hướng đến tính phản biện xã hội. Yếu tố siêu thực ở "Một mình" có lặp lại trong "Biển đời" nhưng "Biển đời" kì ảo, mơ hồ và hấp dẫn hơn. Đặc biệt, chỉnh thể hiện thực hoàn toàn khác lạ này ẩn giấu những triết lý về cuộc sống.

Từ cái biểu đạt (biển), anh mở rộng cái được biểu đạt (đời). Nhưng cái được biểu đạt còn tạo sinh những cái được biểu đạt khác: không gian tình tự, thân phận con người, môi trường, văn hóa lịch sử dân tộc, máu thịt của Tổ quốc,...

Trong triển lãm "Biển đời", Nguyễn Lương Sáng còn có 3 sắp đặt về biển: "Chuyện biển 1", "Chuyện biển 2", "Hành trình của biển". Vật liệu 3 tác phẩm này được anh gom góp từ rác thải biển như mảnh vỡ thuyền, chai lọ, phao biển,... Sắp đặt tổ hợp ấy trong không gian căn phòng, anh dựng nên câu chuyện về "Biển đời": tư cách lá phổi của biển bị biến dạng; vấn nạn ô nhiễm môi trường đã và đang không ngừng hủy hoại hệ sinh thái biển; biến tấu của biển như những biến tấu thăng trầm của đời người; khát vọng gìn giữ, xác lập chủ quyền biển đảo quê hương,...

So sánh với các họa sĩ trẻ Quảng Bình, Nguyễn Lương Sáng có phương pháp sáng tác riêng biệt. Anh cũng là một trong số ít họa sĩ trẻ miền Trung có sự nhạy bén khi tiếp cận các loại hình nghệ thuật đương đại. Có thể nói, ý thức ngoại vi trong sáng tạo vừa khẳng định cá tính, phong cách của anh vừa là yếu tố góp phần rút ngắn khoảng cách vùng miền giữa các địa phương với các trung tâm nghệ thuật.

Nguyễn Lương Sáng là người phục dựng kí ức. Qua kênh kí ức, đường nét, màu sắc, hình khối,... trong tranh của anh đều được giãn nở tối đa, biến hình liên tục, ảo thực quấn quện. Dòng chảy vô thức ấy tràn ra từng nét cọ, đẩy cái hợp lí đến cái phi lý, đẩy cái cố định thành cái bất định, đẩy cái mượt mà, trơn tru thành cái xù xì, gai góc, đẩy cái đầy đặn thành cái trống rỗng, đẩy cái tròn đầy thành cái góc cạnh... Với vùng kí ức âm, Nguyễn Lương Sáng đã ít nhiều tham dự vào việc làm mới biểu tượng và ngôn ngữ biểu đạt của hội họa.

4/10/2019

Hoàng Thụy Anh
.
.