Người viết chuyện cảnh giác liệu có bị lừa?
- Đạo diễn Mai Lộc: Những trường đoạn hành động trong cuộc đời
- Đạo diễn - NSƯT Tạ Tuấn Minh: "Tôi sợ nhất sự im lặng của những người tốt"
- Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh: Người mê phim cổ trang
Với anh thì đây là công việc vô cùng thú vị, đòi hỏi bản thân phải luôn nỗ lực tìm tòi, sáng tạo để viết lên những câu chuyện... rất đời và phải truyền đi một thông điệp “cảnh giác” đến bạn nghe đài. Cũng vì phụ trách công việc này mà không ít người gặp anh thường tò mò đặt câu hỏi: Người viết chuyện cảnh giác liệu có bị lừa?
Bâng khuâng những kỷ niệm về thầy
Hà Nội trong một buổi chiều bất chợt đổ cơn mưa rào càng khiến câu chuyện giữa tôi và nhà báo Lê Thanh Tăng trong căn phòng làm việc của anh thêm man mác buồn khi anh nhớ về người thầy mà mình mang ơn suốt đời – cố Thượng tá, NSƯT Nguyễn Xuân Mỡn, bút danh Nghi Xuyên.
Anh kể, ngày mình đang học tại Trường Trung học Truyền hình (nay là Trường Cao đẳng Truyền hình) trong chương trình có môn tìm hiểu về kịch truyền thanh, nhà trường đã mời NSƯT Nghi Xuyên về giảng dạy. Trong đám học trò ngày ấy, Thanh Tăng nhỏ thó, nói giọng xứ Nghệ đặc sệt đã lọt vào “mắt xanh” của thầy bởi khả năng viết lách tốt, tiếp thu nhanh.
Nhận thấy khả năng tiến xa của học trò, nên sau khi trò tốt nghiệp, thầy Nghi Xuyên đã đưa về nhà hết lòng dạy dỗ trong hơn 2 năm rồi khi cơ quan có đợt tuyển thầy đã giới thiệu anh một suất biên chế.
Trung tá, nhà báo Lê Thanh Tăng. |
“Ngày ấy, thầy dạy tôi kỹ lắm! Có những kịch bản viết trên tờ giấy A4, thầy phải sửa đến 5, 7 lần mà mỗi lần sửa tôi lại phải viết lại, coi như một lần học. Nghiêm khắc trong giảng dạy nhưng ngoài đời thầy sống gần gũi, nặng về tình cảm. Suốt nhiều năm theo thầy, điều tôi học tập được ở thầy là sự lạc quan, lối sống hồn nhiên, nhìn cuộc đời màu hồng, mặc dù cuộc đời thầy trải qua nhiều trắc trở, gian truân khi lần lượt người vợ yêu quý rồi cô con gái “rượu” ra đi khi mới ở tuổi 21.
Trong quá trình trưởng thành, từ thầy tôi chiêm nghiệm cuộc sống lúc nào cũng có 2 mặt, mình phải nhìn nó bằng con mắt lạc quan, tích cực. Phải nói rằng, từ một chàng trai ở vùng quê nghèo Hương Khê (Hà Tĩnh) có được công việc và bám trụ lại ở Thủ đô, tôi rất biết ơn thầy, coi thầy như người cha sinh ra mình lần thứ 2 vậy” - nhà báo Lê Thanh Tăng bồi hồi chia sẻ.
Nhà báo Lê Thanh Tăng có bị lừa?
Nhà báo Lê Thanh Tăng cho biết, chuyên mục “Kể chuyện cảnh giác” ra đời vào năm 1967 do Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn cùng Tổng Biên tập (nay là Tổng Giám đốc) Đài Tiếng nói Việt Nam Trần Lâm khởi xướng. Ý tưởng ban đầu là chuyên mục nhằm đả phá bọn xâm lược, tay sai, lôi kéo quần chúng Nhân dân tham gia vào phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc.
“Những ngày đầu ấy, chưa có mô hình để học hỏi nên thầy Nghi Xuyên phải vừa làm, vừa học, vừa rút kinh nghiệm nhưng may mắn đã được thính giả nồng nhiệt đón nghe và có nhiều ý kiến phản hồi, góp ý, khen ngợi. Hiện nay, Ban Biên tập Phát thành Công an nhân dân có 14 biên chế, chúng tôi phải phụ trách lên sóng 30 phút buổi sáng, 30 phút buổi tối trong những dòng tin thời sự. Còn riêng chuyên mục “Kể chuyện cảnh giác”, tôi phụ trách từ khâu viết kịch bản đến dàn dựng”.- Nhà báo Lê Thanh Tăng cho biết.
Trung tá, nhà báo Lê Thanh Tăng cùng các đồng nghiệp thực hiện một chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam. |
Nhà báo Lê Thanh Tăng chiêm nghiệm, câu chuyện cảnh giác phải hết sức chân thật nhưng lại ly kỳ, hấp dẫn cho đến phút cuối. Để có được thành công, buộc người viết phải lăn lộn với thực tế, đồng thời tìm đọc qua sách báo, để rồi qua sự nhào nặn những câu chuyện trở nên sinh động, lôi cuốn, ly kỳ, hấp dẫn đến từng chi tiết, từng diễn biến nghẹt thở, khiến người nghe không thể rời radio.
“Thế hệ làm phát thanh chúng tôi còn truyền tai nhau câu chuyện thầy Nghi Xuyên bị mất chiếc xe đạp. Về phần tôi thì cũng đôi lần bị “lừa” mấy chuyện lặt vặt trong cuộc sống như cho bạn vay tiền nhưng người ta không trả, tất nhiên số tiền là không nhiều. Còn chuyện tình cảm thì cũng chẳng ai “lừa” ai cả? Chia tay là bởi ta đã hết yêu nhau rồi! (cười lớn)” - nhà báo Lê Thanh Tăng bộc bạch.
Viết chuyện cảnh giác khó hay dễ?
Anh cũng luôn tự hào khi nói rằng: “Phát thanh là “sóng quốc gia phát ra quốc tế”. Phát thanh hiện nay mặc dù lượng công chúng ít hơn rất nhiều so với truyền hình(?) nhưng nó là loại hình đóng vai trò quan trọng không thể thay thế. Anh kể, có lần một ông già lưng còng như dấu hỏi, giáp Tết lọ mọ hỏi thăm khắp nơi và mang chai rượu vang lên cơ quan tặng anh, chỉ vì “câu chuyện cháu viết phát trên sóng giống y chang cuộc đời bác”.
Hay một lần đi xe buýt, đúng lúc chuyên mục của anh đang phát. Nghe xong, một ông khách vỗ đùi đen đét bảo: “Thằng cha này viết mất dạy thật... thú quá... mất dạy như thế này mới thú”. Với anh thì đấy là một lời khen. Rồi ông nội của anh lúc sinh thời từng tâm sự: “Ông sống thêm vài năm vì có thằng cháu “bên đài thứ 7”! Anh bảo, nhiều lúc làm việc không hẳn còn vì đam mê mà chỉ vì đến ngày đến giờ phải có tác phẩm lên sóng nhưng chưa bao giờ thôi tự hào vì những gì mình đã (bị) chọn.
Nhà báo Lê Thanh Tăng cho biết, trải qua hơn nửa thế kỷ, hiện nay chuyên mục “Kể chuyện cảnh giác” vẫn giữ “kim chỉ nam” là phê phán hiện tượng xấu trong xã hội, các loại tội phạm nhưng đã thay đổi rất nhiều, thiên về giải trí hơn. Nó khó ở chỗ chuyên ngành kịch phát thanh hầu như không có trường đào tạo chuyên sâu vì đây là công việc đặc thù của nghề báo nhưng lại pha chút nghệ thuật. Bởi vậy có thể dễ dàng nhận thấy số lượng người viết đang bị thiếu hụt.
Hơn nữa, bản thân anh hơn 20 năm viết một chuyên mục thì rất dễ rơi vào lối mòn, dễ viết nhưng khó hay. Tuy nhiên, anh cũng khẳng định hiện nay việc tiếp nhận thông tin trở nên dễ dàng hơn thông qua báo chí và đặc biệt là mạng xã hội mà người viết có thể nhận được rất nhiều “gợi ý” về cốt truyện.
Tri ân “đối tượng” đặc biệt
Nhà báo Lê Thanh Tăng kể, mình từng có những câu chuyện cảnh giác, thậm chí có những tác phẩm được giải cao tại Liên hoan Phát thanh toàn quốc là từ những câu chuyện trên mạng. Chẳng thế mà Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6) vừa qua, trong một status trên Facebook “Xe Tăng Hai Nòng” của mình, anh viết: “Trong sự nghiệp “báo mồm”, tôi muốn gửi lời biết ơn đến một “đối tượng” mà mình chưa bao giờ tri ân cả. Đấy là những nhân vật trong những câu chuyện của mình. Họ đã chịu rất nhiều thiệt thòi, bất hạnh để góp phần làm nên chút thành công nho nhỏ của mình trong suốt hai thập niên theo nghề. Mặc dù họ chưa bao giờ hiện diện bằng da bằng thịt cả, nhưng họ là những mảnh ghép không thể thiếu trong xã hội”.
Chia tay tôi, anh lấy ra một bộ hồ sơ chuẩn bị trình lên cấp trên đề nghị xét danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú cùng một tập Giấy Chứng nhận được giải tại Liên hoan Phát thanh toàn quốc mà từ năm 2010 đến nay mỗi kỳ anh lại được nhận đan xen một giải Vàng rồi giải Bạc. Cụ thể, năm 2010 là giải Vàng với “Không phải phép màu”, năm 2012 giải Bạc với “Thiên đường của bé”, năm 2014 giải Vàng với “Người giúp việc”, năm 2016 giải Bạc với “Phía sau tội ác”, năm 2018 giải Vàng với “Bố ơi, con muốn về nhà”, năm 2020 giải Bạc với “Giấc mơ của mẹ”.
Nghe chuyện anh kể và nhìn những thành quả mà anh đạt được trong nhiều năm miệt mài “nhả tơ”, tôi thấy anh thật xứng đáng với những sự ghi nhận trên… giấy tờ đó. Và Trung tá, nhà báo Lê Thanh Tăng – người kể chuyện cảnh giác còn có một sự ghi nhận khác, cũng vinh quang, tự hào không kém, đó là sự ghi nhận trong lòng thính giả cả nước.