Người nghệ sĩ "say" Yên Bái như người tình

Thứ Năm, 03/09/2020, 15:19
Yên Bái, nơi được thiên nhiên ưu đãi cho một Mù Cang Chải với ruộng bậc thang hoang sơ, hùng vĩ; một hồ Thác Bà lung linh, huyền ảo được ví như một vịnh Hạ Long trên cạn; một đỉnh núi Tà Chì Nhù với phong cảnh đầy quyến rũ, nên thơ được ví như một đại dương trên mây... từ lâu đã làm người Nghệ sĩ Nhiếp ảnh gốc Hà Nam Thanh Miền đắm say, mê mẩn.


Anh yêu từ cỏ cây, hoa lá... đến văn hóa, con người nơi đây và, rồi đó là nguồn cảm hứng bất tận để người nghệ sĩ có thể thả hồn trong những bức ảnh sinh động, đặc trưng nhất của mình.

“Tôi chỉ là người khác biệt”

Là người đầu tiên tổ chức triển lãm ảnh cá nhân ở Yên Bái, người đầu tiên ở Yên Bái cho ra đời cuốn sách ảnh “Yên Bái quê tôi miền sơn cước”, NXB Thông tấn, năm 2014, và cũng là người đầu tiên của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Yên Bái được Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam phong tước hiệu Nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc (EVAPA); Thanh Miền từ lâu được biết đến là người nghệ sĩ đặc biệt của núi rừng Yên Bái. Thế nhưng, anh không hề thích “danh xưng” đó, bởi theo lý giải của anh “đặc biệt thì không, nhưng khác biệt thì có”. 

NSNA Thanh Miền.

Thế rồi anh dẫn giải, mình là người cầu toàn trong cuộc sống cũng như công việc chính bởi lẽ đó, ngay từ những ngày đầu ngấm và say với nghệ thuật, anh luôn chưa cảm thấy hài lòng với những tác phẩm của mình. Khi thì anh thấy ánh sáng chưa tốt, lúc thì lại thấy góc máy chưa lạ, hay chưa tìm được những khoảnh khắc mang hơi thở cuộc sống. 

Có những điểm mà anh đã kỳ công đi “săn” tới hàng chục lần để có được những bức ảnh ưng ý mà lại khác biệt so với người khác bởi “bức ảnh thành công là bức ảnh người khác không thể chụp lại được”. 

“Đó chính là sự khác biệt. Việc tổ chức triển lãm hay ra sách ảnh vì tôi muốn tạo ra những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời mình chứ nếu để đặc biệt thì tôi nghĩ ai cũng đều đặc biệt giống tôi vậy!”, anh khẳng định.

Tôi biết anh là người khiêm tốn trước những thành tích mình đạt được nên không dám nhận “danh xưng” đó chứ những thành tích mà anh sở hữu luôn là niềm khát khao với bất kỳ “tay máy” nào. 

Có thể kể đến một số giải thưởng anh đã đạt được như Huy chương Vàng tại Liên hoan Ảnh Nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ XI năm 2011, Giải C - Giải thưởng Nhiếp ảnh xuất sắc năm 2011 với tác phẩm “Nước và cuộc sống”; Giải C - Giải Báo chí Quốc gia lần thứ VIII năm 2013 với tác phẩm “Nghị lực sống”; Giải C - Giải Búa liềm vàng năm 2018 với phóng sự ảnh “Cộng đồng sẻ chia, chung tay trong hoạn nạn”; Huy chương Vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ XVIII và được Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam xét chọn Giải C - Giải thưởng Nhiếp ảnh xuất sắc năm 2018 với tác phẩm “Màu của đất”...

Tác phẩm “Nước và cuộc sống” của NSNA Thanh Miền.

Là người sở hữu những phong cảnh về ruộng bậc thang Mù Cang Chải, hồ Thác Bà, vùng quê Văn Yên, suối khoáng Trạm Tấu, cánh đồng lúa Mường Lò, đá quý Lục Yên... chính vì thế, ảnh của Thanh Miền không những được trưng bày tại các trung tâm, khách sạn lớn tại 9/9 huyện, thị, thành phố trong tỉnh mà còn được các lãnh đạo huyện, lãnh đạo tỉnh, trong đó có Bí thư Tỉnh ủy Phạm Thị Thanh Trà ưu ái lựa chọn đặt tại phòng làm việc của mình. 

Nhưng niềm vinh dự còn lớn hơn nữa khi mà bức ảnh chụp Mù Cang Chải của anh đã được Hội đồng Nhân dân tỉnh “đặt hàng” để tặng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong một dịp gần đây.

“Đánh thức” tiềm năng du lịch

Dễ dàng nhận thấy trong các bức ảnh của anh đều chỉ chụp về một miền đất, đó là Yên Bái. Anh cũng cho biết nhiều bạn bè rủ anh đi nơi khác chụp, nơi có thể có những phong cảnh đẹp hơn Yên Bái nhưng anh từ chối bởi anh quan niệm: “Nếu được giải thưởng mà không chụp về nơi mình đang sống thì không cảm thấy hãnh diện”. 

Hơn nữa, lý do gửi đi dự thi của anh không hẳn vì giải thưởng mà muốn nhiều người biết đến miền đất hiền hòa, thơ mộng này. Theo anh thì Yên Bái rất có tiềm năng về du lịch nhưng bị “ngủ quên” quá lâu, anh hy vọng thông qua những bức ảnh của mình có thể quảng bá, “đánh thức” được tiềm năng ấy.

Tác phẩm được Huy chương Đồng trong một cuộc thi ảnh nghệ thuật ở Thụy Điển của NSNA Thanh Miền.

Những bức ảnh của anh cũng như con người của anh vậy, nó thể hiện cách sống rất giản đơn, gần gũi, thân thiện với cuộc sống, thiên nhiên và con người. Điểm nhấn trong mỗi bức ảnh của anh mà người xem đều có thể dễ dàng nhận ra, đó là với góc nhìn rất riêng biệt, độc đáo, lãng mạn và đầy chất thơ. Và cũng từ lâu anh luôn coi Yên Bái là quê hương thứ 2 của mình mà đã là quê hương thì yêu lắm, đẹp lắm. 

“Quê hương là chùm khế ngọt”, vậy nên tình yêu tôi dành cho Yên Bái cũng ngọt ngào như vậy. Còn gì tuyệt vời hơn khi đề tài khai thác của mình lại chính là quê hương mình. Vừa phản ánh vẻ đẹp chân thực, sinh động và riêng có mà nhiều người chưa biết đến vừa quảng bá hình ảnh quê hương mình tới bạn bè trong nước và quốc tế. 

Nếu có được giải thưởng thì lại càng “tuyệt vời” và hãnh diện. Bởi chính nơi mình đang sống đẹp như vậy mà mình không khai thác được thì làm sao có thể khai thác ở những nơi khác chứ. Chỉ vài ba lý do vậy thôi cũng đủ để tôi luôn ưu tiên sáng tác với chủ đề “quê hương” mình rồi”, anh giãi bày.

Bức ảnh tâm đắc nhất là bức ảnh chưa chụp

Dẫu biết rằng, trong nhiếp ảnh luôn cần sự kiên trì, nhẫn nại nhưng nhìn cái cách Thanh Miền say mê chinh phục những vùng đất mà mình chưa thể có tác phẩm ưng ý mới thấy được hình như anh sinh ra để làm nghề “săn” ảnh thì phải. Từ khi bén duyên với nhiếp ảnh đến giờ anh đã thực hiện hàng trăm chuyến đi đến các vùng đất của Yên Bái, có những chuyến đi phải đầu tư công sức, tiền bạc khá lớn nhưng anh vẫn quyết tâm phải đến, phải “săn”. 

Trong đó có chuyến chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù (huyện Trạm Tấu), đỉnh núi cao gần 3.000 mét so với mặt nước biển, đứng ở thứ 7 trong số các đỉnh núi cao nhất Việt Nam. Với những dân phượt thì biết Tà Chì Nhù đâu chỉ xếp vào những đỉnh núi cao mà còn được xếp hàng đầu trong số đỉnh núi có đường đi rất gập ghềnh, trắc trở, đa số là dốc cao, ít bóng cây, đá sỏi nhiều.

Trong hai năm trở lại đây, anh đã đặt chân đến đỉnh núi này. Do tận dụng những ngày nghỉ cuối tuần để đi sáng tác nên thời gian ở Tà Chì Nhù không được dài, anh chỉ ở lại được một đêm và một ngày rưỡi. Chính vì lẽ đó nên lần đầu tiên anh đã thất bại và anh coi lần đó là đi cho biết. 

Cho tới năm ngoái, anh đã quyết định tiếp tục chinh phục Tà Chì Nhù lần thứ 2 cũng là để “săn mây cưỡi gió”. Tuy nhiên anh lại thất bại thêm một lần nữa. Ảnh chụp về rất nhiều nhưng không được cái nào ưng ý. Mong muốn duy nhất của anh lúc này là có sức khỏe thật tốt và có thời gian lâu hơn để có thể tiếp tục chinh phục nó. 

Trong quá trình chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù nhiều bạn trẻ trong nhóm phượt đã nói với anh rằng: “Có lẽ anh là người cao tuổi nhất chinh phục được đỉnh núi này”. Thực ra đến giờ anh cũng không rõ điều đó có đúng không nhưng anh luôn tự hào ở cái tuổi xấp xỉ 60 vẫn có đôi chân khỏe khoắn và một tâm hồn đam mê, không ngừng khám phá, sáng tạo. “Tôi sẽ trở lại nơi này vào một ngày gần nhất, bởi đã là người nghệ sĩ nhiếp ảnh khi có ý tưởng là phải thực hiện, thực hiện cho bằng được”, anh quả quyết.

Nghệ sĩ Thanh Miền tâm đắc với quan điểm làm nghề của cố Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Nhật - nguyên Trưởng ban Sáng tác ảnh, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam: “Bức ảnh tâm đắc nhất là bức ảnh chưa chụp được”. Câu nói ngắn gọn nhưng lại có ý nghĩa rất lớn đối với anh, là “kim chỉ nam” trên chặng đường sáng tác của anh. Đó là luôn hướng về phía trước và không bao giờ được hài lòng với những gì mình đã làm được.

Ngô Khiêm
.
.