Người mở đầu một trường phái thơ viết về chiến tranh
- Nhớ “Người ơi, người ở” và kỷ niệm với nhà thơ Phạm Tiến Duật1
- Nhà thơ Phạm Tiến Duật: "Một người rất cô đơn..."
- Một bài thơ chưa in của nhà thơ Phạm Tiến Duật
- Trước nhà tưởng niệm nhà thơ Phạm Tiến Duật
Tôi muốn dùng hình ảnh “Con đại bàng” của thi ca Trường Sơn để nói về nhà thơ Phạm Tiến Duật vì vào thời điểm khó khăn nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước (năm 1969), những bài thơ của ông viết trên đường mòn Hồ Chí Minh giữa những đợt bom rải thảm đã vượt bay lên trên bầu trời thi ca yêu nước, làm xúc động hàng triệu trái tim thanh niên đang ra trận và thơ của ông như cánh chim đại bàng kiêu hãnh dự báo ngày toàn thắng đang đến gần.
Sau này, khi nhìn lại chặng đường văn học của đất nước qua mấy chục năm chiến tranh, nhà phê bình văn học Lê Đình Kỵ có viết trên Báo Văn nghệ, đại ý rằng, trong thời kỳ chống Mỹ, có hai trường phái thơ: Trường phái Chế Lan Viên và trường phái Phạm Tiến Duật; Trường phái thứ nhất, tìm cái đẹp từ bên trong sự ngưng đọng của lý trí; Trường phái thứ hai chủ yếu tìm cái đẹp từ trong các diễn biến sôi động của cuộc sống.
Nhà thơ Phạm Tiến Duật rất tâm đắc với nhận định này, ông cho rằng: “Lê Đình Kỵ đã gọi đúng về tôi. Nếu không có cuộc sống với những con người đa dạng ồn ào bao quanh với xô bồ chi tiết trôi chảy từng phút, từng giờ, thì hình như tôi không có thơ. Tài liệu của văn chương phải là cái thiện. Cái ác lấy sự sắp đặt lý trí làm trọng, còn cái thiện lấy sự uẩn xúc của tình đời làm trọng.
Có nền văn học lớn nào trên thế giới lại thiếu cái tình uẩn xúc ấy? Cứ ngẫm một hồi về thơ Đường và thơ Tống, cũng rõ. Nhưng muốn làm cái ác đã khó mà muốn làm cái thiện còn khó hơn nhiều. Muốn có cái thiện của thời này phải học kỹ lưỡng lắm. Chẳng hạn, muốn trung thực mà không hiểu biết cũng không thể trung thực được. Vậy trước mặt nhà văn luôn luôn là một biển đời”.
Phạm Tiến Duật sinh ngày 14/1/1941, quê gốc thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ. Cha ông là nhà giáo, dạy chữ Hán và chữ Pháp. Mẹ ông làm ruộng, không biết chữ. Từ bé Phạm Tiến Duật đã đi học xa nhà. Ông học qua bậc phổ thông, đến hết Đại học Sư phạm Văn khoa Hà Nội rồi gia nhập quân đội. Phạm Tiến Duật sống và viết trong chiến tranh trên đường mòn Hồ Chí Minh ở Trường Sơn (8 năm trong tổng số 14 năm quân ngũ). Sau khi được trao giải nhất cuộc thi thơ Báo Văn nghệ năm 1969-1970, ông về làm biên tập thơ rồi làm Phó trưởng Ban Đối ngoại Hội Nhà văn Việt Nam và Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam.
Có thể nói, thời điểm đầu những năm bảy mươi của thế kỷ trước, thơ của Phạm Tiến Duật đã mở ra một cái nhìn mới rất hiện đại và rất sống động về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước với những bài thơ như: “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”, “Lửa đèn”, “Tiểu đội xe không kính”, “Gửi em cô thanh niên xung phong”, “Nhớ”, “Tiếng bom ở Seng Phan”…Thơ của ông những năm tháng ấy đã có mặt trong hành trang tinh thần của những người lính ra trận để động viên, chia sẻ và cổ vũ tinh thần chiến đấu của họ, thơ ông được phổ nhạc và hát khắp các nẻo đường chiến tranh:
Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn
Hai đứa ở hai đầu xa thẳm
Đường ra trận mùa này đẹp lắm
Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây.
Trường Sơn Tây anh đi, thương em
Bên ấy mưa nhiều, con đường gánh gạo
Muỗi bay rừng già cho dài tay áo
Hết rau rồi, em có lấy măng không.
Còn em thương anh bên Tây mùa đông
Nước khe cạn bướm bay lèn đá
Biết lòng anh say miền đất lạ
Chắc em lo đường chắn bom thù
Thơ của Phạm Tiến Duật (nhất là thơ viết về chiến tranh) có một giọng điệu riêng và khác biệt, không thể lẫn với thơ của người khác và ông đã có công mở đầu cho một trường phái thơ chiến tranh hằn in dấu ấn nhọc nhằn, lấm láp và hồn nhiên của người lính trận mạc thủa ấy.
Thời điểm chiến tranh ấy, Phạm Tiến Duật kể lại, có dịp ở Trường Sơn ra Hà Nội, ông tìm ngay đến các ông thầy lớn về văn chương để học hỏi. Ông đến thăm nhà thơ Chế Lan Viên để tìm hiểu cung cách làm việc. Hỏi thẳng thì cụ Chế không nói, nhưng bằng cách này cách khác, Phạm Tiến Duật đã học được một số kỹ năng trong sáng tạo thi ca của cụ Chế và ông nhận xét: “Thì ra ngoài việc Làm bài, Chế Lan Viên còn Làm câu nữa. Nghĩa là trong ánh chớp, thấy hiện ra một vài câu thơ thì chép ngay vào sổ tay.
Cái câu có vẻ vô nghĩa “Tò vè cái tỏ vẻ” là câu nói mớ của đứa con gái nhỏ của nhà thơ Chế Lan Viên, ít lâu sau, câu ấy rơi vào một bài thơ của ông. Tôi thử học tập làm cách ấy và đôi khi cũng kiếm được một đôi dòng. Câu thơ trong bài “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”: “Anh lên xe trời đổ cơn mưa/ Cái gạt nước xua đi nỗi nhớ” là câu ghi chép trong buồng lái của một chiến sĩ lái xe trên đường Trường Sơn.
Mãi mấy tháng sau bài thơ có câu thơ kia mới được sáng tác. Câu thơ trong trường ca “Những vùng rừng không dân của tôi” “Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng/ Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay” cũng là câu ghi chép trong sổ tay. Dường như Làm câu cũng là một tận dụng thời khắc sinh học chăng?”.
Đi qua những năm tháng trận mạc gian lao, bài thơ “Vòng trắng” của Phạm Tiến Duật luôn nhắc ta về nỗi đau chiến tranh luôn khắc khoải trong trái tim mỗi người:
Bom nổ trên trời hiện lên những vòng đen
Nhưng mặt đất lại sinh bao vòng trắng
Tôi với bạn tôi đi trong im lặng
Cái im lặng bình thường đêm sau chiến tranh.
Cái mất mát nào lớn bằng cái chết
Khăn tang vòng tròn như một số không
Nhưng bạn ơi ở bên trong vòng trắng
Là cái đầu, bốc lửa ở bên trong.
Cuối năm 1973, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên trực tiếp giao nhiệm vụ cho Phạm Tiến Duật ra miền Bắc làm công tác sưu tầm tài liệu để chuẩn bị soạn thảo Văn bia Trường Sơn… Vì vậy, Phạm Tiến Duật đã tận mắt chứng kiến hậu quả tàn khốc của chiến tranh huỷ diệt do không lực Hoa Kỳ gây ra, sau đó viết bài thơ “Viết về số 0”, thường được gọi là “Vòng trắng”, đăng trên Tạp chí Thanh niên như một nén nhang viếng những người dân tử nạn vì bom B52 triệt phá phố Khâm Thiên, Hà Nội. Số báo dự kiến đăng tháng 12 năm 1973 nhưng bị lùi lại thành số tháng 1 năm 1974.
Bài thơ không ngờ là một "tai họa" giáng xuống đầu nhà thơ. Ngay sau khi bài thơ được in trên Tạp chí Thanh niên thì lập tức Tạp chí Học tập số 9 năm 1974 đã phê phán gay gắt rằng: “Giữa lúc cần nói to lên niềm sung sướng tự hào về cái được vĩ đại của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ thì nhà thơ lại chỉ thấy cái mất, chỉ thấy tang tóc đau thương và than thở...”.
Có lẽ vì vậy mà bài thơ này không được in trong bất kỳ tập thơ nào của Phạm Tiến Duật sau này. Cho đến trước khi anh qua đời, nhà văn Nguyễn Khắc Phục mới đưa vào “Tuyển tập Phạm Tiến Duật” bài “Viết về số 0” do nhà thơ Trần Nhương sưu tầm và giới thiệu. “Tuyển tập Phạm Tiến Duật” in xong chưa đầy 20 ngày trước khi nhà thơ Phạm Tiến Duật qua đời năm 2007.
Bạn bè và những người yêu mến thơ Phạm Tiến Duật thường nhắc đến một trong những bài thơ cuối cùng ông viết tại Hà Nội vào trưa 27/7/2005, tặng người bạn thân là nhà văn Nguyễn Khắc Phục. Bài thơ có cái tựa đề nghe khá chấn động nhưng đầy cảm xúc “Hỏa thiêu cho một người đang sống” với những câu thơ đầy day dứt, trăn trở như không phải nhà thơ chỉ viết cho bạn mà ngỡ ông đang viết cho chính mình:
Trong bóng tối bùa mê, anh ấy tự làm ma
Tự thiêu cái bóng mình giữa thanh thiên bạch nhật
Thân xác ngỡ còn mà biến mất:
Đã cháy rồi những ngày tháng bơ vơ
Chàng thủy thủ không tàu, không biển
Túi không tiền, đầu không ý nghĩ
Ngủ lang với một sợi tóc rụng của đàn bà
Đã cháy rồi những hào quang huyễn hoặc
Những năm tháng làm vua mà không có triều đình
Đã cháy rồi những vướng bận linh tinh
Những xuẩn ngốc, tham lam cùng dối trá
Những thân thể lưu manh mặc áo trịnh trọng
Những phản bội ngọt ngào đòi được mang ơn
Đã cháy rồi những trống rỗng đầy ắp
Với rượu với bia và trăm thứ bà rằn
Không cô đơn ồn ào không chỗ nấp
Những con đường nhựa bị rải đinh 5 phân
Đã cháy cả rồi những thành công đích thực
Những ân nghĩa của dân và của lính
Thành công nào cũng chỉ là quá khứ mà thôi
Anh tự thiêu cái bóng và gia tài của mình
Tất cả đều cháy tàn cháy rụi
Từ đám tang trở về, tôi quay trở lại
Thấy một trái tim không cháy
Những trang giấy không cháy
Và những giọt nước mắt đàn bà hóa ngọc giữa tàn tro…
Cách đây mười lăm năm (năm 2002), với cái nhìn tiên tri của một nhà thơ từng trải nghiệm chiến tranh, Phạm Tiến Duật trong bài viết “Đất nước và trang văn” đã nêu vấn đề độc lập tự chủ và chủ quyền quốc gia như sau: “Nghĩ rằng đất nước yên hàn rồi là một ý nghĩ thiển cận. Vào đầu thế kỷ XXI này, vấn đề quốc gia và chủ quyền quốc gia lại nổi lên thành một vấn đề lớn. Lớn đến mức chưa bao giờ lớn đến thế.
Những thế kỷ trước, chỉ khi gót giày của quân xâm lăng xéo lên giang sơn thì Tổ quốc mới lâm nguy. Nay thì chưa cần đến thế. Đội quân xâm lăng chưa thấy hiện ra mà xem chừng nhiều quốc gia đã mất chủ quyền. Xâm lược từ xa là nét mới của thế kỷ XXI. Thế thì chủ đề độc lập tự chủ, chủ đề đất nước đâu có thể coi là của thời kỳ kháng chiến.
Một trong những lý do thành công của trùng điệp các thế hệ nhà văn Việt Nam là nhiệt độ của lòng yêu nước đã làm nên sự nồng nàn trên mỗi trang văn”. Giờ thì cố nhà thơ Phạm Tiến Duật đã ở cách chúng ta cả một thế giới, nhưng những nhận định trên của ông cho ta thấy tâm thế của một nhà thơ yêu nước vẫn tỏa sáng mãi, nhất là trong những tháng năm nhiều biến động này.