Nhạc sỹ Hoàng Sông Thương:

Người có nhiều duyên nợ với ngành Công an

Thứ Bảy, 12/03/2016, 08:10
Khi buồn cũng như vui, tôi thường đến “Nghệ sĩ quán” và lần nào cũng vậy, tôi bắt gặp một dáng người thư sinh với chiếc mũ nồi cũ kĩ từ hồi nảo hồi nào không bao giờ rời khỏi đầu, thấp thoáng dưới tàng cây. Ông vừa tỉa tót cành vừa hồn nhiên hát, thường là những bài hát xưa. Và lần này cũng thế, tôi đã đến đứng sau lưng một lúc mà ông không biết, vì ông đang tỉa cây và mải mê hát:


Có những vì sao thức đêm dài không ngủ
Là trận tuyến của ánh sáng đêm dài vô tận
Nơi anh đi là chiến trường dài không có ngày đình chiến
Mà anh thức thâu đêm cho tình người…ơ..hơ…hơ…ơ.

Đợi ông hát xong bài, tôi đập nhẹ lên vai hù ông. Ông quay lại nở một nụ cười rất hồn hậu, trẻ thơ. Ông khoe: “Biết bài hát gì không? “Có những vì sao” -  đoạt giải C của Bộ Công an năm 2010 đó”. Ngừng một lúc ông lại nói tiếp: “Hình như có duyên nợ nên mình viết khá nhiều bài hát ca ngợi người chiến sỹ Công an như bài: “Người chiến sĩ Công an”; “Những chiến công thầm lặng”; “Người chiến sĩ Công an thành phố”; “Nhà nghỉ Hoa Hồng”; “Bài ca Công an xã”…

Nhưng bài “Có những vì sao” là tôi tâm đắc nhất”. “Vì sao?”. “Vì: “Nơi anh đi là chiến trường dài, không có ngày đình chiến”. Bộ đội ngày xưa chiến đấu với quân thù có lúc còn có ngày đình chiến nhưng với các chiến sĩ Công an nhân dân thì không bao giờ có ngày đình chiến. Đó là cuộc chiến đầy gian lao vất vả giữa thời bình”.

Bên những chậu cây cảnh, ngắm bức tượng của ông do một nhà điêu khắc nổi tiếng vì ái mộ ông mà tạc tặng. Bức tượng chân dung đã trở thành câu nói đùa cửa miệng trong giới văn nghệ. Rằng “Trên đời này, tạc tượng Hoàng Sông Hương là dễ nhất, chỉ cần hai tát một đập”.

Hoàng Sông Hương là một nhạc sĩ đa tài, tài hoa nhưng có một nếp sống hiền hòa, giản dị, có sức chịu đựng và một đức tính khiêm nhường dễ mến. Dẫu ông là bậc cha chú, nhưng mỗi lần gặp ông tôi lại thường tếu táo: “Xin chào nhạc sĩ - Con đò sông nước miền Trung”. Nghe vậy, ông thường đáp lại: “Xin chào nhà văn tài sắc vẹn toàn miền đất… nóng”. Và mỗi lúc xa Đồng Hới, xa Sơn Đoòng, xa Phong Nha – Kẻ Bàng, nhớ quê, tôi lại tìm nghe những bài hát của ông như là một sự trở về.

Ông sinh ra và lớn lên ở Đồng Hới- Quảng Bình, miền đất bão giông mà anh dũng đã bao lần trong lịch sử dân tộc, vừa là tiền tuyến, vừa là hậu phương. Và có lẽ trong 10 năm (từ 1960 đến 1970) Quảng Bình cũng là địa bàn “hậu phương” ác liệt nhất của cuộc chiến tranh chống My, cứu nước. 10 năm đó, Hoàng Sông Hương bám trụ với quê hương và là một nhạc công violon của Đoàn Văn công Quảng Bình. Dù năm 1968 ông được cử đi học tại Khoa Lý luận- Sáng tác của Nhạc viện Hà Nội nhưng ông vẫn thường xuyên, đi lại, bám trụ và sáng tác trên mảnh đất quê hương gian lao mà anh dũng.

Tốt nghiệp Nhạc viện (năm 1972), ông lại trở về Đoàn Ca múa Bình Trị Thiên rồi làm cán bộ của Trung tâm Văn hóa Thông tin Quảng Bình, tham gia giảng dạy âm nhạc và trang trí mỹ thuật sân khấu cho đến khi nghỉ hưu về sinh hoạt tại Hội sinh vật cảnh và giữ chức vụ Chủ tịch Hội suốt 15 năm. Năm nay bước sang tuổi 75, ông giữ chân “chạy bàn” ở quán cà phê “Nghệ sĩ quán” bên hồ thành cổ Đồng Hới do vợ ông mở. Quán cũng là nơi để ông thỏa niềm đam mê chơi, chăm sóc cây cảnh, giao du với bạn bè sáng tác văn chương nhạc họa.

Ông đã thuộc về thế hệ nhạc sỹ lớp trước, nên cho dù hiện nay giới trẻ đang ầm ào đua theo với dòng âm nhạc thuần về giải trí và có không ít nhạc sỹ cũng bị cuốn theo dòng chảy tất bật, hối hả ấy đã chuyển hướng sáng tác, thì với Hoàng Sông Hương, ông vẫn lặng lẽ, nhu mì và an nhiên như dòng sông mang tên ông, cứ âm thầm đài tải những niềm vui nỗi buồn, những tâm sự rất đời thường giản dị. Vì lẽ đó cho nên những giai điệu của Hoàng Sông Hương thường man mác buồn, sâu lắng nhưng không hề bi lụy. Nó dìu dắt con người lạc vào một cõi không gian và thời gian như chỉ có đối diện với chính mình.

Ông nói: “Tôi luôn cảm thấy mình là người mắc nợ quê hương, do vậy những ca khúc của tôi luôn viết về quê hương với một tình cảm hết sức thương mến”. Hình ảnh quê hương miền Trung hiện lên trong các tác phẩm âm nhạc của ông thật đơn sơ gần gũi nhưng cũng vô cùng đẹp đẽ. Trong đó phải kể đến các ca khúc rất quen thuộc với khán giả Việt Nam như: “Tình ta biển bạc đồng xanh”; “Nhật Lệ trăng huyền thoại”; “Tâm tình với sông Gianh”; “Chuyện tình Phong Nha”; “Nhịp cầu chờ mong”; “Hà Nội Huế trong ta”; “Thắng cảnh quê em”; “Bài thơ thôn Vỹ”; “Thành phố bình minh”; “Nàng tiên Mỹ Cảnh” … Và nhiều ca khúc mang âm hưởng giọng hò điệu lý miền Trung cũng được nhiều người biết đến.

Từ năm 1972 khi mới tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội ông đã đoạt giải B trong một cuộc thi do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động, với bài hát “Tiếng hát đò đưa” và sau đó là một loạt giải thưởng khác như: Giải B của Bộ Nông nghiệp, năm 1976 cho bài “Tình ta biển bạc đồng xanh”; Giải A Bông Sen Trắng năm 1989 cho bài hát “Thành Huế chúng mình thương”; Giải C Hội Liên hiệp Nghệ thuật Việt Nam năm 1992 cho bài hát “Phố biển tình anh”; Giải B thành phố Huế năm 1992 cho bài hát “Nhớ Ngự Bình”; Giải C Bộ Nông nghiệp, năm 1994 cho bài hát “Tình người hương lúa”; Giải B Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 1995 cho bài hát “Tiếng dạ tiếng thương”; Giải A Lưu Trọng Lư năm 1995 cho bài hát “Nhật Lệ trăng huyền thoại”; Giải A Lưu Trọng Lư năm 2000 cho bài hát “Giọng hò quê hương” và một số giải thưởng khác.

Ngày 22 tháng 4 năm 2009, phái đoàn Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh do ông Howard Limbirt dẫn đầu đã công bố việc phát hiện hang Sơn Đoòng của ông Hồ Khanh và cho rằng quy mô của hang Sơn Đoòng quả thực là lớn nhất thế giới. Thì đến năm 2015, nhạc sĩ Hoàng Sông Hương đã cho ra đời ca khúc “Sơn Đoòng hoang ca”, gây được tiếng vang lớn khi mà tất cả mọi người trong nước và thế giới đang hướng đến hang Sơn Đoòng với một niềm háo hức khám phá, chiêm ngưỡng.

Tiếp sau đó ông lại cho ra đời 3 album ca nhạc: “Non nuớc Quảng Bình”; “Phố biển tình anh”; “Sóng nước miền Trung”. Đó là một sự nỗ lực rất lớn trong sáng tạo nghệ thuật của một nhạc sỹ già. Hoàng Sông Hương đã âm thầm miệt mài như con tằm rút ruột nhả tơ để dâng trọn cho người cho cuộc đời này những gì tinh túy nhất.

Không chỉ sáng tác nhạc, nhạc sỹ Hoàng Sông Hương còn được biết đến là một nhạc sỹ đa tài, khéo tay. Ông đam mê các loại hình âm nhạc dân tộc như: Tuồng, Chèo, cải lương, chầu văn, ca Huế, và biết chơi cả nhạc cụ Tây phương lẫn nhạc cụ dân tộc. Ông còn được biết đến là người phục chế đàn danh tiếng trong cả nước, từng tự đóng riêng cho mình một cây đàn violon, tự mày mò học đánh đàn trên cây đàn mình tự chế khi còn trẻ. Sau này khi đã trở thành nhạc sĩ công tác tại Đoàn Ca múa nhạc Bình Trị Thiên, ông đã đóng một số lượng lớn đàn guitar, đàn bầu, đàn nguyệt... Ông còn phục chế được cả đàn tam thập lục, đàn piano…

Ngoài ra, ông còn có công phát hiện và đào tạo nhiều ca sĩ như Quang Linh, Lan Hương…Và ngay chính trong gia đình mình, ông đã truyền đến cho hai cô con gái, hai ca sĩ nổi tiếng Mỹ Lệ và Hương Giang có được nguồn vi lượng lớn từ âm nhạc. Từ sâu thẳm đáy lòng của một người làm cha, của một nghệ sĩ đích thực, ông rất tự hào về các cô con gái của mình nhưng chẳng mấy khi Hoàng Sông Hương nhắc đến sự thành danh đó bởi ông không phải là người của đám đông công chúng ồn ào.

Hoàng Sông Hương là cái tên ít xuất hiện trên báo chí, hay các trang mạng xã hội. Ông cũng ít khi tự nói về mình mà người ta chỉ thường hay bắt gặp ông lang thang cả ngày trên cánh đồng, khi thì ở một dòng sông nào đấy, có khi lại ở những sườn đồi… để tìm một ý nhạc. Nhiều lúc ông đã khiến cho vợ con cảm thấy tủi thân và trách ông vô tư vô tâm không để ý đến xem cuộc sống của vợ con đang xoay trở thế nào giữa cuộc đời đầy bon chen lo lắng.

Nhưng trách là trách vậy chứ gia đình vẫn biết rằng sáng tạo nghệ thuật là một thứ sáng tạo khắc nghiệt và đôi khi cũng phải chấp nhận số phận. Do đó vẫn có một dòng chảy liền mạch trong gia đình nghệ thuật này. Vợ ông là một dược sĩ, trước kia có giọng hát đẹp, nhan sắc nức tiếng Bình Trị Thiên nhưng bà đã lặng lẽ hy sinh, chấp nhận làm cái bóng cho chồng cho con trở thành những nghệ sĩ nổi tiếng.

Chia tay, nhạc sĩ Hoàng Sông Hương run run kí tặng tôi đĩa nhạc mới nhất của ông có tên “Phố biển tình anh”. Tôi nhìn sâu vào trong khóe mắt lão nhạc sỹ quá tuổi thất thập thấy thấp thoáng những giọt nhạc trầm buồn, long lanh xen lẫn cả những niềm vui thầm lặng. Thế đó, đời của một nghệ sĩ đích thực hạnh phúc nhất là khi được sống trong lòng nhân dân, trong lòng những người yêu âm nhạc và những tác phẩm của mình không phải chỉ có thuộc về mình mà còn thuộc về người - Những con người luôn mong muốn đi tìm những giai điệu đẹp để hiến tặng cho đời. 

Trác Diễm
.
.