Nghệ sĩ Tự Huy: “Người cầu may” không gặp may
Người có tài, có trí, lại nỗ lực, miệt mài, cộng thêm cơ may, có “quý nhân phù trợ” thường thành đạt, có sự nghiệp đáng kể, được nhiều người biết đến. Nhưng cũng không ít người có đủ tài, đức, trí, làm việc cũng hăng say, vậy mà rút cuộc vẫn bị chìm bên cạnh những người khác có khi còn thua kém họ về mọi mặt. Không hẳn những người này ai cũng bị “dìm” do thói đố kỵ, tiểu nhân thường tình. Quả là khó giải thích. Người nghệ sỹ nói đến trong bài viết này thuộc trường hợp như vậy.
Ông là Tự Huy (1940 - 2015), nguyên là diễn viên, đạo diễn của Xưởng Phim truyện Hà Nội (nay là Hãng Phim truyện Việt Nam). Về xuất thân, Tự Huy là hậu duệ trực hệ của Nguyễn Siêu - một danh nhân của đất nước ta, quê ở làng Lủ, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ông học lớp diễn viên điện ảnh khóa 1 cùng những tên tuổi gạo cội như Trần Phương, Quang Thái, Lâm Tới, Trà Giang, Tuệ Minh…
Thời trẻ, ông tham gia đóng vai phụ trong một số phim như “Chung một dòng sông”, “Chị Tư Hậu”… Là đạo diễn không ít phim: “Ngày về”, “Người cầu may”, “Vua Minh Mạng”, “Núi tương tư”… Ngoài ra còn viết nhiều kịch bản điện ảnh.
Nghệ sĩ Tự Huy (bên phải) khi còn trẻ. |
Năm 1963, tôi học lớp 10 phổ thông (hệ 10 năm) ở Trường Chu Văn An (Hà Nội), có chân trong đội kịch của trường. Hồi đó, tôi được thầy giáo dạy môn văn trao nhiệm vụ chuyển những trích đoạn học trong chương trình thành kịch để đưa lên sân khấu nhằm minh họa cho các bài học. Nhưng phải có người dàn dựng. Thầy phụ trách văn nghệ đã mời một vài người ở Đoàn kịch Thành đoàn, rồi Kịch nói Hà Nội đến giúp việc này. Nhưng chúng tôi đều không khoái do cách đạo diễn của họ không khiến chúng tôi tâm phục, khẩu phục. Thế là phải tìm người khác.
Tối hôm ấy, trong một buổi tập theo lịch, tôi thấy một anh còn rất trẻ, chỉ hơn tôi chừng 6 -7 tuổi, trông rất quen, được thầy đưa đến và giới thiệu là Tự Huy - diễn viên điện ảnh, công tác ở Xưởng Phim truyện Hà Nội. Tôi nhớ ra anh sắm một vai phụ là người lính ngụy có tên Tám Tân trong phim “Chị Tư Hậu" đang chiếu ở khắp các rạp chiếu bóng tại Hà Nội khi đó.
Sở dĩ tôi nhớ được nhân vật lính ngụy này tuy chỉ xuất hiện chưa đến 1 phút trên màn ảnh vì người diễn viên vào vai đã khiến tôi khá ấn tượng với bộ râu con kiến, đôi mắt hấp háy. Anh lính ngụy này tốt bụng, đã cho chị Tư Hậu và đồng đội đi qua trạm gác của mình. Thế là tôi có cảm tình luôn với Tự Huy và rất tin là anh sẽ đạo diễn tốt cho chúng tôi vào các vai kịch.
Quả như vậy, anh phân tích “kịch bản” (của tôi) rất sâu sắc và đặc biệt là thị phạm – tức diễn mẫu cho chúng tôi bắt chước – rất hay. Phải nói là đứa nào trong đội kịch nhà trường cũng há hốc mồm theo dõi. Chúng tôi đã rất hào hứng tập theo hướng dẫn của anh và thấy buổi tập trôi đi quá nhanh.
Sau đó, tôi xem rất nhiều phim Việt Nam nhưng không thấy Tự Huy vào vai chính nào. Tất cả đều là vai phụ, lại xuất hiện rất ngắn ngủi, không đủ để khán giả nhập tâm. Hết lớp 10, tôi vào học Đại học Tổng hợp, ngành Văn (nay là trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn). Học ở nơi sơ tán trên Thái Nguyên suốt 4 năm, tôi rất nhớ người diễn viên chỉ đóng những vai phụ trên màn ảnh khiến mình ngưỡng mộ và yêu quý.
Cũng từ anh mà tôi trở nên đam mê thêm cả sân khấu bên cạnh tình yêu âm nhạc vốn có từ nhỏ (Tự Huy còn vào vai người dẫn chuyện rất hay trong vở kịch nói “Trung phong chết lúc rạng đômg” do Đoàn kịch Điện ảnh đang diễn ở Nhà hát Lớn khi đó).
Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi tìm đến chơi với Tự Huy tại nhà riêng của anh ở phố Nguyễn Siêu – chính là tên danh nhân lớn mà anh là hậu duệ như đã nói. Anh nhận ra tôi ngay với câu nói rất hóm: “Ô! Chào lý trưởng xã Ngũ Vọng. Gió nào đưa ngài tới đây? Đến một mình hay cùng với bà Phó Bính, con mẹ Phô Gái?". (Những nhân vật của Nguyễn Công Hoan trong truyện “Tinh thần thể dục”).
Sau hơn 4 năm, anh vẫn còn nhớ chúng tôi đóng kịch như vừa mới hôm qua. Vợ chồng anh ở tầng 2 ngôi nhà tuy không chật hẹp nhưng xuềnh xoàng, sàn gỗ đã cũ, các kẽ ghép đã hở huếch hoác, có thể nhìn được xuống nhà dưới nếu ghé sát mắt. “Bà xã” của anh khi ấy là Đoàn Lê - sau này là một nữ văn sỹ có danh. Khi đó Đoàn Lê đã có bài thơ “Bói hoa” khá nổi tiếng được nhiều cô gái thích thú. Chị cũng học khóa diễn viên điện ảnh khóa 1 nhưng lại trở thành họa sỹ thiết kế mỹ thuật ở Xưởng phim chứ không làm diễn viên mặc dù cả tài lẫn sắc không hề kém cạnh (lại là cái… số!).
Tự Huy tiếp cậu tân cử nhân văn chương rất tự nhiên, thân mật, giữ tôi ở lại ăn cơm. Và tôi vô cùng ấn tượng những câu thơ anh làm. Anh uống rượu như các cụ nhâm nhi, xong rít một hơi thuốc lào sòng sọc rồi đọc: “Quê ơi là quê/ Lúc miền đang quê/ Làng tre tóc/ Giọt sương nóc…”.
Nghệ sĩ Tự Huy tại quê nhà những năm cuối đời. |
Anh có cách nói thật lạ. Sao lại “Lúc miền đang quê”? Tre thì được anh quan sát như những sợi tóc. So sánh như vậy đã là rất độc đáo. Nhưng thú vị và cực kỳ ấn tượng hơn là cách anh sắp xếp từ ngữ: “Làng tre tóc” và “giọt sương nóc”. Anh nói đó chính là quê anh ở làng Lủ, cách nơi anh đang sống (phố Nguyễn Siêu) chỉ chừng hơn mười cây số và nói có dịp sẽ đưa tôi về chơi.
Rõ ràng anh có cách nói không giống bất cứ nhà thơ tài ba nào. Không hẳn là bí hiểm, khó hiểu như thơ của nhóm “Xuân thu nhã tập” xưa kiểu như “Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà” (Nguyễn Xuân Sanh). Không hẳn là “làm xiếc” chữ nghĩa một cách cầu kỳ, rối rắm mà thơ của Tự Huy đã gây cho tôi nỗi ám ảnh. Tôi hoàn toàn cảm nhận được những gì anh định nói, định biểu hiện trong mỗi bài thơ. Chỉ có điều tôi không dễ nói lên được bằng lời lẽ thật cụ thể. Hôm đó, người “diễn viên vai phụ” đã đọc cho tôi nghe nhiều bài. Bài nào tôi cũng thích. Tất nhiên không thể trích được nhiều ra đây.
Tiếc rằng hồi đó chưa có dịch vụ copy, chưa có máy vi tính nên tôi không thể xin thơ của anh để mang về nhà đọc. Anh đã giở cuốn sổ bé xíu, giấy nhàu nhĩ, đọc cho tôi những bài anh lưu trong đó. Nhiều bài dập, xóa, chưa được anh chép lại cẩn thận. Học ở Tổng hợp Văn, chúng tôi được tiếp xúc với rất nhiều thơ văn ở trong nước cũng như trên thế giới, lại đi sâu tìm hiểu thơ của nhiều tác giả lớn.
Nhưng tôi vẫn không thể quên thơ của Tự Huy mặc dù cho đến bây giờ khi anh đã về cõi vĩnh hằng, anh không có danh hiệu nhà thơ với cái nghĩa thông thường là có những tập thơ trình làng cho nhiều người đọc hoặc là hội viên Hội Nhà văn. Và chắc chắn không thể có nhiều người biết thơ anh như tôi đã hân hạnh được biết. Mãi tới những năm cuối đời, trước khi Tự Huy mất mấy năm, tôi mới có dịp gặp lại anh khi đã ở tuổi “cổ lai hy”.
Lúc này anh đã yếu nhiều. Gương mặt điển trai, hơi xương xương với đôi mắt sâu, lông mày cong, rậm dài như của phụ nữ ngày trước lúc này lại càng hốc hác. Trông anh có phần tiều tụy do nhiều năm sống cô đơn sau khi “người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ”. Nhưng niềm yêu say thơ thì không kém gì thuở trai trẻ. Anh lại đọc cho tôi nghe những câu làm sau này: “Cây vải sau chùa/ Tôi không ngút lúa/ Không dạo đầu đê/ Mà con tu hú/ Đừng sinh sự gì/ Tôi về…/ Tôi lại đi…”.
Như đã nói, sự nghiệp làm diễn viên chẳng tới được đâu, Tự Huy xắn tay làm đạo diễn. Trong số những phim anh làm cũng có được “Người cầu may” giành giải đạo diễn xuất sắc nhất tại một Liên hoan phim quốc tế tổ chức ở New Delhi. Đó là một giải danh giá, không phải đạo diễn có tên nào ở Việt Nam cũng đạt được. Hồi đó, bạn bè đồng nghiệp đều gọi anh là “Người cầu may” thay vì Tự Huy (giống như gọi Trà Giang là chị Tư Hậu, gọi Trịnh Thịnh là ông Củng..).
Vậy mà mỗi khi nhắc đến các đạo diễn điện ảnh Việt Nam, người ta thậm chí đã nhắc đến cả những người chỉ làm một, hai phim rất xoàng, chẳng ai để ý, nhưng đã không đả động gì đến Tự Huy, cứ như anh chưa bao giờ là đạo diễn. Anh cũng là tác giả của hàng chục kịch bản mà tôi được đọc một, hai cái trong đó thấy hay, nhưng đã chẳng có cái nào trở thành phim. Và công chúng cũng chẳng thể biết được anh là một nhà biên kịch.
Hẳn là người ngoài cuộc sẽ nghĩ chắc tự Huy bị vô hiệu, chèn ép nên không phát huy được tác dụng. Cũng không hẳn thế. Ai có dịp chơi, thưởng thức những gì Tự Huy sản xuất ra (thơ, kịch bản, phim do anh đạo diễn), lại có “gu”, công tâm và khách quan sẽ thấy anh thực sự có tài, đích thực và phong phú. Nhưng Tự Huy đã chìm nghỉm giữa một đội ngũ nghệ sỹ hùng hậu nước nhà mà không phải ai cũng xứng với sự nổi danh của họ. Âu cũng là … cái số của Tự Huy - cái số của “người cầu may” mà chẳng hề may mắn!