Nghệ sĩ Tự Huy: “Người cầu may” không gặp may?

Thứ Sáu, 12/12/2008, 17:00
Tôi còn nhớ năm 1981, khi vừa lớ ngớ bước chân về số 4 Thụy Khuê để nhận công tác, người mỉm cười thân mật và bắt tay tôi đầu tiên chính là diễn viên kiêm đạo diễn Tự Huy. Rồi chẳng cần biết tôi có thích hay không, anh lôi tôi xềnh xệch ra bãi cỏ ven Hồ Tây và yêu cầu chụp chung một kiểu ảnh để làm kỷ niệm.

May sao, tôi vẫn còn giữ được tấm ảnh này, đằng sau tấm ảnh còn nguyên dòng chữ nghịch ngợm: "Hai kẻ dở hơi ở Hãng phim truyện". Còn nhớ khi cầm tấm ảnh đen trắng đó trên tay, nghệ sĩ Tự Huy khẽ lắc đầu và pha chút thở dài: "Nom mày già hơn cả tao! Làm thơ khổ thế đấy em ạ!".

Người khác mà nói làm thơ là khổ, thì tôi cho là họ điệu đàng và phách lối - nhưng sao lúc ấy nghe anh nói như vậy, tôi bỗng tin ngay lời anh. Rồi mấy phút sau còn được anh - không phải "đọc thơ" mà là "quát thơ" vào tai tôi trong một quán rượu tồi tàn ở chợ Châu Long. Bài thơ do chính anh sáng tác có cái tên là "Óng ánh tuổi thơ":

Tiếc quá! Những giọt mưa quê

Mát ròng lòng tay bé

Đường quanh chiều vẫn thế

Còn tôi!

Thôi! Nhắc làm chi nữa

Về nỗi con nhện nước giăng tơ

Óng ánh mãi quãng cầu ao

Mười ba năm cũ…

Chẳng bao lâu sau, tôi được biết anh chính là con cháu rất gần gũi của cụ Phương Đình - Nguyễn Văn Siêu. Như chúng ta đã biết, Nguyễn Văn Siêu (1795 - 1872), tự Tố Ban, hiệu Phương Đình, còn có hiệu là Thọ Xương cư sĩ. Người làng Kim Lũ (Lủ) huyện Thanh Trì. Sau chuyển ra phường Dũng Thọ, huyện Thọ Xương, nay là phố Ngõ Gạch, quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.

Gia phả dòng họ còn ghi rõ Phương Đình là người đọc nhiều, hiểu rộng, uyên bác nhiều mặt. Ngoài văn thơ, ông còn thông tỏ địa lý, kiến trúc, xây dựng và triết học. Cũng chính ông đã từng góp công xây dựng nên quần thể danh lam đền Ngọc Sơn và cầu Thê Húc bên Hồ Hoàn Kiếm.

Còn lại dáng hình lung linh và trầm mặc cho đến tận ngày hôm nay. Thảo nào mà anh trân trọng và quý mến những người cầm bút đến thế! Và sự không may đầu tiên đến với anh, cũng chính bởi anh đã không chịu cầm bút nối dõi tiền nhân, mà lại hiên ngang nhảy sang lãnh vực diễn xuất, mặc dù bộ dạng của anh nom nhỏ thó.

Tự Huy thuộc lớp diễn viên thế hệ thứ nhất của Điện ảnh Việt Nam. Anh đã có mặt trong một loạt các bộ phim nổi tiếng như: "Chung một dòng sông", "Vườn cam", "Lửa trung tuyến", "Chị Tư Hậu", "Lá cờ chuẩn", "Mùa than", "Không nơi ẩn nấp", "Độ dốc", "Quê nhà", "Đàn chim trở về", "Khói trắng", "Chom và Sa", "Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn"…

Nhưng tôi đố ai nhớ được là anh đã đóng những vai gì ở trong những bộ phim đó. Quả là với vai trò của người diễn viên, anh đã bị chìm nghỉm giữa những khuôn mặt khả ái cùng thời với anh như: Phi Nga, Trà Giang, Đức Hoàn, Ngọc Lan, Lâm Tới, Trần Phương, Hồ Thái, Anh Thái… Tự Huy nhận ra hình thể của mình không được hoành tráng như Lâm Tới hay Trần Phương có phần hơi bị muộn, bởi thế mãi tới năm 1977.

Anh mới dứt khoát chuyển sang làm công việc đạo diễn. Có thể nhắc tới một số bộ phim mà anh đã từng dàn dựng như: "Ngày về", "Hải Phòng thành phố tôi yêu", "Vua Minh Mạng", "Sức sống Nam Cao", "Truy lùng băng quỷ gió", "Người cầu may", "Đưa em về sông Đuống", "Luyện võ đánh ma"…

Nhưng đến đây, lại một lần nữa anh không gặp may. Mặc dù bộ phim "Người cầu may" của anh đã giành được giải đạo diễn xuất sắc trong Liên hoan phim Quốc tế New Dhi. Bạn bè và đồng nghiệp chia vui với anh bằng cách thay cái tên Tự Huy bằng cái tên "Người cầu may".

Và Tự Huy ở cương vị đạo diễn cũng chỉ dừng lại với thành tích "Người cầu may" và không tiến hơn được nữa? Hình như nghe anh nói và triết luận về một bộ phim nào đó anh sẽ làm, lại hay hơn là anh đã làm ra nó! Cái chất Đời và chất Trí Tuệ trong con người của anh, chả hiểu tại sao lại không hiện hình đầy đủ ra hết trên màn ảnh?

Với một cảm quan nhạy bén và thôi thúc tự nhiên - anh đã phấn chấn cầm lấy cây bút để viết hàng chục kịch bản điện ảnh. Nhưng lại một lần nữa anh không… gặp may! Bằng chứng là anh chưa có một kịch bản nào được đưa lên màn ảnh cả? Trong khi đó thì nữ văn sĩ kiêm nhà biên kịch Đoàn Lê, người bạn đời "một thời chung bóng" cùng anh lại liên tục cho ra đời những kịch bản và liên tục được dựng thành phim!

Còn nhớ có một đêm đã rất khuya, tôi phóng xe về làng Kim Lũ huyện Thanh Trì để gặp anh. Căn nhà anh sống và làm việc nằm trong một khu vườn, ngay bên cạnh ngôi đền thờ của cụ Nguyễn Văn Siêu.

Tôi đến để đưa kịch bản "Đoạn trường chiêm bao" viết về thân thế và sự nghiệp của thi hào Nguyễn Du để cho anh đọc thử. Đọc xong, anh nằm bất động như một xác chết trên nền nhà, rồi thều thào nói với tôi: "Được đấy! Anh thấy đầy đủ lắm rồi, em còn định viết thêm cái gì nữa?". --PageBreak--

Tôi hoảng hốt vội thưa ngay với anh rằng đây chưa phải là kịch bản hoàn chỉnh, tôi sẽ còn phải gia cố thêm nhiều lắm! Nhưng anh vẫn cứ khăng khăng không chịu nghe, anh nói chỉ cần ngần ấy trang là anh có thể làm thành một bộ phim rất hay về Nguyễn Du rồi.

Thấy tôi im lặng quá lâu, anh lại thì thào rất thật lòng: "Nếu không được làm đạo diễn, thì để cho anh đóng vai Nguyễn Du cũng được! Anh tự thấy mình rất hợp với vai này!". Tôi cậy thế được anh yêu quý, lừ lừ mắt nhìn anh và dọa: "Anh đóng thế nào được vai Nguyễn Du mà đóng! Nếu có đóng thì chỉ đóng vai ông già ăn mày đi quanh thành Thăng Long sẽ hợp với anh hơn!".

Tưởng rằng anh tự ái, ai dè anh lại cười rõ tươi: "Thế em nghĩ Nguyễn Du là ai, là ai? Cũng là một người hát xẩm, một người hành khất trên đường đời này thôi em ạ!". Rồi anh vùng dậy, hùng hổ đi quanh nhà, vừa đi vừa "quát" những câu thơ trong bài "Văn tế thập loại chúng sinh" của Nguyễn Du vào giữa cái không gian yên lặng của làng quê đang ngủ say. Anh vừa "quát" thơ một cách hào sảng vừa lấy tay tự đấm vào ngực mình bôm bốp:

Kìa những kẻ nằm cầu gối đất,

Dõi tháng ngày hành khất ngược xuôi

Thương thay cũng một kiếp người

Sống nhờ hàng xứ, chết vùi

đường quan…

Nghệ sĩ Tự Huy "quát" xong nửa bài Văn tế - thì ngồi bệt xuống đất - lấy hai tay ôm mặt khóc. Biết có dỗ anh cũng chả chịu nín cho, có khi lại còn khóc to hơn, nên tôi đành ngồi im lặng bên anh, hút thuốc lào đợi tiếng gà báo sáng…

Còn bây giờ đây, tôi đang ngồi bên bàn viết và cố gắng hoàn tất nốt những dòng cuối cùng của kịch bản "Đoạn trường chiêm bao".

Vậy thì anh Tự Huy ơi, giờ này anh đang làm gì và anh là ai nhỉ? Anh là diễn viên, anh là đạo diễn hay là nhà biên kịch? Đã rất nhiều lần nhớ tới anh với một tình cảm mến thương vô hạn , cái câu hỏi có vẻ lẩn thẩn này lại vang lên bên tai tôi.

Thật ra câu trả lời đã lờ mờ hiện ra trong tôi cách đây 27 năm, khi anh bắt tay tôi cùng với một tiếng thở dài: "Làm thơ khổ thế đấy em ạ!". Khổ thế đấy nhưng anh vẫn cứ làm và làm cứ như không, bởi thế anh mới đặt tên cho bài thơ của mình là "Không đề":

Nỗi gian nan nào tôi mang trên vai?

Giọt nắng mưa nào đầu tôi sớm bạc?

Tôi là kẻ ra đi một mình.

Niềm tin của tôi nối theo bất hạnh

Bất hạnh của tôi nối theo cuộc đời

Cuộc đời của tôi nối theo tiếng cười

Tiếng cười là thứ tôi sớm biết

Tiếng cười thực đặc biệt!

Nào có ra gì khi tôi lại thương tôi

Chẳng cái quái chi có tên mà gọi

Ao ước bấy lâu ta thường nói

Quá giản đơn mà quá xa vời

Như bát cơm đầy, quyển sách,

tình thương.

Bao việc ta làm ôi quan trọng!

Đã dậy tôi yêu, dậy tôi bổn phận

Ấy là người mẹ quê sao vẫn đói cùng rét

Cái gánh còng lưng, cái mớ nhục nhằn

Và mẹ thở dài với bao vầng trăng!

Còn nói gì đến người bạn gái quê

Cánh cò nào bay chẳng dài như thế…

Cuối cùng thì nghệ sĩ Tự Huy cũng đã hiện ra trong trái tim tôi với vóc dáng trọn vẹn của một nhà thơ đích thực! Có lẽ chính anh cũng chẳng còn nhớ được những bài thơ mà anh đã chép tặng cho tôi ngày nào. Song những câu thơ ấy, lúc này hay lúc khác vẫn âm âm vang vang và văng vẳng bên tai tôi với một sức ám ảnh lạ kỳ:

Cây vải sau chùa.

Tôi không ngứt lúa

Không dạo đầu đê

Mà con tu hú

Đừng sinh sự gì

Tôi về…

Tôi lại đi!

Anh lại định đi đâu nữa? Anh đi làm diễn viên, anh đi làm đạo diễn hay anh đi làm nhà biên kịch? Theo tôi anh chẳng phải đi đâu cả - hãy đi vào chính tâm hồn trong trẻo của mình - một tâm hồn thi sĩ mà không hề hay biết mình là thi sĩ.

Tôi tin tưởng một cách chắc chắn, khi đó "Người cầu may" sẽ nhất định gặp may! Mặc dù chúng ta đều biết rằng: "Làm thơ khổ thế đấy em ạ!"

Hoàng Nhuận Cầm
.
.