NSƯT Khúc Hà Linh: Cho mùa xuân ngọt ngào hoa trái

Thứ Bảy, 29/02/2020, 08:26
Hiếm ai được như soạn giả, NSƯT Khúc Hà Linh, bởi dù hoạt động sôi nổi trên hầu hết các lĩnh vực âm nhạc, văn học, sân khấu, báo chí, truyền hình... nhưng bất cứ bộ môn nào ông cũng để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng cho thấy một thái độ làm việc nghiêm túc, chỉn chu, một tấm lòng tha thiết, nhiệt huyết với quê hương, đất nước.


Bám rễ vào mạch nguồn quê hương

Mùa xuân này, 15 bài hát văn soạn lời mới ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại cũng như mừng đất nước bước vào mùa xuân mới của ông được Đài Tiếng nói Việt Nam tuyển chọn và giới thiệu trong 2 album (Vol1 và Vol2) mang tên “Ngọt ngào hoa trái”. NSUT Khúc Hà Linh là người con xứ Đông. Quê hương ông, làng Thiên (nay thuộc phường Thái Học, thành phố Chí Linh, Hải Dương) ngày xưa đã nổi tiếng có truyền thống hiếu học, khoa bảng, nơi có ba vị Tiến sĩ nho học…

Thuở nhỏ, Khúc Hà Linh đã rất mê xem hát chèo. Những giai điệu, làn điệu “Luyện năm cung”, “Lới lơ”, “Quạt màn”…  cứ bám riết lấy tâm hồn trẻ thơ, để rồi sau này khi trưởng thành, ông quyết định bắt tay vào công việc viết lời mới cho dân ca và chèo. Nhờ kế thừa vốn âm nhạc truyền thống của người xưa cũng như không ngừng làm mới cho phù hợp với đời sống đương đại, ông đã viết hàng trăm tác phẩm, trong đó những bài ca lẻ, những tiểu phẩm, hoạt cảnh, có vở dài biểu diễn tới 90 phút…

Soạn giả, NSƯT Khúc Hà Linh (giữa) trao đổi với các nghệ sĩ khi thể hiện bài hát của mình.

Lý giải tình yêu với văn học nghệ thuật, Khúc Hà Linh cho biết, ông sinh và lớn lên trên mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, nơi sinh thành Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi và cũng là nơi thầy giáo Chu Văn An tìm về ở ẩn. Thân phụ ông là con một nhà nho lỡ vận, từng am tường văn học cổ, nên ông được thừa hưởng những nét đẹp trong truyền thống gia đình, được tiếp xúc với vốn văn hóa nho học uyên thâm, sâu sắc nhưng cũng rất thi vị, tinh tế.

Suốt một đời đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa dân gian một cách say mê, miệt mài, soạn giả Khúc Hà Linh tâm sự: “Mỗi người có một vùng quê, nơi tôi sinh ra là vùng đất thấm đẫm chất nhân văn, đậm nét văn hóa truyền thống, vì thế nó đã khích lệ tôi đi sâu vào những sáng tác mang tính cổ truyền dân tộc.

Bởi văn hóa dân gian là viên ngọc quý, óng ánh, là tài sản vô tận và nếu chúng ta biết cách khai thác sẽ tái hiện lên hình ảnh con người Việt Nam thân thiện, nhân hậu, bao dung; văn hóa nước nhà phong phú, đặc sắc và có truyền thống lâu đời. Đó cũng là cách để chúng ta giới thiệu với bạn bè quốc tế, kể cho đồng bào xa xứ về quê hương, và biết đâu tôi lại bắc những nhịp cầu nối họ về với cội nguồn”.

Năm 1980 có thể coi là dấu mốc trong sự nghiệp sáng tác dân ca chèo của Khúc Hà Linh. Bấy giờ, trên làng quê Bắc bộ đã có những chiếc máy cày cần mẫn làm việc trên cánh đồng trong đêm đông giá buốt cho kịp thời vụ của nông dân. Xúc động trước khung cảnh hối hả, tấp nập đó, ông đã viết bài “Nghĩ về tiếng máy cày đêm” (theo điệu Quân tử vu dịch), rồi gửi về  Phòng Dân ca và nhạc cổ truyền, Đài Tiếng nói Việt Nam.

Bài hát có những ca từ giản dị, rất gần đời sống và giàu chất thơ, chất nhạc: “Anh đến quê em, giữa mùa đang bận/ Nghe tiếng máy reo, ấm cả lòng người/ Đồng quê cũng rộn niềm phấn khởi/ Đường cày anh trải vươn xa mãi, tới tận chân mây đằm thắm ánh trăng ngà”…

 Bài hát ngay lập tức được soạn giả Dân Huyền, khi ấy là Trưởng phòng cho thu âm qua tiếng hát của 2 ca sĩ Như Hoa và Thanh Quý (sau họ đều được phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú). Với “con mắt nghề” tinh tường của mình, soạn giả Dân Huyền đã đánh giá rất cao khả năng của Khúc Hà Linh, đồng thời ra sức động viên để ông tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê.

Được khích lệ, Khúc Hà Linh tiếp tục viết nhiều hơn, say mê hơn. Năm 1996, khi được điều về làm Hiệu trưởng Trường Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Hải Hưng cũ (nay là Hải Dương) ông càng có điều kiện sáng tác nhiều hoạt cảnh chèo, những vở lớn, tiêu biểu như: “Chuyện ven sông”, “Mở đường”, “Về quê”… và đặc biệt là vở chèo dài “Nàng Châu Long” (viết năm 2014) đã được Đài Truyền hình Việt Nam dàn dựng và phát sóng. Những tác phẩm của ông từng đoạt giải thưởng trong các kỳ liên hoan trong khu vực, của Đài Tiếng nói Việt Nam và của Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) tổ chức.

Niềm vui đầu xuân Canh Tý

Trong không khí mùa xuân, soạn giả Khúc Hà Linh chia sẻ niềm vui mới, ấy là vào những ngày giáp Tết Canh Tý này, những bài hát do ông soạn lời được sử dụng rộng rãi, phục vụ cộng đồng đón xuân… Đó là những ca khúc dân ca chèo có nội dung tôn vinh vẻ đẹp của mảnh đất quê hương hiếu học, khoa bảng, nhân nghĩa anh hùng, với sức trẻ tầm nhìn đang hối hả trên con đường hội nhập và phát triển.

Trên dòng sông Sặt, đoạn chảy trong lòng thành phố, hai con thuyền tíu tít ngược xuôi, chở các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Hải Dương biểu diễn trên sông nước. Không gian rực rỡ sắc màu, rộn ràng âm thanh nhạc cổ truyền dân tộc, làm xúc động lòng người. Thành phố Hải Dương bỗng như thêm sống động, rạo rực niềm vui, khi mùa xuân đến gần.

Soạn giả,  NSƯT Khúc Hà Linh và soạn giả Mai Văn Lạng trao đổi bên dự án ra mắt album “Ngọt ngào hoa trái".

Cũng vào dịp đầu xuân Canh Tý này, Đài Tiếng nói Việt Nam đã ấn hành 2 album âm nhạc, mang tên “Ngọt ngào hoa trái” tập hợp những bài hát văn tiêu biểu của ông sáng tác trong mấy chục năm qua, được soạn giả Mai Văn Lạng, Trưởng phòng Dân ca và nhạc cổ truyền, Đài Tiếng nói Việt Nam tuyển chọn và viết lời giới thiệu.

Album có những bài quen thuộc từng được nhiều thế hệ khán, thính giả yêu thích như: “Bác Hồ - Nguyễn Trãi - Côn Sơn”, “Vời vợi trăng thu Kiếp Bạc”, “Đêm xuân hồ Gươm”… Đặc biệt bài “Ngọt ngào hoa trái” được chọn làm tên gọi chung cho album: “Chùm nhót chín như đèn khêu vừa tỏ/ Trỏ lối vào từng ngõ đêm đêm/ Vải Thanh Hà, mùa quả chín quê em/ Ngọt lịm bờ môi, ửng hồng đôi má…" hoặc: “Dưa hấu chứa mặt trời hồng/ Mà sao ngọt mát trong lòng người ơi/ Quả cau lơ lửng giữa trời/ Trái tim nho nhỏ của người yêu thương/ Ngọt ngào hoa trái quê hương/ Đẹp trong câu hát, nẻo đường ta đi”.

Đây cũng là bài hát văn đầu tiên mà soạn giả Khúc Hà Linh viết (năm 2000). Bài hát đã được người học trò ở Khoa Nghệ thuật của Trường Văn hóa Nghệ thuật Hải Dương, vừa đàn và hát để tham gia Liên hoan ca múa nhạc các trường Văn hóa Nghệ thuật toàn quốc (Festival Huế - 2000) - do Bộ Văn hóa Thông tin tổ chức. Tiết mục đã giành Huy chương Bạc chung cuộc.

Không chỉ dừng ở thể loại hát chèo, chầu văn, soạn giả Khúc Hà Linh còn viết thể loại dân ca Bắc Trung Nam và cải lương: Từ ca trù, hát văn, trống quân, sa mạc rồi các điệu lý như: Lý qua cầu, Lý con sáo, Lý cái mơn, Lý tứ đại, Khốc hoàng thiên, Xang sừ líu… Ông sử dụng nhiều làn điệu, có nội dung, chủ đề phong phú, đa dạng.

Ca từ của Khúc Hà Linh được đánh giá là giản dị mà tinh tế, giàu chất trí tuệ mà dân dã, giàu nhạc điệu mà vẫn đậm hồn thơ chất thơ, đẹp vần, đúng vận mà dễ hát, dễ thuộc… Soạn giả Mai Văn Lạng từng nhận xét: “Khi Khúc Hà Linh viết về mùa xuân thì tình xuân, ý xuân chan chứa. Khi viết về tình yêu thì ngọt ngào, say đắm, da diết yêu thương. Khi viết về quê hương thì xúc cảm dào dạt… Là người yêu thơ, biết làm thơ, rồi làm thơ hay nên lời ca trong các bài soạn lời mới của Khúc Hà Linh ý vị, tinh tế đẹp vần, đúng vận”.

Đúng vậy, mùa xuân – mùa đẹp nhất trong năm luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những cây bút thăng hoa, sáng tạo. Và với tinh thần ấy, Khúc Hà Linh đã từng viết bài ca trù “Tình xuân” với ca từ da diết, thánh thót, lay động trái tim người yêu nhạc dân tộc: “Nửa đêm thức giấc nhìn ra/ Ngoài hiên cành táo la đà ngậm sương/ Bốn bề thanh thoát tiếng chuông/ Một mùa xuân đã toả hương bên thềm….".

Có thể nói, “khoác áo mới” cho dân ca và chèo để loại hình âm nhạc truyền thống này mãi trường tồn, lan tỏa là yêu cầu bức thiết hiện nay, thế nhưng, đây là công việc không dễ, đòi hỏi người viết phải có sự đầu tư nghiên cứu kỳ công, tỉ mỉ, nghiêm túc và chuyên sâu.

Thật mừng là trong thời đại mà nhiều dòng nhạc mới, dòng nhạc nước ngoài đang có sự du nhập và phát triển ở nước ta thì vẫn có những soạn giả bằng trách nhiệm và tình yêu nghề nghiệp lớn lao đã lặng lẽ, miệt mài, tâm huyết không ngại khó khăn, vất vả để “khoác” cho dân ca và chèo một “tấm áo” “vừa vặn”, lấp lánh những giá trị nhân văn, cao đẹp. Trong những soạn giả ấy, chắc chắc có cái tên Khúc Hà Linh – một người con xứ Đông vô cùng đáng kính.

Ngô Khiêm
.
.