NSƯT Hồ Thanh Hương: Bâng khuâng chiều cuối năm...

Thứ Sáu, 17/01/2020, 07:43
Tôi ngồi tâm sự với NSƯT Hồ Thanh Hương - người bạn đời của cố nhạc sĩ Thuận Yến - vào một chiều cuối năm. Trong gian bếp ấm cúng, đầy ắp hình ảnh kỷ niệm gia đình từ những ngày tháng 2 vợ chồng bà còn ôm đàn vào chiến trường khu IV cho đến những năm tháng về già, câu chuyện NSƯT Hồ Thanh Hương về chồng, về con như có thể kể mãi không hết...


Nỗi niềm chiều cuối năm

Vậy là đã 5 cái Tết, căn nhà nhỏ nằm trong con ngỏ nhỏ trên đường Đê La Thành đã vắng bóng nhạc sĩ Thuận Yến - người chủ nhân có dáng người gầy gò lỏng khỏng nhưng lại có một trái tim luôn ấm áp, trìu mến.

Nhạc sĩ Thuận Yến mắc căn bệnh mất trí nhớ và có một thời gian phải nằm liệt một chỗ trước khi qua đời. NSƯT Hồ Thanh Hương kể, những ngày cuối đời khó khăn đó, nhạc sĩ không còn nhận ra ai, kể cả con cái, nhưng mỗi lần thấy bóng bà đi lại trong căn phòng nhỏ, ông lại nói một câu quen thuộc: “Em đẹp lắm!”. Đó có lẽ là kỷ niệm ấm áp, cảm động nhất của vợ chồng bà sau nhiều thập kỷ gắn bó cho đến lúc “tử biệt sinh ly”.

Cuộc sống gia đình NSƯT Hồ Thanh Hương cũng như bao gia đình khác, có nhiều lúc buồn vui, thăng trầm. Chỉ có điều, một gia đình chỉ toàn nghệ sĩ như gia đình bà, cũng có nhiều nét khác biệt hơn. Ngày xưa, những ngày áp Tết như thế này, nhiều gia đình tất bật sắm sanh. Nhưng với gia đình bà, cận Tết các thành viên trong gia đình bà đều bận rộn với những chương trình biểu diễn, ghi hình có khi đến tận đêm khuya.

Vợ chồng nhạc sĩ Thuận Yến - Thanh Hương.

Bà Hương kể lại, ngày xưa khi cả nước còn khó khăn thiếu thốn, cái Tết phải được chuẩn bị từ rất sớm thì mới lo đủ thực phẩm cho mấy ngày Tết. Nhưng với gia đình bà, thực ra sự thiếu thốn có ít hơn. Bởi vì nghệ sĩ Thanh Hương từ thời trẻ đã có tiếng là đảm đang tháo vát. Với cây đàn tam thập lục, bà đã sớm biết “tăng gia sản xuất” nhờ tham gia nhiều chương trình biểu diễn ca nhạc, ngâm thơ ở khắp nơi khi có lời mời, nên điều kiện sống, sinh hoạt của gia đình cũng dễ thở hơn.

Tết nào bà cũng chuẩn bị cho con cái một cái Tết tươm tất, đủ đầy. Còn nhạc sĩ Thuận Yến, năm nào cũng nhận nhiệm vụ đi mua một cành đào hoặc một cây quất. Có năm, vì sợ tốn tiền mà ông chỉ dám mua cái cây be bé, xấu xí như lời bà Hương là “Chả đẹp gì cả! Nhưng nghĩ lại vẫn thấy thương!”.

Ngoài ra, mỗi năm nhạc sĩ Thuận Yến đều nhận nhiệm vụ chăm sóc một con gà sống thiến để mổ ăn Tết. Ông năng cho nó ăn và vỗ béo nó đến độ năm nào con gà ấy cũng béo tròn trục, mổ ra đầy những mỡ... Có năm, ông đi công tác cùng với các đơn vị bộ đội đến 28 Tết mới về, khệ nệ mang về một buồng chuối và nửa cân đường để ăn Tết. Thế mà buồng chuối ấy có lẽ bị non, cho nên đến tận qua Tết nó vẫn chả chịu chín, khiến cả nhà cứ nhìn nhau cười...

Năm nào cũng thế, cứ đến mồng 3 Tết là ông lại viết được một bài hát mới. Cả nhà lại ngồi quấn quýt bên nhau, nghe ông hát thử một đoạn. Không khí gia đình ngày Tết vào hôm đó là ấm cúng, sum vầy nhất! Nhắc lại những kỷ niệm ấy, NSƯT Hồ Thanh Hương lại ngậm ngùi. Mấy năm nay Tết vắng bóng ông, nhà cửa quạnh quẽ hơn. Vì thế, bà Hương dành nhiều thời gian đi lễ, đi chùa chiền và tìm niềm vui trong các hoạt động từ thiện ở các ngôi chùa, bệnh viện hay các nghĩa trang liệt sĩ. Bà bảo: “Trẻ vui nhà, già vui chùa.

Cứ đi làm việc thiện là thấy vui và thấy cuộc đời mình nhiều ý nghĩa. Chứ ngồi ở nhà mãi buồn lắm, đi ra đi vào mãi mới hết một ngày. Thanh Lam và Trí Minh thì đi biểu diễn suốt, thỉnh thoảng mới ghé qua nhà thăm mẹ một chốc lại đi. Ông Thuận Yến đi rồi, tôi mới ngấm nỗi buồn của cảnh một người còn ở lại... Mỗi lần đi qua cái bàn trà ông ấy thường ngồi mỗi sáng, lại thấy chạnh buồn...”.

Vẫn còn một nỗi niềm day dứt

Nhạc sĩ Thuận Yến và NSƯT Hồ Thanh Hương vốn là bạn học cùng khóa 2 của Trường Âm nhạc Việt Nam. Năm 1963, khi kết thúc khóa học, cô gái quê Nghệ An Hồ Thanh Hương được giữ lại trường, còn Thuận Yến nhận giấy công tác vào Đoàn Văn công quân giải phóng Trị Thiên - Huế. Vì muốn được ở bên cạnh người yêu, Hồ Thanh Hương đã viết đơn tình nguyện xin đi cùng vào phục vụ chiến trường.

Theo lời kể của nghệ sĩ Thanh Hương, trước đó cấp trên chưa có chủ trương cho văn công nữ đi phục vụ chiến trường, mà ban đầu Đoàn Văn công quân giải phóng Trị Thiên - Huế chỉ có 10 người con trai bao gồm có đồng chí trưởng đoàn là Nguyễn Thế Linh và đồng chí phó đoàn là nhạc sĩ Thuận Yến. Nhưng có một số ý nêu ra rằng: “Văn công mà toàn nam giới thì ai xem!”.

Thế là sau đó, cấp trên mới có chủ trương đồng ý cho nghệ sĩ nữ đi vào vùng “chảo lửa”, Thanh Hương cùng với 5 nữ nghệ sĩ khác đi chiến trường lần ấy là đợt đầu tiên (năm 1964). Đến năm 1968, nhạc sĩ Thuận Yến và nghệ sĩ Thanh Hương mới tổ chức lễ thành hôn. Đó là một đám cưới giản dị mà xúc động ngay giữa chiến trường với một ít lạc rang mua được từ đồng bằng lên và món kẹo rất "đặc biệt" được làm từ cơm rang trộn với sữa.

Nhắc lại chuyện này, bà Hương không giấu được sự bùi ngùi. Cuối năm 1968, nghệ sĩ Thanh Hương bị viêm khớp nặng không đi lại được, nên phải chuyển ra Bắc điều trị. Buổi chiều chia tay ấy là một kỷ niệm thật khó quên với nhạc sĩ Thuận Yến, để sau này khi bắt gặp bài thơ "Chia tay hoàng hôn" của Hoài Vũ, những kỷ niệm về một thời gian khó mà lãng mạn lại sống dậy khiến nhạc sĩ sáng tác nên ca khúc "Chia tay hoàng hôn" được rất nhiều người yêu mến.

Đến nay, Đoàn Văn công quân giải phóng Trị Thiên - Huế chỉ còn lại 4 người.

Nhắc lại những kỷ niệm một thời lửa đạn gắn với tuổi trẻ, với số phận của mình và người bạn đời nghĩa nặng tình sâu, giọng NSƯT Hồ Thanh Hương bỗng chùng lại: “Hồi ấy, trong chiến trường bom đạn liên miên khổ lắm. Mỗi lần đi lấy rau rừng là đã sợ chỉ “có đi mà không có về” rồi. Toàn đơn vị hầu như ai cũng từng trải qua những lần chết hụt, bị quân địch rải chất độc màu da cam.

May thay, nhà tôi cả 2 vợ chồng đều ở chiến trường mà Thanh Lam và Trí Minh đều không bị ảnh hưởng gì, chứ trong đoàn cũng có người thì con bị ảnh hưởng, có người thì đến đời cháu còn bị di chứng của chất độc. Trong đoàn Đoàn Văn công quân giải phóng Trị Thiên - Huế ngày ấy, cũng có 2 nghệ sĩ trẻ đã hi sinh.

Cũng có chiến sĩ, vừa đêm trước tôi biểu diễn trước khi cách anh bước vào trận đánh, còn ân cần tặng tôi một cái hộp xinh xắn làm từ vỏ bom Napan được chạm khắc họa tiết cầu kỳ, đến đêm sau hỏi tên để cảm ơn thì người chiến sĩ ấy đã nằm lại nơi trận tuyến. Nghĩ đến bạn bè, đồng đội và những chiến sĩ đã hi sinh trong những năm tháng ấy, nhiều lúc cảm động và xót xa lắm!”.

Có lẽ, tuổi già cũng khiến một người hay hoài niệm như NSƯT Hồ Thanh Hương rơm rớm nước mắt khi nhắc về những tháng ngày xưa cũ. Bạn bè, đồng đội trong đoàn Đoàn Văn công quân giải phóng Trị Thiên - Huế ngày ấy có 16 người, giờ chỉ còn lại 4 người (3 nữ - 1 nam).

Mỗi năm, NSƯT Hồ Thanh Hương đều cố gắng tổ chức 1-2 lần để bạn bè, đồng đội đến gặp gỡ, ăn với nhau bữa cơm, ôn lại những kỷ niệm thời đi hái rau tàu bay, măng rừng, nghe thấy tiếng bom đạn nổ thì ngã đè lên nhau, che chắn cho nhau. Nghệ sĩ Thanh Hương rơm rớm nước mắt nói: “Đúng là có một thời, bạn bè giành về phía mình sự hiểm nguy, thậm chí là cái chết!

Từ ngày ông Thuận Yến mất, bỗng dưng lòng tôi lúc nào cũng cảm thấy day dứt trăn trở về một việc, đó là không biết làm cách nào để quân đội và nhà nước ta tôn vinh những thành tích xứng đáng cho Đoàn Văn công quân giải phóng Trị Thiên - Huế?

Đó thực sự là một câu hỏi khiến tôi mất ngủ nhiều đêm. Bởi vì, Đoàn Văn công quân giải phóng Trị Thiên - Huế đã có mặt trong chiến trường từ tháng 9-1964, cho đến khi hòa bình lập lại thì mới nhập vào Đoàn Văn Công Quân khu IV, mà đến nay vẫn chưa nhận được sự ghi nhận xứng đáng. Trong năm tháng ấy, đoàn đã vượt qua nhiều gian khổ để có rất nhiều thành tích, thậm chí là mất mát, hi sinh...”.

Câu hỏi đầy day dứt của NSƯT Hồ Thanh Hương cũng khiến tôi cứ canh cánh trong lòng suốt dọc đường về. Mùa xuân năm 2020 này là tròn 45 năm đất nước thống nhất, non sông thu về một mối. Trong chiến công vang dội của mùa xuân ấy, có một phần đóng góp và cả xương máu của Đoàn Văn công quân giải phóng Trị Thiên - Huế, nơi vợ chồng nhạc sĩ Thuận Yến - Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2017 đã gắn bó suốt những năm tháng tuổi trẻ gian khổ mà đầy tự hào của mình...

Nguyệt Hà
.
.