NSND Ngô Mạnh Lân: Một đời gắn bó với tuổi thơ
- NSND Ngô Mạnh Lân - NSND Ngọc Lan: “Niềm vui duyên trời dành cho”1
- NSND Ngô Mạnh Lân: Người vẽ những giấc mơ thơ trẻ
- NSND Ngô Mạnh Lân: Nhìn lại và đối thoại với…chính mình
Năm 1950, chàng thiếu niên 16 tuổi Ngô Mạnh Lân hăm hở vượt suối, băng rừng từ Ty Thông tin Phú Thọ đến Đại Từ, Thái Nguyên, địa điểm thi vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật. Trước đó, năm 1949, ông được cơ quan cử tham gia một lớp học cấp tốc trong hai tháng, hướng dẫn cán bộ thông tin kẻ vẽ khẩu hiệu do họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp hướng dẫn, phục vụ cho công tác tuyên truyền thông tin lúc đó.
Là người trẻ tuổi nhất lớp nhưng Ngô Mạnh Lân thường được danh họa Tô Ngọc Vân và nhiều thầy giáo khác khen ngợi về sự chuẩn mực và chỉn chu trong từng nét vẽ.
Đến bây giờ, ở tuổi 85, họa sĩ Ngô Mạnh Lân vẫn nhớ như in những gì thầy Vân đã dạy: "Nói về cách điệu, anh nêu những thí dụ nhỏ, dễ hiểu để chứng minh: giản đơn không có nghĩa là tước bỏ. Khi vẽ một anh bộ đội, ở mặt mũi, quần áo ta đã đơn giản bớt những nét thừa, nhưng cũng rất gần với sự thật, đến khi vẽ chiếc áo trấn thủ ta lại gạch những nét thẳng tắp như ổ quả trám đều đặn, như vậy sẽ không ăn khớp với cái chung, như thể vẽ hàng rào gắn vào người! Ngay những chi tiết nhỏ trong vẽ trang trí cũng được anh giảng giải cẩn thận với nhận xét sâu".
NSND Ngô Mạnh Lân (hàng đầu, thứ 2 từ phải qua) cùng phu nhân - NSND Ngọc Lan - và các thành viên trong gia đình. |
Khóa học ba năm (1950-1953) trong điều kiện kháng chiến thật thiếu thốn nhưng những kiến thức mỹ thuật cơ bản do những người thầy của khóa học này truyền lại cho các học viên thật sâu sắc, thật cơ bản. Những kiến thức ấy đã được các học viên mang theo suốt cuộc đời làm nghệ thuật của họ như một hành trang không thể thiếu, trong đó có họa sĩ Ngô Mạnh Lân.
Năm 1954 - sau khi hòa bình lập lại, ông được Nhà nước cử sang học tập tại Liên Xô (cũ). Ngô Mạnh Lân là một trong những sinh viên Việt Nam đầu tiên theo học tại Trường Đại học Điện ảnh quốc gia Liên Xô (VGIK) - Khoa Họa sĩ - Đạo diễn phim hoạt hình. Cuộc đời nghệ thuật của ông từ đó đã chuyển sang một ngã rẽ nhỏ - phim hoạt hình.
Với họa sĩ Ngô Mạnh Lân, phim hoạt hình như một thứ tình yêu cứ ngấm dần, ngấm dần rồi làm ông mê mẩn lúc nào không hay. Giờ đây, nhìn lại sự nghiệp làm phim hoạt hình, ông đã có gần 20 phim với đủ thể loại từ hoạt họa, cắt giấy đến búp bê và được ghi nhận bằng nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế.
Năm 1962, Ngô Mạnh Lân trở về nước với tấm bằng đỏ và được phân công về Xưởng phim Hoạt họa búp bê Việt Nam (nay là Hãng phim Hoạt hình Việt Nam). Lúc này, ngành hoạt hình của Việt Nam đang còn chập chững, mới chỉ có vài bộ phim ngắn ra đời như bộ phim "Đáng đời thằng cáo" (1960) bằng thể loại phim vẽ, rồi đến bộ phim cắt giấy "Con một nhà" (1961 - đạo diễn Trương Qua) và phim búp bê "Chú thỏ đi học" (1962 - đạo diễn Nguyễn Tích). Trong bối cảnh còn bỡ ngỡ, thô sơ như vậy, họa sĩ Ngô Mạnh Lân bắt đầu sự nghiệp làm phim hoạt hình của mình bằng bộ phim vẽ "Một ước mơ".
Một trong những bộ phim đầu tay nhưng đã khẳng định tài năng, phong cách làm phim ấm áp, dung dị mà không kém phần hấp dẫn của Ngô Mạnh Lân là "Mèo con" (dựa theo truyện ngắn "Cái Tết của mèo con" của nhà văn Nguyễn Đình Thi).
Bộ phim được Ủy ban Văn hóa đối ngoại gửi đi tham dự Liên hoan phim Mamamia năm 1966 và giành giải Bồ nông Bạc trong sự bất ngờ, ngỡ ngàng của chính tác giả. "Mèo con" đã trở thành đại diện đầu tiên của hoạt hình Việt Nam hiện diện và giành thắng lợi tại Liên hoan phim Quốc tế.
Một tác phẩm nữa đánh dấu sự nghiệp đạo diễn phim hoạt hình của NSND Ngô Mạnh Lân là "Chuyện ông Gióng". "Chuyện ông Gióng" là bộ phim "ngốn" nhiều thời gian, công sức nhất của ông và toàn bộ nhóm làm phim. Được giao làm từ năm 1964 nhưng đến năm 1969, bộ phim mới bắt đầu được thực hiện.
NSND Ngô Mạnh Lân vẫn nhớ: "Sau khi nghiên cứu các di tích ở làng Phù Đổng, anh em theo vết chân ngựa Gióng đi qua làng Cháy, làng Hà Lỗ, rồi qua Đông Anh, Đa Phúc, Kim Anh tìm những ao chuôm rải rác trên các cánh đồng với những khóm tre đằng ngà lơ thơ trên bờ - ấy là vết chân ngựa Gióng. Anh em đến núi Sóc, nơi Gióng ghìm ngựa dừng chân ngắm cảnh quê hương, cởi bộ áo giáp để lại rồi phi thẳng lên Trời…
Từ đỉnh Sóc Sơn nhìn ra phong cảnh thật đẹp: những ngọn đồi thoai thoải xen vào nhau chạy tới chân rặng núi mầu lơ hơi mờ mờ phía chân trời… Bỗng nhiên tiếng máy bay phản lực của không quân ta cất cánh phóng thẳng lên bầu trời xanh để lại những vệt mầu lấp lánh ánh bạc làm chúng tôi tưởng như được chứng kiến Gióng đang bay lên trời cao…".
Chưa bao giờ đoàn làm phim phải thực hiện một lượng búp bê và bối cảnh nhiều đến như thế: hơn 100 con rối, hơn 10 bối cảnh lớn, rồi công đoạn nhuộm vải lụa may trang phục, vẽ mặt, sơn màu cho nhân vật. Con ngựa sắt đẽo bằng gỗ phải làm đi làm lại nhiều lần.
Một yếu tố quyết định chất lượng phim là động tác nhân vật phải tỉ mỉ, chính xác. Cứ chụp mỗi hình xong lại phải uốn tay chân con rối nhích lên một chút để tạo thành chuyển động. Để có một phút chiếu trên màn ảnh, các nghệ sĩ phải quay chụp ngót 1.500 lần. Kết quả của những tháng ngày vất vả ấy là sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả và giải thưởng Bồ câu Vàng tại Liên hoan phim quốc tế Leipzik (CHDC Đức).
Khi được hỏi về cái duyên với hoạt hình cho trẻ con, NSND Ngô Mạnh Lân tâm sự: "Chuyên ngành hoạt hình đòi hỏi phải có óc tưởng tượng dồi dào trong xây dựng hình tượng nhân vật, bối cảnh và kỹ năng thể hiện kiểu đồ họa. Khi bước vào nghề rồi gắn bó với nghề tôi hiểu rằng, đồ họa cho thiếu nhi phù hợp với tạng của mình. Hồi mấy cô con gái tôi còn nhỏ, mỗi lần nhìn tranh bố vẽ chúng cười thích thú, làm tôi vui lắm.
Năm 1968, khi phim hoạt hình "Những chiếc áo ấm" của tôi ra rạp, đọc những dòng cảm tưởng của các em nhỏ về tình cảm bạn bè gắn bó trên Báo Màn ảnh Hà Nội, tôi thấy xúc động vô cùng... Đó chính là động lực cho tôi tiếp tục sáng tạo".
Có những người nói họa sĩ Ngô Mạnh Lân gặp nhiều may mắn và thành đạt trong cuộc đời và sự nghiệp, điều này có phần đúng bởi ông đã có tất cả những danh hiệu cao quý nhất dành cho một người hoạt động nghệ thuật - NSND.
Trong nghiên cứu, giảng dạy ông được phong Phó Giáo sư và được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Nhưng sự nghiệp của ông không phải chỉ là may mắn. Nhìn toàn bộ sự nghiệp của ông, người ta mới thấy được ông thành công ngoài tài năng, còn là sự chăm chỉ, cần mẫn, khắt khe trong lao động nghệ thuật.
Ông không nề hà, kén chọn trong lao động nghệ thuật. Nghệ thuật đối với ông bất kể là làm phim, vẽ tranh cổ động, minh họa sách báo đều phải nghiêm túc và chăm chỉ. Việc ông là một cộng tác viên chỉn chu, tin cậy cho nhiều nhà xuất bản, các báo đã cho thấy điều đó và ngay cả việc minh họa sách báo - một việc mà nhiều người cho là chỉ để "kiếm cơm" - cũng đã trở thành một thành công của ông trong lao động nghệ thuật.
Trong kí ức tuổi thơ của nhiều người còn in dấu những minh họa tươi vui của họa sĩ Ngô Mạnh Lân trên các Báo: Thiếu niên Tiền Phong, Phụ nữ Việt Nam, Nhi đồng… những năm 1960, 1970, 1980.
Họa sĩ Ngô Mạnh Lân yêu sự hồn nhiên, ngộ nghĩnh ở con trẻ và một điều luôn nhắc nhở ông khi sáng tác cho đối tượng này là phải gần gũi, chân thực. Cũng dễ hiểu khi thấy ông cả đời công tác tại Xưởng phim Hoạt họa chuyên làm phim cho thiếu nhi.
Những nơi ông thường cộng tác cũng vậy: Báo Thiếu niên Tiền phong, Báo Nhi Đồng, Nhà xuất bản Giáo dục, Báo Phụ nữ Việt Nam… và đặc biệt là Nhà xuất bản Kim Đồng - nơi xuất bản sách cho thiếu nhi cả nước. Với Nhà xuất bản Kim Đồng, họa sĩ Ngô Mạnh Lân cộng tác hơi muộn so với những bạn bè cùng lứa như Lê Huy Hòa, Thế Vỵ… nhưng ông nhanh chóng trở thành một cộng tác viên "ruột" của Nhà xuất bản.
Những tác phẩm truyện tranh của ông được in ở đây đã trở thành những tác phẩm đắt khách, được tái bản nhiều lần. Có thể kể như ''Dế mèn phiêu lưu ký'', ''Cây tre trăm đốt'', "Trê Cóc", "Đồng tiền Vạn Lịch", "Mụ Lường", "Sự tích núi Ngũ hành", "Đám cưới chuột"… Truyện tranh của ông mang một phong cách riêng, ngoài sự chân thành, trong sáng… còn đầy chất hóm hỉnh trong cách thể hiện. Ngôn ngữ tạo hình mang đậm chất dân gian Việt Nam.
Cùng với các tác giả Tạ Thúc Bình, Nguyễn Bích, Mai Long… họa sĩ Ngô mạnh Lân đã tạo nên một phong cách truyện tranh Việt mới với các tác phẩm được xuất bản tại Nhà xuất bản Kim Đồng, phong cách thể hiện giản dị, trong sáng và thuần Việt.
Nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam đã được thưởng thức những tác phẩm của họa sĩ Ngô Mạnh Lân. Và chính những độc giả nhí ấy đã mang lại cho ông nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận.
Ở tuổi 85, họa sĩ Ngô Mạnh Lân vẫn lao động nghệ thuật, ông vẫn làm sách, vẫn viết nghiên cứu, vẫn vẽ trong ngôi nhà xinh xắn của mình ở làng Ngọc Hà. Nhà biên kịch Trần Ngọc Thanh - người đã từng song hành với họa sĩ Ngô Mạnh Lân trong nhiều bộ phim hoạt họa đã viết về người đồng nghiệp thân thiết của mình cách đây cả vài chục năm nhưng giờ vẫn chính xác: "Như một người nông dân cần mẫn lao động trên vạt ruộng của mình, hằng ngày Ngô Mạnh Lân vẫn say sưa với những hình vẽ, những bảng màu không chỉ trong lĩnh vực phim hoạt hình, mà còn cả trong lĩnh vực đồ họa và anh đã gặt hái được những thành công không nhỏ trên lĩnh vực điện ảnh".