Chào mừng Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6:

NSND Ngô Mạnh Lân: Người vẽ những giấc mơ thơ trẻ

Thứ Tư, 11/06/2014, 08:00

"Tranh đồ họa Ngô Mạnh Lân" là triển lãm thứ 3 trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của ông sau 2 triển lãm vào các năm 1971 và 2006. Ở triển lãm lần này có những phác thảo chưa từng công bố, như bộ 20 tranh đồ họa hoạt hình về truyền thuyết dân gian "Thánh Gióng", phác họa nhân vật trong truyện "Bộ quần áo mới của hoàng đế", phác họa phim hoạt hình và minh họa sách "Dế mèn phiêu lưu ký"… cho thấy sức làm việc bền bỉ của người nghệ sĩ cao tuổi.

Những ngày cuối tháng 5 vừa qua, đông đảo khán giả yêu hội họa lại có dịp được chiêm ngưỡng những tác phẩm của NSND Ngô Mạnh Lân tại Triển lãm "Tranh đồ họa Ngô Mạnh Lân" ở Nhà Triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền, Hà Nội. Triển lãm không chỉ là một món quà ý nghĩa đúng dịp ông tròn 80 tuổi mà còn đánh dấu chặng đường 60 năm làm nghề của người nghệ sĩ được ví là "cây đại thụ của hoạt hình Việt Nam" này. Và nhắc tới ông, không thể không nhắc tới những bộ phim hoạt hình đã làm rộn ràng trái tim nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam như "Mèo con", "Con sáo biết nói", "Chuyện ông Gióng", "Thạch Sanh", “Trê cóc"... Cùng với những sản phẩm đồ họa của nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng "Dế mèn phiêu lưu ký", "Cái tết của Mèo con"...

"Tranh đồ họa Ngô Mạnh Lân" là triển lãm thứ 3 trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của ông sau 2 triển lãm vào các năm 1971 và 2006. Ở triển lãm lần này có những phác thảo chưa từng công bố, như bộ 20 tranh đồ họa hoạt hình về truyền thuyết dân gian "Thánh Gióng", phác họa nhân vật trong truyện "Bộ quần áo mới của hoàng đế", phác họa phim hoạt hình và minh họa sách "Dế mèn phiêu lưu ký"… cho thấy sức làm việc bền bỉ của người nghệ sĩ cao tuổi.

Trò chuyện cùng NSND Ngô Mạnh Lân, cảm giác đầu tiên mà ông mang đến cho người đối thoại là sự khiêm nhường, chừng mực, giản dị trong mỗi câu chuyện. Ông kiệm lời và hầu như rất ít nói về mình. Chỉ có đôi mắt mỗi khi cười đều lấp lánh tươi vui, hóm hỉnh giống như cách ông chưng cất những gì trong trẻo, ngộ nghĩnh và thú vị nhất vào các tác phẩm của mình. NSND Ngô Mạnh Lân cho tôi xem quyển sách ông vừa hoàn thành cách đây 1 năm có cái tên giản dị "Đồ họa Ngô Mạnh Lân", tập hợp những tác phẩm đồ họa tiêu biểu của họa sĩ kỳ cựu trong vòng 60 năm qua. Lật từng trang trong cuốn sách, người xem có cảm giác như gặp lại nhật ký tuổi thơ của mình qua những hình vẽ trong trẻo, tươi vui.

Nhắc tới NSND Ngô Mạnh Lân là người ta nhớ tới một nghệ sĩ thành công ở nhiều lĩnh vực: Đạo diễn của nhiều bộ phim hoạt hình nổi tiếng, họa sĩ của những bức tranh, tác phẩm đồ họa độc đáo và là một người thầy, một nhà khoa học có nhiều công trình nghiên cứu có giá trị ở cả lĩnh vực điện ảnh và hội họa. Còn với ông, trở thành tác giả của thiếu nhi và cho thiếu nhi có lẽ là một "duyên nghiệp" như ông tự nhận. Bắt đầu nghề vẽ từ năm 1950 khi là học viên Trường Mỹ thuật, khóa kháng chiến ở Việt Bắc do danh họa Tô Ngọc Vân làm hiệu trưởng, đến năm 1955, Ngô Mạnh Lân được cử đi Liên Xô học ngành Họa sĩ thiết kế phim hoạt hình - công việc chưa từng có ở Việt Nam.

Với NSND Ngô Mạnh Lân, phim hoạt hình như một thứ tình yêu cứ ngấm dần, ngấm dần rồi làm ông mê mẩn lúc nào không hay. Giờ đây, nhìn lại sự nghiệp làm phim hoạt hình của ông đã có gần 20 phim với đủ thể loại từ hoạt họa, cắt giấy đến búp bê. Một trong những bộ phim đầu tay nhưng đã khẳng định tài năng, phong cách làm phim ấm áp, dung dị mà không kém phần hấp dẫn của Ngô Mạnh Lân là "Mèo con" (dựa theo truyện ngắn "Cái Tết của mèo con" của nhà văn Nguyễn Đình Thi).

NSND Ngô Mạnh Lân chia sẻ, giai đoạn làm phim "Mèo con" rất khó khăn bởi Xưởng phim Hoạt họa (tên gọi trước đây của Hãng phim hoạt hình Việt Nam) phải sơ tán về Mê Linh, Vĩnh Phúc. Suốt 5 tháng miệt mài vừa vẽ vừa quay từng cảnh bằng chiếc máy quay 16 ly sau đó in tráng thủ công. Đến khi chiếu duyệt phải vác máy ra trung tâm huyện mới có điện để chiếu. Nhưng chính cuộc sống gắn bó gần gũi với thiên nhiên, với bờ tre, gốc rạ, hàng cau đã tạo cảm hứng để đạo diễn thổi được cái chất trong trẻo, hồn nhiên vào từng khuôn hình. Phim hoàn thành và được Ủy ban Văn hóa đối ngoại gửi đi tham dự Liên hoan phim (LHP) Mamaia năm 1966 và giành giải Bồ nông Bạc trong sự bất ngờ, ngỡ ngàng của chính tác giả. "Mèo con" đã trở thành đại diện đầu tiên của hoạt hình Việt Nam chiến thắng tại LHP Quốc tế. Đến năm 1970, phim lại tiếp tục giành giải Bông sen vàng ở LHP quốc gia.

Minh họa "Dế mèn phiêu lưu ký" phiên bản 1972 của NSND Ngô Mạnh Lân.

Một tác phẩm nữa đánh dấu sự nghiệp đạo diễn phim hoạt hình của NSND Ngô Mạnh Lân là "Chuyện ông Gióng" để đến sau này, cái tên ông "Lân Gióng" vẫn là một kỷ niệm đẹp mà khán giả, đồng nghiệp dành tặng Ngô Mạnh Lân. Theo NSND Ngô Mạnh Lân thì đây là bộ phim "ngốn" mất nhiều thời gian, công sức nhất của ông và ê kíp. Được giao làm từ năm 1964 nhưng vì nhiều lý do, đến năm 1969, bộ phim mới bắt tay vào thực hiện. NSND Ngô Mạnh Lân vẫn nhớ: Chưa bao giờ đoàn làm phim phải thực hiện một lượng búp bê và cây cảnh nhiều đến như thế: hơn 100 con rối, hơn 20 bối cảnh lớn, rồi công đoạn nhuộm vải lụa may trang phục, vẽ mặt, sơn màu cho nhân vật. Con ngựa sắt đẽo bằng gỗ phải làm đi làm lại nhiều lần. Tiếp đến là vô vàn đạo cụ từ chõng tre, quạt lá đến hàng chục đôi quang gánh, hàng chục nong cơm, nong cà, hàng trăm bộ giáo mác, cuốc vồ, búa đe, dao rìu, trống cái trống con…

Một yếu tố quyết định chất lượng phim là động tác nhân vật phải tỉ mỉ, chính xác. Cứ chụp mỗi hình xong lại phải uốn tay chân con rối nhích lên một chút để tạo thành một chuyển động. Để có một phút chiếu trên màn ảnh, các nghệ sĩ phải quay chụp ngót 1.500 lần. Khó khăn nhất là quay cảnh nhiều nhân vật, vì mỗi nhân vật phải có động tác khác nhau nên thời gian nắn động tác càng kéo dài. Để  thể hiện những cảnh phi ngựa lên trời, các nghệ sĩ phải treo ngựa bằng dây lên những con quay đặt trên cao, đẩy trục quay nhích từng phân và bẻ chân ngựa tiến lui từng hình một. Kết quả của những tháng ngày vất vả ấy là sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả và giải thưởng Bồ câu Vàng tại LHP quốc tế Leipzik (CHDC Đức).

Mỗi bộ phim, với NSND Ngô Mạnh Lân là một quá trình sáng tạo với niềm hứng khởi không mệt mỏi. Khi ông làm phim "Thạch Sanh" theo thể loại cắt giấy, để làm một bộ phim dài gần 1.500 m kết hợp với nhân vật búp bê, ông đã phải vẽ 468 bức phác thảo. Không chỉ đóng góp cho hoạt hình Việt Nam những bộ phim hấp dẫn, chính NSND Ngô Mạnh Lân là người đưa ra sáng kiến chuyển từ cách gọi phim hoạt họa thành hoạt hình. Ông phân tích rằng, có 3 thể loại phim là hoạt họa, cắt giấy và búp bê, nếu gọi bằng tên chung là hoạt họa thì chưa chính xác. Và sự thay đổi tên gọi này bắt đầu từ năm 1978 cho đến nay vẫn vô cùng chuẩn xác.

Trong ký ức tuổi thơ của nhiều người còn in dấu những minh họa tươi vui của ông trên các ấn phẩm báo Thiếu niên tiền phong, Nhi đồng, truyện đồng thoại Việt Nam... Có thể nói, nếu như nhà văn Tô Hoài, nhà văn Nguyễn Đình Thi là "cha đẻ" của những nhân vật Dế mèn, Mào con bằng ngôn ngữ thì họa sĩ Ngô Mạnh Lân lại một lần nữa tái sinh các nhân vật bằng hình ảnh. Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên là NSND Ngô Mạnh Lân cùng có tới 3 lần vẽ Dế mèn, Mèo con.

Lần đầu tiên ông vẽ Dế mèn vào năm 1959, khi "Dế mèn phiêu lưu ký" lần đầu tiên xuất bản bằng tiếng Nga và ông đang học ở Liên Xô. Điều băn khoăn nhất với họa sĩ trẻ Ngô Mạnh Lân lúc bấy giờ là sau hàng tháng trời lang thang ở bách thú và tra cứu tài liệu, ông mới phát hiện ra ở Liên Xô không có… dế mèn, chỉ có con châu chấu. Sau một thời gian mày mò, suy ngẫm "Dế mèn năm 1959" ra đời và như chính tác giả thừa nhận "hơi giống con châu chấu với đôi chân khẳng khiu và cánh dài chấm đuôi".

Dế mèn phiên bản 1972 đã được tác giả chỉnh sửa chân thực hơn và đây có thể coi là một trong những hình ảnh dế mèn quen thuộc nhất với nhiều thế hệ trẻ em Việt Nam. Năm 1989, một lần nữa, họa sĩ Ngô Mạnh Lân lại được vinh dự vẽ bìa và tranh minh họa cho "Dế mèn phiêu lưu ký". Với "Dế mèn phiêu lưu ký", năm 1991, ông vinh dự được Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Quỹ nhi đồng của Liên hiệp quốc trao tặng giải thưởng tài năng xuất sắc trong minh họa tranh. Chuyện lặp lại khi ông có tới 3 lần vẽ bìa và tranh minh họa cho tác phẩm "Cái tết của mèo con" trong các năm 1970, 1985, và 1996. Dưới nét vẽ của nghệ sĩ Ngô Mạnh Lân, một thế giới loài vật hiện lên hết sức sinh động, như nhà văn Võ Quảng từng nhận xét "Nét chủ yếu của Ngô Mạnh Lân là sự hài hòa mực thước, nhiều chi tiết thú vị, loáng thoáng những nét reo vui".

Trong suốt buổi trò chuyện, NSND Ngô Mạnh Lân nhắc nhiều tới trẻ em. Ông yêu sự hồn nhiên, ngộ nghĩnh ở con trẻ và một điều luôn nhắc nhớ ông khi sáng tác cho đối tượng này là phải gần gũi, chân thực. Dường như chính những khán giả nhí ấy đã mang lại cho ông nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận và một tâm hồn tươi trẻ. Dành tặng cả đời cho nghệ thuật, NSND Ngô Mạnh Lân dường như đã được bù đắp xứng đáng bằng những danh hiệu cao quý, sự kính trọng của đồng nghiệp và đặc biệt là sự yêu mến của hàng triệu thiếu nhi trên cả nước. Cuộc đời còn dành tặng ông một câu chuyện tình yêu đẹp như mơ, một gia đình ngập tràn hạnh phúc với nữ nghệ sĩ tài sắc Ngọc Lan cùng những người con hiếu thảo, thành đạt mang trong mình niềm đam mê điện ảnh như cha mẹ của mình

Thảo Duyên
.
.