Ma thuật và bi kịch của nhà thơ Nga Aleksandr Blok

Thứ Sáu, 11/12/2020, 12:10
Aleksandr Blok (1880-1921) là nhà thơ vĩ đại của nước Nga có số phận rất bi kịch. Ông được coi là một trong những nhà thơ tài năng nhất của nền thơ ca Nga cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, mà các nhà lịch sử văn học gọi là “Thế kỷ Bạc”. Mảng thơ trữ tình chiếm một vị trí nổi bật trong sự nghiệp thơ ca của ông. Boris Pasternak gọi ông là “phong vũ biểu của thời đại”.


Nhân dịp kỷ niệm 140 năm ngày sinh của nhà thơ (1880-2020), xin trân trọng giới thiệu một số nét về cuộc đời và văn nghiệp của ông.

Tuổi thơ và mối tình đầu

Thời thơ ấu của Aleksandr Blok trôi qua trong ngôi nhà của ông ngoại, một nhà thực vật học nổi tiếng và nhà tổ chức khoa học, Hiệu trưởng Trường Đại học Saint-Petersburg Andrey Beketov. Bố mẹ của nhà thơ tương lai chia tay nhau ngay sau khi ông chào đời.

Ông Aleksandr Blok, bố của nhà thơ, là giáo sư Trường Đại học Warsaw. Mẹ ông, Aleksandra Beketova, là dịch giả và nhà văn. Thời bấy giờ, xã hội chưa chấp nhận ly hôn. Nhưng người phụ nữ quyết liệt này không những đã bỏ chồng vì tính cách vũ phu của ông ta (nói chính xác hơn là bà chạy trốn những trận đòn), mà còn xin được giấy chứng nhận ly hôn chính thức của giáo hội. Sau này, bố của nhà thơ tương lai lấy vợ lần thứ hai, nhưng lịch sử lặp lại: người vợ thứ hai cũng bỏ ông, dắt theo đứa con gái.

Nhà thơ Nga Aleksandr Blok.

Blok bắt đầu làm thơ khi mới 5 tuổi. Năm ông lên 9, mẹ ông tái hôn. Lần này, bà lấy một sĩ quan cận vệ người gốc Ba Lan. Ông này về sau được phong trung tướng và tham gia Chiến tranh thế giới thứ nhất.

Năm 10 tuổi, Blok vào học Trường trung học Vvedenskaya ở Saint- Petersburg. Ngay lúc bấy giờ, ông đã tích cực viết văn và làm thơ. Cùng với cả gia đình, ông đã xuất bản tạp chí viết tay "Người đưa tin". Mẹ ông nhiệt tình ủng hộ trò chơi văn học này. 

Aleksandr Blok viết các bài báo, bài thơ cho tạp chí, và công bố các chương của  tiểu thuyết phiêu lưu, mà ông viết dần, từ số này sang số khác. Sau đó, vào những năm cuối ở trường trung học, Blok cũng thử viết kịch: các vở kịch của ông được dàn dựng trên sân khấu của nhà hát gia đình.

Năm 16 tuổi, Aleksandr Blok đã trải qua mối tình đầu với mệnh phụ Ksenia Sadovskaya, vợ của một ủy viên quốc vụ, lớn hơn ông 20 tuổi và mẹ của ba đứa con. Câu chuyện diễn ra ở thành phố Bad Nauheim, nước Đức, nơi ông đến nghỉ mát cùng mẹ.

Tất nhiên, không thể nói điều gì nghiêm túc về mối quan hệ của Blok với người phụ nữ đã có gia đình này. Tuy nhiên, mối tình sét đánh đầu đời đã hằn sâu trong tâm hồn thi sĩ và ám ảnh mãi. Blok viết tặng Sadovskaya bài thơ “Đêm đã xuống trên mặt đất. Chỉ có anh và em”- đây là tác phẩm tự truyện đầu tiên trong cuộc đời sáng tác của ông.

Gặp gỡ các nhà thơ phái tượng trưng và "Thơ về người Đàn bà Kiều diễm"

Sau khi tốt nghiệp trung học, Aleksandr Blok thi vào khoa luật của Đại học Saint-Petersburg, nhưng ông sớm nhận ra rằng luật học không dành cho mình. Và năm 1901, ông chuyển sang khoa văn-sử. Kể từ thời điểm đó, ông bắt đầu tiếp xúc với giới tinh hoa văn học Saint-Petersburg. 

Năm 1902, diễn ra cuộc gặp gỡ của ông với các nhà thơ phái tượng trưng Zinaida Gippius và Dmitry Merezhkovsky, điều này đã báo trước niềm say mê chủ nghĩa tượng trưng thần bí của ông. Blok cũng trở nên thân thiết với các nhà thơ Valery Bryusov và Andrey Belyi lúc bấy giờ sống ở Moskva.

Blok là người rất kiềm chế, thậm chí hơi lạnh lùng, đôi khi ông cẩn thận giấu  kín sau dáng vẻ bên ngoài này những cơn giận dữ thừa hưởng từ bố mình.

Điều gì đã xảy với nhà thơ trẻ trong thời gian này? Vâng, đó là tất cả những gì quan trọng nhất quyết định phong cách sáng tạo của ông.

Tiến sĩ ngữ văn Yulia Balakshina, chuyên gia về Aleksandr Blok, nói: “Chùm thơ đầu tiên của Blok là “Thơ về người Đàn bà Kiều diễm”.  - Không có đề tài về tính thùy mị vĩnh hằng thì không thể nói gì về Blok: ông là tín đồ của triết gia Vladimir Solovyov và là đại diện của thế hệ thứ hai các nhà thơ tượng trưng Nga, những người không thể bỏ qua học thuyết của Solovyov, triết lý thần bí của ông về tính thùy mị vĩnh hằng”.  

Mặc dù, cũng theo tiến sĩ ngữ văn, bản thân Aleksandr Blok xuất thân từ một môi trường khoa học rất thực chứng, và dường như, không có gì báo trước rằng "cánh cửa thần bí" này sẽ mở ra ở ông”.

Mối tình tay ba và nguồn cảm hứng sáng tạo

Năm 23 tuổi, Aleksandr Blok kết hôn với nữ diễn viên Lyubov Mendeleeva, con gái của nhà hóa học Nga vĩ đại Dmitry Mendeleev, sau này bà trở thành nhà nghiên cứu lịch sử múa ba lê và là tác giả của nhiều cuốn sách. Vào thời điểm đó, bà đã tốt nghiệp Trường nữ sinh cao cấp Bestuzhev và đang theo học lớp diễn xuất của nữ diễn viên sân khấu Aleksandra Chitau. 

Chính Lyubov Mendeleeva, một con người trần tục và yêu đời mà Blok từng quen biết nhiều năm, đã trở thành nguyên mẫu của Người Đàn bà Kiều diễm, nữ nhân vật trong những áng thơ tình bất hủ của ông.

Họ chơi với nhau từ nhỏ, nhưng chỉ vào mùa hè năm 1898, khi cùng tham gia vở kịch nghiệp dư gia đình “Hamlet”, họ mới gắn bó với nhau. Trang ấp của hai gia đình ở ngoại ô Moskva nằm cạnh nhau, còn bố mẹ của họ là bạn bè thân thiết. Lyubov Mendeleeva là một nữ sinh nghiêm nghị và đứng đắn. Vào những năm đó, Blok chưa phải là Blok “chính hiệu” – ông đang chuẩn bị để trở thành nhà thơ nổi tiếng. Mãi rất lâu sau, ông mới ngỏ lời cầu hôn Mendeleeva và chỉ làm lễ đính hôn vào năm 1903.

Blok tuân theo triết lý của nhà triết học Vladimir Slovyov và tin vào học thuyết về tính thùy mị vĩnh hằng. Vì vậy giữa Blok và Mendeleeva không có sự chung đụng xác thịt. Đối với ông nàng là thiên thần trắng trong mà ông dành tặng tập “Thơ về người Đàn bà Kiều diễm”. “Tình yêu đích thực luôn luôn trong sáng, vì nó thuộc thế giới tâm hồn, trong đó không có dấu vết của xác thịt xấu xa, con quái vật của sự trơ trẽn và tàn nhẫn”, - ông viết.

Lyubov Mendeleeva được nhiều nhà thơ đương thời hâm mộ. Các nhà thơ phái tượng trưng tôn thờ bà, coi bà là một phụ nữ trong sáng và trinh bạch. Nhà thơ Andrey Belyi không những ngưỡng mộ bà mà còn yêu tha thiết như một người trần tục.

Nhưng Lyubov Mendeleeva là người phụ nữ muốn điều gì đó lớn hơn là vai trò thụ động của một “nàng thơ” giữa hai nhà thơ tài năng. Blok tôn thờ và ca ngợi vợ mình, tự hào về mối quan hệ thiêng liêng của họ, nhưng xét theo hồi ức của Mendeleeva, Blok yêu theo kiểu platonic, điều này đã làm phật lòng người phụ nữ trẻ. 

Mendeleeva đáp lại tình cảm của Belyi, nhưng không muốn bỏ chồng. Đây là thời kỳ đầy bi kịch đối với các thành viên mối tình tay ba: Mendeleeva do dự giữa hai người đàn ông, còn họ thì đau khổ vì tính không dứt khoát của bà. Quan hệ giữa hai nhà thơ hoàn toàn đổ vỡ. Nhưng chính cái tình thế bi đát đó đã tạo cảm hứng cho Blok sáng tác được vở kịch “Rạp hát nhỏ” kể về hoàn cảnh gia đình kỳ quặc của mình.

Cuối năm 1907, Mendeleeva quyết định trở về với chồng, nhưng họ không thể làm lại cuộc sống gia đình mà bà mơ ước. Từ thời điểm này, họ sống trong cuộc hôn nhân mà sau này được gọi là hôn nhân mở: cả hai người đều có tình nhân, chính Mendeleeva đã viết về điều đó trong hồi ký của mình. 

Là nữ diễn viên, Mendeleeva có nhiều người hâm mộ, thậm chí bà có một đứa con với diễn viên Konstantin Davidovsky, đáng tiếc là không sống được bao lâu. Còn Blok mê nữ diễn viên Natalya Volokhova, sau đó là nữ ca sĩ opera Lyubov Andreeva-Delmas.

Năm 1912, Blok sáng tác vở kịch “Bông hồng và cây Thánh giá” nói về mối tình tay ba trong cuộc đời họ. Tác phẩm này gây ấn tượng mạnh mẽ đối với hai đạo diễn Stanislavsky và Nemirovich-Danchenko, nhưng nó chưa bao giờ được dàn dựng trên sân khấu kịch.

Bi kịch cuối đời

Năm 1917, Blok, với tư cách chủ biên các biên bản tốc ký đã trở thành thành viên của Ủy ban đặc biệt điều tra tội ác của chính phủ Nga hoàng. Các tài liệu điều tra được ông tổng hợp trong cuốn sách “Những ngày cuối cùng của Đế chế”.

Sau Cách mạng Tháng Mười, Blok sáng tác các trường ca "Mười hai" và "Dân Skif", đây là những tác phẩm tụng ca cách mạng, nhà thơ trở lại với đề tài tổ quốc, số phận lịch sử và những nhiệm vụ phải làm của nước Nga. 

Cũng trong giai đoạn này, các bài báo của ông được xuất bản thành tuyển tập riêng “Nghệ thuật và cách mạng”. Blok báo cáo tại Hiệp hội triết học tự do, chuẩn bị tái bản bộ ba tác phẩm của mình, trở thành thành viên của Ủy ban Văn học và Sân khấu và hội đồng biên tập của nhà xuất bản “Văn học thế giới”.

Nhưng ngay sau những hoạt động sôi nổi đó, nhà thơ cảm thấy thất vọng tràn trề. Tháng 4 năm 1921, căn bệnh trầm cảm ngày càng tăng của nhà thơ chuyển thành chứng rối loạn tâm thần, kèm theo bệnh tim. Blok xin cấp thị thực xuất cảnh cho vợ chồng ông ra nước ngoài chữa bệnh, nhưng bị từ chối. Sau đó, thị thực vẫn được cấp, nhưng đã muộn. 

Người ta nói rằng trước khi qua đời, Aleksandr Blok bị mê sảng và trong tình trạng gần như loạn thần, ông yêu cầu hủy bỏ hoàn toàn trường ca “Mười hai”.

Trần Hầu (tổng hợp)
.
.