Nghệ sĩ piano Lưu Đức Anh: Âm nhạc cổ điển ở Việt Nam đang khởi sắc

Thứ Bảy, 27/03/2021, 07:59
Lưu Đức Anh từng chia sẻ với tôi rằng, anh muốn trở thành một nghệ sĩ đa năng, để có cơ hội cống hiến nhiều hơn cho cộng đồng. Và hành trình anh đang đi đã tạo được nhiều dấu ấn bởi sự nỗ lực và dấn thân đó.

- Chúc mừng Lưu Đức Anh được lọt vào danh sách đề cử giải thường niên của Hanoi Grapevines Finest 2020, hạng mục “Nghệ sĩ nổi bật của năm” và hạng mục “Dự án ý nghĩa”. Điều đó ghi nhận một năm nỗ lực, đóng góp cho cộng đồng của anh. Anh có thể chia sẻ về điều này?

+ Tôi cảm thấy rất vui và vinh dự khi được thông báo về đề cử này. Cũng giống như tất cả các nghệ sĩ khác trong danh sách, tất cả chúng tôi đều đã lao động hết mình mặc dù năm 2020 là khoảng thời gian vô cùng khó khăn. Đây cũng là nguồn động lực để các nghệ sĩ chúng tôi nỗ lực hơn nữa, luôn duy trì tình yêu với nghệ thuật để có thể tiếp tục cống hiến.

 - Maestoso - dự án do anh khởi xướng sau hai năm thành lập đã có những hoạt động sôi nổi nhằm kích hoạt đời sống âm nhạc cổ điển Việt Nam. Mới đây là hai chương trình hòa nhạc cổ điển Evolution– Hành trình qua 4 thế kỷ âm nhạc mang đến cho khán giả nhiều trải nghiệm sâu sắc. Vì sao anh có ý tưởng đó?

Nghệ sĩ piano Lưu Đức Anh.

+ Đây là mô hình chương trình hòa nhạc vô cùng đặc biệt, khán giả dường như được đi qua một bảo tàng âm nhạc sống, di chuyển giữa các không gian khác nhau và cảm nhận rõ rệt sự khác nhau về âm nhạc giữa các thời kỳ: Baroque, Cổ điển, Lãng mạn, Hiện đại. Tôi tin khán giả khi đi nghe ai cũng sẽ có một sự so sánh trong đầu giữa các thời kỳ, các phong cách âm nhạc. Chính sự so sánh đó sẽ giúp người nghe có thể có cái nhìn toàn diện hơn về lịch sử âm nhạc, biết được những mảng nào quen thuộc với mình, mảng nào còn khá mới mẻ. Bằng một cách nào đấy, mô hình này vừa là biểu diễn lại vừa mang tính giáo dục rất cao. 

Ngoài ra, những khán giả mới nghe nhạc cũng sẽ được giảm tải bớt áp lực, ví dụ như khi đi dự hòa nhạc cổ điển ở các không gian như phòng hòa nhạc, nhà hát, việc phải ngồi liên tục suốt 2 tiếng đồng hồ tuyệt đối giữ yên lặng và tập trung sẽ là việc rất khó khăn, đặc biệt là đối với những người mới nghe, mới tiếp cận. Nhưng ở mô hình này, sau khi thưởng thức xong các tác phẩm của một thời kỳ, họ được đứng lên di chuyển sang không gian khác, vừa làm mới lại tâm trí nghe nhạc, lại vừa có thể tự suy ngẫm và cảm nhận về những tác phẩm mình được nghe từ trước. 

Chương trình đầu tiên của mô hình này được Viện Goethe đồng tổ chức vào tháng 11-2020 với sự đón nhận rất nhiệt tình của khán giả. Sắp tới đây, chúng tôi sẽ thực hiện số thứ 2 tại không gian nghệ thuật VCCA Royal City với mô hình tương tự nhưng biểu diễn các tác phẩm khác. Tôi hy vọng có thể tiếp tục mang mô hình hòa nhạc giáo dục này đến rộng rãi hơn nữa tại Việt Nam.

- Không chỉ tổ chức các chương trình thường niên, anh còn thành lập Trường nhạc Inspirito School of Music - nơi ươm mầm tài năng và quy tụ nhiều nghệ sĩ trẻ nổi tiếng như nghệ sĩ cello Phan Phúc, nghệ sĩ Nguyễn Phú Sơn, một ngôi trường khá đặc biệt. Hình hài của ngôi trường đó ra sao?

+ Tôi luôn thầm cảm ơn cuộc đời cũng như rất nhiều những cá nhân khác đã giúp tôi tạo ra Inspirito. Đối với tôi, đây không chỉ là một nơi để dạy học, kiếm tiền, mà còn là một lý tưởng, là nơi mọi nghệ sĩ chúng tôi đều hy vọng được thực hiện những ước mơ, hoài bão của riêng mình. Dù chưa thể thực sự hình dung trong tương lai Inspirito sẽ trở nên như thế nào nhưng bản thân tôi vẫn có niềm tin rằng đây sẽ là một phần đặc biệt quan trọng của cuộc sống, là một lý tưởng thôi thúc tôi ngày đêm làm việc, luyện tập, nâng cao tay nghề và sẽ sống chết bảo vệ lý tưởng này đến cùng.

- Có vẻ như Lưu Đức Anh đang ấp ủ một giấc mơ lớn hơn, đưa học sinh Việt Nam tham gia các sân chơi quốc tế, góp phần đào tạo thế hệ trẻ tài năng?

+ Thực sự thì giáo dục là một con đường rất dài, trên một góc nhìn nào đó thì sẽ tốn thời gian nhiều hơn là biểu diễn. Giáo viên ngoài việc phải tự trau dồi để nâng cao năng lực sư phạm, truyền cảm hứng cho học sinh thì còn phụ thuộc rất nhiều vào việc bản thân học sinh đó có ý thức học tập chăm chỉ hay không, có nghiêm túc với âm nhạc hay không, hay có đủ nghị lực để dấn thân vào sự nghiệp âm nhạc chông gai này. 

Bản thân tôi cũng mới chỉ ở giai đoạn đầu trong sự nghiệp đào tạo, mỗi khi dạy tôi đều cố gắng tự tìm cho mình những thứ mới để ngày càng hoàn thiện phương pháp sư phạm. Và cũng rất may mắn là những lứa học sinh đầu của tôi đều rất chăm chỉ, ngoan ngoãn, các phụ huynh học sinh đều nghiêm túc và sát sao với việc học của con nên công việc của tôi cũng có thuận lợi hơn rất nhiều. Còn việc học sinh của tôi có giành được một giải thưởng quốc tế lớn hay không thì ở giai đoạn này tôi tạm thời chưa nghĩ đến.

- Thực tế, nhiều năm gần đây, ở Việt Nam các phụ huynh cho con đi học nhạc khá nhiều, đặc biệt là piano đang khá phổ biến. Đó có phải là một tín hiệu đáng mừng để kích hoạt đời sống âm nhạc cổ điển trong nước.

Nghệ sỹ Lưu Đức Anh biểu diễn cùng Dàn nhạc Giao hưởng Nhà hát Nhạc Vũ Kịch TP Hồ Chí Minh.

+ Thực sự thì đây là điều rất đáng mừng. Việc số lượng học sinh học đàn tăng lên sẽ giúp cho môi trường âm nhạc phát triển hơn, âm nhạc hay việc chơi, học các nhạc cụ cổ điển sẽ được phổ biến hơn trong cuốc sống. Tuy nhiên thì đây cũng chỉ là những bước bắt đầu. Việc một đứa trẻ đi học đàn nhưng đạt được một chất lượng ở mức chuyên nghiệp tối thiểu còn cần rất nhiều yếu tố, đặc biệt là về phía các phụ huynh. 

Định hướng, phương pháp giáo dục tại nhà cũng như sự sát sao, nghiêm túc trong học tập của phụ huynh đối với đứa trẻ gần như đóng phần lớn vai trò trong việc con mình sẽ đạt được chất lượng học tập như thế nào. Hiện về số lượng người học nhạc có tăng rõ rệt nhưng về sự nghiêm túc, định hướng đúng đắn thì vẫn còn khá ít, nhưng dù sao bước đầu có số lượng cũng đã là khởi đầu rất tốt rồi.

- Nhưng cũng có một thực tế là, đi  theo con đường này khá chông gai, đòi hỏi sự khổ luyện, dấn thân, cần tinh chất chứ không phải đại trà. Anh thấy thực trạng đào tạo và chất lượng đào tạo ở Việt Nam đang thế nào?

+ Các thế hệ những người trẻ và giỏi của Việt Nam đang ngày càng nhiều, họ giúp chất lượng đào tạo đi lên rất nhanh. Về trình độ mặt bằng chung thì Việt Nam đang tiến bộ rất nhanh theo thời gian, có những bạn ít tuổi nhưng đã chơi đàn rất chững chạc, sở hữu kĩ thuật cực kỳ điêu luyện. Nhưng ở đâu cũng thế thôi, không chỉ riêng Việt Nam, bạn có thể rất xuất chúng lúc 18 tuổi nhưng hoàn toàn có thể bỏ nghề vào khi 20 tuổi. 

Càng đi sâu vào âm nhạc, độ khó và phức tạp lại càng tăng theo cấp số nhân, cần rất nhiều yếu tố mới giúp cho một người có thể kiên trì đi tiếp, ví dụ như ý chí, hoàn cảnh gia đình, điều kiện kinh tế, thầy cô giáo, môi trường học tập… Điều tối thiểu có thể hỗ trợ cho tất cả các bạn là hãy có một nền tảng cơ bản tốt và ý thức tập luyện nghiêm túc, như vậy cũng đã là một hành trang vô cùng dồi dào để dấn thân vào con đường này.

- Sau ba năm trở về Việt Nam và miệt mài làm việc, tham gia các hoạt động, anh thấy đời sống âm nhạc cổ điển Việt Nam có nhiều thay đổi hay không?

+ Việt Nam đang thay đổi rất nhiều, chỉ so với 10 năm trước đây thôi mà bây giờ đã hoàn toàn không thể nhận ra, số lượng các buổi hòa nhạc giờ rất nhiều, các cơ sở đào tạo âm nhạc cũng mọc lên khắp các con phố, các nghệ sĩ biểu diễn ngày càng đa dạng, từ những nghệ sĩ ở Việt Nam cho tới những nghệ sĩ nước ngoài về đây diễn, giảng dạy. Tuy chất lượng vẫn chưa thực sự đồng đều nhưng đó cũng là một tín hiệu vui. Tôi tin là tốc độ phát triển văn hóa nghệ thuật của Việt Nam sẽ rất nhanh và sẽ nhanh chóng có những thành tựu nổi bật.

- Cuộc sống của Đức Anh chỉ xoay quanh âm nhạc và chỉ âm nhạc mà thôi. Anh từng chia sẻ với tôi rằng, anh muốn trở thành một nghệ sĩ đa năng, đóng góp và cống hiến nhiều hơn cho cộng đồng. Vậy, con người nghệ sĩ chiếm bao nhiêu phần trăm trong anh để dành cho cây đàn piano?

+ Đến bây giờ thì tôi có thể tự tin nói âm nhạc đã chảy trong tôi như máu chảy. Mọi thứ không hề áp lực mà vô cùng tự nhiên.Tôi vẫn luyện tập rất nhiều nhưng không gặp áp lực như trước mà còn thấy cực kỳ phấn khích khi được tập luyện, được khám phá các tác phẩm mới. Còn trong cuộc sống thì mình phải tìm sự cân bằng, không chỉ 100% chỉ có nhạc được mà có lẽ luôn là 50 – 50. Nhưng điều giúp tôi vẫn đảm bảo được chuyên môn của mình là tôi luôn quan niệm nếu mình cũng làm tốt 50% kia thì 50% nhạc còn lại sẽ còn phát triển và thú vị hơn nữa.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh. 

Lan Tường (thực hiện)
.
.