Ký ức của một người anh hùng

Chủ Nhật, 25/07/2021, 12:09
Phải rất nhiều lần hẹn, tôi mới có dịp ghé thăm người nữ Anh hùng Trương Thị Khuê. Nhiều năm nay bà ốm nặng phải vào viện chạy thận. Những khoảnh khắc ngồi tĩnh lặng trong căn nhà nhỏ, bà bồi hồi nhớ lại những ký ức đẹp đẽ đã qua.


Ngôi nhà giản dị của bà vẫn còn lưu giữ lại những ký ức của một thời. Bức ảnh ba nữ Anh hùng ra Hà Nội gặp Bác Hồ được bà treo trang trọng giữa phòng khách. Đó là những ký ức không thể nào quên, mà cũng chính vì ký ức về những năm tháng hào hùng, kiên cường đó đã cho bà sức mạnh vượt qua bệnh tật, những con đau thể xác của tuổi già. 

Bà nói bà không sống bằng những hào quang của quá khứ nhưng quá khứ cho bà nghị lực để đi tiếp cuộc sống hôm nay mà vẫn giữ được tinh thần trong trẻo, khí phách của người Anh hùng cách mạng. 

Bà Trương Thị Khuê sinh năm 1945 trong một gia đình nông dân xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Mới lên 9 tuổi thì mẹ mất, sau đó bố trúng bom Mỹ chết. Cuộc sống mồ côi đã rèn cho cô bé Khuê tính tự lập, đảm đang và nghị lực sống.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Vĩnh Linh là một trong những trọng điểm bị đánh phá ác liệt. Bà Khuê sớm tham gia cách mạng và lập được nhiều thành tích nhờ sự quả cảm, không ngại gian khổ của mình. Năm 1965, ở tuổi 20, bà Trương Thị Khuê đã trở thành Xã đội phó kiêm Trung đội trưởng pháo 12 ly xã Vĩnh Thủy,  khu vực Vĩnh Linh. 

Bà cùng đồng đội đã bắn rơi 6 máy bay địch, bắt giữ hàng chục lính ngụy. Tuy nhiên, khi nói về những thành tích này, bà chỉ khiêm tốn: "Của đơn vị đấy chứ tôi có làm được gì đâu". Bởi bà tâm niệm giản dị rằng: "Đừng ai nói với tôi là sao bà lại có thể như thế này, như thế kia. Không phải là người phụ nữ Việt Nam thích chiến đấu đâu. Đơn giản là vì Mỹ mang quân đến nên mình phải đánh trả thôi".

Bà Trương Thị Khuê (thứ 2 từ trái sang) và các nữ dân quân được gặp Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch tháng 9-1968 - Ảnh tư liệu.

Ký ức của bà Khuê không phải là mưa bom bão đạn, là những trận đánh khốc liệt trên mảnh đất đau thương Quảng Trị. Ký ức của bà chỉ còn lại những kỷ niệm đẹp, đó là 4 lần bà được gặp Bác Hồ ở Hà Nội.

Bà Trương Thị Khuê được gặp Bác Hồ lần đầu tiên vào ngày 11/9/1968, khi đó bà mới 24 tuổi. Ngày hôm ấy, bà cùng 2 nữ dân quân là Trần Thị Bưởi và Nguyễn Thị Xuân vừa tham dự Đại hội thanh niên, sinh viên thế giới tại Sofia (Bulgaria) về đến Hà Nội thì được cán bộ Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng báo tin sẽ được vào thăm Bác Hồ. 

Theo dòng ký ức của bà, khi ấy, Bác ân cần hỏi về thành tích của từng người, nghe đồng chí Trương Vũ Kỳ kể xong, Bác khen: "Các cháu giỏi lắm". Lời khen của Bác rất ngắn gọn nhưng ai cũng xúc động nghẹn ngào. 

Biết chiến trường Vĩnh Linh trong cuộc kháng chiến gặp nhiều đau thương mất mát, Bác hỏi thăm kỹ lưỡng: Vĩnh Linh có bị máy bay B52 đánh nhiều không? Địch đánh như thế, bà con ta ăn ở ra sao? Thế ăn ở dưới hầm như vậy, sức khỏe bà con có bảo đảm không?... Từng câu hỏi quan tâm của Bác và những trăn trở trên nét mặt hiền từ đã khắc sâu trong tâm trí nữ dân quân Trương Thị Khuê. Hỏi thăm tình hình Vĩnh Linh xong, Bác lại quay sang hỏi nữ dân quân Nguyễn Thị Xuân về tình hình Quảng Bình, rồi dặn dò và gửi lời hỏi thăm đến các chiến sĩ và nhân dân.

Cứ thế, câu chuyện giữa Bác Hồ với các nữ dân quân nơi tuyến lửa Quảng Bình, Quảng Trị diễn ra vui vẻ, thân mật. Rồi Bác bất ngờ đề nghị: "3 cháu hát cho Bác nghe 3 bài nhé". Trương Thị Khuê mạnh dạn xin hát trước, điệu hò mái nhì do đội văn nghệ xã Vĩnh Thủy, Vĩnh Linh sáng tác: "... Rừng Thủy Ba nhiều cây gỗ quý/ Người Vĩnh Thủy ý chí kiên cường/ Quê hương ơi vời vợi mến thương/ Càng qua lửa đạn càng thêm trưởng thành...". Tiếp đó, chị Nguyễn Thị Xuân hát cho Bác nghe ca khúc: "Đẹp sao 5 gái quê ta" của nhạc sĩ Quách Mộng Lân, ca ngợi 5 nữ anh hùng quê Quảng Bình. Cuối cùng, Trần Thị Bưởi hát bài: "Tiếng hát trên đường quê hương". Bác khen: "Các cháu hát hay lắm!".

Anh hùng LLVTND Trương Thị Khuê.

Đúng lúc này, người thợ ảnh tìm được vị trí đứng chụp ảnh thích hợp. Bác thân mật hỏi: "Cháu nào muốn đứng gần Bác?". Cả 3 cùng đồng thanh: "Dạ, cháu ạ". Chụp ảnh xong, Bác đến trước nhà, nơi cây phong lan đang nở những chùm hoa trắng, tỏa mùi thơm dìu dịu. Ngắt 3 chùm hoa phong lan tặng 3 nữ dân quân, Bác Hồ ân cần: "Hoa phong lan của Bác rất đẹp, nhưng thành tích các cháu còn đẹp hơn hoa phong lan của Bác. Các cháu giữ và phát huy thành tích để tươi mãi như hoa".

Mấy hôm sau, vào ngày 16/9/1968, một tin vui bất ngờ lại đến với 3 nữ dân quân, đó là được Bác Hồ cho gọi vào ăn cơm cùng Người. Bà Trương Thị Khuê kể: "Tưởng rằng được ăn với Chủ tịch nước là phải thịnh soạn lắm nhưng khi nhìn thấy trên mâm cơm chỉ có một đĩa thịt gà luộc, một đĩa rau muống, một đĩa cà muối, một bát khoai sọ, chúng tôi đều nghẹn lòng. Một vị Chủ tịch nước mà lại ăn bữa cơm giản dị đến thế này sao? Khi ngồi ăn cơm, Bác tự tay đơm cơm cho từng người, chúng tôi cảm động không ăn được, chỉ nhìn nhau nước mắt rơm rớm. 

Ăn xong, chúng tôi đứng dậy thu bát đĩa, Bác lại nói: "Cháu Khuê ăn 3 quả cà đi". Một bữa ăn bình dị mà ấm cúng khiến tôi nhớ mãi, tôi nhớ cả bài học về sự tiết kiệm mà Bác đã dạy. Vì thế, hơn 40 năm hoạt động từ cơ sở đến Trung ương ở Hội Phụ nữ Việt Nam, tôi luôn nhớ những bài học về 3 quả cà trong bữa cơm với Bác hôm đó để sống giản dị, tiết kiệm".

Tối 20/9/1968, 3 nữ dân quân lại được Bác mời vào xem văn công. Đến Phủ Chủ tịch đã thấy đông đủ các đồng chí trong Bộ Chính trị. Bác Hồ gọi 3 nữ dân quân lại ngồi gần rồi Bác giới thiệu với mọi người tên tuổi, quê quán, thành tích chiến đấu của 3 nữ dân quân rất đầy đủ, chính xác. Trước lúc ra về, Bác dặn: "Các cháu phải về học tập, không học không làm được đâu. Học trường, học lớp, học đơn vị, học thực tế, cố gắng học tập".

Lần cuối cùng bà Trương Thị Khuê được "gặp" Bác là khi Bác mất. Bà nhớ lại, đến giờ vẫn rưng rưng xúc động: "Ngày 2-9-1969, tôi được lệnh mùng 3 phải có mặt ở Hà Nội. Tôi đi mà không biết có việc gì. Ra đến nói, tôi mới biết rằng, Bác mất. Tôi được phân công túc trực 15 phút bên linh cữu Người cùng với ba nữ anh hùng khác là Trần Thị Lý, Nguyễn Thị Chiên và Ngô Thị Tuyển".

Ký ức về những lần gặp Bác Hồ và câu chuyện về Người đã trở thành những kỷ niệm đẹp trong cuộc đời của nữ Anh hùng Trương Thị Khuê, thôi thúc bà làm việc và cống hiến nhiều hơn nữa. Chiến tranh kết thúc, bà tiếp tục đi học hết cấp 3, nỗ lực vươn lên trong công tác, học cao cấp chính trị và quản lý kinh tế. Sự nhanh nhạy, chịu khó, không ngừng học hỏi của bà đã mang lại cho bà những vị trí công tác cao. 

Ngoài 50 tuổi, bà được điều ra Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam, giữ chức Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa VIII, IX. Đó là những năm tháng bà làm việc say mê, dấn thân cống hiến cho công tác Hội và cộng đồng. 

Bà luôn tâm niệm về những bài học Bác dạy trong 3 lần gặp trực tiếp Người, điều đó có ảnh hưởng lớn đến tư tưởng cũng như con đường đi của bà sau này. Vì thế, trong thời gian công tác, bà đã có nhiều đóng góp, đi đến tận từng cơ sở. Bà luôn trăn trở về cơ hội công việc và trình độ văn hóa của phụ nữ, đi đến từng địa phương tìm hiểu, nói chuyện và truyền cảm hứng cho phụ nữ phải vươn lên bằng học vấn, không đến trường lớp thì học qua sách vở. Chính bà là một tấm gương của sự nỗ lực đó.

Bà Khuê năm nay đã ngoài 76 tuổi, sức khỏe yếu đi nhiều, đi lại khó khăn. Nhưng tinh thần của một người anh hùng, đã từng đi qua mưa bom, bão đạn, cận kề với cái chết giúp bà sống lạc quan và an yên. Bà nói, bà yêu loài hoa sử quân tử, vì thế, xung quanh nhà bà trồng mấy khóm hoa sử quân tử. Trong nắng gắt, hoa càng rực rỡ và tỏa hương thơm, như cách người nữ Anh hùng Trương Thị Khuê đã sống trong cuộc đời này. 

Linh Vân
.
.