(Đọc “Hùng binh”, tiểu thuyết lịch sử của Đặng Ngọc Hưng”, NXB Trẻ, 2018)

Những người anh hùng trên biển cả

Thứ Sáu, 06/11/2020, 11:03
“Hùng binh” của Đặng Ngọc Hưng góp thêm vào dòng tiểu thuyết lịch sử một bằng chứng sinh động về trách nhiệm công dân của nhà văn trước yêu cầu của đời sống. Lòng yêu nước không độc quyền, đó là “sợi chỉ đỏ”, là “cấu tứ” của tác phẩm của một cây bút trẻ thế hệ 7X hiện đang được xem là “chủ lực quân” của đội ngũ sáng tác hùng hậu.


“Tổ quốc Việt Nam thân yêu trên bản đồ thế giới mang hình một bà mẹ già gày gò, đội nón lá, lưng còng gập có lẽ vì phải gánh quá nhiều sứ mệnh lịch sử. Bà mẹ đáng thương ấy vẫn còn phải lặn lội thân cò, bước thập thững bên bờ sóng. Tấm lưng còng gập quay ra Biển Đông. Cái phên giậu giữ cho tấm lưng còng ấy khỏi lạnh chính là Trường Sa, Hoàng Sa đấy”. (Trần Đăng Khoa).

Năm 1980, Thần đồng thơ Trần Đăng Khoa đã chuẩn bị tài liệu để viết “Đảo chìm”, một cuốn tiểu thuyết, theo như nhà văn chia sẻ, không nệ vào hư cấu, bởi vì cuộc sống đã cung cấp sẵn cảm hứng lớn, hình ảnh đặc sắc, sự kiện quan trọng, nhân chứng tuyệt vời. Nghĩa là nhà văn chỉ cần có công sắp xếp những điều mắt thấy tai nghe, chăm chút câu chữ, quan tâm bố cục để tạo nên một tác phẩm “ròng ròng sống”. 

“Đảo chìm” (xuất bản lần đầu 2000, tính đến 2020 đã tái bản 28 lần), là tác phẩm được viết bằng trải nghiệm sống trực tiếp, nhưng theo tôi, quan trọng hơn là trải nghiệm văn hóa. Biển Đông còn nóng lên ngày nào trước tham vọng của những thế lực đầy dã tâm chiếm đất, chiếm biển đảo thì “Đảo chìm” của Trần Đăng Khoa còn khêu gợi, mời gọi người đọc chừng ấy. 

Trong bài thơ Tiếng Việt nhà thơ Lưu Quang Vũ đã viết tha thiết: “Một đảo nhỏ ngoài khơi nhiều kẻ nhận/ Vẫn tiếng làng, tiếng nước của riêng ta/ Tiếng chẳng mất khi Loa thành đã mất/ Nàng Mỵ Châu quỳ xuống lạy cha già”. 

Nếu ai đã lên Vị Xuyên, Hà Giang sẽ nghe chuyện về dòng chữ khắc trên báng súng của một chiến sỹ bảo vệ biên cương Tổ quốc: “Sống bám đá chết hóa đá thành bất tử”, sẽ hiểu các chiến sỹ Hải quân Việt Nam anh hùng trong “Đảo chìm” cũng đã sống và chiến đấu với tình thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh: “Sống bám biển chết hóa thành hồn biển”.

Bìa tiểu thuyết “Hùng binh” của tác giả Đặng Ngọc Hưng.

Cây bút trẻ Đặng Ngọc Hưng thuộc thế hệ cầm bút 7X, tác giả của tiểu thuyết lịch sử “Hùng binh” chia sẻ chân thành: “Tôi luôn luôn nghĩ rằng, viết về lịch sử dân tộc là cách tỏ lòng biết ơn và tôn vinh công sức, trí tuệ của cha ông thiết thực nhất”. Tiểu thuyết “Hùng binh” kể câu chuyện về những người dân biển bình thường nhưng vĩ đại, những người anh hùng trong ý nghĩa đầy đủ nhất của từ này. 

Nhưng điều đáng nói hơn cả là, “Hùng binh” đã tái hiện được truyền thống anh hùng của nhiều thế hệ những người dân thường đã lấy máu xương chiến đấu giữ gìn biển đảo Tổ quốc qua nhiều thế hệ (4 đời ông – con – cháu – chắt). 

Hai mươi chương của tiểu thuyết xoay quanh cái trục chính “Đội hùng binh Hoàng Sa” (cũng là tựa của chương 2). Đội hùng binh làng biển An Vĩnh (cù lao Ré) với quân số bất di bất dịch theo lệnh triều đình phải đủ 70 người hằng năm. Đội lớn ấy lại chia ra năm đội nhỏ (phân đội), đi trên 5 chiếc ghe câu trực chỉ Hoàng Sa. Những đội hùng binh này thuộc Hải đội Hoàng Sa được thành lập và hoạt động từ rất sớm, ngay từ thời các chúa Nguyễn bắt đầu cai quản Đàng Trong. 

Có một thời thất tán do tao loạn lịch sử. Nhưng sau khi lên ngôi Hoàng đế, thống nhất đất nước, chỉ một năm sau đó, vua Gia Long đã ra chỉ dụ khôi phục và củng cố lại đội hùng binh Hoàng Sa. Năm 1820, sau khi vua Gia Long băng hà, con trai lên nối ngôi, lấy niên hiệu Minh Mạng, vua con đã tiếp tục duy trì công việc tổ chức cai quản Hoàng Sa của vua cha. 

Căn cứ lịch sử và pháp lý đã rõ ràng như trong  thơ Thần Nam quốc sơn hà (tương truyền của Lý Thường Kiệt) đã viết: “Sông núi nước Nam vua nước Nam ở/ Sách trời đã rành rành ghi/ Cớ sao lũ giặc đến xâm phạm? Chúng bay tất chuốc lấy thất bại”.

Đó là cái nền lịch sử của tiểu thuyết “Hùng binh”. Nhưng đã là tiểu thuyết (dẫu là tiểu thuyết lịch sử) thì vẫn cần hư cấu, xây dựng kết cấu, cốt truyện, tình huống, nhân vật,... Kết cấu của “Hùng binh” theo phép truyền thống “tuyến tính”: câu chuyện được kể theo trình tự thời gian. Cốt truyện nương theo các sự kiện lịch sử. Nhưng lịch sử thông qua các nhân vật có số phận cụ thể (có cá tính, thân phận, cảnh ngộ, tâm trạng, kết cục). 

Nhân vật của “Hùng binh” được mô thức hóa qua “bốn ngôi”: ông nội - con trai - cháu nội - chắt nội. Dòng họ này nhiều đời bám biển như là nghề sinh tồn. Nhưng ngoài mưu cầu sống cho gia đình, bản thân họ còn có nghĩa vụ với triều đình, cũng là với dân với nước trong tinh thần đại nghĩa. 

Nếu nói có một nhân vật chính/trung tâm thì đó là Triều. Sau khi cha đẻ mất trong chuyến đi biển theo nhiệm vụ thường niên của đội hùng binh làng An Vĩnh, sau khi ông nội đã già, Triều là trụ cột chống chèo trong gia đình nhỏ, đã đành, anh còn là người chỉ huy tiên phong của đội hùng binh mới. 

Không kể hết gian khổ hy sinh của đội hùng binh làng An Vĩnh (cũng như nhiều đội hùng binh khác lúc bấy giờ), tác giả tập trung miêu tả ý chí, tinh thần vượt khó, vượt khổ của những người dân miền biển bình thường nhưng ý thức công dân lại hết sức cao cả, với tinh thần “dĩ công vi thượng”. 

Triều là nhân vật chính được khắc họa từ nhiều phía: tình yêu gia đình, quê hương, biển cả; lòng dũng cảm, trí thông minh trong nghề biển và trong nhiệm vụ của đội hùng binh. Nếu chỉ dừng lại đó thì nhân vật này vẫn chỉ mới gợi niềm tin yêu chân thành ở người đọc. Nhưng hơn thế, anh còn là con người chính trực, dám làm và dám nghĩ, dám chịu trách nhiệm. 

Trong chương 18 (“Câu chuyện ở Điện Thái Hòa”) lại mở ra một cách nhìn mới của độc giả về nhân vật này - dám nói lên sự thật trước vua chúa, một việc không phải ai cũng làm được nếu chỉ bảo an, cầu hòa. Anh nói rành rẽ trước mặt vua nhưng cũng là trước bàn dân thiên hạ: “Con xin Hoàng thượng thấu hiểu nỗi đau mất mát của làng An Vĩnh chúng con mà ra ân đặc xá miễn suất đội binh phu cho những người là con trưởng hoặc cháu đích tôn để các nhà đều có người sống mà nối dõi dòng giống và lo hương khói cho những người đã khất” (trang 468). 

Không ít bậc quân vương ngồi trên ngai vàng trong lịch sử đã không biết hoặc cố tình không biết thành quả của xã tắc nếu có được là đánh đổi bằng xương máu của muôn dân. Cái giá của thắng lợi đâu có dễ dàng và rẻ rúng. Máu người không phải là nước lã. Hòa bình, ổn định, ấm no, hạnh phúc cho muôn dân đâu phải chỉ đổi bằng ba tấc lưỡi. Như vậy, Triều là người đã sống theo phép tắc đạo lý “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”. 

Triều hy sinh anh dũng trong chuyến đi biển thực thi nhiệm vụ của người chỉ huy đội hùng binh làng An Vĩnh cuối cùng (chương 20). Nhưng cái kết của “Hùng binh” thật bi tráng, lạc quan, khi đứa cháu trai nội của Triều hỏi bà nội: “Hoàng Sa là ở đâu vậy bà?”, và hỏi tiếp: “Vậy chừng nào con lớn con có ra được Hoàng Sa không hả bà?” (trang 534). Đó là một cái kết rất “mở” (vì cái kết nào cũng tỏ rõ thái độ, lý tưởng thẩm mỹ của nhà văn với đời sống và con người). Cái kết đúc lại, đẩy lên cao âm hưởng/cảm hứng của tiểu thuyết “Hùng binh” - bi tráng, lãng mạn – chân thực đến tận xương tủy.

“Hùng binh” của Đặng Ngọc Hưng góp thêm vào dòng tiểu thuyết lịch sử một bằng chứng sinh động về trách nhiệm công dân của nhà văn trước  yêu cầu của đời sống. Lòng yêu nước không độc quyền, đó là “sợi chỉ đỏ”, là “cấu tứ” của tác phẩm của một cây bút trẻ thế hệ 7X hiện đang được xem là “chủ lực quân” của đội ngũ sáng tác hùng hậu. 

Lâu nay nói đến thế hệ 7X trong sáng tác văn chương/tiểu thuyết, người ta hay nhắc đến Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Đình Tú, Đỗ Tiến Thụy, Trần Nhã Thụy, Uông Triều, Nguyễn Thế Hùng, Như Bình, Phong Điệp, Tống Ngọc Hân, Nguyễn Xuân Thủy,... Ít  người trong giới phê bình chịu khó đọc và phát hiện những tên tuổi, gương mặt mới có cá tính như Đặng Ngọc Hưng. Tôi nghĩ, anh thuộc về “bè trầm” trong giàn nhạc giao hưởng. 

“Hùng binh” góp thêm tiếng nói bằng nghệ thuật hun đúc lòng yêu nước thương nòi cần thiết phát huy hơn bao giờ  hết trong bối cảnh Biển Đông đang dậy sóng. Đọc tiểu thuyết “Hùng binh” của Đặng Ngọc Hưng trong tâm trí mỗi chúng ta lại như vang vọng giai điệu hào hùng của ca khúc “Cùng nhau đi hồng binh” (sáng tác năm 1930) của tác giả Đinh Nhu, đã trở thành bài ca đi cùng năm tháng, thành giai điệu tự hào.

Hà Nội, tháng 5-2020

Bùi Việt Thắng
.
.