Kỷ niệm nhỏ về nhà văn Kim Lân

Thứ Hai, 16/01/2017, 08:02
Một buổi sáng, chúng tôi đạp xe tìm đến nhà ông ở sâu trong ngõ Hạ Hồi, cách hồ Thiền Quang không xa. Nom dáng vẻ khắc khổ, nghiêm nghị của nhà văn, nhất là khi ông vừa tiễn chân mấy vị ở Viện Văn học, thoạt đầu ai nấy có vẻ e ngại. Nhưng rồi thấy ông chân tình, cởi mở, lại rất hóm, chúng tôi gọi đùa ông là “Lão Hạc”. 


Sau khi có dăm ba truyện ngắn, bút ký và thơ đi trên tờ Tạp chí Văn nghệ Phú Khánh, sau dịp Tết Nguyên đán Giáp Tý (1984), từ Nha Trang, tôi được Ban văn học Quân chủng Không quân gọi ra Hà Nội dự Trại viết, chuẩn bị cho kỷ niệm 20 năm ngày Không quân nhân dân Việt Nam đánh thắng trận đầu (3 - 4 -1965).

Thời bao cấp khốn khó nhưng ngày ấy, cánh lính không quân mỗi khi ra Bắc, vào Nam thường được vi vu cưỡi AN-26, loại máy bay vận tải quân sự mà nhiều người quen gọi đùa là “tàu chợ nhà giời”. Về đến Quân chủng, chửa thấy “lều trại” đâu, các trại viên được dẫn vào khu “chiêu đãi sở” nằm cạnh ao hồ, cỏ xanh tràn ra cả lối đi.

Nhà văn Kim Lân (đội mũ), tác giả bài viết Nguyễn Minh Ngọc, nhà văn Nguyễn Khắc Trường cùng các trại viên tại Nha Trang (1984).

Hai người một phòng, đêm đến tha hồ nghe ếch nhái ca cẩm. Mấy dãy nhà cấp 4 tuềnh toàng, vách được ngăn bởi những tấm cót mỏng, phòng nhỏ chỉ đủ hai chiếc giường đơn xập xệ, ở giữa kê cái bàn vuông mặt đá cáu bẩn hệt như loại bàn thường thấy trong các cửa hàng giải khát thời chiến tranh. Hóa ra, đây là trạm khách của Quân chủng, dành cho người chờ chực đi tàu bay quân sự, thảng hoặc có cả những cặp vợ chồng trẻ mượn phòng tá túc.

Trạm khách nằm sâu trong ngõ nhỏ từ đường Chiến thắng B52 rẽ vào. Trước đây nó là con đường Tàu Bay lầm bụi, chả hiểu sao ai đó ngẫu hứng đổi sang một cái tên nghe rất ẩm ương, đọc méo cả mồm! Ngó khung cảnh chung quanh rồi nhìn người ngợm rất chi là “bô-nhếch”… mà ngao ngán. Cảm nhận đầu tiên khiến cho sự hăm hở của các trại viên bị tụt mất phân nửa.

Có điều, từ thập niên 60, trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt vậy mà Quân chủng Phòng không - Không quân (Tháng 5-1977, tách thành Quân chủng Phòng không và Quân chủng Không quân. Đến tháng 3-1999, trở lại Quân chủng Phòng không – Không quân) khi ấy đã phát hiện được khá nhiều cây bút trẻ đang công tác dưới các đơn vị cơ sở, gom về lập thành “Tổ gương” chuyên viết gương người tốt, việc tốt. 

Và chính từ cái “bệ phóng” này, một loạt nhà văn tài danh xuất hiện trên văn đàn, như: Đỗ Chu, Lưu Quang Vũ, Thao Trường (Nguyễn Khắc Trường), Dương Duy Ngữ, Hoàng Hữu Các… Bây giờ đến lượt Ban văn học Không quân cũng được lập ra để kế tục truyền thống ấy. Thời ấy, có lẽ đây là điều hi hữu mà chưa một quân, binh chủng nào làm được!

Ổn định xong nơi ăn, chốn ở, một buổi sáng, các trại viên được gọi vào Cục Chính trị Quân chủng dự khai mạc. Đến nơi mới biết đây là trại viết do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Quân chủng Không quân tổ chức. Hèn nào, vừa bước vào hội trường, tôi đã thấy lừng lững ông Nguyễn Đình Thi, Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, cùng những “cây đa, cây đề” như: Kim Lân, Bùi Hiển, Nguyễn Đăng Mạnh, Hữu Thỉnh, Ma Văn Kháng, Thao Trường, Nguyễn Trí Huân, Trần Ninh Hồ, Vương Trí Nhàn, Vũ Quần Phương, Nguyễn Thị Ngọc Tú…

Đọc tác phẩm của họ, giờ mới được diện kiến các tác giả, trong lòng gã trung úy là tôi ắp đầy sự ngưỡng mộ. Tôi coi đây là kỷ niệm và chút vinh hạnh đầu đời văn của mình. Đặc biệt là cụ Kim Lân, gốc gác ở làng Phù Lưu, xã Tân Hồng, Từ Sơn (nay là thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) tác giả của những truyện ngắn lừng danh như: “Làng”, “Vợ nhặt”… mà nhà văn Nguyễn Khải từng nói là “thần mượn tay người viết”. Vừa gặp ông, tôi mê liền.

Về dự có chừng trên dưới 20 trại viên mới toe, không kể các anh ở Ban văn học như: Hà Bình Nhưỡng, Trần Vinh Khâm, Trần Hợi, chạy qua chạy lại. Điểm mặt thấy có hai giáo viên văn, một phi công trực thăng, còn lại là các sĩ quan, thợ máy, nhân viên kỹ thuật, lính thông tin, khí tượng…

Trong ba gương mặt nữ hiếm hoi, có hai người thuộc biên chế của Trường Trung cao Không quân (sau là Học viện Không quân), đó là Nguyễn Thị Minh Huệ, giáo viên tiếng Nga và Chu Minh Phương, thủ thư (ái nữ của tướng Chu Duy Kính); Nguyễn Ngọc Huyền, chiến sĩ thông tin. Trẻ nhất ở trại là chú em Hà Kim Hợp, mới vài tuổi quân.

Ngày ấy, ngoài sự nhiệt tình hăm hở của những người lần đầu “ra biển lớn”, quẫy đạp ùm ùm, hầu như chưa ai có chút vốn liếng hay kinh nghiệm viết lách gì. Mỗi người được phát vài tệp giấy với cây viết bic, đơn giản vậy thôi. Chưa ai nghĩ đến việc sắm cho mình một cái máy đánh chữ. Đành cặm cụi thức đêm thức hôm, nằm bò ra giường mà “cày, ủi” vậy.

Chết nỗi, thời gian này có một lớp trung cấp quân nhu với khoảng 30 nữ vừa tốt nghiệp cũng đổ bộ về ở trạm khách chờ nhận công tác. Người đông, sinh hoạt nhốn nháo. Nhà cửa, phòng ốc nhiều chỗ cứ thông thống, kể cả nhà tắm. Báo hại cho các trại viên nam “quay” được nhiều cảnh “nóng” chị em tắm, tha hồ mà “bổ túc” mắt... He he.

Tếu táo vậy nhưng chỉ sau hơn một tuần, lác đác đã có người nộp quyển. Hội Nhà văn phân công các nhà văn: Kim Lân, Thao Trường, Trần Ninh Hồ đọc bản thảo của các trại viên. Tôi ở cùng nhóm với Huệ, Phương và Lưu Đức Hài được cụ Kim Lân đọc và nhận xét bản thảo.

Cố nhà văn Kim Lân (trái) trong phim “Làng vũ đại ngày ấy” và cuộc sống những ngày cuối đời tại Hà Nội.

Một buổi sáng, chúng tôi đạp xe tìm đến nhà ông ở sâu trong ngõ Hạ Hồi, cách hồ Thiền Quang không xa. Nom dáng vẻ khắc khổ, nghiêm nghị của nhà văn, nhất là khi ông vừa tiễn chân mấy vị ở Viện Văn học, thoạt đầu ai nấy có vẻ e ngại. Nhưng rồi thấy ông chân tình, cởi mở, lại rất hóm, chúng tôi gọi đùa ông là “Lão Hạc”.

Cuộc trò chuyện của ông dường như chả dính gì đến văn chương cả, cứ nhẹ nhàng, rủ rỉ. Tôi biết trong 7 người con của nhà văn Kim Lân, có 4 họa sĩ: Nguyễn Thị Hiền, Thành Chương, Nguyễn Từ Ninh, Nguyễn Việt Tuấn…

Mấy anh em trại viên ngồi bệt xuống sàn nhà. Nhà văn vừa gại gại đóm vào chiếc điếu bát sau mồi thuốc lào lắc lư, vừa gật gù góp ý. Bản thảo truyện ngắn “Lạ lùng” của tôi, không thấy cụ gạch hay xóa gì sất, mà chỉ thấy những dấu hỏi đỏ chót bên lề. Thú thực, lúc ấy tôi thấy hoang mang quá; trong đầu chợt nảy câu Kiều: “Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”. Truyện ấy bị đổ, tôi phải viết cái khác để nộp. Về sau, khi đã dấn vào văn nghiệp, đọc lại, tôi mới thấm và càng khâm phục con mắt tinh tường của một nhà văn bậc thầy!

Nhằm giúp các cây bút trẻ hoàn thiện tác phẩm, Quân chủng cho cả trại bay AN-26 vào Nha Trang, nghỉ tại Đoàn an dưỡng 20 Không quân. Hai nhà văn Kim Lân và Thao Trường cùng theo sát các trại viên. 

Vốn rất kiệm lời, trong những ngày bám trại, bậc thầy truyện ngắn Việt Nam thủng thẳng: “Các anh chị thấy gì tâm đắc cứ viết. Chưa in được thì để đấy, rồi sẽ có lúc. Có điều, nhà văn đừng bao giờ là “con hát”, khom lưng cung phụng kẻ có quyền và bọn lắm tiền, vứt!”.  Thấy ông mở lòng, một trại viên liền xen vào: "Cháu nghe nói nhà văn X. tài ba cỡ đó, nhưng dính “tai nạn” văn chương, may nhờ có ông em to oạch giải cứu… không thì toi?".

Tức thì, lão Hạc nghiêm mặt: "Ai bẩu?". Anh giáo nọ ấp úng: "Dạ, hồi cháu ở đại học…!". Lặng đi một lúc, nhà văn mới phì ra cơn thịnh nộ: "Nhà trường dạy các anh… nói láo!". Kết thúc trại, có 15 truyện ngắn được chọn in trong tập “ĐÔI CÁNH TUỔI 20”. Giờ đọc lại thấy ngô nghê. Nhưng nếu không có cái thuở ban đầu vụng dại ấy thì sao có được ngày hôm nay?

 Sách ra, được nhà phê bình Ngô Vĩnh Bình giới thiệu trong bài điểm sách trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Nhờ một câu nhận xét: “Văn anh rất trong sáng!” của cụ Kim Lân khi kết thúc trại mà tôi đủ can đảm dấn bước. Một lần ra Hà Nội, tôi rủ Huệ đến thăm thầy Kim Lân. Mấy bác cháu trò chuyện khá lâu. Ông vui lắm.

Thoắt đã 32 năm. Mấy chục trại viên ngày ấy giờ tản mát mỗi người một phương. Trong số ấy, có hai gã cùng ở một tiểu đoàn (cuối 1975), một người còn theo đuổi nghiệp văn đến tận bây giờ và một người hiện đeo lon thiếu tướng. Đinh Như Thiết ra nước ngoài làm ăn, nhiều năm nay gã cựu phi công trực thăng là một doanh nhân thành đạt ở trời Tây (Rumani) và nghe đâu hắn có vài tựa sách được xuất bản. Số còn lại hầu như rơi rụng hết. Chớp mắt, nhà văn Kim Lân đã khuất núi chẵn 10 năm. Và mới đây thôi, tên ông được đặt cho một đường phố ở Bắc Ninh. Ôi, thời gian!

Nguyễn Minh Ngọc
.
.