Nhà văn Kim Lân và những vai diễn "để đời"

Thứ Năm, 24/01/2008, 15:00

Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ...

Cứ mỗi khi nhớ về bác Kim Lân, tôi lại liên tưởng đến hai câu thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên và bùi ngùi.

Tôi được làm việc với bác Kim Lân từ những năm 1980, khi bộ phim "Làng Vũ Đại ngày ấy" đưa vào sản xuất. Tôi vốn yêu quý nhà văn Nam Cao  nên dựa vào một số truyện ngắn cùng tiểu thuyết "Sống mòn" của ông để viết thành một kịch bản mang tên "Làng cũ ngày mòn".

Quăng đi quật lại mãi, mấy năm sau các cấp lãnh đạo nghệ thuật mới duyệt cho làm phim, nhưng yêu cầu phải đổi tên thành "Làng Vũ Đại ngày ấy". Vâng, ngày ấy chứ không phải ngày nay cho thật rành rọt lý lịch nhân thân của những Chí Phèo, Thị Nở, Bá Kiến … 

Vượt gần chục cửa ải xét duyệt khi ấy, đoàn làm phim đã lấy làm may mắn lắm rồi.

Tôi càng mừng hơn khi biết vai lão Hạc trong kịch bản được đạo diễn gạo cội Phạm Văn Khoa mời bác Kim Lân đóng. Tôi hy vọng rằng nhờ tình yêu, tình bạn của bác Kim Lân với nhà văn Nam Cao từ thuở xa xưa, vai lão Hạc chắc chắn sẽ được bác tâm huyết lột tả bằng những ngón diễn xuất tài hoa bất ngờ như vai Pụ Pạng ở phim "Vợ chồng A Phủ". Hồi ấy chúng tôi mới bước vào nghề Điện ảnh, cứ tròn mắt thán phục bác. Diễn thế mới tinh tế chứ!

Cả đoàn phim "Làng Vũ Đại ngày ấy" rất hồi hộp. Vai lão Hạc tất phải đi đôi quấn quýt ngày đêm với con chó vàng của lão. Người với chó phải như bóng với hình, gắn bó thân thiết tựa cha con.

Nhưng con chó đoàn thuê mới đưa về lại chưa quen mặt "chủ". Tất cả chúng tôi đều nơm nớp lo chú chó ấy giở chứng, làm khó cho bác Kim Lân trong những ngày quay phim thì chết. Nhưng bác vẫn bình tĩnh bảo anh chủ nhiệm phim:

- Anh để tôi chăm nom con chó, cho nó ăn uống, vuốt ve nó mới dễ làm thân. Giờ nó đang sợ, đừng ai lại gần, cũng không được dọa nạt bắt nó vào vai như người được đâu.

Rồi chỉ hơn tuần lễ trôi qua, không rõ bằng cách nào mà con chó vàng "cậu vàng của lão Hạc" đã bị bác Kim Lân thu phục hoàn toàn. Nó quấn quýt bên bác cả ngày lẫn đêm không rời một bước. Cả đoàn phim thở phào nhẹ nhõm.

Ngày thành phố Hải Phòng mời đoàn phim xuống giao lưu với khán giả nhân dịp bộ phim trình chiếu, chúng tôi rất quan tâm.

Hôm ấy Hãng phim cho một chiếc com-măng-ca đưa đạo diễn, biên kịch với một vài diễn viên chính đi về thành phố hoa phượng đỏ. Tất cả anh em tập trung tại Hãng từ sáu giờ rưỡi sáng. Đúng giờ đã định, xe chuyển bánh. "Thị Nở", "Chí Phèo", "giáo Thứ" náo nức với chuyến đi, vui như tết. Dạo đó nghệ thuật còn "thiêng" lắm.

Riêng tôi không hào hứng nhiều vì trong lòng vẫn gờn gợn sự ấm ức với hiệu quả nghệ thuật của bộ phim. Nhưng tôn trọng anh em, tôi chỉ lặng thinh ngồi im ở góc xe, để không ảnh hưởng tới không khí chung.

Xe đi qua ngõ Hạ Hồi đón bác Kim Lân. Chúng tôi đều biết sự có mặt của bác trong đoàn giao lưu thật quan trọng. Thực sự bộ phim đã thêm danh giá vì có nhà văn Kim Lân tham gia trong đó. Và khán giả Hải Phòng chờ đón bác với biết bao mến yêu.

Thoạt đầu lên xe bác vui vẻ lắm. Nhưng xe đi chưa được bao xa, hình như bác cảm thấy lẩn quất mơ hồ một đôi điều không thật sự ổn thỏa. Phải là người tinh tế lắm mới cảm nhận thấy, vì chúng tôi đều là những người biết tự kiềm chế mình.

Thế là bác bỗng lặng thinh giữa chừng câu chuyện tào lao với anh em. Xe ôtô lên đến giữa cầu Long Biên đột nhiên bác thoái thác đòi xuống, nhất định không đi nữa, cũng không để chúng tôi quay xe đưa bác trở lại nhà. Tôi giật mình e rằng sự không vui của tôi đã thất thố với bác. Tuy nhiên sự đã rồi, vớt lại không kịp. 

Sau này khi được bác tin cậy, thân thiết, bác tâm sự:

- Đi chơi với nhau là phải thoải mái. Chị tính suốt chặng dường hàng trăm cây số mà cứ như ngồi giữa trận tiền, thì dù được ăn vàng cũng chả thích. Tôi biết chị áy náy khi tôi đòi xuống xe, nhưng thú thật tôi không thể làm khác. Vui gượng thì chẳng thà cứ về quách cho xong. Ai bắt tội mình đâu.

Có lẽ vì cách sống hết sức sòng phẳng với mình cũng như với đời mà tôi thêm quý mến bác. Cũng như bác hiểu sự tâm huyết với nghệ thuật của tôi nên đã có lúc nửa đùa nửa thật nói:

- Tớ tuyên bố từ nay cho đến chết, tớ sẽ chỉ nhận lời mời đi đóng phim của Đoàn Lê mà thôi. 

Tôi cho rằng bác nói cho vui, nhưng thật cảm động, hình như bác làm thế thật. Nhớ một bữa đi dạo trên bờ biển Đồ Sơn trong khi chờ quay bộ phim chân dung: "Nguyên Hồng với bạn bè", bác vui miệng kể cho tôi nghe một ý truyện bác ấp ủ từ lâu lắm rồi. Đó là chuyện một anh chàng câm trong bối cảnh thời kháng chiến chống pháp. Từng lời, từng lời, bác kể thật say sưa hào hứng. Tôi tò mò hỏi bác:

- Chuyện hay quá. Sao bác chưa viết? 

- Mọi thứ cứ hiện trong đầu rõ mồn một mà không thể nhấc bút mới lạ chứ. Nếu chị cũng thích, tôi biếu chị cốt chuyện này. Không phải ai tôi cũng dễ thế. Nhưng tôi tin tạng chị viết sẽ hợp.

Tôi không dám nhận sự ân ưu ấy. Rốt cục tôi viết kịch bản "Con Vá", một kịch bản cũng lấy gã câm với một con chó vá là hai nhân vật chính. Mới đầu bác Kim Lân đọc kịch bản rất thích vai ông bố gã câm. Nhưng sau tôi phân tích thuyết phục một hồi, bác đồng ý nhận vai lão già Tàu, không có con nối dõi tông đường, mua ép một cô gái trẻ mới lớn về làm vợ hai. Sau này lão đã phải chết vật ra khi biết đứa con trai chậm nói của mình thực ra là con của gã câm với cô gái bị ép uổng kia. --PageBreak--

Đoàn phim lấy bối cảnh chính ở Tân Sơn, một xã vùng xa của Lục Ngạn, hồi đó còn heo hút với những ngôi nhà trình đất dày, cheo leo trên sườn đồi. Cả đoàn phải mượn hội trường nhà Văn hoá xã Tân Sơn đóng quân.

Ngày đi quay, cơm ba bữa nhờ một cửa hàng cơm bình dân ngoài khu chợ thưa thớt, đêm đêm về trải chiếu lên mặt sàn xi măng sân khấu lầm bụi của hội trường mà ngáy như chết. Mỗi người một cái chiếu, một chăn đơn mang theo từ nhà. Mấy phụ nữ may mắn được ghép ghế dài ở hội trường làm chỗ ngủ.

Cái máy nổ pằng pằng chạy tới 9h tối phục vụ mấy anh máu mê tá lả rồi tắt để tiết kiệm xăng. Thời buổi này đi làm phim khó có ai chịu khổ đến thế.

Bác Kim Lân già cả như vậy mà không kêu ca nửa lời. Bác chỉ đùa bảo:

- Thế này là Đoàn Lê nó cho mình đi ba cùng như hồi Cải cách ruộng đất đây.          

Cả đoàn đều hết sức lo cho sức khỏe của bác. Trèo đèo lội suối, nhỡ cụ xảy chân là chết con cháu! Nhưng trái lại bác không để phiền đến ai, thậm chí còn giúp đỡ, làm gương cho anh em trong đoàn.  

Tới ngày bấm máy cuối cùng ở Tân Sơn, suối Mỡ, mọi chuyện đều suôn sẻ. Lão Pẩu đóng không chê vào đâu được. Tôi cứ mừng thầm, tự thưởng cho mình một lời khen: "Sẽ không thể tìm một diễn viên nào hợp hơn bác Kim Lân trong vai lão Pẩu cả! Chúng tôi quá may mắn!".

Giai đoạn cuối, quay đến cảnh đêm tân hôn tại nhà lão Pẩu, chúng tôi phải di chuyển đoàn về một ngôi nhà gỗ cổ ở Kiến Thụy, Hải Phòng. Khi chuẩn bị đêm quay, mọi người đều hồi hộp. Liệu cô và cụ cố đóng đôi cảnh giường chiếu có ngượng nghịu gì không đây?

Chưa kể người xem quây kín vòng trong vòng ngoài ngay từ chập tối rất tác động tới tâm lý Lan Anh (vai cô Thim). Tôi chạy ra chạy vào đôn đốc anh em, kiên quyết trấn giữ che chắn tất cả lối cửa, kể cả cửa sổ, cắt người canh gác cẩn thận, xong xuôi mới phát lệnh làm việc.

Đêm quay thành công mỹ mãn. Xem ra bác Kim Lân cũng chưa khi nào căng thẳng như thế. Cuối đêm quay, có lẽ do thấm mệt, do phải tập trung diễn xuất, bàn tay cầm chén thuốc "kích hoạt" đưa cho cô vợ trẻ của bác cứ run rẩy. Điều này ngoài dự kiến của đạo diễn. Tôi ghé tai anh quay phim dặn:

- Quay tới đi, không sao cả. Vậy càng tốt. Rõ ràng bên cạnh một thân thể non tơ thế kia, lão già bị xúc động mạnh chứ còn gì nữa. Không phải quay lại đâu.

Sau tôi mới biết là bác diễn đấy thôi. Cách diễn nghiêm túc, sáng tạo của bác đã cuốn theo Lan Anh. Tôi không thấy cô bé ngượng nghịu chút nào và những dòng nước mắt chứa chan trên gương mặt cô trong đêm tân hôn đau khổ, đã thực sự gây xúc động cho khán giả sau này.  

Lan Anh hồ hởi thì thào với tôi:

- Cháu thật sự biết ơn cụ Kim Lân. Lúc trên giường, nhìn ánh mắt quắc lên giận dữ xét hỏi của cụ, cháu hoảng quá, cứ tưởng tượng như thật, quên cả xấu hổ, tự nhiên tủi thân, thế là khóc.        

Tôi đùa:

- Con có diễm phúc mới được diễn chung với cụ đấy con ạ.

Cũng thật may, vừa quay xong những cảnh cuối cùng, bác nhận tin bác gái ốm. Lúc đưa bác lên ôtô về Hà Nội, tôi còn đùa:

- Cụ vừa cưới vợ hai trẻ đẹp thế kia, nay về nhà có bị cụ bà lục vấn gì không đây?

Bác cười hiền mà dí dỏm:

- Thì tôi bắt mụ Đoàn Lê làm chứng. Đóng phim chứ nếu chuyện có thật thì cho ăn kẹo tôi cũng chẳng chơi. Chơi cái khác để giữ êm ấm nhà cửa chứ ai lại dại thế.

Bác Kim Lân ơi, nhà văn tài hoa một thời, người gắn bó với những vai diễn ấn tượng trong Điện ảnh, chúng em mỗi khi nhớ bác lại rủ nhau mở phim ra xem mà bùi ngùi. Người còn sống động trên màn ảnh kia, sao lại thành người muôn năm cũ cho được...

Đoàn Lê
.
.