Huy Cận và chiêm nghiệm“củi một cành khô...”
Làng Ân Phú quê hương Huy Cận nằm dưới chân núi Mồng Gà và hai con sông náo nức vây quanh. Hồn thiên nhiên miền Trung lặn vào thơ Huy Cận trong bài “Tràng giang” (1939), giữ lại ở đó không gian một thời đã xa buồn nhớ điệp trùng.
Sông La và bến Tam Soa là một góc hồn thơ Huy Cận. |
Thơ là thơ, khi tâm hồn và sự vật cùng cất tiếng, nó không bị chỉ huy thì thơ lại hay. Nhiều người cứ cho rằng, nỗi buồn trong bài “Tràng giang” là nỗi buồn mất nước, nô lệ dưới chế độ cũ.Bài thơ viết năm 1939, trước Cách mạng Tháng Tám 6 năm.Cảm thụ bài thơ thì những yếu tố nói trên không biểu lộ, người ta suy rộng thêm để bài thơ có vẻ có chính trị.Thì thơ là chính trị, là hồn người gọi hồn người, nó chạm đến cõi thiêng linh cảm để phút ấy con người tự thanh lọc, thức tỉnh nhân bản.
Một đời thơ Huy Cận, người ta vẫn nhớ đến bài “Tràng giang” được viết năm 20 tuổi, khi còn ít vốn sống trải nghiệm.Sự kỳ diệu của thơ là ở đó, không phải càng về sau lại viết hay hơn trước.Ở một lúc nào đấy, những ẩn ức dồn nén như thời gian như sứ mệnh xô tới, thăng hoa.
Huy Cận được một lần thăng hoa cảm xúc vũ trụ trong bài “Tràng giang” không lặp lại: “Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp”. Nỗi buồn ở đây khi đứng trước con sông quê hương là nỗi buồn thiên nhiên, nó gợi buồn cho con người nhớ nhà, nhớ người và nhớ những gì không gọi được tên: “Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”.
Trước cảnh: “Sông dài trời rộng bến cô liêu”, thật quạnh hiu, khao khát sự ấm áp, khao khát được gần gũi, tác giả như đang nguyện cầu. Con người ở trong thiên nhiên giao hoà, tự do, hoàn toàn không bị chi phối – mật thiết và cảm thấu.
Có một niềm khắc khoải thân phận “Củi một cành khô lạc mấy dòng”. Ấy là hiện thực dự báo con đường dấn thân cho sự nghiệp thi ca, sự nghiệp cách mạng. Câu thơ đã ở tầm khái quát về sự biến động cuộc sống như thương mình lại như thương người. Văn chương nết đất là thế! Sinh ra được hấp thụ mạch nguồn, không khí ở làng quê, mảnh đất quê, nhà thơ Huy Cận mới có được câu thơ mang hồn của nó, những đại – biểu – ngôn – từ của trời đất miền Trung!