Họa sĩ đam mê vẽ trâu
- Họa sĩ Thành Chương: Đừng nhân danh bảo tồn để phá hủy văn hóa
- Họa sĩ Thành Chương và câu chuyện lên 3 tuổi ôm gà đi hỏi vợ
- Hoạ sĩ Thành Chương: Phải tạo được dấu ấn riêng
Họa sĩ Thành Chương có thể xem là một trong những họa sĩ hiện đại nổi tiếng hàng đầu nước ta. Họa sĩ Thành Chương từng có bức tranh “Tình yêu” được chọn làm 1 trong 6 tác phẩm để in bộ tem kỷ niệm Năm tình nguyện thế giới 2001 của Liên Hiệp quốc. Riêng bộ phim sử dụng bức tranh “Tình yêu” của họa sĩ Thành Chương được in số lượng 2,3 triệu con tem.
Trong bức thư cảm ơn họa sĩ Thành Chương, những người thực hiện bộ tem kỷ niệm Năm tình nguyện thế giới 2001, đã viết: “Ông sẽ đứng trong đội ngũ những nghệ sĩ như Venmeer, Legre, Henry, Moar, Salvador Dali, Pablo Picasso, Andrew Wyeth, Hans Emi, Leroy Neiman và Romero Brito… những người đã có tác phẩm được dùng làm biểu tượng của Liên Hiệp quốc”.
Họa sĩ Thành Chương qua nét vẽ của họa sĩ Phạm Hải An. |
Họa sĩ Thành Chương sinh năm 1948 ở ấp Cầu Đen, nơi được mệnh danh là đồi văn nghệ kháng chiến tại Bắc Giang. Sau năm 1954, họa sĩ Thành Chương theo gia đình về Hà Nội. Nhiều người đã biết, họa sĩ Thành Chương có người cha tên tuổi là nhà văn Kim Lân có người chị cũng tên tuổi không kém là họa sĩ Nguyễn Thị Hiền. Học xong phổ thông, Thành Chương cũng vào bộ đội, tham gia cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Một lá thư gửi từ chiến trường về cho phụ mẫu, Thành Chương viết:
“Thầy mẹ thương yêu của con!
Con vẫn sống, sống mà phải luôn luôn giành giật với cái chết từng giây, từng phút. Căng thẳng, ác liệt. Nhưng cũng chính ở nơi đây, con của thầy mẹ cũng từng phút từng giây lớn lên…
Trong thời gian qua, con đã chiến đấu rất dũng cảm và mọi mặt đều trưởng thành vượt bậc. Trong đợt tổng kết cuối năm, con được bình bầu là chiến sĩ công binh vượt sông anh dũng, được đề nghị khen thưởng và được đi dự Đại hội Thanh niên làm theo lời Bác…”.
Hoàn thành trách nhiệm công dân với 10 năm binh lửa, họa sĩ Thành Chương quay về Thủ đô làm báo Văn nghệ và nhanh chóng khẳng định được chỗ đứng trong làng mỹ thuật. Nhà phê bình Nguyễn Quân đánh giá: “Mỹ thuật Việt Nam như một bản đồ và Thành Chương như một địa danh đã được khẳng định trên bản đồ ấy. Ông là người chuyển tiếp từ nghệ thuật hiện thực chiến tranh sang nghệ thuật đổi mới, đi dọc hết nghệ thuật đổi mới và bước sang nghệ thuật đương đại để khẳng định tên tuổi mình cả trong nghệ thuật hội họa cũng như thị trường hội họa”.
Một đồng nghiệp ở báo Văn nghệ là nhà thơ Bế Kiến Quốc (1949-2002) cũng có bài thơ ca ngợi vẻ đẹp tác nghiệp của họa sĩ Thành Chương: “Thành Chương vẽ/ Vẽ - và đang cất giấu/ Từng mảnh rời tuyệt mỹ của Trần Gian… Thành Chương vẽ/ Vẽ - và đang bay liệng/ Trên cõi màu kỳ ảo của Vô Biên… Thành Chương vẽ/ Vẽ - và đang cầu nguyện/ Cho phục nguyên Thế Giới tả tơi này”.
Nhắc đến họa sĩ Thành Chương, những người không mấy yêu thích mỹ thuật cũng biết đến ông với tư cách là chủ nhân của biệt phủ độc đáo ở Sóc Sơn - Hà Nội. Biệt phủ ấy, được đặt tên “Việt phủ Thành Chương”, không chỉ rộng lớn mà còn đậm đà phong vị văn hóa Việt. Rất nhiều nhân vật quốc tế lừng lẫy khi đến Việt Nam đều ghé thăm Việt phủ Thành Chương. Nhờ đâu họa sĩ Thành Chương có được nguồn tài chính dồi dào để đầu tư xây dựng một cơ ngơi hoành tráng như vậy? Tất cả đều nhờ bán tranh. Họa sĩ Thành Chương là người vẽ tranh và bán tranh số một Việt Nam trong suốt 30 năm qua.
Hai tác phẩm “Trâu” của họa sĩ Thành Chương. |
Hai đề tài xuất hiện dày đặc trong tranh Thành Chương là khuôn mặt tự họa của ông và những bức vẽ trâu. Họa sĩ Thành Chương không nhớ mình đã bán bao nhiêu bức tranh trâu, nhưng đồng nghiệp và công chúng đều thừa nhận ông là ngưỡi vẽ trâu nhiều nhất Việt Nam. Họa sĩ Thành Chương vẽ trâu ở những góc độ khác nhau, với những màu sắc và bố cục khác nhau, nhưng đều toát lên vẻ đẹp gần gũi và bình yên.
Họa sĩ Thành Chương vẽ trâu nhiều đến mức nhiều người lầm tưởng rằng ông có rất nhiều tháng năm làm mục đồng. Thực tế, họa sĩ Thành Chương chỉ biết ngắm trâu và vẽ bằng tình yêu ruộng đồng của mình.
Để miệt mài vẽ trâu, họa sĩ Thành Chương có quan niệm khá thú vị. Theo họa sĩ Thành Chương, con trâu không chỉ là “đầu cơ nghiệp” mà còn là thành viên trong gia đình người Việt. Cả cuộc đời người nông dân Việt đều gắn bó với con trâu. Khi nhỏ, những đứa trẻ nông thôn phải chăn trâu, nếu con trâu khỏe mạnh, sạch sẽ thì đứa bé sẽ được đánh giá là ngoan. Khi lớn lên, người nông dân Việt phải làm việc cùng con trâu, lao động cùng nó. Đến lúc về già thì lại quay về chăn trâu. Như vậy có thể thấy con trâu gắn bó với vòng đời của người Việt.
Họa sĩ Thành Chương vẽ trâu trên nương rẫy, vẽ trâu nằm tắm nắng, vẽ trâu theo người vào mùa gặt và vẽ trâu co ro trong giá rét… Tóm lại, trâu đi vào tranh Thành Chương như một nhân vật có tình cảm riêng, có vui lặng lẽ, có buồn ngơ ngác… Nhiều người đã mua tranh vẽ trâu của họa sĩ Thành Chương vì họ nhận ra sự tinh tế mà ông gửi gắm qua mỗi tác phẩm. Ở đó, mỗi con trâu mang một tâm sự, vừa thanh thoát vừa ân cần.
Năm Tân Sửu 2021, họa sĩ Thành Chương đã 73 tuổi. Thế nhưng, ông vẫn nhanh nhẹn như trai tráng, với cái đầu trọc và mắt kiếng tròn, trông rất ra dáng “ngũ thập niên tiền nhị thập tam”. Đặc biệt, họa sĩ Thành Chương vẫn được đặt hàng vẽ trâu. Vẽ xong bức nào, bán hết bức ấy. Tranh trâu tiền tươi, tranh trâu thóc thật. Tranh trâu chưa khô sơn dầu ở xưởng vẽ của họa sĩ đã nhanh chóng được đưa rước về nhà riêng của người sưu tập. Họa sĩ Thành Chương tư duy rất thực tế: “Nghệ thuật cũng là một loại hàng hóa, tiền cũng là một trong những thước đo giá trị nghệ thuật. Chẳng ai bỏ tiền ra mua một thứ vô giá trị, vì vậy khi ai đó bỏ rất nhiều tiền cho một tác phẩm nghệ thuật thì chắc chắn tác phẩm ấy có giá trị nhất định”.
Họa sĩ Thành Chương đã trải qua 3 cuộc hôn nhân. Sau người vợ đầu tiên tên Hòa, người thứ hai ông làm đám cưới với diễn viên Thanh Quý. Sau khi chia tay diễn viên Thanh Quý, ông lại se duyên với nhà báo Ngô Hương. Những người vợ có lẽ không mang lại nhiều cảm hứng cho họa sĩ Thành Chương vẽ các bức tranh “trâu ơi, ta bảo trâu này”, nhưng lại tạo cảm hứng cho ông làm thơ trào phúng. Họa sĩ Thành Chương có những bài thơ tếu táo, ký bút danh Trương Cuốc Triến, ví dụ: “Sợ nhất đang đi cùng bà xã/ Gặp áo hai dây trắng lơi lả/ Trót đưa ánh mắt liếc sơ sơ/ Về nhà bả dỗi, hành tởi tả”.