Họa sĩ Phạm Kiên: Người có nhiều chuyện để kể

Thứ Năm, 05/12/2019, 09:10
Thoạt đầu mới gặp, chẳng ai nghĩ người đàn ông sinh năm Mậu Tuất này lại là một họa sĩ. Nhìn mái tóc dài và nhất là bộ râu dài trắng cước, hẳn mọi người đều nghĩ nếu không phải là "Ông Đạo Dừa Nam bộ" thì chí ít cũng là một "Trưởng làng bên Tây Á". Tôi đùa "Sao ông không theo nghề kịch cọt hay phim ảnh gì đấy". Họa sĩ Phạm Kiên cười "Ồ có đấy chứ".


Sinh ra ở phố Bà Triệu, Hà Nội và tròn nửa thế kỷ gắn bó với đường phố đó, nghĩa là "Người Hà Nội xịn" nhưng thực thì Phạm Kiên vốn quê gốc ở huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông xưa. Năm mười bảy tuổi, cậu thi đậu vào khoa Thiết kế sân khấu của Trường Sân khấu Việt Nam (nay là Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội). Sau ba năm theo học, Phạm Kiên ra trường và về nhận công tác tại Xưởng Mỹ thuật sân khấu thuộc Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa.

Người đứng sau những người đứng sau

Họa sĩ trẻ Phạm Kiên gắn bó với xưởng nhiều năm và là nơi công tác lâu nhất trong quãng đời của mình. Ở xưởng Mỹ thuật sân khấu, Phạm Kiên được phân công làm công việc họa sĩ thể hiện. Tôi chưa rõ lắm nên hỏi lại "Họa sĩ thể hiện nghĩa là thế nào?".

Họa sĩ Phạm Kiên cười, ý chừng như muốn bảo "Cứ từ từ rồi khoai sẽ nhừ". Thì ra công việc của họa sĩ thể hiện là nhận bản vẽ (market) từ tay của họa sĩ thiết kế rồi căn cứ vào ý đồ mà người họa sĩ thiết kế đã phác thảo, nghĩa là chuyển từ markets vốn tồn tại trên giấy sang thể hiện thực trên sân khấu. Nghe đến vậy tôi bồn chồn: "Họa sĩ thiết kế vốn đã là người đứng sau vở diễn rồi, vậy họa sĩ thể hiện lại còn đứng sau nữa".

Họa sĩ Phạm Kiên lại cười: "Mỗi người mỗi việc có sao đâu". Tôi cãi: "Sao lại không sao đâu. Thế tôi hỏi nhé: Trong danh mục được trao giải thưởng, tôi thấy có mục dành cho họa sĩ thiết kế. Vậy họa sĩ thể hiện có được dính dáng gì không?".

Phạm Kiên lại cười: "Đúng là có giải thưởng dành cho họa sĩ thiết kế thật, nhưng họa sĩ thể hiện thì không". Tôi ngao ngán: "Không có giải thưởng thì lấy đâu ra Danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú với Nghệ sĩ Nhân dân". Họa sĩ Phạm Kiên che tay châm điếu thuốc lá, sau khi quay đi thả một hơi khói dài thì thong thả: "Danh hiệu không có thì đã sao". Ôi người đâu mà "dễ dãi" thế.

Hỏi thêm mới biết, nghề họa sĩ thể hiện đâu có an nhàn. Sau khi nhận market xong thì họa sĩ thể hiện phải đau đầu để hoàn thành công việc. Bản vẽ thì vẽ thế thôi chứ ra thực tế lại đòi hỏi không chỉ tư duy mà đòi hỏi phải "lăn lộn" nữa.

Đầu tiên là phải tìm hiểu kịch bản sân khấu để quyết định vẽ cái gì, đặt cái gì, làm cái gì cho nó sát thực với thời đại của vở diễn, đúng với bối cảnh lịch sử của câu chuyện có trong kịch bản. Ví dụ: nếu vở diễn đó là câu chuyện thời phong kiến chẳng hạn thì thiết kế được thể hiện trên sân khấu phải là kiểu bóng dáng thôn xưa như cây đa bến nước sân đình. Ví dụ: nếu vở kịch là của nước ngoài chẳng hạn phải thể hiện đó là một khung cảnh kiểu tây. Mà tây cũng có lắm dạng, Pháp hay Nga, Anh hay Đức. Người họa sĩ thể hiện chỉ làm cho xong sẽ làm vở diễn mất đi 50% giá trị. Đem râu ông nọ căm cầm bà kia là vứt luôn.

Tôi lại hỏi: "Ông có nhớ là mình đã thể hiện cho bao nhiêu vở diễn không?". Họa sĩ Phạm Kiên lắc đầu: "Nhiều lắm, làm sao nhớ hết nhưng những vở tôi rất thích và còn nhớ đó là: "Người công dân số một" là "Tôi và chúng ta" là "Nàng Sita"… ôi ôi nhiều lắm.

Những tưởng sau khi rời Xưởng Mỹ thuật sân khấu sang công tác tại Nhà văn hóa Trung ương rồi Viện Nghiên cứu sân khấu thì Phạm Kiên hết "vai" người đứng sau, ai dè "nguyễn y vân". Họa sĩ Phạm Kiên nếu không tiếp tục làm công việc thể hiện cho họa sĩ thiết kế thì cũng "tối ngày" tìm hiểu những trang phục hay vật dụng sân khấu có từ trong kho tàng sân khấu dân gian để tìm ra cái hay cái đẹp, cái mới mà vẫn trung thực cho sân khấu hiện đại. Tôi nói vui: "Anh suốt đời là người đứng sau".

Từ tranh chân dung đến tranh trừu tượng

Thực ra vẽ tranh vẫn là cái trong máu của Phạm Kiên. Hồi còn công tác thì tranh thủ những khi rảnh rỗi. Tranh thủ lúc cảm hứng dâng trào. Đó là những khi họa sĩ Phạm Kiên cầm cây cọ lên và mảnh toan trắng chính là "nơi" để ông thể hiện mình. Vẽ nhiều tranh nhưng Phạm Kiên thích vẽ tranh chân dung. Ông kể rằng: Vẽ chân dung nó cho họa sĩ niềm yêu thích được tìm ra vẻ đẹp, cái hay của từng con người. Người mẫu không cần phải đẹp hay phải trẻ. Người mẫu có thể được chuẩn bị trước và cũng có thể do tình cờ. Phải làm sao toát lên được cái hồn nhân vật cho dù dung dị nhất hay đơn giản nhất.

Rồi Phạm Kiên cho hay "Hồi năm 2018 tôi có lên Sa Pa. Đang đi thăm thú chợ với mấy người bạn, bất chợt tôi bắt gặp một cô gái người Dao đỏ. Khi ấy cô gái đang gùi hàng xuống chợ. Thấy vẻ hay hay và có gì đấy rất gợi ý nên tôi đến gặp và năn nỉ cô ấy chịu làm mẫu cho mình vẽ. Lần đầu tiên trong đời họa sĩ, tôi đã vẽ ngay tại chỗ. Bức chân dung cô gái người Dao đỏ được vẽ xong trong vòng hơn một tiếng và có lẽ là bức chân dung tôi thấy mãn nguyện. Anh hỏi vì sao ư? Đó là vì sự trong sáng của cô ấy và vì sự khoáng đạt của thiên nhiên Sa Pa".

Mười năm trở lại đây họa sĩ Phạm Kiên "xoay" sang vẽ tranh trừu tượng. Đây là một loại tranh rất khó vẽ và rất kén người xem. Tôi bảo: "Khó và kén thế sao ông lại "đâm đầu" vào?". Phạm Kiên bập bập mấy hơi thuốc lá rồi nói: "Tôi muốn vượt qua cái đang hiển hiện trên thực tế. Từ vẽ thật, vẽ trung thực sang thể hiện theo một cách khác. Tôi muốn được vẽ theo cảm nhận của cảm xúc với tư duy tự do hơn và cũng phóng khoáng hơn".

"Nghĩa là thế nào?"  - Tôi vặn hỏi. Họa sĩ Phạm Kiên khoát tay chỉ lên bức tường, ở đó có một bức tranh được treo nghiêm ngắn. Một bức tranh trừu tượng như lời giới thiệu. Tôi nghiêng nghiêng đầu nheo nheo mắt để …xem tranh. Hồi lâu thì im lặng bởi chưa hiểu hết được. Họa sĩ Phạm Kiên nói: "Tôi gợi ý cho anh nhé. Đó là một bức tranh vẽ phố". Được lời gợi ý nên tôi mau chóng nhận ra - đó là một góc phố với những ngôi nhà lô xô.

Một tác phẩm trừu tượng của họa sĩ Phạm Kiên.

"Vậy tôi lại đưa ra gợi ý khác. Anh gạt bỏ đó là góc phố đi mà hãy nhìn nó bằng cảm xúc nào đó trong anh". Tôi lại nheo nheo mắt nhìn lên: "Không phải một góc phố mà đó là một rừng cây trụi lá". Phạm Kiên cười: "Cũng có thể là một gương mặt ai đó. Đấy. Tranh trừu tượng là như thế. Tôi mê vẽ tranh trừu tượng bởi nó là như thế. Tùy vào trạng thái cảm xúc mà ta có thể thể hiện hoặc hiểu đó là gì".

Mười năm theo dòng tranh trừu tượng đã cho họa sĩ Phạm Kiên niềm hứng khởi cứ như được trẻ lại chính mình vậy. "Về hưu đã hơn một năm và bây giờ mới là thời gian dành trọn cho hội họa" - tôi nói thật thà. Họa sĩ Phạm Kiên lắc đầu: "Còn dành cho nhiều việc khác nữa chứ".

Và say sưa viết truyện ngắn

Trước lúc tôi chuẩn bị ra về thì họa sĩ Phạm Kiên lấy ra mấy quyển sách. Ông lúi húi viết lời đề tặng. Đó là tập sách mà Phạm Kiên tập hợp trong những lần tổ chức triển lãm tranh của mình và của bạn bè. Những bức tranh dường như còn nóng hổi đã khiến tôi hỏi thêm: "Còn xuất bản tiếp nữa chứ?". Họa sĩ Phạm Kiên chợt hào hứng: "Sang năm 2020 tôi sẽ xuất bản tập truyện ngắn của mình". Ôi chà chà. Lại còn viết truyện ngắn nữa. Kinh thật.

Phạm Kiên cho hay năm 2015 ông nhận được Giải Ba của một cuộc thi truyện ngắn do Tập đoàn Vingroup tổ chức với truyện ngắn "Chuyện lòng Tham". Tôi đùa: "Có khích lệ rồi, ông viết nữa đi". Họa sĩ Phạm Kiên lần này hào hứng hơn: "Tập truyện ngắn mà tôi dự định xuất bản ấy gồm 200 truyện ngắn được tôi viết mấy chục năm nay. Xưa nay mình mải vẽ nên chưa công bố đâu cả. Nay in cái cho nó khỏi thất lạc".

Kinh quá đi. Một nhà văn chuyên nghiệp như tôi mà cũng chỉ viết được chừng nửa con số ấy. Họa sĩ Phạm Kiên thật đúng là người có nhiều chuyện để kể.

Nguyễn Trọng Văn
.
.