Họa sĩ Dương Thu Phương: Tôi đang đi tìm tiếng nói của chính mình

Thứ Năm, 28/11/2019, 13:26
Đến với hội họa không sớm, nếu không nói là muộn nhưng Dương Thu Phương đã có hai triển lãm riêng của mình. Với chị, đó sẽ là một con đường dài và muốn tồn tại, đi xa, phải tìm được tiếng nói của chính mình.


- Được biết, chị là dân công nghệ, chuyên gia tư vấn của các dự án lớn, nhưng chị lại từ bỏ công việc ổn định đó để theo hội họa. Điều gì ở hội họa hấp dẫn chị đến thế?

+ Vâng, đối với tôi thì không có gì là ổn định. Tôi không thích sự ổn định, tôi thích sự dịch chuyển một cách tích cực. Trước đây khi làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tôi luôn đề xuất nguyện vọng với cấp trên được theo đuổi các dự án mới, vì tôi muốn được học hỏi, được làm những công việc mới và được thách thức chính bản thân mình. Và phải sau rất nhiều năm làm việc tôi mới phát hiện ra mình ưa thích công việc sáng tạo hơn bất kỳ công việc văn phòng khác.

Họa sĩ Dương Thu Phương.

- Theo đuổi hội họa và ngay lập tức một năm sau chị đã có triển lãm đầu tiên mang tên “I dream” - một triển lãm khá ấn tượng và được giới làm nghề đánh giá cao. Từ giấc mơ đó, chị đã đi đến đâu trong hành trình của mình?

+ Thực tế là tôi đã tự tìm hiểu và học về hội họa từ năm 2015 qua các tư liệu trên internet. Tôi vừa đi làm và buổi tối về say sưa vẽ, tôi chẳng có mấy tác phẩm được hoàn thiện vì thời gian buổi tối không đủ, hàng trăm bức vẽ dở dang bỏ đi. Mãi đến giữa năm 2016, tôi quyết định nghỉ ở công ty vì muốn dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu và thực hành hội họa. Từ đó tôi có nhiều thời gian hơn để suy nghĩ về một sự khởi đầu mới, tôi lên kế hoạch và tìm thầy theo học. Rất may mắn khi tôi gặp được thầy giáo, họa sỹ Lê Huy Tiếp vào dịp đầu năm 2017. Tôi đã gặp thầy ở xưởng làm việc tại số 17 Thành Công. Thầy bận vô cùng, vừa làm việc thầy vừa trao đổi với tôi. Tôi rất xúc động vì cuối buổi nói chuyện, thầy đã chấp nhận cho tôi theo học hội họa.

- Vậy thầy Lê Huy Tiếp có ảnh hưởng như thế nào đến phong cách của chị?

+ Trước hết thầy làm cho tôi hiểu về bản chất của hội họa mà trước đó tôi không hề biết, điều đó với tôi là quan trọng nhất. Thầy dạy cho tôi cách nghiên cứu và học tập ở các họa sỹ vĩ đại, các bậc thầy cổ điển như Leonardo Da Vinci, Michelangelo di Lodovico Buonarroti Simoni… Thầy đã rất nghiêm khắc và dạy cho tôi nhiều điều, những bài học và trao đổi tại xưởng của thầy kéo dài nhiều tiếng đồng hồ, có những lúc tôi đã cảm thấy stress vô cùng và khóc. Thầy cũng giới thiệu và phân tích cho tôi về các nghệ sỹ ở những thời kỳ khác nhau, điều này giúp tôi ý thức và chọn lựa được cái gì mình nên hay không nên học ở họ. Thầy không muốn tôi ảnh hưởng phong cách của thầy, mỗi nghệ sỹ cần có phong cách riêng vì nguồn lực và điều kiện sống của mỗi người khác nhau. Nếu tôi muốn tồn tại và đi xa được, tự tôi sẽ phải tìm ra phong cách của mình.

- Một người làm nghề tay ngang chắc hẳn gặp rất nhiều khó khăn. Với nghệ thuật, con đường đó lại càng khắc nghiệt. Chị đã vượt qua những khó khăn đó như thế nào để theo đuổi đam mê của mình?

+ Tôi cho rằng không có gì dễ dàng đối với bất kỳ ai nếu họ muốn gặt hái được thành tựu trong công việc của mình. Đơn giản, tôi cho rằng sáng tạo là điểm mạnh của mình, tôi lựa chọn nó và như vậy tôi cần phải học tập, nghiên cứu và làm việc nghiêm túc để gặt hái được kết quả. Tôi ý thức được điều này rất rõ, với tôi đó là triết lý nhân - quả mà nếu chị để ý, tôi đã thể hiện nó trong rất nhiều tác phẩm trong bộ tranh "Tôi Mơ" của mình.

- Tôi thấy một Thu Phương mạnh mẽ, quyết liệt nhưng cũng mềm yếu, đàn bà, nữ tính trong “I dream”. Và 30-11 này, tại nhà sách Cá Chép, Phương lại trình làng một triển lãm độc đáo với những thiết kế trên chất liệu linen. Từ "Tôi Mơ" đến “Nụ hôn" thể hiện sự thay đổi trên con đường sáng tạo của chị như thế nào?

+ Vâng, có nhiều người nói tôi mạnh mẽ, điều này cũng đúng, tôi thích sự quyết liệt không chỉ trong công việc sáng tác hội họa mà ở mỗi công việc, tôi đều có kế hoạch thời gian cụ thể cho nó và cần nhìn thấy kết quả của việc thực hiện đó. Với hội họa cũng vậy, tôi luôn triển khai công việc giống như một kỹ sư phân tích thiết kế hệ thống hay một người quản trị dự án vậy.

Ở mỗi thời điểm, tôi có thể quan tâm đến nhiều chủ đề khác nhau nhưng tôi sẽ lựa chọn để thực hiện chủ đề mang lại cho tôi nhiều cảm hứng nhất và phù hợp với các nguồn lực tôi có ở thời điểm đó. Như chị thấy đấy, rõ ràng phía sau mỗi chủ đề là cả một hoặc nhiều câu chuyện, có thể nó chính là cuộc sống hiện thực, có thể là mơ ước, có thể là khát khao, hy vọng của chính người sáng tác muốn diễn tả trong các tác phẩm của mình.

Một điểm chung là tôi luôn lấy hình thể người làm những nhân vận trung tâm trong các tác phẩm của tôi. Cơ thể người, cả nam và nữ (đặc biệt trong tư thế nude) luôn đã và sẽ là nguồn cảm hứng lớn trong các sáng tác sau này của tôi.

Ở góc độ sáng tác, ở bộ tranh "Tôi Mơ", tôi vẽ cơ thể nude của người phụ nữ nhưng chỉ 1 nhân vật (single figure). Đến bộ tranh "Nụ Hôn", số lượng nhân vật mà tôi thể hiện là 2 (hay còn gọi là multi- figures), rõ ràng về mặt chuyên môn nó cần những kỹ thuật sáng tác khó hơn, phức tạp hơn. Và tôi muốn thách thức bản thân với mức độ khó tăng dần qua các chủ đề (hay tôi vẫn thường dùng là dự án) mới hơn.

Các tác phẩm của họa sĩ Dương Thu Phương.

- Vẽ tranh, làm thời trang, có vẻ Phương đang hướng tới một nghệ sĩ đa năng hơn là chuyên tâm cho hội họa?

+ Nghệ thuật là bao la và sự sáng tạo là không giới hạn. Tôi mơ ước trở thành một nghệ sỹ lành nghề trong lĩnh vực sáng tác nghệ thuật, điều này giúp tôi được khám phá bản thân mình tốt hơn, tất nhiên đi kèm là những thách thức về nguồn lực tài chính cũng như kiến thức chuyên môn, nhưng tôi muốn làm từng bước một cách chắc chắn và tối ưu nhất có thể, điều đó giúp tôi đến gần với ước mơ của mình hơn.

- Phương sống cả ở Áo và Việt Nam, nhưng các triển lãm của chị đều hướng về Việt Nam và mang đậm chất cổ điển. Chị gia nhập vào đời sống ở một trong cái nôi lớn của nghệ thuật như thế nào và nó có ảnh hưởng thế nào đến các sáng tác của chị?

+ Như chị thấy đấy, nghệ thuật là phi biên giới và phi ngôn ngữ. Hiện nay tôi sống và sáng tác ở Hà Nội và Innsbruck (Áo). May mắn cho tôi là có điều kiện được đi thăm nhiều bảo tàng với những tác phẩm hội họa, điêu khắc, nhiều công trình tượng đài và kiến trúc cổ điển; tất nhiên hành trình viếng thăm của tôi còn kéo dài rất dài nữa, mỗi dịp như thế tôi lại say mê với các tạo hình của các bậc thầy cổ điển và tôi luôn khao khát chạm được tới chân lý nghệ thuật theo cách nào đó trong hành trình sáng tác của mình.

Đây là lần triển lãm cá nhân lần thứ 2 của tôi ở Việt Nam, tất nhiên tôi rất hào hứng được tổ chức sự kiện nơi đây vì có sự ấm áp của gia đình và những người bạn, những người quen thân của mình. Hiện nay ở Áo thì tôi đang tham gia vào một hiệp hội Nghệ thuật Đổi mới (Art Innovation Association), tôi cũng đã có tham gia triển lãm quốc tế tại thành phố Innsbruck với những người bạn nghệ sỹ châu Âu khác, và tôi cũng hoàn toàn tự tin rằng một ngày không xa tôi sẽ làm triển lãm cá nhân của mình tại châu Âu, nhưng tôi cần thêm thời gian để chuẩn bị đủ tác phẩm cũng như các điều kiện tài chính khác nữa.

- Chị làm thế nào để giữ được chất Việt Nam, căn cốt Việt Nam trong các tác phẩm của mình?

+ Sau cuộc triển lãm "Tôi Mơ", đã có một bài viết trên trang cá nhân của một họa nói rằng các sáng tác của tôi thiếu hồn cốt dân tộc. Nhưng nếu chị để ý thì trong bộ tranh đó của tôi đều mang đậm triết lý Nhân - Quả của Phương Đông đó thôi. Hay những tác phẩm về "Nụ Hôn" lần này, thoáng qua chị có thể thấy về hình thức, diện mạo các nhân vật nam nữ trong đó có thể rất châu Âu, nhưng tinh thần mà tôi truyền tải trong các tác phẩm, đó là những nụ hôn, những cái ôm thật dịu dàng ấm áp, rất Việt Nam đó chứ.

Tôi thích quan điểm, hay thế giới quan về nghệ thuật của thiên tài triết học Oscar While: “Nghệ thuật là khoa học của cái đẹp và Toán học là khoa học của chân lý: không có trường phái quốc gia nào cho chúng cả. Thật vậy, một trường phái quốc gia đơn thuần chỉ là một trường phái tỉnh lẻ. Và thậm chí cũng chẳng có cái gì là trường phái nghệ thuật cả”.

- Tôi hình dung Dương Thu Phương là một trong số những người trẻ dám sống, dám theo đuổi đam mê. Chị muốn gửi gắm thông điệp gì cho những bạn trẻ đang trên con đường tìm kiếm đam mê của mình?

+ Như chị thấy đấy, tôi không còn quá trẻ, nhưng tôi vẫn muốn theo đuổi đam mê của mình, và chẳng có gì là muộn để bắt đầu một sự khởi đầu mới; nhiều người họ mới bắt đầu sự nghiệp riêng ở độ tuổi khi mà những người khác bắt đầu nghỉ hưu. Còn với những bạn trẻ, tôi nghĩ rằng các bạn cần học tập và làm việc một cách nghiêm túc cho đam mê của mình, khi các bạn sẵn sàng thì cơ hội tốt sẽ xuất hiện.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị!

Phan Chi (thực hiện)
.
.